Sau khi nghe nói giải Byron Nelson kỷ niệm 50 năm sẽ được tổ chức tại một sân golf hoàn toàn mới ở Nam Dallas, phóng viên Bảy Bụi của báo Trẻ đã ghi danh làm volunteer cho Giải AT&T Byron Nelson Classic để có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu thêm…

(tiếp theo và hết)
Việc đầu tiên tôi phải làm là vào website của Byron Nelson để ghi danh và nói cho họ biết mình muốn volunteer làm chuyện gì. Té ra họ có cả đống việc khác nhau cho ta chọn. Nào là y tế, lái xe (golf cart) chở cầu thủ đi đây đi kia, cầm bảng điểm đi theo cầu thủ hết 18 lỗ, làm marshal — tức giữ trật tự và im lặng khi cầu thủ sửa soạn đánh v.v. và v.v. Nhiều job quá kể không hết. Nhưng nói chung tất cả những công việc cần có người làm đều được phân công rõ rệt. Người volunteer phải cho uỷ ban volunteer biết 3 công việc mình muốn làm nhất để họ tiện việc chọn lựa và sắp xếp. Hai tuần trước khi giải mở màn họ gởi email cho biết mình đã được chọn làm việc nào.

Một tuần trước khi vô giải, volunteer phải đi họp để được hướng dẫn sẽ phải làm những gì, cần liên lạc với ai khi có vấn đề, và cần phải mua ít nhất một chiếc áo có in logo của AT&T Nelson để mặc trên sân. Té ra làm volunteer không những không được trả tiền mà còn phải tốn tiền nữa! Cũng may volunteer được cho ăn sáng ăn trưa miễn phí, và nước uống với snack lúc nào cũng có (kể cả bia sau giờ làm việc!). Ngoài ra volunteer có thể mua vé rẻ ($20) cho bạn bè và gia đình nếu muốn. Giá thường là $45/vé. Rất tiếc tôi không quen biết nhiều người Việt thích đi coi golf tournament, chứ nếu không thì mua vé rẻ bán lại biết đâu cũng kiếm được đủ tiền bù lỗ!
Một trong những vấn đề khá nhức đầu của sân golf này là nó nằm ở Nam Dallas, cách trung tâm thành phố khá xa, và không có chỗ đậu xe. Thành thử người đi xem phải đậu xe tuốt ở Fair Park cách đó mười mấy dặm rồi đi xe bus vào. Volunteer thì đậu xe ở trường Paul Quinn College gần đó hơn (khoảng 5 dặm) rồi cũng đi shuttle bus đến Volunteer Center đặt tại Trinity River Audubon Center (TRAC) nằm bên cạnh sân golf. Nhưng vì nghe nói có đường xe điện của DART (Dallas Area Rapid Transit) đi đến gần sân golf nên tôi quyết định đi xe điện thử xem sao. Thật là một trải nghiệm lý thú và quý giá.

Ðó giờ ở Dallas đi đâu cũng tự lái xe, giờ phải nhảy xe điện, tôi phải học cách sử dụng app trên phone để mua vé, để dò đường, để biết khi nào có chuyến kế v.v. Muốn đi từ nhà đến sân golf tôi phải đi hai tuyến đường xe điện, đổi trạm ở Downtown, xong đến trạm cuối phải nhảy qua xe bus để đi nốt chặng cuối. Hai tuyến xe điện tương đối đơn giản. Ði tới trạm nào cũng được thông báo trạm kế là gì nên dễ theo dõi. Nhưng lúc lên xe bus ở vùng Nam Dallas thì mới tá hỏa, vì chẳng ai nói cho mình biết xe đang tới đâu, mình phải xuống trạm số mấy… Ngày đầu xe chạy ngang qua sân golf rồi tôi mới nhận ra, đành phải leo xuống ở trạm kế cách đó cả hai cây số và đợi chuyến ngược chiều. Ngày thứ nhì xuống được đúng cổng vào sân golf, nhưng lại cách Audubon Center nửa cây số, lại phải đi bộ một đỗi. Phải đến ngày thứ ba mới biết gọi tài xế ngừng xe cho xuống đúng chỗ. Ðúng là đi (xe bus) một ngày đàng học một sàng khôn!
Vui nhất là ngồi trên xe có dịp nói chuyện với người dân trong vùng, 99% là Mỹ đen. Có người đi làm ngang chỗ này mỗi ngày mấy năm nay mà cũng chẳng biết là bên trong kia là sân golf, đến khi giải bắt đầu và bị kẹt xe kinh khủng họ mới phát hiện ra. Ða số hy vọng giải Byron Nelson sẽ mang đến nhiều lợi tức kinh tế cho khu vực, như thêm job chẳng hạn. Nhưng cũng không ít người tỏ vẻ bi quan, nghĩ rằng mỗi năm một lần kiểu này cũng chẳng giúp được bao nhiêu. Dân đi xe bus vùng này đa số thuộc thành phần thu nhập thấp, thấy những người ăn mặc kiểu golf như mình họ lấy làm lạ, dòm dữ lắm. Nhưng tôi cũng thích vì được bước chân vào một thế giới xa lạ mà bình thường mình không bao giờ đến gần để tìm hiểu.

