Sài Gòn, một buổi trưa đầy nắng giữa mùa mưa. Tôi đứng bên vỉa hè chờ taxi đến đón. Tay phải cầm giỏ xách, tay trái cầm khẩu trang, không còn tay nào rảnh để che nắng nên tôi phải cố đứng nép vào lề trước làn xe đông như… dòng sông. Không ngờ trong dòng sông đó có hai bạn nam giấu tên chạy đến bên tôi với tốc độ có thể thách thức bất kỳ vị cảnh sát giao thông nào. Khi tôi chưa kịp nhận ra thì họ đã chạy qua tôi cái vèo, mang theo cái… khẩu trang trên tay trái của tôi đi mất.

Câu chuyện được tôi kể cho vài… trăm người bạn trên trang cá nhân ở trên mạng, mỗi người một ý kiến khác nhau. Có người nói do họ giựt lộn, đáng ra giựt cái giỏ nhưng gấp quá nên giựt nhầm cái khẩu trang. Có người nói hai chàng trai kia thấy có con mồi “ngon” nên “mượn” khẩu trang của tôi dùng đỡ. Cũng có người nói, họ “thầm thương trộm nhớ” tôi tự bao chừ hổng chịu nói, giả đò giựt khẩu trang làm “tín vật định tình”. Có người thì nói do hôm rồi có nhóm bạn trẻ dự sự kiện Sneaker Fest 2018, cùng theo trào lưu “Rick Kid” nên các bạn nói lên giá các món đồ trên người mình. Toàn hàng hiệu từ bạc triệu đến bạc trăm triệu, trong đó có bạn nam khoe cái khẩu trang 1 triệu tư (51 USD) nên bi chừ mấy người giựt đồ họ chỉ thích giựt… khẩu trang, vừa nhẹ, vừa nhanh mà vừa tiện, có thể phòng khi bị phát hiện phải chạy trốn… Nói chung là chín người mười ý, ý nào cũng có lý, nhưng tôi thấy anh tài xế taxi đến đón tôi nói đúng nhất, ảnh nói do tôi… đẹp, lo nhìn tôi nên hai bạn nam kia giựt lộn. Thật ra tôi cũng nghĩ vậy, nhưng để trong bụng vì từ nhỏ đã được dạy rằng làm người nên khiêm tốn.

Hồi xưa, nếu nói tới Saigon thì người ta nghĩ ngay đến câu “Ăn quận 5, nằm quận 3, xa hoa quận 1, trấn lột quận 4”. Nó không chỉ nói đến “đặc sản” của các quận trên mà còn kể ra những quận ‘tiêu biểu” và ấn tượng nhất Saigon. Khi đó, người Việt có đám tiệc gì thường chọn ra quận 5 thay vì các quận khác vì khu này có những quán ăn, nhà hàng của người Hoa lâu đời, đậm vị Á Ðông hơn những quận khác tập trung các nhà hàng phong cách Tây nhiều hơn. Còn quận 3 lúc đó có nhiều nhà, biệt thự, nhiều con đường đẹp, yên tĩnh nên người ta chọn làm nơi nghỉ ngơi lý tưởng. Còn quận 1, luôn là nơi tập trung những tòa nhà, cửa hàng, công ty thuộc diện xa hoa nhất, sang trọng nhất, là nơi người Sài Gòn tụ họp mỗi đêm sau thời gian làm việc mệt nhọc. Ai có nhà quận 1 được coi như “đại gia” vì giá thành và vị trí đắc địa của nó. Hai lô đất đối diện nhau, bên quận 1 bên quận 3 thì lô bên quận 1 có “nguy cơ” bán giá gấp đôi bên quận 3. Còn quận 4 nổi tiếng là mảnh đất màu mỡ, căn cứ địa của các băng đảng xã hội đen, buôn lậu, mãi dâm, ma túy, trộm cắp, cướp giật, thậm chí có những con đường ban đêm không ai dám đi một mình. Giật dây chuyền, túi xách, cướp xe là chuyện cơm bữa hằng ngày. Quận 4 trấn lột là thế…

