Menu Close

Người xây dựng nhịp cầu

Cách nay 44 năm, người phụ nữ trẻ cùng bốn con thơ di tản đến đảo Guam. Thế rồi được đoàn tụ cùng chồng là phi đoàn trưởng F5 Nguyễn Văn Tường (cựu Chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia Dallas). Ngay sau đó, gia đình chuyển về trại định cư Pendleton-California. Nhờ các ông thầy dạy bay xưa của chồng giúp đỡ tìm người bảo trợ, may thay có một gia đình người Mỹ ở Arizona đón nhận. Cả nhà bắt đầu trải qua những biến đổi của cuộc sống mới với nhiều nỗi vui buồn. Nhưng căn bệnh trầm cảm, một hội chứng di dân, chợt đến với người phụ nữ ấy. Mời bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên Trẻ và cô Jennifer Nguyễn – Chủ tịch Cộng đồng đa văn hoá của thành phố Garland.

nguoi-xay-dung-nhip-cau4
Cô Jennifer Nguyễn bên cạnh thị trưởng Garland

PV Trẻ: Có lẽ cuộc sống mới quá lạ lẫm làm cho cô lo lắng hay một nguyên do nào khác khiến cô hụt hẫng làm suy sụp tinh thần sinh ra căn bệnh trầm cảm.

Cô JeNnifer: Ðây là câu chuyện dài, bắt đầu theo đoàn người toàn phụ nữ và trẻ em thân nhân của các sĩ quan không quân ở Tân Sơn Nhất. Tôi cùng bốn con thơ được Không lực Hoa Kỳ di tản qua các căn cứ ở Thái Lan, Phi Luật Tân rồi đến Guam, khiến tâm trí tôi luôn bất an. Thôi thì bắt đầu từ khi được gia đình ông bà Rocky/Roseanne Ford bảo trợ, tận tình chăm lo như con cháu ruột. Với tình thương đùm bọc của họ mà gia đình tôi được tồn tại. Tuy nhận nhiều giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất nhưng tôi không khỏi chạnh lòng nhớ đến gia đình ruột thịt của mình. Tôi tự trách mình rời quê hương mà không có cơ hội giã từ với người thân và tiếc những gì mình từng làm công việc của một tư chức. Ở xứ lạ quê người, một đám con nheo nhóc phải chăm lo mà không phụ giúp được chồng vất vả đi làm lo cho gia đình vừa đi học để tiến thân. Tôi không giúp ích gì được, cảm thấy mặc cảm bất tài, vô dụng.

nguoi-xay-dung-nhip-cau3
Hồi mới đến Arizona cách nay 44 năm

PV Trẻ:  Chuyện đó đã làm cho cô suy sụp tinh thần. Nhưng nghe chuyện của cô, xem ra căn bệnh tâm lý này không phải là vừa.

Cô JeNnifer: Trầm cảm sâu. Sâu đến nỗi tôi nghĩ đến cái chết sẽ giải thoát tất cả. Mẹ nuôi Roseanne lo lắng, khuyên tôi nên đi học hay đi làm để khuây khoả. Bà giúp đưa đón hai cháu lớn vào trường, còn hai cháu nhỏ thì vợ chồng tôi gởi vào nhà giữ trẻ. Tôi được nhận vào làm Data entry cho Công ty Prudential Insurance. Cuộc sống như thế tưởng yên ổn nhưng chứng trầm cảm ngày càng nặng hơn. Công ty giúp tôi nhập viện, giúp đỡ rất nhiều. Kể từ đó, tôi ra vào bệnh viện tâm thần, không còn lo cho các con, giúp chồng được nữa. Gia đình Ba Mẹ nuôi tận tình chăm sóc các con tôi, giúp chồng tôi vượt qua nhiều chông gai để tiếp tục việc học, có thời gian vào nhà thương thăm tôi sau khi các con đã ngủ say. Còn tôi như kẻ nửa mê nửa tỉnh. Khi tỉnh thì chỉ muốn chết cho chồng con đỡ khổ. Khi mê thì chả còn biết ai là ai. Ðiều trị độ vài tuần, tâm trí dần phục hồi thì bác sĩ cho xuất viện. Công ty Prudential thâu nhận tôi trở lại làm việc và cứ thế cho đến 1980 thì bệnh tôi tái phát khi nhận tin mẹ tôi qua đời tại quê nhà Bến Tre.

