Trong bốn năm cuối đời, cha tôi vào ra bệnh viện và các cơ sở điều dưỡng phục hồi chức năng, vật lý trị liệu rất nhiều lần, tôi không thể nhớ hết. Ðó là khoảng thời gian ông chịu nhiều đau đớn nhất vì bệnh ung thư lưỡi quái ác ít nghe nói đến.
Bình thường ông tỏ ra là một người gan dạ, ít khi than van. Ngay cả khi mẹ tôi bỏ ông đi theo người khác, một nỗi đau tâm hồn vô cùng to lớn, ông cũng chôn chặt nỗi buồn và âm thầm chịu đựng. Nhưng bây giờ khác, nhiều lần tôi từng thấy nước mắt cha tôi chảy hai bên má trên khuôn mặt xanh xao hốc hác của ông. Ông biết rõ là bệnh của ông đã ở vào giai đoạn cuối; ngày ông xa trần thế tục lụy này rất gần.
Tôi vào bệnh viện thăm ông hầu như mỗi ngày. Vào ngày thường thì sau khi tan việc ở sở làm, tôi nhín thì giờ ghé thăm ông rồi mới về nhà khi phố đã lên đèn và hết giờ thăm nuôi. Những ngày cuối tuần, tôi vào bệnh viện ngồi lại bên giường bệnh cha tôi lâu hơn. Tôi ngồi đó dõi mắt quan sát tất cả mọi thứ trong gian phòng, gần là khuôn mặt thẫn thờ, là bàn tay gầy guộc, xa là sân sau của bệnh viện qua khung cửa sổ. Thời gian đầu cha bệnh, cha con tôi còn trao đổi nói chuyện. Dần dần, cha càng ít nói, tôi cũng trở nên ít nói hơn.
Bốn năm qua, tôi đóng vai trò một khán giả ngồi hàng ghế danh dự và chứng kiến tận mắt sự tàn phá nghiệt ngã qua từng giai đoạn của ung thư lưỡi trên cơ thể cha tôi: bốn năm điều trị, thử nghiệm, thuốc men, các thủ tục rườm rà, và hàng lô bác sĩ chuyên khoa. Ðội quân tế bào ung thư đã đột kích tấn công lan toả xâm nhập vào mọi phần của cơ thể, tước đoạt dần phẩm chất và nhân phẩm của cha tôi. Phương pháp điều trị bức xạ mãnh liệt đã cướp đi khả năng căn bản nhất là ăn uống, là thâu nạp chất dinh dưỡng. Ông được kéo dài mạng sống qua ống PEG. Ðây là lỗ mở nối ống dẫn ở bên ngoài cơ thể với dạ dày. Bây giờ tôi mới hiểu PEG là viết tắt của “percutaneous endoscopic gastrostomy”, nội soi dịch dạ dày qua da. Lời cầu nguyện vái van của tôi thốt ra trước tượng Phật để ở nhà hoặc thường xuyên quán tưởng trong tâm trí tôi dường như đã không còn hiệu quả nữa rồi. Tận mắt chứng kiến cái chết đến dần với cha tôi quả là cơn ác mộng tồi tệ nhất trong đời biến thành sự thật.

Trong tâm trí tôi, ông vẫn là người cha trọn vẹn, nhưng cơ thể của ông đã thay đổi quá nhiều, từ một thân hình cân đối khỏe mạnh biến thành một cái xác teo quắt. Trọng lượng cơ thể có lẽ đã giảm đến gần phân nửa. Cha tôi gầy queo như nhánh cây khô. Khi tôi nâng đầu cha tôi để kê thêm gối, tay tôi chạm các đốt xương sống ở cổ ông, tôi giật mình. Chúng nhọn và nhô hẳn ra, rời rạc; tôi có thể đếm từng đốt. Tôi xoa vuốt và đếm chúng; tôi muốn xoa dịu nỗi đau của cha, nhưng tôi cũng sợ có khi sự xoa vuốt do tình con thương cha quá sẽ làm cho cha tôi đau hoặc tệ hơn nữa là chúng sẽ vỡ rơi ra. Ý nghĩ đó làm tôi muốn khóc. Không muốn cha thấy, tôi xin phép cha tôi rồi ra đứng ngoài hành lang nấc lên thành tiếng.
Mỗi khi nghe tiếng ư ứ nho nhỏ phát ra trong cổ họng của cha, tôi đều nghĩ vì cha đau. Cơ thể ông đã quá yếu đến nỗi cầm bấm cái remote đổi đài TV cũng khó khăn. Tim tôi bóp nghẹn quặn thắt. Chỉ có nước mắt mới giúp tôi vơi.
