Ca sĩ Kim Phượng, một cái tên rất quen thuộc với người Việt tại Houston. Chị trông bề ngoài bình dị nhưng rất cuốn hút với khuôn mặt khả ái và vẻ mộc mạc nhưng lôi cuốn vì đôi mắt biết cười. Nhưng trên hết, chị không chỉ ca hát giúp vui, chị luôn là con người xã hội; chị tham gia rất tích cực những hoạt động từ thiện như gây quỹ giúp các gia đình thương phế binh VNCH tại quê nhà, góp mặt cùng đồng hương trong các sự kiện đấu tranh cho dân chủ – nhân quyền – tự do trong nước.

Ðặc biệt trong bối cảnh diễn biến những ngày gần đây liên quan “Dự luật đặc khu 99 năm” và “Luật an ninh mạng” ở Việt Nam, chị đã đồng hành cùng đồng bào quốc nội tại cuộc biểu tình, thắp nến cầu nguyện cho quê hương bằng tiếng hát lời ca làm rơi nước mắt đồng hương, đánh động lương tri con người.
Thạch Thảo (PV): Chào chị, hân hạnh được trao đổi với chị. Sở hữu “giọng ca khói sương” thiên phú ngọt ngào được ái mộ, chị có thể chia sẻ cho độc giả báo Trẻ cơ hội nào đã đưa đẩy chị đến cuộc đời nghệ sĩ, cũng như một số hoạt động từng tham gia?
Kim Phượng (KP): Xuất thân trong gia đình nghệ sĩ chuyên nghiệp. Cha là soạn giả Nguyễn Huỳnh – tác giả của tuồng cải lương “Tướng cướp Bạch Hải Ðường”. Mẹ là nghệ sĩ Ngọc Lợi. Tuy tên tuổi của thân phụ mẫu từng một thời vang bóng trên sân khấu cải lương Saigon trước 1975 nhưng chị lại có duyên với Tân nhạc hơn là Cổ nhạc.

Tốt nghiệp lớp nhạc Lê Minh Bằng dưới sự hướng dẫn nhạc sĩ Minh Kỳ, chị hát được hầu hết các thể loại bao gồm nhạc nhẹ thính phòng, bolero, nhạc trữ tình, kể cả tiết tấu vui vui như ” Cha cha” tại vài trung tâm giải trí, phòng trà, vũ trường.
Ðã từ lâu không nhớ rõ lúc nào chị chọn lựa con đường ca hát gắn liền cuộc đấu tranh quân dân Việt Nam Cộng Hòa. Có lẽ nguyên nhân từ tình yêu dành cho người lính quân đội bảo vệ Tổ quốc, những người hy sinh cuộc sống riêng tư vì binh nghiệp.
Mặc dù lúc ấy còn trẻ, chị đã trở thành nồng cốt của Ban Văn nghệ Bệnh viện Hải quân trước 1975. Sau đó là Tiểu đoàn 30 Chiến tranh chính trị của Quân đoàn 3.

Chị hiện diện trong danh sách ca sĩ chuyên nghiệp của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và theo vận nước, khi đặt chân đến đất nước Hoa Kỳ, chị tiếp tục gắn bó sinh hoạt hội đoàn quân nhân của các binh chủng.
PV: Không chỉ là một ca sĩ khá tên tuổi, chị còn giữ vai trò MC quan trọng trong các cuộc hội thoại Talk Show tại một số đài truyền hình địa phương ở Texas. Hiện nay đang làm việc tại ABTV 55.4, chị có tận dụng cơ hội để phát huy sở trường cùng tâm nguyện “cứu lấy quê hương” như mệnh lệnh của trái tim người xa xứ?
KP: Ðương nhiên, chị cố gắng làm một số chương trình mang đậm tính chất dân tộc mình. Quê hương chìm nổi luôn trong trái tim nên không ngại ngùng truyền tải tâm tình thể hiện qua tiết mục Mừng Xuân, Tưởng niệm 30/4, ngày Quân lực VNCH… Mỗi lời ca, mỗi tiết mục, chị hầu như gởi gắm tinh thần yêu nước, và khơi gợi tình yêu quê hương ở thế hệ sau.