Nhưng rời xe bus để bước vào khu vực sân golf lại là một thế giới hoàn toàn khác nữa, có thể nói là quay 180 độ. Nơi đây chỉ thấy toàn Mỹ trắng. Ai cũng ăn vận lịch sự, áo bỏ vào quần, nói năng nhỏ nhẹ, không ồn ào như chỗ mình vừa bước khỏi. Khi mình đến ghi danh để nhận công tác, người điều phối uỷ ban volunteer của mình vui vẻ cho hay hôm nay có mấy chỗ khác nhau cần người giúp, mình có thể lựa chỗ nào mình muốn. Vì là lần đầu tiên, chẳng biết đâu là đâu nên mình chọn đại khu vực lỗ 12. Hoá ra nơi đây là một địa điểm khá tốt để quan sát vì nó nằm giữa trục đường của bốn lỗ khác nhau (6, 3, 11, 12), gần cái khán đài tổ bố mang tên “The 360”.
Công việc marshal của mình khá đơn giản, mỗi khi golfer sắp đánh mình phải giơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng. Khi mỗi nhóm golfer đánh xong thì phải chờ họ đi bộ qua khỏi, xong mở dây ra cho bà con đi ngang qua fairway để đến những lỗ khác. Chỉ có thế, nhưng mấy tiếng đồng hồ dưới cái nắng hừng hực của Texas, nếu không nhờ được cho nước uống miễn phí chắc volunteer nào cũng phải … xỉu! Ðến như các tay caddie của mấy chàng golfer cũng phải lè lưỡi. Có người còn nói đùa với tôi: “Tao cũng chả hiểu tại sao tụi bây lại bỏ tiền ra đây để coi tụi tao làm việc!!”

Tuy chỉ là câu nói đùa nhưng nó nói lên một điều: có rất nhiều người đi đến mấy cái golf tournament để nhậu nhẹt là chính, còn để coi golf là phụ. Xung quanh những lỗ quan trọng người ta cho dựng lên những khán đài dành riêng cho các công ty lớn đã bỏ tiền tài trợ cho giải, như Anderson Cooper, Budweiser v.v. Vé vào những chỗ này thường dành riêng cho nhân viên của công ty. Nhiều người được vé free để đi xem nên không phải ai cũng là dân mê golf. Họ chủ yếu đến để bù khú với bạn bè đồng nghiệp, thành thử không khí xung quanh những nơi ấy rất ồn ào và lộn xộn.
Những người mua vé bình dân $45 mới thực sự là dân thích coi golf. Có người đặt ghế tại đúng một chỗ và ngồi đó cả ngày để xem tất cả những golfer đánh chỉ một lần. Ông ta nói ông ta muốn nhìn cách đánh của họ để học hỏi thêm! Làm marshal có cái lợi là được đi vào bên trong lằn dây (thuật ngữ trong golf là “inside the rope”) và đến gần các golfer để quan sát. Dĩ nhiên ta không được phép nói chuyện với họ, nhưng có thể hỏi chuyện những người làm việc cho đài truyền hình hay nhân viên của PGA khi họ không bận.

Trong tất cả các môn thể thao chuyên nghiệp, có thể nói golf là môn dễ cho khán giả đến gần các cầu thủ nhất. Hoặc nói ngược lại, nó là môn chơi mà cầu thủ có thể đến gần với người hâm mộ nhất mà không sợ bị làm phiền. Thậm chí người ta còn dành ra một chỗ riêng gần lỗ 18 cho trẻ em đến gặp thần tượng của mình để xin chữ ký sau khi họ chơi xong.
Làm Volunteer cho PGA dĩ nhiên có cái thú là được tiếp cận với thế giới bên trong lằn dây của golf, được xem tận mắt các cầu thủ mình ngưỡng mộ, nghe họ bàn bạc chiến thuật đánh banh với caddie, học hỏi nhiều điều về cách vận hành một giải golf lớn… Nhưng thoả lòng hơn cả những thứ đó là niềm tự hào rằng mình đã đóng góp phần nào trong việc gây quỹ cho Salesmanship Club để họ giúp các trẻ em nghèo tại trường Momentous Institute. Năm nay trong danh sách volunteer tôi thấy chỉ có một người Việt khác, hy vọng trong tương lai số người Việt tham gia những chương trình từ thiện như vầy sẽ cao hơn.
BB