Menu Close

Nguyễn Hiến Lê trong đời tôi

Nguyễn Hiến Lê là một tác giả quan trọng của Miền Nam. Ông là một cây bút tiếng tăm với 120 tác phẩm giá trị để lại cho đời, và là một nhân cách lớn hấp dẫn thế hệ trẻ. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác sinh thời rất ngưỡng mộ Nguyễn Hiến Lê. Sau đây là trích đoạn bài viết ‘Nguyễn Hiến Lê Trong Đời Tôi’ của Nguyễn Mộng Giác. NGUYỄN & BẠN HỮU

Nguyễn Mộng Giác 

Một sáng Chủ Nhật cuối năm 1984, có dịp ghé lại một hiệu sách ở quận Cam, giở tờ báo Ðời số Xuân Ất Sửu tôi mới biết tin nhà văn Nguyễn Hiến Lê vừa qua đời tại Việt Nam hôm 22 tháng 12 năm 1984.

Tin đó khiến tôi lặng người bàng hoàng!

Ðối với tôi, nhà văn Nguyễn Hiến Lê là một vị thầy uyên bác mà hơn một trăm cuốn sách ông đã xuất bản hướng dẫn tôi suốt các giai đoạn đời. Chẳng những thế, ông còn là một người cầm bút gương mẫu, mà dù cố gắng bao nhiêu đi nữa, tôi vẫn không bao giờ đạt được những thành quả như ông. Sự cần cù hiếu học, sự tôn trọng tinh thần khách quan và nhân bản, sự cẩn trọng đối với chữ nghĩa, đức kiên nhẫn và khiêm nhường… nói chung là những gì cao đẹp nhất ở một nhà trí thức, tôi đều tìm thấy nơi ông.

nguyen-hien-le-trong-doi-toi1
Nguyễn Hiến Lê 1912-1984

Thật ra sự kính trọng hay ái mộ đối với một người không do những điều trừu tượng như thế, mà do những cuộc gặp gỡ, những lần tâm sự, những liên lạc thân hữu, những kỷ niệm chung…

So với các bạn hữu cùng thế hệ với tôi, thì tôi đọc sách ông có hơi muộn. Thời kháng chiến chống Pháp, tôi ở vùng liên khu Năm do Cộng sản kiểm soát nên mãi cho đến năm 1955, sau Hiệp định Genève tôi mới biết đến loại sách “Học làm người” của ông. Hồi đó, ở tâm trạng một học sinh trung học đệ nhị cấp và đang thời những cái mode suy tưởng du nhập từ châu Âu đang ảnh hưởng lớn lao đến tuổi thanh niên, đọc sách của ông, tôi có cảm giác khó chịu như bị ai đó đánh thức giữa lúc đang say sưa với những giấc mộng xa vời. Văn thơ thời thượng nhắc đi nhắc lại mãi những “lưu đày”, những “nôn mửa”, những “choáng váng” những “ngộ nhận”, trong khi ông dịch Dale Carnegie để dạy chúng tôi cách xử thế sao cho khôn khéo, viết Kim Chỉ Nam Cho Học Sinh để bày cách đọc sách, cách làm phiếu ghi chép… Rồi cách kinh doanh, cách học cho giỏi toán, cách chọn một nghề, nói chung là cách học thế nào để không trở thành Con Người trừu tượng, mà học làm người có thể sống và thành công được giữa lòng xã hội.

Trong khi văn chương báo chí thời thượng đưa chúng tôi đến những thắc mắc những tìm kiếm siêu hình, thì sách “học làm người” của Nguyễn Hiến Lê đưa chúng tôi trở về những vấn đề thực tiễn trước mắt. Thú thật hồi đó tôi đã gặp ông, nhưng đã bỏ ông.

nguyen-hien-le-trong-doi-toi
Một số trước tác của Nguyễn Hiến Lê

Suốt thời gian học đại học, rồi ra trường đi dạy, tôi không lưu tâm đến sách của ông nữa. Tôi vẫn giữ thành kiến là sách của ông đã lỗi thời, chỉ giúp ích cho những người hiếu học mà không có điều kiện đến trường thu nhận một thứ kiến thức có hệ thống và trình bày mạch lạc. Sách ông, theo tôi nghĩ, thật cần thiết cho những ai “tự học để thành công” như nhan đề một cuốn sách ông viết.

Nhưng chẳng cần chờ lâu tôi đã nhận ra rằng mình lầm lẫn quá nhiều về ông. Trước hết là những sách khảo cứu và phê bình ông viết về cổ học Trung Hoa và Việt Nam, một thế giới xa xăm huyền nhiệm mà nghề dạy văn chương bắt buộc chúng tôi phải tìm hiểu. Lúc bấy giờ, tôi mới thấy những cuốn như Ðại Cương Văn Học Sử Trung Quốc, Luyện Văn, Hương Sắc Trong Vườn Văn, Ngữ Pháp Việt Nam (ông viết chung với Trương Văn Chình), Tô Ðông Pha, Ðông Kinh Nghĩa Thục, bản dịch Sử Ký của Tư Mã Thiên, bản dịch Chiến Quốc Sách của ông và ông Giản Chi là quý giá.

Chưa hết! Ông còn giúp tôi làm quen với Somerset Mangham qua dịch phẩm những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Anh như Lưỡi Dao Cạo (The Razor’s Edge), Kiếp Người (Of Human Bondage), hay tập truyện ngắn Mưa; giúp tôi cảm phục thêm tài viết tiểu thuyết của văn hào Nga Leon Tolstoy với bản dịch bộ trường thiên tiểu thuyết Chiến Tranh Và Hoà Bình; giúp tôi nhận ra được tinh thần minh triết của hai nhà văn hóa André Maurois và Will Durant; giúp tôi lấy lại được niềm vui cuộc sống khi gặp những điều rủi ro với bản dịch cuốn The Importance of Living của Lâm Ngữ Ðường (nhan đề bản dịch là Một Quan Niệm Về Sống Ðẹp). Hai trong năm cuốn sách ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời tôi là cuốn The Importance of Living của Lâm Ngữ Ðường và Lessons of History của Will Durant. Cả hai cuốn đó đều do Nguyễn Hiến Lê dịch ra Việt ngữ.

NMG

*Nguồn: Nguyễn Mộng Giác.com