Trải qua nhiều thay đổi, con người và xã hội càng ngày càng khác xưa, cái câu “Ăn quận 5, nằm quận 3, xa hoa quận 1, trấn lột quận 4” nay có vẻ “bay đi ít nhiều” như “hương đồng gió nội” của cô gái quê trên tỉnh về làng. Bây chừ, ở bất cứ quận nào bạn cũng có thể ăn, có thể nằm, có thể hưởng thụ xa hoa, có thể chào đón… trấn lột cả. Chỉ cần bạn có đủ tiền để hưởng thụ, đủ sức hấp dẫn bọn trộm cướp (như tôi). Ðể có bằng chứng sinh động, thực tế và rõ nét, tôi xin tự giới thiệu: chỗ tôi mới bị giựt cái khẩu trang nằm ở quận 3, cái nơi yên tĩnh nhiều biệt thự cổ, nhiều con đường đẹp hồi xưa đó. Biệt thự đã bị đập gần hết, cây xanh bị chặt gần hết, tất cả được lấp đầy bằng những dòng sông xe, khói, kèn inh ỏi suốt đêm ngày lên những đoạn đường yên tĩnh. Ðừng lo nếu bạn nghĩ là quận 3 như vậy sẽ không còn “nằm” được, đa số nhà, nhà hàng, khách sạn lớn đều sẽ có… cách âm. Quận 5 bây chừ vẫn nhiều người Hoa, vẫn nhiều nhà hàng, quán ăn lâu đời đậm chất Á Ðông, nhưng người Sài Gòn khi đói hay muốn đãi tiệc không cần chạy qua đó ăn nữa. Vì những quán ăn nổi tiếng, ăn ngon, làm ăn được bi giờ đều có chi nhánh, cơ sở khắp các quận, thậm chí làm biếng bạn có thể lên mạng “order” đến tận nhà nóng hổi ăn ngay trong vòng 30-60 phút. Quận 4 bây chừ cũng khác, những “thành phần nguy hiểm” hồi xưa lớp đã già, lớp đã vô tù, lớp đã… giàu và dọn đi nơi khác. Quận 4 bây chừ cũng như các quận khác, tập trung từ ăn đến nằm đến chơi, dĩ nhiên, luôn luôn kèm trấn lột. Một “mảnh ghép” không thể thiếu cho một… quận ở Sài Gòn. Còn lại là quận 1 xa hoa, nó vẫn xa hoa, vẫn chứa tất cả những cái “nhất” thuộc về ba chữ “khu trung tâm”. Nhưng quận 1 của Sài Gòn bây chừ được coi là nơi để chuyên ăn chơi, tụ họp hoặc làm việc hơn là chỗ để giới thượng lưu, trung lưu chọn mua/xây nhà, giới thiệu cơ ngơi giàu có của mình. Bây chừ, khi nhắc đến khu nhà cao cấp nhất, sang trọng nhất người ta thường nghĩ đến quận 7 hoặc quận 2. Khi quận 7 được coi là tiên phong với mô hình “một Singapore thu nhỏ” thì quận 2 được ví như phố Ðông mới của Sài Gòn. Trong khoảng 5 – 10 năm trở lại đây, hai khu vực này luôn được xem là lựa chọn hàng đầu đối với các nhà đầu tư bất động sản và thường được mặc định là khu vực sinh sống dành riêng cho giới nhà giàu.

Trong khi quận 2 chưa hoàn thiện thì mấy năm nay “lên hương” nhất vẫn là giới bất động sản quận 7, khu Nam Sài Gòn, nơi “tập hợp” những khu đô thị mới toàn biệt thự, nhà cao cấp “ăn gơ” với cảnh quan xung quanh. Trong mấy năm qua đã thu hút rất nhiều người có tiền trong lẫn ngoài nước quảy giỏ về đây sinh sống, trong đó không ít những gia đình người nước ngoài. Vì các doanh nghiệp khi đầu tư vào đây, họ không chỉ xây nhà, mà còn có hàng loạt chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm triển lãm, hội nghị quốc tế, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện, đường sá, các công viên lớn, các con đường nhiều cây xanh bao phủ những công trình trên… Những khu đô thị mới này được đánh giá, giới thiệu làm theo tiêu chuẩn nước ngoài hoàn toàn, đặt sức khỏe và tinh thần của con người lên hàng đầu, nên “tiền nào của đó” là chuyện hiển nhiên. Không phải ai cũng có thể ở được dẫu chỉ là thuê/mướn. Mỗi cư dân phải bỏ ra từ vài tỷ đến vài chục tỷ để sở hữu một căn nhà be bé xinh xinh “có hoa vàng trước ngõ”. Chưa nói, sinh hoạt phí hoặc tiền rác, điện, nước, bảo trì và an toàn mỗi năm cũng lên đến hàng chục, trăm triệu. Những con số mà rất nhiều người làm cả đời không “nặn” ra. Thị dân “chân chính”, ai có thể ngờ được một cái quận 7 hoang sơ, xa xôi ở phía Nam thành phố nay trở thành khu đất vàng, đẹp còn hơn trong phim Hàn như vậy. Những người ở trên đó, có lẽ thập niên trước cũng từng liếc nhìn cụm đất phía Nam trên bản đồ một cách đầy… khinh bỉ, không bao giờ họ nghĩ sẽ ở nơi này thay cho những quận được coi là trung tâm. Vì những thay đổi đó mà quận 7 (đặc biệt là Phú Mỹ Hưng) cũng là địa chỉ dành cho những thị dân không có điều kiện sở hữu nhà ở đây đến thăm thú, vui chơi, mua sắm, chụp ảnh, “sống ảo”… Chỉ cần 15-20 phút chạy xe hoặc 1 ngày đi bộ bạn có thể từ các quận đi vào “khu nhà giàu” của quận 7, cảm giác lúc đó sẽ như là đi vào một không gian khác, mọi thứ từ kẹt xe, ngập lụt sẽ chạy ra sau lưng hết. Và trong những thị dân ham vui đó, dĩ nhiên không hề thiếu… tôi. Vâng, sau khi được hai bạn nam giấu tên giật khẩu trang, tôi đã được anh tài taxi đưa qua quận 7 chụp hình để… khoe trên bài viết này. Trước khi khoe trên đây, tôi đã khoe với vài người bạn ở nước ngoài, đa số họ đều hỏi:
– Ðà Lạt hả? Xanh quá.

