này em có nghe tin / hằng hà sa số những con ve sầu
sau mười bảy năm ngủ vùi trong lòng đất / sắp sửa chui lên
suốt một dọc từ georgia tới new york / và sẽ ca hát trong mùa hè này
cho tình yêu / của chúng ta
Một lần anh đã viết như vậy về những con ve sầu.
Mùa này ve sầu kêu rợp những khu vườn, những hàng cây ở quê nhà. Còn ở Mỹ, cho đến khi anh xem lại bài viết này thì chưa nghe thấy. Có lẽ những con ve ở miền đồng cỏ Texas này còn ngủ yên trong lòng đất. Bởi lẽ theo Wikipedia thì chủng loại ve ở Miền Ðông nước Mỹ có chu kỳ từ 13 tới 17 năm để sinh trưởng. Suốt thời gian dài dằng dặc đó chúng cuộn mình nằm dưới đất, sống bằng nhựa của rễ cây rừng. Sau 13-17 năm, con nhộng ve đã trưởng thành tìm cách chui lên hàng đàn hàng lũ và tiếp nối đời ve làm những ca nhân của mùa hè. Có ít nhất 15 lứa ve như thế trên nước Mỹ, một vài giống xuất hiện đúng định kỳ 17 năm, những chủng loại khác 13 năm. Hằng năm, hết lứa này tới lứa khác, chúng xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau vào những thời điểm khác nhau tại nửa phần phía Ðông của Hoa Kỳ. Những giống khác xuất hiện mỗi mùa hè. Texas và Oklahoma là hai tiểu bang xa nhất của miền Tây có dịp nghe tiếng ve ca hát khi mùa hè hạ cánh. Tin khoa học cho biết chỉ những chú ve đực biết ca hát để rù quến những o ve cái. Ðời sống của loài ve trên mặt đất này chỉ có 6 tới 8 tuần lễ thôi. Chúng sẽ chết sau khi đẻ trứng gởi vào lòng đất, cỏ cây để chờ 17 năm sau tiếp nối giòng ve miên viễn.

Thế nhưng, như đã nói ở trên, cho tới giờ phút nhuận sắc lại bài viết này, Nguyễn chưa nghe tiếng ve trong những lùm cây rợp nắng. Nhớ lại, cách đây cũng đã gần 20 năm, anh đã một lần nghe được tiếng ve trên vùng đất này. Và đã ghi lại như sau: Một buổi trưa đã lâu lắm rồi, hồi mới tới xứ Texas này. Không gian đầy nắng. Những cây hải đào nở đỏ. Tôi buông bút, bước ra khu lùm cây cạnh con suối cạn lòng, phía sau tòa soạn báo Vietnam Weekly News của Trần Lộc. Hồn tôi không tĩnh lặng mà say lảo đảo như biển chập chờn. Chợt tôi nghe tiếng ve ran trong bóng mát khu lùm cây. Tiếng ve? Có thật không? Ở xứ này mà cũng có ve sao? Tôi vẫn biết trong từ điển có tiếng cicada chỉ con ve. Nhưng có tiếng không có nghĩa là có trong hiện thực chung quanh.
