Khi số báo đến tay bạn, người mộ điệu môn thể thao vua khắp thế giới đang chuẩn bị chào đón tân vô địch giải World Cup 2018. Ai sẽ là vô địch xem ra là một câu hỏi khó trả lời trong mùa banh năm nay với quá nhiều những bất ngờ ngoài dự đoán, chẳng mấy ai biết chắc cho đến khi tiếng còi trọng tài kết thúc trận đấu. Đó cũng là cuộc tranh tài chẳng kém phần gay cấn giữa hai tập đoàn sản xuất áo quần, giày dép và dụng cụ thể thao lớn nhất thế giới là Adidas của Đức và Nike của Mỹ mỗi bốn năm. Mời các bạn cùng chúng tôi điểm qua cuộc đấu giữa hai tập đoàn này trong mùa World Cup năm nay ra sao nhân sự kiện thể thao vừa diễn ra.
Bốn năm một lần, World Cup là cơ hội bằng vàng cho các nhà bán lẻ khắp thế giới muốn đem thương hiệu của mình đến với hàng tỉ khán giả luôn hào hứng theo dõi mỗi đường banh, từng trận đấu trong suốt thời gian thi đấu. Ngấm ngầm hay rầm rộ, cuộc chạy đua giữa hai tập đoàn Adidas và Nike cũng luôn là đề tài được nhắc đến trong mỗi mùa World Cup như vừa qua.
Trong số 32 đội tham dự vòng chung kết mùa World Cup năm nay, Adidas thiết kế trang phục và bảo trợ cho 12 đội tuyển quốc gia, trong đó có những đội được xem có nhiều cơ hội để giành thứ hạng cao năm nay trước khi khai mạc như Ðức, Argentina, Mexico, Tây Ban Nha và chủ nhà Nga… cùng các ngôi sao nổi tiếng như Lionel Messi (Argentina), James Rodriguez (Columbia), Mohamed Salah (Ai Cập)… Nike nắm được 10 đội, với các cỗ máy Anh, Pháp, Brazil…, cùng các tài danh như Cristiano Ronaldo (Bồ Ðào Nha), Neymar (Brazil), Harry Kane (Anh)… Puma chiếm 4 đội, còn lại chia đều cho các hãng nhỏ khác chỉ bảo trợ một hay hai đội “vô danh tiểu tốt”. Nhưng như đã nhắc về những yếu tố bất ngờ trên, cho đến khi kết thúc vòng tứ kết hồi tuần qua, trong số 8 đội còn lại để tiếp tục các trận quyết đấu thì Adidas chỉ còn ba đội là Bỉ, Nga và Thụy Ðiển, trong khi Nike xem như đang “dẫn trước tỉ số” với bốn đội mạnh có cơ hội vô địch cao như Anh, Pháp, Brazil và Croatia, và Puma chỉ còn một đội Uruguay duy nhất. Sau bốn trận tứ kết cuối tuần qua chỉ còn bốn đội vào bán kết, xem như Nike có khả năng “thắng đậm” tại giải World Cup năm nay.

Với riêng thị trường cung cấp vật dụng thể thao cho bóng đá mà theo số liệu FIFA thì có khoảng 300 triệu người chơi và khoảng một tỉ khán giả thường xuyên, Adidas được xem là một biểu tượng và gã khổng lồ “bất khả chiến bại” từ nhiều thập niên qua. Cha đẻ người Ðức của Adidas là Adolf (Adi) Dassler – là người đã thiết kế và trình làng đôi giày bóng đá đầu tiên vào năm 1924 để từ đó, giày Adidas trở thành một hình ảnh quen thuộc cho những người chơi môn thể thao này. Từ năm 1970, Adidas là tập đoàn thiết kế và cung cấp chính thức những quả banh cho các trận tranh tài World Cup đến nay, cũng như nhà bảo trợ chính thức được xuất hiện trên các bảng điện tại các vận động trường. Khế ước Adidas trở thành nhà bảo trợ chính thức tại World Cup ký với FIFA kéo dài đến năm 2030, tức vẫn còn đến ba giải World Cup thì các tập đoàn vật dụng thể thao khác hay Nike chẳng có cơ hội “chen chân” làm nhà bảo trợ chính thức cho World Cup, ngoại trừ việc bảo trợ cho từng đội tuyển quốc gia riêng biệt với giá từ 20 đến gần 60 triệu mỗi đội, tùy theo mức độ nổi tiếng và khả năng giành vô địch. Bước vào mùa chung kết World Cup 2018 lần này, với sự về nước sớm đầy bất ngờ của các đội “con cưng” đã phần nào gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Adidas. Phiên giao dịch chứng khoán ngay sau ngày đội Ðức bị loại, cổ phiếu của Adidas đã sụt giảm đến 2.3%. Xem ra Adidas dường như không cản trở được những cuộc tấn công dũng mãnh của Nike cùng những cuộc quảng cáo rầm rộ khắp thế giới trong mùa World Cup này.

