Từ Dân Luận, tác giả Hiệu Minh
Tôi không quen anh Hiến, không theo dõi và đọc nhiều về vụ án này. Nhiều bạn so sánh vụ anh Hiến với vụ Đoàn Văn Vươn, tôi đã xuống tận đầm Vươn, gặp anh vài lần sau khi anh ra tù nên khá hiểu tại sao. Hai vụ giống nhau ở điểm là họ chống lại sự áp bức trong việc chiếm đoạt đất đai của người dân.
Vụ anh Vươn do chính quyền Tiên Lãng tổ chức và vụ anh Hiến do doanh nghiệp Long Sơn tự ý đi cướp đất của dân dưới sự bảo kê của chính quyền. Một vụ gây ra thương tích cho người thi hành công vụ và vụ thứ 2 làm 3 người chết, mới có chuyện anh Hiến bị kết án tử hình.
Xử phúc thẩm thì tòa giảm án cho nhiều người trong đó có ông Thiên Sửu – ông chủ Long Sơn đi cướp đất – được giảm án từ 6 năm xuống 4 năm, cháu ông Sửu người tổ chức, dẫn lực lượng đi cưỡng chế rẫy của dân giảm án từ 4 năm xuống 2 năm.
Chủ Long Sơn khơi mào cho chuyện bắn giết thì phải xử nặng vì anh ta mới là nguyên nhân chính đẩy anh Hiến tới bước đường cùng và người dân không tin vào chính quyền. Nếu anh ta được giảm án thì tại sao anh Hiến không được.
Ngoài chuyện đó, anh Hiến còn được khuyên giải ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của luật pháp, nay tòa giữ nguyên phán quyết “tử hình” nghĩa là tòa tạo ra một tiền lệ, ai đã chót giết người thì đừng đầu thú nữa.
Cái tình của người
Mấy ngày nay tôi nghĩ chuyện tình người nói chung. Người Mỹ, người Anh, người Pháp hay bất kỳ dân xứ nào đều không thích bị gọi tên của dân xứ đó. Anh ta đúng là người Mỹ, cô ấy đúng là dân Pháp. Đó là xấu nhiều hơn tốt.
Người Việt không phải ngoại lệ. Sang Thái du lịch bị dân sở tại gọi là “đúng là người Việt” hiểu theo nghĩa: chen lấn, nói to, không biết luật lệ là gì, đôi lúc tỏ ra thiếu văn hóa, thì chúng ta sẽ nổi đóa.
Trong thực tế đó chỉ là những nhận xét cảm tính dù đôi lúc không sai, nhưng họ bảo mình là “người Việt” thì cú vô cùng trừ phi ta vỗ ngực “Tôi là người Việt Nam”.
Cảm tính đúng sai là hết sức bình thường, hôm nay đúng, mai sai, ngày kia lại đúng, thế giới biến đổi không ngừng.
Nhưng ai đó bảo, anh ta là người Việt hiểu theo nghĩa xấu thì ta nên nhìn dưới giày có bẩn không, quần áo xộc xệch hay không.
Sợ hơn cả, họ bảo đó là đất nước Việt Nam vô pháp luật, một nơi không đáng đến. Tụt hậu và nghèo đói cũng từ đó mà ra, hành xử kiểu giang hồ như Long Sơn hay ở Tiên Lãng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm tiếp tục được “dung dưỡng” bởi chính quyền làm ngơ.
Tiếng Anh có câu “A friend in need is indeed a friend – Người bạn đang cần trợ giúp mới là bạn thực sự”.
Anh Hiến là người đang cần sự trợ giúp, kể cả ông Long Sơn cũng muốn được tự do, là hết sức con người.