Tiếng ve mùa hạ. Ðây rồi hồn ta. Một hôm có nắng bỗng nhớ tiếng hát em, hỡi chú ve nhỏ. Nắng bâng khuâng hoài…* Tôi nhớ lắm chứ. Thảo nào, hồi nãy nhìn thấy màu nắng và hoa trúc đào, à không, hoa hải đào màu đỏ, tôi bỗng thấy nhớ một cái gì đó mà chưa định tiếng, định hình được. Thì ra là tiếng ve và màu hoa phượng. Những thực thể tầm thường như vậy trong đời sống mà tôi và bạn và em đã vĩnh viễn mất đi. Muốn lại được nghe thấy, nhìn thấy nó, ta phải vượt trùng dương, băng qua nhiều ngàn dặm trở về. Có hy vọng nào làm được như thế không? Cho nên, buổi trưa nghe tiếng ve, dù không bừng cháy da diết như tiếng ve trong những vườn nhãn ấu thời ở Huế, trên những hàng cây bên trường Lê Ngọc Hân ngày nọ hay trong công viên Tao Ðàn, dọc theo đường Huyền Trân Công Chúa, Sài Gòn như bạn vừa nhắc cho nhớ lại, nhưng thứ tiếng đầy âm vang đó đủ khiến tôi bồi hồi suốt một buổi. Và tôi nhớ lại, sống lại tiếng ve trong những khu vườn ở Huế thời nhỏ, tiếng ve mà có lần tôi đã tả: Nó vang dậy, như một dàn đại hợp xướng, chỗ này vừa lặng tiếng, chỗ khác đã rộ lên, cứ thế không dứt… Những ai từng sống tuổi học trò ở Huế hẳn không bao giờ quên được tiếng ve trong những vườn chùa. Ông Trần Dạ Từ đã từng tả như thế này: Lần đầu ta ghé môi hôn, Trăm con ve nhỏ hết hồn kêu vang… Cảnh này ở đâu vậy cà nếu không ở trong một ngôi chùa nào của Huế vào mùa hạ đỏ khi ông Từ về thăm người yêu ở nơi đây. Riêng Tim Nguyễn này không có người yêu nào để hôn trong tiếng ve như ông Trần Dạ Từ nhưng cũng đã đem lòng yêu bản hợp xướng của ve sầu trong vườn chùa Báo Quốc ngày nào. Cũng như nhà văn Nguyễn Tường Bách đã yêu tiếng ve chùa Từ Hiếu khi ông viết bài tản văn Còn Nhớ Tiếng Ve Sầu đăng ở website Thư Viện Bốn Phương: “Quê tôi xứ Huế mùa hè vốn thường im lặng, một thứ im lặng mà trẻ con như tôi thấy nao lòng nhưng không biết vì sao. Trong cái im lặng da diết đó, tiếng ve thường cất lên khi chúng tôi nằm dỗ giấc ngủ trưa. Trong gió lách qua các thân chuối trong vườn ông bà ngoại tôi không át được tiếng ve, thứ tiếng hay đưa tôi giấc ngủ trưa thừa thãi vì ở xứ Huế, buổi trưa không ngủ thì không biết làm gì… Mùa hè năm 1987, tôi nghỉ trên đảo Mallorca, miền Ðịa Trung Hải. Sau bữa cơm, trong một giấc ngủ trưa hiếm có ở châu Âu, tôi nghe vang đâu đây tiếng ve sầu! Tưởng mình đang nửa mơ nửa tỉnh, nhớ lại tiếng vang vọng ngày xưa, tôi ngơ ngác rồi vùng dậy chạy ra bao lơn khách sạn lắng nghe. Xung quanh tôi là một vùng đồi núi đầy thông xanh, tiếng ve đầm đìa tràn ngập cả một vùng thung lũng! Hàng ngàn con ve sầu nhỏ bé nào đang đọng trên các cành thông, bền bỉ cất tiếng ca xuyên qua ngàn hoa vàng cỏ nội… Tiếng ve, tiếng ve sầu! Tôi gần ứa nước mắt.”

Nguyễn cũng rưng rưng khi nghe tiếng ve trong vòm cây Dallas hồi mới tới xứ này. Tiếng ve. Ôi bản hợp xướng của thời thơ ấu ấy theo Nguyễn trên từng bước chân lưu lãng. Cách đây ngoài 20 năm, cũng vào ngày này Nguyễn và hiền nội rời bỏ đất nước ra đi, chính khúc ca mùa hè ấy đã tiễn chân và mở ra một chân trời buồn bã:
tiếng ve khơi biển rộng
vỡ quá khứ. mù tôi đi
qua những chiếc cầu treo. thiên niên kỷ tàng
tàng. nghiêng. thành phố quạ
Hôm nay, xin ghi lại đoạn văn đã viết để chiêu niệm những mùa ve ở quê nhà và gởi tới những con ve còn trong lòng đất Texas sắp sửa chui lên ca hát cho một mùa vui ngắn ngủi.
TN
Khi ở thành phố Garland Texas 1 tháng 6. 2013
Nhuận sắc lại ngày 10 tháng 7. 2018
*Hát Với Chú Ve Con. Thanh Tùng