– PV Trẻ:  Ái cha! Vậy là một cú sốc tâm lý nặng, chắc cô phải vào bệnh viện lần nữa phải không? Sau đó, cô có cách gì để vượt qua chấn thương tâm lý đó và nguyên do nào đã thúc đẩy cô vươn lên trong cuộc sống ở xứ người.

Cô JeNnifer: Vào bệnh viện, qua những ngày, giờ chung sống với những người đồng bệnh, tuy cảnh ngộ khác nhau mới biết được giá trị của một con người khỏe mạnh, quý giá biết bao khi mình còn biết được mình là ai. Những lúc tỉnh táo tôi buồn và nhớ các con lắm. Một hôm chồng tôi mang cháu Tường Tam vào thăm, tự nhiên cháu xin được lên nằm với tôi, cháu ôm cổ tôi nói nhỏ: “Mom, I love you, if you die I will die with you”.  Câu nói đó ám ảnh tôi hàng giờ, hàng ngày, lời bé bỏng của con trai út đã vực tôi từ đáy sông, trái tim người mẹ trong tôi sống dậy. Tôi phải làm thế nào để khỏe lại mà lo cho các con, thực hiện giấc mơ bỏ dở. Từ ngày đó, tôi cố gắng chịu đựng kềm chế những cơn đau đầu, tôi tự giảm thuốc an thần và tôi đã thắng. Tất cả mọi người không ngờ ý chí sống của tôi lại mạnh đến thế. Tôi tự nhủ sẽ cố khắc phục tất cả và tình nguyện làm bất cứ gì có thể để giúp người, giúp đời nếu Bề Trên cho tôi sức mạnh. Tôi xuất viện, xin được việc làm tại phòng tài chánh, phòng lương/payroll ở công ty Intel corporation tại Chandler AZ và đi học trở lại. Chồng tôi vẫn tiếp tục làm cho công ty Litton Industries, chính công ty này đã khuyến khích, giúp anh ấy đi học thành tài. Cuộc sống bắt đầu dễ thở hơn sau đó. Ðến năm 1985, công việc của chồng tôi chuyển về Garland, Texas. Thế là thêm lần nữa di cư.

nguoi-xay-dung-nhip-cau2
Thanksgiving hằng năm, gia đình cô Jennifer đều về Arizona thăm mẹ nuôi Rosanne

PV Trẻ: Chắc thuở đó Garland còn buồn tẻ lắm hả cô? Cô còn nhớ hình ảnh của ngày mới đến khu vực nhà cô ở.

Cô JeNnifer: Khi đi thăm Dallas, Garland tìm mua nhà thì thú thật tôi không thích chút nào hết. Sống bên Mesa, AZ quen rồi. Tuy nhiên, cháu Tường Tam thì lại thích Garland, nhất là khoảng đất, đồng trống hoang vu hai bên đường Pleasant Valley. Vắng, yên tĩnh chứ không trù phú, đông đúc như bây giờ. Lô đất cháu thích, lúc đó chỉ có bốn căn nhà đang xây, sau nhà là một thung lũng bát ngát với rặng sồi, qua hết thung lũng lại có con suối nối dài từ hồ Ray Hubbard mà người Việt mình đi câu gọi là Suối Tiên, không gian nhìn giống như miền Tây quê tôi vậy. Mùa Xuân thì hoa dại tím, vàng phủ đầy thung lũng, cây xanh nước biếc hữu tình, rất nên thơ.

