KÝ của Đinh Quang Anh Thái xuất bản gần đây đã được đón nhận nồng nhiệt. Nhiều nhà văn, nhà phê bình đã viết về tác phẩm đặc sắc này. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu trích đọan bài viết của Nam Dao để các bạn cảm nhận những nét đặc sắc của KÝ. Nam Dao là nhà văn nổi tiếng với những bộ tiểu thuyết Bể Dâu, Đất Trời, Gió Lửa… Ông hiện là Giáo sư Đại học cư ngụ ở Toronto. NGUYỄN & BẠN HỮU
Nao Dao
Trong những thể văn, ký là ghi lại. Cổ nhất ở phương Ðông có lẽ là Sử Ký của Tư Mã Thiên, kẻ bị thiến sống vì sao chép chính xác và luận bình khách quan và vô tư về những sự kiện lịch sử. Ở ta, từ thời dùng chữ quốc ngữ, ký xuất hiện không ít. Miền Bắc, Thạch Lam với Hà Nội 36 phố phường, Vũ Bằng với Miếng ngon Hà Nội, Nguyễn Tuân với Phở... Miền Nam, Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam, rồi Bến Nghé xưa, và hẳn với Phan Nhật Nam qua Mùa hè đỏ lửa, Dựa lưng nỗi chết… Thường, thể Ký ghi chép về chiến tranh, về sinh hoạt, địa lý, đường phố, miếng ăn, phong tục, tập quán. Và ở một góc độ rộng, ký không xa với phóng sự, nhà văn trở thành nhà báo, cứ người thật việc thật, thấy sao nói vậy. Ký dưới hình thức đó, trừ một số ngoại lệ, khó đọng lại trong lòng người đọc như những tác phẩm văn học tầm cỡ. Bắt giam trí năng tưởng tượng trong ngục tù của những hiện thực mắt thấy tai nghe, chữ nghĩa chỉ làm công việc chuyển tải thông tin của báo chí.
Ký, tác phẩm của nhà báo Ðinh Quang Anh Thái, không làm công việc của báo chí. Anh ký về những nhân vật gặp gỡ qua duyên nghiệp. Mắt anh thấy gì, tai anh nghe gì, dĩ nhiên là anh thấy và nghe qua cái màn lọc của cá nhân anh, với sự trải nghiệm và thân phận của riêng anh. Vì thế, nhân vật và người viết hẳn hòa quyện vào với nhau như một nỗi gắn bó và tương cảm. Vì thế, qua nhân vật người đọc ký nhận diện được người viết, mặc dầu người viết diễn vai chứng nhân của nhân vật.
Người đọc nay vào vai với người viết Ký và nhân vật, thành một bộ ba trong cuộc tuần du chữ nghĩa. Ðọc Ðinh Quang Anh Thái, trừ ký về chuyến du hành của anh ở Tiệp, ở Nga, chúng ta có dịp ‘’gặp’’ nhiều nhân vật đặc biệt ở hải ngoại. Họ phần lớn là những nhà hoạt động có tên tuổi trong những lãnh vực văn hóa, chính trị, truyền thông như… Hoàng Cơ Trường, Ðỗ Ngọc Yến, Bùi Bảo Trúc, Trần Văn Bá, Nguyễn Ngọc Bích…Gặp họ qua Ðinh Quang Anh Thái, kẻ gần gũi họ, thật là một cuộc rượu tay ba giữa những thân, không e dè cấm kỵ, không điệu đàng tạo dáng, không đao to búa lớn, không bợm trợn dối trá, không thù tạc tán tụng. Rượu vào, lời ra. Có những lời đau đớn cứa đứt da. Có những hoang tưởng của kiếp lưu đày. Có những ngụm nước mắt nuốt ực vào trong. Và dĩ nhiên có những cái cười, khi là cười mỉm, khi thì cười ha hả, cái cười của đấng trượng phu trước thời thế chao đảo.
Người đọc Ký tiếp cận cả hai, nhân vật và người viết, trong cuộc rượu tay ba. Người đọc, kẻ thực ra đến nhậu với tư thế chầu rìa, nay xin cụng ly, và hô lối thời thượng, dzô, dzô!
