Menu Close

Nét đẹp Croatia

Giải World Cup 2018 đã qua, với kết quả Pháp thắng Croatia 4-2 đoạt cúp vô địch lần thứ nhì. Đây cũng là lần đầu tiên Croatia vào đến chung kết. Tuy chỉ là Á Quân nhưng đội tuyển Croatia đã được dân chúng chào đón như những người hùng vì họ đã thành công ngoài sự mong đợi và mang lại cho đất nước từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. 

net-dep-croatia2
Hơn 250,000 người dân xuống đường tại Zagreb chào đón đội banh trở về nguồn ap photo/darko vojinovic

Croatia là một nước nhỏ nằm cạnh biển Adriatic phía Ðông Nam châu Âu, dân số khoảng 4 triệu người. So với Pháp (54 triệu) thì Croatia chẳng là gì về kinh tế hay ảnh hưởng chính trị. Thời Trung Cổ, người Croatia là một dân tộc thiểu số thuộc dòng Slavic tại miền Nam của đế chế Austria-Hungary, với ngôn ngữ và phong tục tập quán riêng biệt, gần với những giống dân Slavic khác trong vùng như Serbia, Bosnia v.v. Ðến thế kỷ 16 vương quốc Croatia (tiếng thổ địa gọi là Hrvatska) là một phần của vương triều Habsburg thuộc Áo Quốc và được sáp nhập vào đế quốc Holy Roman Empire – đặt dưới quyền lãnh đạo của vị vua đứng đầu nhà Habsburg người Áo. Một phần lãnh thổ của người Croat nằm dưới quyền cai trị của đế quốc Ottoman người Thổ Nhĩ Kỳ; tình trạng này kéo dài đến thế kỷ 19 mới tạm dứt. Vì lỡ nằm tại một vị trí chiến lược, bên bờ biển Adriatic Sea xinh đẹp, nên vương quốc Croatia là nơi từng xảy ra bao cuộc chiến đẫm máu giữa các thế lực ngoại bang suốt chiều dài lịch sử.

Khi Chiến Tranh 30 Năm (1618-1648) bùng nổ, người Croatia đã đầu quân cho Catholic League để đánh với phe Protestant Union. Quân phục của chiến binh Croats thời bấy giờ (còn gọi là Crabats) có kèm theo một chiếc khăn đỏ quàng cổ. Chiếc khăn này về sau được quân sĩ Pháp bắt chước theo vì thấy nó đẹp và hữu dụng. Dần dà nó biến thành một món trang phục thời hậu chiến mà dân Pháp gọi là “cravat”. Chiếc “cà vạt” mà đàn ông thời nay vẫn đeo hoá ra có nguồn gốc từ một cuộc chiến tôn giáo được xem là đẫm máu nhất trong lịch sử loài người.

net-dep-croatia1
10/8/2003, ngày Cravate Thế Giới đầu tiên, được biểu hiện bằng chiếc cà-vạt khổng lồ thắt trên cổ thành La Mã tại thành phố Pula, Croatia.

Sau khi bị chia năm xẻ bảy qua nhiều thế kỷ, cuối cùng các giống dân Slavic trong vùng cũng giành được độc lập từ đế quốc Ottoman khi Ðệ I Thế Chiến chấm dứt. Họ thành lập vương quốc Yugoslavia (Nam Tư) bao gồm các bang người Serb, Croat và Slovene. Ðội đá banh quốc gia đầu tiên của Nam Tư ra đời năm 1919 và ngay từ đầu đã gặt hái nhiều thành công. Nhưng vì Yugoslavia là một vùng đất bị tranh chấp triền miên nên khi Ðệ II Thế Chiến xảy ra vương quốc này đã bị phe Nazi tấn công và chiếm đóng năm 1941. Ðể chống lại, một mặt trận giải phóng đã ra đời dưới sự lãnh đạo của tướng cộng sản General Josip Tito. Trong thời gian này, các cầu thủ người Croatia đã nhảy qua chơi cho đội banh của Tiểu Bang Tự Trị Croatia (1941-1945).

