Một trong những dấu ấn lớn nhất của World Cup 2018 sẽ là sự bá chủ của Europe. Kết thúc Vòng Nhóm, các đội banh Âu Châu đứng đầu 5 trong 8 Nhóm. Chỉ có 4 trong 14 đội banh Âu Châu (Iceland, Ba Lan, Serbia, và hoàn toàn bất ngờ, Đức Quốc) không được đi tiếp vào vòng đấu loại trực tiếp.

Khán giả Mỹ Châu La Tinh sang Nga yểm trợ các cầu thủ con cưng tranh hùng World Cup 2018 đông đảo chưa từng thấy nhưng tất cả đều ra về trắng tay. Chỉ duy nhất Brazil và Uruguay lặn lội vào tới Tứ Kết, nhưng lập tức bị loại. Với Pháp, Croatia, Bỉ, và Anh giành quyền vào Bán Kết, trong 21 kỳ World Cup, đây là lần thứ 5 vòng Bán Kết là tranh chấp nội bộ giữa các đội banh Âu Châu. Và như vậy trong 4 kỳ World Cup gần đây nhất các nhà vô địch liên tiếp thuộc về Âu Châu. Không có gì bất ngờ vì Âu Châu thịnh vượng nhất, có cơ sở thể thao hoàn thiện nhất, với các trung tâm huấn luyện tân kỳ và những huấn luyện viên giỏi nhất. Các câu lạc bộ đá banh hùng mạnh và nổi tiếng nhất đều đóng đô ở Âu Châu. Phải kể thêm từ 1992 với sự ra mắt của giải Champions League thu hút tài chánh càng thêm mãnh liệt bội phần từ TV, giới tài trợ, lẫn đầu tư. Champions League là mỏ vàng thu hút tài năng đá banh khắp thế giới đổ về Âu Châu, v.v… Sự bá chủ của Âu Châu có thể càng thêm rõ ràng khi World Cup mở rộng thành 48 đội vào năm 2026. Lúc đó Âu Châu có 16 đội góp mặt, hầu như chắc chắn sẽ được bắt thăm chia về 16 nhóm mỗi nhóm 3 đội. Với thể thức 2 đội xếp đầu được đi tiếp vào vòng sau, không khó dự báo hầu hết, nếu không phải là tất cả, 16 đội banh Âu Châu sẽ dễ dàng góp mặt ở vòng đấu loại trực tiếp World Cup 2026.
Cử chỉ đẹp
Ðội banh quốc gia Nhật chưa từng thắng trận đấu loại trực tiếp nào, và World Cup 2018 lần này cũng vậy. Họ phải dừng bước trước ngưỡng cửa Tứ Kết, chịu thua Bỉ 2-3. Khi trận banh chỉ còn 25 phút, người Nhật vẫn dẫn điểm 2-0, nhưng lại để thua ngược. Ðáng nói là trong giây phút tức tưởi vô vàn như vậy, cầu thủ Nhật vẫn giữ tinh thần thượng võ, nhã nhặn cúi chào đối thủ, rồi mới rời sân. Và không chỉ riêng cầu thủ dưới sân, mà trên khán đài, các khán giả Nhật dù nước mắt ròng ròng vẫn trật tự dọn dẹp rác trước khi ra về. Người Nhật chẳng những chinh phục trái tim khán giả toàn cầu, mà còn gợi cảm hứng cho vài sắc dân khác, qua cảnh một số khán giả Senegal và Colombia bắt chước dọn dẹp chỗ ngồi.