Nhân viên bệnh viện thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cha tôi, thăm hỏi và chăm sóc chu đáo lắm. Dù vậy, tôi, người thân duy nhất mà ông có, mới là người ông cần nhất trong lúc này. Hai cha con bên cạnh nhau mà phải dùng điện thoại thông minh để text qua lại như một trò chơi, vậy mà nó làm cha tôi khuây khỏa quên thực tại một lúc.
Cha tôi đòi mang khẩu trang thường trực vì ông nhận biết rằng hơi thở mình có mùi hôi. Ông tránh, không muốn làm người khác khó chịu. Mỗi lần bác sĩ tháo khẩu trang khỏi mặt cha tôi để khám vết loét trên lưỡi, cha tôi nhìn tôi và xua tay ra dấu bảo tôi tránh đi. Tôi vờ bước đi xa để rồi len lén nhích gần lại để nhìn xem nhưng chẳng bao giờ thấy rõ. Bù lại, tôi được bác sĩ gặp riêng để kể rõ cho tôi biết. Ông nói lưỡi cha tôi bị ổ loét một bên, mưng mủ rướm máu, lớp niêm mạc lỗ rỗ những lỗ nhỏ mà khi ấn vào sẽ làm rỉ ra một chất trắng, sản phẩm của hoại tử.
Mỗi lần tôi hôn trán ông để từ giã trước khi ra về, ông ngượng ngùng quay mặt, nhắm mắt lại và siết chặt bàn tay tôi. Tôi biết ông buồn vì bây giờ vai trò người cha đùm bọc chăm sóc cho con đã đảo lộn.
Cha tôi giờ chỉ là một thân xác mong manh yếu đuối. Mỗi lần vào thăm ông, tôi thấy ông như thu nhỏ hơn một chút và tôi cảm thấy một mảnh nhỏ của chính tôi cũng vừa mất. Trước khi vào thăm cha, tôi ngồi trong xe nơi bãi đậu xe của bệnh viện, lòng hồi hộp và xúc động với ý nghĩ dại dột, biết hôm nay cha còn sống không. Và khi thăm cha xong, tôi lại ngồi thừ người trong xe một lúc và khóc. Nỗi lo và nỗi mừng cứ xen trộn nhau và lẩn quẩn quay đều.
Mối quan tâm duy nhất của tôi hiện giờ là cha tôi. Tôi có người yêu và vài người bạn thân. Người yêu tôi đang đi làm việc theo khế ước dài hạn xa tận Dubai, ít khi về Toronto gặp tôi. Chúng tôi chưa có ý định lập gia đình. Bạn tôi thì xã giao an ủi vậy thôi, chẳng giúp được gì cho tôi trong tình cha con riêng rẻ.
Trước kia cha tôi từng là một trung úy phi công trực thăng. Ông di tản khi miền Nam thất thủ. Cha gặp mẹ, một cô gái trẻ bạo dạn và ham thích văn nghệ ở trại tị nạn. Hai người kết hôn và được nhận vào Canada. Một năm sau đó tôi ra đời. Lúc tôi được sáu tuổi, mẹ không yêu cha nữa, ly dị và đi theo làm vợ một người đàn ông da trắng giàu có và lớn tuổi hơn cha tôi. Mẹ có điều kiện hơn để theo đuổi lối sống phù phiếm. Từ đó, cha ở một mình nuôi tôi khôn lớn. Cha bảo tôi là lẽ sống duy nhất còn lại của đời ông. Như vậy làm sao tôi không kính trọng và đền đáp công ơn của cha tôi được chứ.
Lúc bệnh của cha tôi còn trong giai đoạn đầu, ông chỉ đau nhức, nói và ăn uống khó khăn, miệng thường xuyên chảy nước bọt nên phải nhổ ra. Các món ăn có vị mặn, chua, cay đều khiến cho lưỡi ông rát đau, xem như ông phải ăn kiêng và xem như ông ăn không còn cảm thấy ngon nữa. Món ông dễ ăn nhất là oatmeal pha ít sữa và ít mật ong. Ông thích ăn các loại trái cây nhiệt đới như đu đủ, mãng cầu dai, măng cụt, nhãn, trái vải. Một lần ông bảo thèm sầu riêng; tôi không biết nghĩ cách nào vì tôi sợ mùi sầu riêng làm cho mọi người trong bệnh viện khó chịu. Tôi đi hỏi bà y tá trưởng; bà bảo không sao, cứ cho cha tôi ăn nhưng ít thôi. Chắc bà cũng biết cha tôi không còn nhiều cơ hội nữa.