…
Người… tôi xin hầu rượu là Như Phong Lê Văn Tiến. Ðinh Quang Anh Thái gọi ông bằng cậu, chẳng phải là có liên hệ máu mủ ruột rà, cậu là tiếng tự nhiên bật ra, cậu Tiến. Ðiều khiến tôi ngỡ ngàng: cậu Tiến có bút danh Lý Thắng, tác giả tiểu thuyết Khói Sóng cuối thập niên 50 thế kỷ trước, đăng hàng ngày trên nhật báo Tự Do thời Ðệ Nhất Cộng Hòa. Và thuở vào mười bốn tuổi đời, thằng bé tôi mê Khói Sóng, mơ đi làm cách mạng như các chú các anh, tuy chẳng hiểu cách mạng là cái chi chi ngoài những hình ảnh tay dao vai súng ngược xuôi trên những nẻo đường đất nước.
Ðinh Quang Anh Thái bị bắt năm 1978 vì tham gia Mặt Trận Dân Tộc Tiến Bộ với Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế, giam tại Trại Phan Ðăng Lưu, và gặp Lê Văn Tiến ở đó. Liên lạc đứt đoạn cho đến tháng 8 năm 1981, hai người có cái duyên ở chung một phòng giam trong khám Chí Hòa. Theo lời kể của Thái, Lê Văn Tiến sống mẫu mực, an nhiên và tự tại, chấp nhận nghịch cảnh tù đày và lạc quan tin vào tương lai. Năm 1982, có tin tù sẽ chuyển trại. Thái hỏi, một khi vượt biên thành công rồi, phải làm gì ? Tiến đáp, vận động quần chúng góp phần vào đại cuộc. Thái xin Tiến đặt cho 1 bí danh. Tiến đáp: Cao Hoà. Tại sao? Cao là Cao Ðài, Hòa là Hòa Hảo, hai lực lượng khả dĩ nên việc ở trong miền Nam.
Ra tù năm 1984, Thái vượt biên và định cư tại Mỹ. Mười năm sau Tiến cũng đến sống ở California, say sưa vẽ ra một dự án làm báo có tầm vóc thế giới, chuẩn bị để khỏi ngỡ ngàng thời hậu Cộng Sản. Năm 96, hai người thuê một mobile home, chung sống trong 2 năm liền. Ðó là nơi đám thanh niên tới lui. Tiến trẻ trung, hài hòa, uyên thâm, trao truyền kiến thức và kinh nghiệm cho mọi người. Ðứng đắn và nghiêm túc là tác phong chính. Nhưng đôi khi, Tiến cũng tếu ra trò. Thái kể, một lần có anh bạn trẻ cùng ngồi trên xe hỏi Tiến: ông Lý Ðông A của đảng Ðại Việt Duy Dân còn sống không? Tiến bảo Thái dừng xe, xoay ra băng sau, nghiêm nghị đáp kiểu ‘’ba tốc’’: còn sống, và ông đang ở ngay quận Cam trên đất Cali này! Ai mà chẳng biết ông Ðông A đã mất tăm từ năm 1947. Còn ‘’ba tốc’’ là cách Tiến thi thoảng tự xưng mình. Ông giải thích, ba là vì đẻ ra đã có anh hai, còn tốc là cà chửng cà giỡn, đùa chơi với đời, xem mọi sự nhẹ tựa lông hồng.
Vâng, thưa anh Tiến, thưa nhà văn Lý Thắng đã viết ra Khói Sóng khiến tôi, người đọc, được một thời mơ mộng. Thưa anh, trải qua 78 cuộc chuyển mùa, long đong phía mặt sau chính trường với ước vọng dùng truyền thông – cái quyền lực thứ tư – tạo tương lai cho một đất mẹ đầy bạo loạn, anh đã trả giá bằng 14 năm tù đày cộng sản. Ðoạn chót, 7 năm trên đất Mỹ, anh tiếp tục mơ mộng xây dựng một con tàu truyền thông vượt đại dương để cặp bến sông Sài Gòn. Anh vẫn một thân một mình sống cô đơn, nhưng hẳn anh không cô độc. Anh có những người bạn trẻ yêu kính anh để gửi gắm những hoài bão và ước vọng. Rồi như mọi sự, cái kết cũng đến. Một đời người. Dăm ước vọng. Những nhành hoa. Và anh lên đường đi một chuyến chơi xa lắc năm 2001.
Viếng anh, tôi xin trích Ðinh Quang Anh Thái:
‘’…bây giờ thì cậu không còn nữa, nhưng đó chỉ là phần xác thôi, chứ tinh anh của cậu, TIẾN như gió, TRỤ như núi, vẫn còn và sẽ còn mãi mãi trong lòng nhiều người, nhiều thế hệ.
Và trong lòng cháu, cậu Tiến ạ ! ‘’
ND