Khi tôi khẳng định Sài Gòn, hầu như họ không tin vì đa phần đã quen với hình ảnh xe kẹt cứng, nhà cao tầng san sát và “những cô gái mặc áo khoác hoa” kín mít từ đầu tới chân như vị tác giả nữ người Nhật miêu tả năm nào khi viết về Sài Gòn. Khi đó tôi tha hồ hớn hở, khoe khoang trong sự trầm trồ của những người bạn được nhà nước vinh danh là “khúc ruột ngàn dặm”. Tuy nhiên khi họ bắt đầu tin và ganh tỵ với sự hớn hở của tôi, khuyên tôi lần tới họ về nên dẫn họ qua quận 7 chơi cho bớt lạc hậu thì tôi bắt đầu… lo.
Không phải tôi lo vì quận 7 bây chừ bớt đẹp, bởi hôm rồi tôi đi quận 7 vẫn còn rất đẹp. Bên cạnh đó còn có các tòa nhà, các khu trung tâm mua sắm, các khu ăn uống vui chơi vẫn còn đang xây cất. Hứa hẹn nhiều thú vị. Những thứ tôi chụp hoàn toàn có thiệt, không hề quảng cáo, có khi còn xấu hơn cả “ngoài đời” vì trình độ chụp hình của tôi có vẻ phù hợp với “selfie” hơn. Chuyện tôi lo lắng là, tôi có thể chụp tất cả nhưng không thể chụp mùi… thúi lan tỏa khắp khu đô thị to lớn, đẹp đẽ này. Cái mùi mà những người trong giới thượng lưu “trót dại” mua nhà ở đây phải chịu đựng mỗi năm chừng mấy tháng mùa mưa lẫn nắng. Mùi của nó bốc lên từ bãi rác Ða Phước trị giá hàng ngàn tỷ đô, mỗi năm tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng VN tiền thuế của dân. Bốc lên từ những bản hợp đồng làm ăn béo bở giữa “vua rác” David Dương và những kẻ đổ thừa rác bốc mùi là do “biến đổi khí hậu”.

Trong cái rủi có cái may, mùi thúi kia hiện thời cũng chỉ ở phía Nam Sài Gòn, y như mùi thúi kênh Nhiêu Lộc chỉ lởn quởn quận 3 mỗi mùa nước lớn và những mùi thúi của nhiều bãi rác, con kênh chết khác đang gây khốn khổ cho người dân ở một góc nào đó khắp đất nước VN này như Quảng Ngãi, Phú Quốc… Những mùi thúi này người VN còn tránh hoặc trốn khỏi nó tạm thời được bằng cách bỏ đi/bán nhà, chuyển chỗ ở…. Chứ cái mùi thúi ở nghị trường, ở miệng, ở lòng tham của các ông lãnh đạo tuôn ra rả mỗi ngày, không chỉ người VN ở VN không tránh được mà cả những người VN còn quan tâm đất nước, con người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới cũng khóc ròng, bịt mũi, bó tay…
DU