Sợ cha nhai khó khăn và đau đớn, tôi dùng máy xay xay nhừ nát thành món “puree” trái cây và mang vào cho cha uống. Tôi uống thử trước ở nhà ngon lắm. Tôi sung sướng khi cha uống hết và gật đầu ngầm khen ngon.
Tôi giúp dìu cha tôi đi vào phòng vệ sinh tiểu tiện. Tôi đề nghị giúp tắm cho ông nữa nhưng ông không chịu.
Người giúp tắm cho ông thay đổi luôn, khi là một bà Jamaica phốp pháp, khi khác là một ông Phi Luật Tân nhã nhặn ít nói nhưng chu đáo. Cha tôi và tôi không có vấn đề gì với họ. Họ làm công việc của họ một cách chuyên nghiệp và lịch sự. Bà người Jamaica hay gọi tôi là “my dear” hay “sweetheart” nhưng tôi chấp nhận xem đó là cách xưng hô thân tình theo văn hóa của người Caribbean giữa hai người phụ nữ. Ông người Phi thì rất đứng đắn lịch sự, luôn gọi cha tôi là “Mr Nguyen” hoặc “Sir” và gọi tôi là “Miss”.
Thế rồi lại một người khác lo công việc vệ sinh và tắm cho cha tôi. Người này da trắng nói tiếng Anh còn pha chút giọng bản xứ mà tôi không chắc là xứ nào; tôi chỉ đoán có thể là một xứ Ðông Âu nào đó. Vấn đề bắt đầu xảy ra cho cha con tôi.
Tôi nhớ hôm đó là một buổi chiều Tháng Hai lạnh lẽo. Giờ tắm ấn định đã đến mà cha tôi chờ đợi hơi lâu vẫn chưa thấy người trợ tá xuất hiện. Sau cùng thì ông ta đến, chẳng chào cười hoặc xin lỗi gì mà còn nhìn tôi chăm bẳm. Ấn tượng ban đầu của tôi nên coi chừng.Tôi có linh cảm đây là một con người kém tin cậy. Hắn hỏi cha tôi “Ông đã sẵn sàng để tắm chưa? Ðừng lo. Tôi sẽ chăm sóc tốt cho ông.” Không cần chờ cha tôi đứng dậy, thân hình đồ sộ của hắn cúi xuống, hai cánh tay King Kong bế cha tôi lên dễ dàng và hắn đi vào phòng tắm vòi sen.
Tôi từng vào quan sát buồng tắm rộng rãi sạch sẽ sáng trưng có thanh vịn và có ghế thấp để ngồi tắm. Ðứng bên ngoài, tôi lắng tai nghe xen lẫn với tiếng nước chảy là tiếng của viên trợ tá hỏi cha tôi: “Ông thích không?” “Ông không nói nhưng tôi biết là ông thích.” Và hắn cười. Phần cha tôi không nói được, chỉ thốt ra những tiếng ư ứ không xác định được cảm xúc.
Tôi lại nghe tiếng của hắn: “Tắm lâu đủ chưa?” “Muốn tắm nữa không?” “Ðủ rồi há?” “Ðể tôi lau khô cho. Mặc quần áo vào. Xong rồi.”
Hắn lại bế cha tôi đặt trở lại trên giường và nói: “Khỏe rồi nhé. Nằm nghỉ đi. Ðắp chăn cho ấm. Tôi phải trở vào dọn dẹp buồng tắm. Ông ngoan lắm.”
Trước khi rời phòng, hắn còn nhìn tôi nói: ““Hey, little girl, are you OK?”
Câu nói của hắn làm tôi cảm thấy bị xúc phạm nhưng tôi dằn xuống và lờ đi. Bề nào hắn cũng vừa chăm sóc cho cha tôi. Hắn gọi tôi là “cô bé”. Không, tôi không nghĩ một phụ nữ gần 40 tuổi bị một người đàn ông lạ ngang tuổi mình gọi “cô bé” là một lời khen xinh trẻ. Với tôi, đó là một lời khinh thị rẻ rúng phụ nữ. Tôi không phải là một cô gái nhỏ. Tôi là một phụ nữ trưởng thành đang đau buồn vì chứng kiến cái chết dần mòn đến với cha mình trong vô vọng.