Chuyện cha mẹ tôi
Cuối những năm 1930, lúc 17 tuổi cha tôi cùng vài chú bác đi bộ từ Hoa Lư sang Lào lập nghiệp, cỡ khoảng 400-500km. Nếu dọc đường không ai cho ngủ nhờ, nấu cơm nhờ, thậm chí cho ăn miễn phí, thì không hiểu chuyến hành hương đi kiếm sống có thành hiện thực và liệu có ông con đang ngồi viết blog về tình người Việt chở che lúc hoạn nạn khó khăn.
Thử hỏi bố tôi và các bác chú còn sự lựa chọn nào khác ngoài sự cầu khẩn những gia đình dọc đường đi hàng tháng trời. Và những người chủ có lựa chọn nào ngoài chuyện cho khách ở nhờ.
Cha tôi bảo, đó là sự khắc nghiệt của cuộc sống bắt con người ta phải hành xử cho phải đạo. Nếu ông chủ không cho trọ thì bố tôi không biết trông cậy vào ai. Và một ngày nào đó, ông chủ cũng có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Nhà tôi ở ven sông chỗ ngã ba sông Hoàng Long và sông Chanh trên đường đi chùa Bái Đính từ cầu Gián Khẩu. Ngày xưa đó là bến đò ngang. Thời chiến lính đi qua rất nhiều, có người về phép, có người ra quân và có cả lính trẻ đào ngũ.
Mẹ tôi nấu cơm cho họ ăn khi nghỉ lại. Có anh đói quá, không có tiền dọc đường do đào ngũ, toàn đi đêm về tận Sơn Tây, xin mẹ tôi vài nắm cơm độn khoai. Nhà đã nghèo nhưng cha mẹ tôi không bao giờ bỏ rơi họ và chưa bao giờ báo chính quyền.
Mẹ tôi bảo, họ cũng có cha mẹ, có vợ con đang chờ. Giúp họ chính là giúp chính mình, nhỡ đâu ngày nào đó anh trai tôi đi Nam cũng ở vào tình thế đó thì sao. Tôi còn bé không hiểu nổi tại sao, nhưng sau này đi khắp thế gian, tôi mới hiểu tình người là vô giá.
Thật đáng tiếc, sự phát triển đã cuốn trôi nhiều giá trị văn hóa làng xã mà những người thuộc thế hệ bố mẹ tôi đã trải qua và vun đắp. Giờ là lối sống xa lạ thực dụng, tiền làm mờ mắt, bất chấp đạo lý, len lỏi vào từng gia đình, trải rộng từ làng quê đến thành phố.
Chuyện đau lòng xảy ra với những người nông dân chất phát như anh Vươn hay anh Hiến bắt đầu từ những nét đẹp văn hóa quê Việt bị bào mòn mà người trong cuộc khó nhận ra.
Người ta có thể áp khung hình phạt theo mẫu đã có sẵn, theo lệnh trên, theo thỏa thuận không nhìn thấy.
Nhưng mỗi vụ việc mà không nhìn ra nguồn gốc sâu xa từ tình người đang tan vỡ chưa nói gì đến luật pháp không được tôn trọng, thì đừng bao giờ nói đến phát triển, CN 4.0, IOT hay kiến tạo.
Cha mẹ tôi đã khuất bóng cả chục năm rồi, bao nhiêu nước đã trôi qua ngã ba sông. Các cụ không thể nghĩ rằng tình người tan thì có thể đẩy cả hai phía vào vòng tội lỗi, không còn những chuyến đò nặng tình nghĩa đưa lính qua sông vào những đêm tối trời.
—–
VÌ SAO LẠI GIẢM ÁN CHO ÔNG THIÊN SỬU?
Luật Sư Nguyễn Kiều Hưng
Mấy ngày nay dư luận chỉ tập trung vào bản ản tử hình với Hiến mà quên đi việc tòa phúc thẩm đã giảm án cho ông Thiên Sửu – ông chủ Long Sơn. Ông Sửu được giảm án từ 6 năm xuống 4 năm, cháu ông Sửu người tổ chức, dẫn lực lượng đi cưỡng chế rẫy của dân giảm án từ 4 năm xuống 2 năm?
