Menu Close

World Cup 2018 – Một kỷ nguyên mới

Có thể nói Word Cup 2018 là Giải Túc Cầu Quốc Tế nhiều bất ngờ nhất từ thập niên 1990 tới nay. Hầu hết các đội mạnh (trên giấy tờ) đều bị loại. Trước khi giải bắt đầu đã thấy có sự vắng mặt của Ý, Hoà Lan, thậm chí Mỹ – là những đội không ai nghĩ sẽ chầu rìa. Nhưng sốc hơn cả là những đội trong Top 10 cũng dần dần bị thua gần hết ngay ở Vòng Bảng. Trong khi đó những đội hạng thấp lại chơi trội hẳn lên.

mot-ky-nguyen-moi5
Y. G. Kim của Nam Hàn nhẹ nhàng đưa banh vào khung thành Đức bị bỏ ngỏ vào phút chót, nâng tỉ số lên 2-0 nguồn: FIFA

Bắt đầu bằng cú upset kinh thiên động địa của Mexico trên Ðức 1-0, World Cup 2018 đã đưa người xem từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cỗ xe tăng Ðức lần này không còn vẻ gì là bức tường đồng của những mùa WC trước. Ðối phương dường như đã tìm ra cách phá vỡ hàng phòng vệ của Ðức. Những khuôn mặt cũ như Ösil giờ cũng đã lớn tuổi, không còn làm mưa làm gió như xưa nữa. Thật là bẽ bàng khi thấy nhà đương kim vô địch thế giới lại đứng chót Bảng F sau khi bị tép riu Nam Hàn hạ đo ván 2-0 trong trận cuối. Trong khi đó Mexico dù về nhì Bảng F và vào được đến Vòng 16 trong bảy mùa World Cup liên tiếp (24 năm) nhưng vẫn chưa lần nào vượt xa hơn thế. Hàng phòng thủ của Mexico xưa nay nổi tiếng là yếu, cho nên sau hai trận đầu tương đối may mắn, hai trận sau Mexico đã bị Sweden và Brazil xé banh càng. Trong thể thao có câu: Tấn công giỏi thắng trận, phòng vệ giỏi thắng vô địch là vậy.

mot-ky-nguyen-moi4
HLV Joachim Loew của Đức trong trận thua Nam Hàn 0-2. nguồn: FIFA

Bất ngờ lớn thứ nhì là đội tuyển Argentina với thiên tài Lionel Messi đã chơi quá tệ. Xém tí nữa là Argentina đã về chót Bảng D. Nigeria thua Argentina vào phút chót ở trận cuối Vòng Bảng để rơi từ hạng nhì xuống hạng ba nên Argentina mới vào được Vòng 16 trong đường tơ kẽ tóc. Tuy nhiên, đội hình của Argentina trông rất lủng củng, đã vậy còn dựa vào Messi hơi nhiều nên không phát huy được hết khả năng toàn đội. Lại thêm hàng phòng thủ của Argentina cũng không kín lắm nên chỉ lo đỡ đòn của đối phương không cũng đủ mệt. Vào đến Vòng 16 những nhược điểm của Argentina đã bị lột trần bằng một đội Pháp kỷ luật và nhuần nhuyễn, cộng thêm ngôi sao trẻ đang lên Kylian Mbappé vô cùng nguy hiểm.

Portugal và Spain, sau trận mở màn hết sức hấp dẫn với điểm huề 3-3, đã có vẻ tuột dốc. Tuy cả hai đều vượt qua Vòng Bảng tương đối dễ dàng vì hai đội kia trong Bảng B (Iran và Morocco) không có gì đáng nói, nhưng vào tới Vòng 16 đều bị loại một cách đau đớn. Cristiano Ronaldo của Portugal không đỡ nổi Luis Suarez của Uruguay, để thua sát nút 2-1 thật là tiếc. Còn Spain, đương kim vô địch Euro Cup lẽ ra phải vượt qua đội chủ nhà Russia thì lại lơ là phòng thủ để Nga giữ huề 2-2 rồi thua vì cú đá phạt đền. Cũng phải cho điểm thủ môn Nga vì có mấy cú phá banh quá đẹp, có thể nói là đẹp nhất WC tính cho tới giờ phút này.

mot-ky-nguyen-moi
Ngôi sao đang lên của Pháp, Kylian Mbappé . nguồn: FIFA

Nhưng nguyên do Spain không vào sâu hơn được phần lớn có lẽ vì HLV Julen Lopetegui bị đuổi việc chỉ hai ngày trước khi World Cup bắt đầu. Cựu HLV Hierro phải nhảy vào thay thế vào phút chót nên chắc chắn sự xáo trộn nhân sự ở mức cao nhất này phải có ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý các cầu thủ. Tuy không ai muốn nói ra một cách công khai, nhưng Hierro đã có những quyết định về chiến thuật và chiến lược mà không phải ai trong đội banh cũng đồng ý. Nhưng giả sử Spain không thua Nga đi nữa, chưa chắc Spain đã qua mặt được một đội Croatia đang chơi rất ư cuồng nhiệt và quyết liệt.