Ðè nén cảm xúc, tôi giả vờ không nghe hắn nói. Tôi đi đến bên giường cha tôi, mắt ráo khô. Tôi kéo ghế ngồi gần một bên, đưa tay vuốt những sợi tóc lưa thưa còn lại trên cái đầu không còn tròn trịa. Tôi nắm lấy bàn tay ông, nhìn những sợi gân xanh nổi cộm, ngạc nhiên thấy các móng tay ông lại ra dài nữa rồi nhanh quá. Tôi mới cắt chúng tuần trước đây thôi mà. Càng tốt, tôi có dịp chăm sóc những điều nhỏ nhặt cho cha. Trong lúc cắt và giũa móng tay, tôi hỏi cha tôi người trợ tá có đối xử tử tế lịch sự với ông không và ông có cảm thấy thoải mái không. Ông gật đầu. Tôi dặn dò: “Nếu cha có điều gì không được hài lòng về người trợ tá đó thì cha cho con biết để con báo lại với y tá trưởng”. Ông lắc đầu. Tôi hơi yên tâm.
Ðến kỳ hạn cha tôi phải tắm hai ngày sau đó, người trợ tá lại trễ nải. Thấy hắn cứ đứng tán gẫu với một gã khác gần trước phòng cha tôi, tôi lấy can đảm đi đến gần nhằm ý nhắc nhở. Hắn cũng đoán ra ý định của tôi nên đáp: “Just a minute, sweetie.”
Cái gì? Tôi có nghe nhầm không? Rõ ràng hắn vừa gọi tôi là “cưng”? Một lần nữa, tôi cảm thấy bị hắn xúc phạm. Tôi tức nghẹn. Tôi tủi thân. Mấy năm trời tôi tạm gác qua một bên những hoài bão của riêng mình để dành thì giờ sống bên cha tôi. Trong tôi trở nên có một áp lực vô hình. Tôi đâm ra dễ ngờ vực. Tôi đã có cái nhìn quá khắt khe chăng với những sự việc mà trước kia tôi cho là tầm thường không đáng để ý? Không phải tại hắn cợt nhã mà là do tôi nghĩ như thế? Thành kiến? Tôi khổ sở với ý nghĩ hoang mang đó.
Nhưng tôi không nghĩ sai về hắn. Nó đã chứng minh ở lần thứ ba tôi gặp hắn và cũng là lần cuối.
Hôm đó nhằm giờ ăn trưa ở sở làm, tôi lại không bận rộn công việc sau một cuộc họp với ban giám đốc, tôi đến bệnh viện thăm cha tôi với trang phục đẹp hơn lúc bình thường. Vào đến phòng bệnh của cha, tôi cởi chiếc áo choàng mùa đông máng lên móc áo. Quay mặt lại, tôi bắt gặp hắn đang trố mắt nhìn tôi từ đầu đến chân, một cái nhìn mà tôi cho là trơ tráo sỗ sàng. Có lẽ hắn vừa giúp cha tôi đi tiểu xong vì trên tay hắn đang cầm bình đựng nước tiểu. Hắn lo ra đến nỗi tay hắn rung và cái bình nước tiểu nghiêng khiến tôi chỉ sợ nước đổ ra sàn. Hắn kêu lên một tiếng “Ồ…” và còn lẩm bẩm tiếp tiếng “Baby!”
Tôi phản ứng khó chịu trước hành vi của hắn. Tôi chỉ muốn mặc áo choàng lại và rời bỏ đi ngay.
Bỗng tôi nghe tiếng cha tôi rên rỉ trong đau đớn, nước mắt chảy xuống hai bên má. Tôi bước nhanh đến bên cha tôi ngay tức khắc.
Cha tôi ngồi trên giường, nắm tay tôi, tay kia đập mạnh lên chiếc bàn nhỏ kê ở đầu giường. Người trợ tá ngạc nhiên đứng nhìn. Cha tôi cố hết sức nói thành tiếng: “Anh kia! Ðây là con gái tôi, cỡ tuổi cũng bằng anh đó! Hãy nói chuyện tử tế một chút! Nghe chưa?”
Người trợ tá còn đứng trơ ra đó vì ngạc nhiên. Cha tôi hét lên: “Xin lỗi mau!” Ngay bây giờ!”
Hắn lí nhí mấy tiếng “I’m sorry” rồi lủi ra khỏi phòng.
Tôi ôm chầm cha tôi và khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc. Qua nhạt nhòa nước mắt và giữa những tiếng nấc tức tưởi, tôi gọi “Cha ơi cha… Con thương cha…”
Miếng khẩu trang trên mặt cha đã thấm loang máu đỏ.
PH
Viết cho Ngày Cha Hiền 17-6-2018.