Và em có biết không, chị rất yêu thích trẻ em, cảm giác hạnh phúc thú vị khi hát mà được các cháu phụ diễn vũ đạo trong tiết mục. Mình như được hóa thân vào cái ngây thơ hồn nhiên đó để yêu thương. Trau dồi, phát huy sở trường hát múa là điều quan trọng mà chị hướng đến thế hệ được sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ. Mai sau, chính các em sẽ là người đóng góp, giữ gìn nét đẹp văn hóa Việt.
PV: Thưa chị, hơn 40 năm hoạt động trong cuộc đời nghệ sĩ, các ca khúc mà chị đã lấy được cảm xúc khán giả bao gồm bài hát nào?
Theo thông tin được biết, chị là người ca sĩ đầu tiên tại Houston đã hát ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Việt Khang “Anh là ai”, “Việt Nam tôi đâu” do nhạc sĩ Trúc Hồ gởi qua, chị đã thể hiện ra sao?

KP: Nhờ khả năng may mắn trời cho, cộng với sự trau dồi nghề nghiệp thì không khó khăn khi diễn đạt, chuyên chở các dòng nhạc Quê hương, bolero, nhạc trữ tình, nên chị may mắn thành công trong một số ca khúc được nhiều khán giả hay yêu cầu hát như Mãi mãi yêu anh, Mất nhau mùa Ðông, Bài Tango xa rồi, Căn nhà ngoại ô, Dạ cổ hoài lang v.v…
Ðặc biệt, chị cố gắng lưu lại hình ảnh ý nghĩa trong bài hát đấu tranh như Anh là ai, Vành khăn tang cho người nô lệ, Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây và một số tác phẩm được dàn dựng công phu nhằm làm sống lại trang sử anh hùng kể cả bi thương của dân tộc.
Khi nhận trọng trách truyền tải nhạc phẩm của tác giả Việt Khang thì chị hát tất cả bằng trái tim. Ðầy tâm tư, có khi chị quên mình đang biểu diễn thì đúng hơn, hát bằng tiếng lòng trăn trở khắc khoải.

PV: Ngoài đam mê sân khấu từ rung động trái tim, từ xúc động tâm hồn, chị còn đam mê gì khác?
KP: Bên cạnh đam mê ca hát, chị còn thích múa, thích kịch, điều hợp một số chương trình liên quan giữ gìn văn hóa, ngôn ngữ Việt trên xứ người. Chị cũng mê viết. Một ước mơ nhỏ khác là trở thành nhà thiết kế thời trang phía sau bức màn sân khấu. Ít ai được biết vài chiếc áo dài lóng lánh dưới ánh đèn sân khấu khi thâu hình là tự tay chị đính từng hạt cườm. Làm điều ấy là xuất phát từ lý do thương chị em bạn diễn. Chị muốn họ nổi bật đẹp hơn.

PV: Trong bối cảnh hiện tình đất nước Việt Nam đang xảy ra, khi trình bày ca khúc “Quê hương bỏ lại” (tác giả Tô Huyền Vân) chị đã rơi nước mắt làm người xem khó mà không rơi lệ tại buổi meeting chống “luật đặc khu 99 năm” ở Tượng đài Chiến sĩ Việt – Mỹ. Chị đang đồng hành với đồng bào quốc nội qua tiếng hát lời ca thiên phú. Ai từng là fans của Kim Phượng cũng sẽ công nhận điều này. Không chỉ vì cùng giòng máu Việt Nam, mà chị đã đưa âm nhạc cùng sự quan tâm đất nước gắn kết với nhau.
KP: Cám ơn em đã tạo thêm sức mạnh cho chị. Con đường còn phía trước, chỉ sợ một ngày nào đó tuổi tác chồng chất, sức khỏe không cho phép để ước mơ ngày trở về Quê hương thành sự thật. (Mắt rưng rưng, chị đã nghẹn lời khi nói đến đây).

PV: Đánh giá mức độ chị song ca với một số tiếng hát như anh Trần Bình Thân, anh Nguyễn Quỳnh… mới biết rằng giọng hát chị tha thiết ngọt ngào, hay đến nỗi các anh ấy khó thể vượt qua..
Chị có tâm tư gì muốn nhắn gởi đến giới trẻ về con đường mình đang đi không?
KP: Chị chỉ có thể truyền hơi ấm đến các bạn bằng câu trả lời ý nghĩa: “Nếu còn một ngày để sống thì xin được sống mãi trong trái tim mọi người bằng lời ca”.
Trở thành người Mỹ gốc Việt dù nơi nào, các em hãy nhớ về cội nguồn. Và trong khả năng mình làm gì được cho quê hương thứ nhất thì nên phát huy, cống hiến.

PV: Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ tâm tình đến bạn đọc. Chúc chị luôn sức khỏe bình an, tiếp tục có những cống hiến nghệ thuật và hoạt động xã hội vì tự do – nhân quyền cho Việt Nam.
TT – thực hiện