Sinh sau đẻ muộn so với Adidas khi hãng tiền thân của Nike được sáng lập năm 1964 và thương hiệu Nike không xuất hiện cho đến năm 1971. Nike – tập đoàn cung cấp trang phục, giày và vật dụng thể thao có tổng hành dinh tại Oregon hiện đang dẫn đầu thế giới trong kỹ nghệ vật dụng thể thao với tổng thương vụ hàng năm vào khoảng 35 tỉ đô – chiếm 18% tổng thị trường thế giới, so với chỉ 25 tỉ đô la và 13% thị trường của Adidas. Nếu thế mạnh và tổng thu cao của Nike từng đặt vào môn bóng rổ, Nike đã không nhảy vào thị trường bóng đá cho đến năm 1994, khi World Cup được tổ chức tại Mỹ. Dù vậy Nike vẫn nhanh chóng trở thành một đối thủ đáng ngại của “đàn anh” Adidas lâu năm. Các báo cáo tài chính của Nike cho thấy tổng thu trong năm qua cho các thương phẩm liên quan đến bóng đá của Nike vào khoảng hai tỉ đô la so với con số ước tính gần ba tỉ đô la của Adidas, là một sự thành công về thương vụ đáng kể khi nhảy vào thị trường này chỉ trong vòng hơn 20 năm qua. Ðiều đáng lo ngại hơn cho Adidas là Nike đang phát triển mạnh ngay tại Châu Âu – được xem là sân nhà của Adidas, vốn chiếm thế thượng phong trong nhiều năm qua tại các giải Câu Lạc Bộ ngoại hạng hay vô địch Châu Âu. Trong khi Nike tấn công Adidas ngay trên “sân nhà” khi bảo trợ được một số đội Châu Âu thì trong giải bóng bầu dục nhà nghề như NFL và các giải đại học tại Hoa Kỳ, Adidas chẳng có cơ hội nào khi Nike độc quyền bảo trợ cho tất cả các đội thi đấu chỉ với duy nhất logo Nike trên ngực. Nike có một chiến thuật quảng bá thương hiệu độc đáo và hiệu quả, cũng như khai thác các sự kiện “tiếp thị” rùm beng, kéo Adidas và các đối thủ của mình phải chạy theo “đấu pháp” khá xưa cũ và rất tốn kém khi nhắm mua càng nhiều đội tuyển quốc gia mạnh và cầu thủ hàng đầu thế giới. Ðó là cách mà Nike từng làm với Michael Jordan, rồi LeBron James hiện nay trong bóng rổ. Trong số 100 tuyển thủ đắt giá nhất thế giới hiện nay, Nike thu tóm 57 cầu thủ, Adidas mua được 33 cầu thủ và còn lại là cho các hãng nhỏ khác, cũng như 15 trong số 25 ngôi sao hay nhất mùa World Cup này là thuộc quyền bảo trợ của Nike. Dù không được là nhà bảo trợ chính thức tại World Cup như Adidas nhưng khoảng 60% cầu thủ thi đấu tại vòng chung kết lần này đã ra sân với những đôi giày Nike. Ðể rồi “gà” Messi của Adidas mờ nhạt trên sân cỏ mùa bóng này và phải về nước khá sớm thì Harry Kane – thủ quân đội Anh đang có khả năng giành chức “Vua Phá Lưới” trong năm nay. Việc kinh doanh phát triển, các chiến lược bảo trợ và quảng cáo tốn kém, kết quả World Cup khả quan, cổ phiếu Nike đã tăng cao đến giá kỷ lục từ trước nay hồi tuần trước.

Mùa World Cup 2014 tại Brazil, dù lần đầu tiên Nike qua mặt Adidas về số đội bảo trợ nhưng theo kết quả chung cuộc thì Adidas xem như đã giành chức vô địch khi hai đội tuyển được bảo trợ là Ðức và Argentina cùng đánh bại hai đội của Nike là Brazil và Hòa Lan ở vòng bán kết, để rồi Ðức đăng quang vô địch. Không kể thêm rằng các danh hiệu “Cầu thủ vàng” hay “Vua Phá Lưới” đều thuộc về các cầu thủ Adidas bảo trợ. Nhưng với kết quả cho đến khi số báo lên khuôn trước khi bước vào vòng bán kết mùa World Cup 2018 năm nay, có lẽ Nike đã “phục thù” những trận thua đậm trước đối thủ kỳ phùng Adidas trong vài mùa World Cup vừa qua.
Sau bốn trận tứ kết cuối tuần qua chỉ còn 4 đội vào bán kết, ba của Nike là Anh, Pháp, Croatia và duy nhất Bỉ của Adidas. Xem như Nike có khả năng “thắng đậm” giải World Cup năm nay.
ĐYT