Ngôn ngữ đá banh
Khán giả mê đá banh World Cup 2018 dễ dàng nhận ra vô số trường hợp giới cầu thủ, trọng tài, huấn luyện viên… trao đổi với nhau trên sân hoàn toàn thoải mái, dù 32 đội banh tới từ 32 quốc gia với văn hóa ngôn ngữ dị biệt. Thực tế đơn giản là, thời đại toàn cầu hóa, trên làng đá banh thế giới, Anh ngữ được dùng rất phổ biến. Cũng có trường hợp mà Anh ngữ trở nên ngôn ngữ bán chánh thức một cách bất đắc dĩ như ở đội Bỉ. Xứ này nhỏ, chỉ có khoảng 11.5 triệu dân, diện tích trên 30,500 cây số vuông (khoảng phân nửa tiểu bang West Virginia), và kinh tế $468 tỉ (xấp xỉ tiểu bang North Carolina), nhưng lại có đến 3 ngôn ngữ chánh thức là tiếng Hòa Lan, tiếng Pháp, và tiếng Ðức. Như tiền vệ Kevin de Bruyne #7 người miền Bắc nói phương ngữ Hòa Lan, còn thủ quân tiền đạo Eden Hazard #10 xuất thân vùng nói tiếng Pháp. Trong quá khứ, có những lúc ngôn ngữ dễ gây chia rẽ, thí dụ các nhóm cầu thủ chia ra, ngồi bàn ăn khác nhau tùy theo nói tiếng Ðức, Pháp, hay Hòa Lan. Thậm chí có những khi liên đoàn đá banh Bỉ phải tổ chức họp báo riêng lẽ cho các cầu thủ nói tiếng khác nhau. Vì vậy, đã thành thông lệ, nội bộ đội Bỉ chỉ được dùng Anh ngữ trong giao tiếp như là “giải pháp an toàn”. Chính HLV Roberto Martinez (người Tây Ban Nha) cũng trao đổi với cầu thủ Bỉ bằng Anh ngữ.

Social media
Mùa đá banh World Cup 2018, các đề tựa như #fifa, #worldcup2018 hay #futbol cũng chiếm hạng VIP trên 4 hệ thống mạng xã hội cá nhân lớn nhất hiện thời là Facebook, Twitter, Instagram, và Snapchat. Riêng trang mạng xã hội của đội Mexico thu hút đông đảo người theo dõi nhất với trên 6 triệu, với Colombia và Brazil theo bén gót, Pháp hạng tư, rồi đến Argentina và Anh cùng đạt khoảng 3.3 triệu người theo dõi. Về phần cá nhân cầu thủ, 3 người có nhiều khán giả hâm mộ nhất là Lionel Messi #10 (Argentina), Cristiano Ronaldo #7 (Bồ Ðào Nha), và Paul Pogba #15 (Pháp). Những tên tuổi thương mại lớn nhất đều gia tăng quảng cáo gấp bội trên thế giới Social Media ảo. Thí dụ các mẫu quảng cáo ngắn gọn 6 giây nhưng đầy đủ phụ đề của Visa được tung ra thị trường 45 nước nói 24 ngôn ngữ khác nhau. Còn hiệu bia Budweiser đặt hẳn tên “Light Up the FIFA World Cup” cho chiến dịch quảng cáo trên hệ thống Social Media với 3 mẫu video khác nhau kéo dài 15, 30, và 90 giây. Sự phổ biến mãnh liệt của Social Media có thể hút hết quảng cáo dành cho TV trong 1 ngày không xa.
Apple thắng lớn
Không sự kiện nào thu hút nhiều khán giả TV như World Cup đá banh – kỳ này chắc chắn vượt xa con số 3 tỉ lượt người. FIFA ước tính thu về tối thiểu $1.6 tỉ từ lợi nhuận quảng cáo World Cup 2018. Các tên tuổi thương mại lớn phải mở hầu bao chi trả những khoản tiền kếch xù để tài trợ World Cup, đổi lại được quảng bá thương hiệu quanh sân banh và trên vô số phương tiện truyền thông khác. Duy có hãng Apple của Hoa Kỳ không thèm làm “Official Sponsor” cũng chẳng bỏ nhiều tiền mua quảng cáo. Nhưng bóng dáng Apple vẫn hiển hiện rõ ràng khắp mọi nơi thông qua việc rất nhiều cầu thủ nghe nhạc đeo wireless AirPods hoặc headphone Beat do Apple làm chủ. Nhà tổ chức World Cup cấm tiệt trò “Ambush Marketing” (tạm dịch là quảng cáo kiểu “du kích”). Giới cầu thủ bắt buộc phải che hết các nhãn hiệu vật dụng nào không nằm trong danh sách nhà tài trợ chánh thức của World Cup, mục đích để ngăn họ đi tắt làm quảng cáo… tay trái kiếm thu nhập phụ trội. Nhưng dù không hề để nhãn hiệu (như AirPods), hoặc có bị che 1 phần (như headphone Beat), với thiết kế độc đáo có 1 không 2, triệu triệu khán giả khắp toàn cầu vẫn dễ dàng nhận ra sản phẩm Apple siêu thông minh.

TTD