PV Trẻ: Khi nào cô bắt đầu tham gia sinh hoạt xã hội, lúc đó với vai trò gì? Lý do nào khiến cô hết mình với công việc xã hội không lương.

Cô JeNnifer: Không gian tĩnh mịch, yên ắng, việc làm tốt. Các cháu siêng năng, chăm chỉ học hành, sức khỏe tôi cũng khá ổn. Chồng tôi bắt đầu sinh hoạt với hội Không Quân địa phương và Cộng đồng Người Việt Dallas nên tôi cũng tham dự một vài lần. Công việc của tôi có cơ hội được giao tiếp với các đại diện công ty lớn, quen biết, học hỏi từ họ rất nhiều. Tôi may mắn được thị trưởng Jim Spencer lúc bấy giờ tiếp xúc, giới thiệu bà Denish Owens, Jim Slaughter, họ chỉ dẫn cách xin giúp đỡ cộng đồng. Năm 2000 tôi và các đại diện các sắc dân khác khởi xướng Hiệp Hội Người Mỹ gốc Á Bắc Texas DFW ASIAN AMERICAN CITIZENS COUNCIL. Sau đó, dù bận rộn việc làm tôi xin chồng tôi ủng hộ cho tôi tham gia sinh hoạt trong dòng chính, khởi đầu là tham gia Cộng đồng đa văn hoá thành phố Garland.

nguoi-xay-dung-nhip-cau1
Tham gia ý kiến tuyển chọn tân Giám Đốc Sở Học Chánh Garland (thứ tư từ trái, hàng ngồi)

PV Trẻ: Hiểu ra sao với cụm từ “Cộng đồng đa văn hoá”? Tổ chức này đóng vai trò như thế nào trong đời sống dân nhập cư?

Cô JeNnifer: Ðây là ủy ban độc nhất của thành phố, tuy chúng tôi làm việc không lương nhưng ủy ban này có ngân sách làm việc. Sau khi tham gia không bao lâu thì các thành viên (13 người được chỉ định bởi Thị trưởng và các nghị viên) bầu chọn tôi làm chủ tịch. Quốc gia Hoa Kỳ này được bền vững, hùng mạnh đều do sự đóng góp của di dân từ các nơi trên thế giới. Suốt quá trình học hỏi, làm việc, lắng nghe, nghiền ngẫm tôi cho rằng nếu có sự tin tưởng, tôn trọng tuyệt đối từ các cộng đồng bạn, nếu biết uyển chuyển kết nối thì tiếng nói chúng ta sẽ vang xa và lớn hơn.

PV Trẻ: Bên cạnh sinh hoạt cộng đồng, xin chị nói qua một chút công việc ở công ty cho đến khi nghỉ hưu.

Cô JeNnifer: Tôi rất may mắn là từ khi định cư tại Hoa Kỳ, ngoài những lúc yếu đau phải nghỉ dài hạn có lương ra thì tôi chưa bị mất việc ngày nào cho đến khi công việc nhiều áp lực, đòi hỏi phải bay đi liên tục từ Dallas đến Chicago, Houston… Thời gian chăm lo gia đình thu hẹp, nên chồng con khuyên tôi nên nghỉ hưu để dành thời gian sinh hoạt Cộng đồng đa văn hoá của thành phố theo sở nguyện.

PV Trẻ:  Những vui buồn nào xảy ra khi làm việc với thành phố? Xin cô kể một kỷ niệm đáng nhớ nhất.