Công ty Long Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông giao hơn 1.000 ha đất vào năm 2008. Việc giao đất chỉ thực hiện trên giấy, không cắm mốc thực địa. Một phần diện tích đất giao phủ lên đất của bà con tiểu khu 1535 đã xâm canh ổn định trước đó. Đây là vùng đất giáp biên giới Cam-pu-chia, nằm sâu hun hút so với khu dân cư tập trung. Lúc bà con TK 1335 đến xâm canh, gần như chưa có dấu chân người. Phần đa dân xâm canh là người dân tộc Nùng đến từ miền núi phía Bắc. Đây có thể xem là một đợt di dân kinh tế, thoát nghèo, cải tạo đất và gìn giữ chủ quyền vùng biên.
Vì lẽ đó, quyết định giao đất cho Cty Long Sơn đã gặp phải sự phản ứng của người dân, tuy vậy người dân vẫn rất thiện chí để thỏa thuận bồi thường. Nhưng nhận lại là sự xem thường pháp luật của Long Sơn và vô cảm của chính quyền. Họ thẳng thừng từ chối bồi thường vườn rẫy của dân. Tổ chức nhiều cuộc “cưỡng chế”, san ủi cây trồng, phá hủy nhà cửa, lấp giếng sinh soạt…trong suốt 8 năm (2008 – 2016). Đáng chú ý, vào năm 2013, Long Sơn thuê giang hồ, cầm đầu là “Thành nghĩa địa” tổ chức hơn 100 người, vây ráp và san bằng nhiều nương rẫy của dân. Tiếp đó, ông Thiên Sửu đã từng đứng trước dân, xưng “tao là con trời” thực hiện những việc tượng tự. Trong thời gian này, không ít người bị khởi tố (bắt oan – sau đó thả) vì dám chống lại ông trời này. Một cụ già từng bị trói vào gốc cây nhìn vườn điều mình bị ủi…

Hàng trăm lá đơn đã được gửi đi, nhưng tất cả đều chìm vào im lặng. Chính quyền địa phương cũng không có giải pháp gì. Ông Thiên Sửu lại “thay trời hành đạo”. Bất chấp cả chỉ đạo của đích thân Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.
Đỉnh điểm, năm 2016, súng đã nổ, tôi gọi đó là “tiếng súng định mệnh”, định mệnh cho số phận của nhiều người. Ông Thiên Sửu đã tổ chức hàng chục người trang bị vũ khí vây ráp nhà Hiến, ủi phăng vườn điều Hiến trong lúc Hiến cùng vợ và 1 con nhỏ đang ngủ (rạng sáng).
Bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, Hiến thức dậy, cầm súng và bắn chỉ thiên 2 phát, nhóm người Long Sơn không hề sợ, dùng gạch đá tấn công vào nhà Hiến. Hiến lên nhà, rồi bắn loạn xạ về phía họ (khoảnh cách xa hơn 30 mét, trong hoàn cảnh trời mưa tối âm u). Họ không chịu rời mà vẫn ẩn nấp xung quanh nhà Hiến…Tiếp đó, cứ gặp đám đông là Hiến bắn…Thấy bất cứ vật gì di động phía trước là Hiến bắn. Mất kiểm soát và vô thức…
Trong hoàn cảnh đó, nếu là bạn, bạn sẽ làm gì? nếu là ông, ông sẽ làm gì, thưa các ông quan tòa?
Nguyên nhân nào gây ra tiếng súng? không phải từ con chó, con mèo mà từ con Trâu mệnh trời. Vậy tại sao ông Thiên Sửu được giảm án, mà Hiến lại không?
Tại sao người bị hại xin giảm án cho Hiến mà không xin cho ông Sửu?
Tại sao tòa lại tước đi mạng sống của Hiến, mà lại khoan hồng cho bọn “cưỡng đất” của dân?