Trong khi đó, những đội banh hạng thấp lại gặt hái nhiều thành công, phần lớn nhờ lối chơi toàn đội, không phải dựa vào một siêu sao nào đó để làm bàn. Như Nga, Nhật hay Nam Hàn chẳng hạn. Mặc dù không có được những chân sút nổi tiếng cỡ Messi hay Ronaldo, nhưng các đội này biết cách giữ banh, chuyền banh, phòng vệ, và phản công đúng lúc. Thêm vào đó, họ còn đá phạt đền giỏi hơn. Ta phải cho điểm HLV của những đội này đã chuẩn bị cho cầu thủ của mình kỹ hơn.

mot-ky-nguyen-moi3
Thủ môn Pickford của England phá trái phạt đền của Colombia. nguồn: FIFA

Lấy đội tuyển Anh Quốc làm thí dụ. Kỳ này England không còn có một Wayne Rooney làm trọng điểm nữa cho nên HLV Southgate đã phải phân bố lại các vị trí chiến lược cho phù hợp với thực lực của mình. Có thể nhờ vậy mà England đã về nhì Bảng G sau khi để thua Belgium 1-2 ở trận cuối Vòng Bảng. Có người phỏng đoán rằng HLV Anh đã cố ý thua như vậy để lọt vào Nhánh Phải, không phải đụng độ Brazil trong trận tứ kết bên Nhánh Trái. Không ai biết sự thật ra sao. Nhưng ta biết Southgate đã bắt cầu thủ của mình tập đá phạt đền gần 6 tháng trước khi vào WC. Thậm chí, họ còn phải tập đi bộ từ giữa sân đến chỗ đá phạt đền, rồi phải cho thủ môn biết trước mình sẽ đá vào góc nào v.v… Tất cả chỉ để luyện sự tập trung và tinh thần thép, phòng bị cho trường hợp cần dùng đến.

Và trường hợp đó đã đến trong trận Vòng 16 với một đội Colombia rắn rỏi. Sau khi huề 1-1, Anh đã bình tĩnh qua mặt Colombia 4-3 trong 5 cú phạt đền. Chiến thắng sát sao đó đã giúp Anh vượt qua bao nhiêu lần thất bại ê chề trong những giải WC trước đây vì đá phạt đền quá tệ. Thừa thắng xông lên, England đã dứt đẹp 2-0 một đội Thuỵ Ðiển tưởng chừng rất hung tợn nhưng vẫn chưa đủ bản lĩnh để đối đầu đàn anh England.

mot-ky-nguyen-moi1
Cristiano Ronaldo của Portugal giúp đưa Edinson Cavani ra khỏi sân sau khi Cavani bị chấn thương nguồn: FIFA

Dù Thuỵ Ðiển thua Anh nhưng HLV của Thuỵ Ðiển đã rất thượng võ khi tuyên bố rằng đội Anh chơi rất tuyệt, xứng đáng vào đến chung kết và rất có thể sẽ thắng vô địch. Ngược lại, HLV của Nga đã thô lỗ hết biết sau khi Nga huề Croatia 2-2 trong trận tứ kết nhưng lại thua vì đá phạt đền. Rõ ràng cầu thủ Nga đã không được chuẩn bị kỹ như cầu thủ Anh nên bị khớp và đá banh ra ngoài. Thế mà khi được phỏng vấn sau trận banh HLV Chchensov của Nga đã không thèm trả lời câu hỏi của phóng viên mà quay lưng bỏ đi. Ðúng là một hành động trẻ con đáng tiếc, bởi vì cho dù thất vọng cách mấy chăng nữa đội tuyển Nga vẫn có quyền hãnh diện vì đã đá hết mình để đứng đầu Bảng A và vào được đến tứ kết, một kết quả ngoài sự mong đợi của tất cả mọi người.

Nói tóm lại, World Cup 2018 đưa ta trở về với túc cầu như một môn thể thao đồng đội ở mức cao độ. Nó cho ta thấy không nhất thiết phải có siêu sao mới có cơ hội thắng, thậm chí siêu sao không khéo còn dễ bị HLV đối phương bắt mạch và vô hiệu hoá. Theo thiển ý, đây là dấu hiệu tốt cho một kỷ nguyên mới của túc cầu nói chung, và cho những nước không phải là cường quốc bóng đá nói riêng.

mot-ky-nguyen-moi2
Thủ môn Igor Akinfeev của Nga đá Spain ra khỏi WC 2018 với cú phá phạt đền đẹp nhất giải nguồn: FIFA

BB