Cô JeNnifer: Kỷ niệm buồn tất nhiên nói ra chẳng vui nhưng kỷ niệm vui kể ra cũng buồn… cười. Bất cứ thị trưởng hay nghị viên mới nào tôi cũng được họ ân cần tham vấn ý kiến. Các thành phần, cơ quan thành phố đều xem tôi như người thân của họ. Hầu hết những yêu cầu từ tôi họ đều đáp ứng nhanh và hiệu quả nhất. Buồn cười nhất là hồi đầu năm này, vị Thị trưởng lúc đó vì muốn lấy số phiếu đồng thuận từ 8 nghị viên, nên ông mang tên tôi ra ngay trong buổi họp, tung tin rằng ông đã dọ ý bà Jennifer Nguyễn và đây là ý của bà ấy. Bực khi biết ông ấy lợi dụng tên mình nhưng nghĩ ra tên mình mà cũng có giá trị lợi dụng thì cũng vui vui.

nguoi-xay-dung-nhip-cau
Trưởng ty cứu hỏa, nhân viên thành phố viếng thăm tịnh xá Ngọc Nhiên chiều 30 Tết Nguyên Đán

PV Trẻ: Với cương vị Chủ tịch Cộng đồng đa văn hoá chẳng khác nào người xây cầu nối kết các cộng đồng, cô có kế hoạch hay trăn trở gì với công việc?

Cô JeNnifer: Hiện nay tất cả các cộng đồng khác sinh hoạt với Cộng đồng đa văn hoá rất nhiều. Trong quá trình sinh hoạt thì họ biết ít nhiều sự khó khăn của chúng tôi trong các quyết định. Các cộng đồng khác thường gặp mặt hay gởi điện thư, điện thoại nêu các câu hỏi, đề nghị hay muốn chúng tôi có mặt trong các buổi tổ chức của họ. Cộng Ðồng đa văn hoá hiện có một thư ký chuyên ghi chép nghị trình cho vào trang nhà để ai cũng xem được chúng tôi nói gì, ai đề nghị gì, kết quả ra sao. Một người nữa có nhiệm vụ theo dõi tiến trình cuộc họp, giúp tôi điều hợp đúng theo quy định, hỗ trợ, góp ý cho tôi khi cần. Tôi luôn gần gũi với người thế cô, các cộng đồng nhỏ và thân thiện với các cộng đồng có tầm vóc để nhờ họ giúp nâng đỡ các cộng đồng yếu thế. Ngày 15 tháng 9 sắp tới, tôi hân hạnh được hội người Mỹ da màu – NAACP chọn trao giải thưởng cao quý “Người xây dựng nhịp cầu” –  Bridge Builder’s Award.

PV Trẻ: Để kết thúc cuộc nói chuyện, cô có lời tâm sự nào đặc biệt với giới trẻ hiện nay.

Cô JeNnifer: Chúng tôi nay đã cao tuổi, trí nhớ, trình độ và sức khỏe bắt đầu sa sút. Chúng tôi mong mỏi quý bạn trẻ đừng ngại thay đổi. Ai cũng có gia đình, có những suy tư, thời gian eo hẹp và tôi rất tôn trọng quý vị về điều đó. Tuy nhiên, nếu quý vị hy sinh độ vài giờ đồng hồ trong một tháng để tham gia vào các ủy ban trong thành phố bạn đang ở. Các bạn hy sinh vài tiếng đồng hồ để tìm hiểu thêm về các ngân sách, các quyền lợi, các phục vụ sẵn có của thành phố và truyền đạt đến cho đồng hương, thì điều đó sẽ làm cho cuộc sống cộng đồng mình tốt đẹp và an toàn hơn. Tôi rất mong có nhiều người trẻ với cái TÂM, không vụ lợi sẽ tiếp tục con đường tôi đang đi. Tôi và nhiều người đã tự dấn thân làm viên gạch nối, một nhịp cầu thì mong có người thay thế hầu giúp người giúp xã hội ngày được phát triển tốt đẹp.

PV Trẻ: Cám ơn cô Jennifer dành thì giờ cho cuộc trò chuyện và xin chúc mừng cô vinh dự nhận được phần thưởng “Người xây dựng nhịp cầu” sắp tới đây do thành phố Garland tổ chức trao giải. Cũng như cám ơn cô cung cấp những hình ảnh đáng quý.

PVT