Sau chiến tranh, đảng cộng sản lên nắm (độc) quyền; Tito thống nhất đất nước; Cộng Hoà Liên Bang Xã Hội Chủ Nghĩa Yugoslavia ra đời. Từ 1945 cho đến 1992 khi Yugoslavia bị tách ra thành nhiều nước nhỏ trở lại, đội tuyển quốc gia Nam Tư gồm có các tuyển thủ người Serbia, Croatia, Slovene, Hung v.v. Nhưng không lâu sau khi khối cộng sản Liên Xô sụp đổ thì Croatia tuyên bố độc lập – vào tháng 5, 1991. Kỳ thực trước đó nửa năm chính quyền đã cho thành lập một đội tuyển bán chính thức để đá một trận banh quốc tế đầu tiên vào tháng 10, 1990 tại thủ đô Zagreb. Ðối thủ của Croatia trong trận banh lịch sử ấy chính là Hoa Kỳ. Lần đó Croatia thắng 2-1. Không những đây là chiến thắng đầu tiên của một Croatia độc lập (tuy trên danh nghĩa vẫn còn thuộc Yugoslavia) mà còn là lần đầu tiên chiếc áo ca-rô trắng đỏ xuất hiện trên sân cỏ. Nguồn gốc của nó đến từ lá cờ của bộ lạc Croat thời Trung Cổ. Từ đó trở đi chiếc áo ca-rô này đã trở thành biểu tượng của đội tuyển quốc gia nói riêng, và của cả dân tộc Croat nói chung.

net-dep-croatia3
Davor Suker phá lưới Hoà Lan trong trận Hạng Ba tại WC 1998

Năm 1992 Croatia được phép gia nhập FIFA, nhưng phải đến 1993 Croatia mới vào được UEFA, quá muộn để thi đấu vòng ngoài cho giải World Cup 1994. Phải đến 1996 đội tuyển Croatia mới chính thức xuất hiện ở giải Túc Cầu Châu Âu. Tại Vòng Bảng Croatia đã đánh bại Turkey và Denmark nhưng thua Portugal. Vào đến tứ kết thì Croatia bị loại bởi Germany (2-1) – đội mạnh nhất và cũng là vô địch Eurocup 1996. Thành tựu trong giải Euro đã đưa đội tuyển Croatia từ hạng bét (125) lên thành một trong những đội banh đáng gờm nhất Âu Châu.

Nhưng phải đợi đến World Cup 1998 tại Pháp thế giới mới thấy được một Croatia dũng mãnh và hùng hậu ra sao. Lần đầu tiên xuất hiện trong giải Túc Cầu Quốc Tế, Croatia đã làm mọi người sửng sốt khi họ tiến vào được đến bán kết để đụng đội chủ nhà. Mặc dù thua Pháp 2-1 nhưng Croatia vẫn hạ thủ Hoà Lan 2-1 trong trận Hạng Ba để mang về cho đất nước chiếc huy chương Ðồng. Tiền đạo Davor Suker của Croatia cũng đoạt giải Chiếc Giày Vàng (người tung lưới nhiều nhất) và Quả Bóng Bạc (cầu thủ giỏi hạng nhì) sau Ronaldo của Brazil. Ðội tuyển Croatia năm 1998 được dân chúng vô cùng yêu mến và đặt cho biệt danh “Thế Hệ Vàng Son” (the Golden Generation).

net-dep-croatia
Nữ Tổng thống Croatia cổ vũ đội nhà trên khán đài

Nhưng từ đó đến nay, sau 5 mùa World Cup, người ta mới thấy ở Croatia một đội banh tương đương với Thế Hệ Vàng Son của 98. Hơn vậy, thế hệ Croats mới này còn đi xa hơn lớp đàn anh của mình một bậc: họ tiến thẳng vào chung kết sau khi hạ những chàng khổng lồ như Argentina, Denmark, England. Chưa kể là tại vòng loại, Croatia đã phải đá 3 trận thêm giờ (120’) liên tiếp mới vào được chung kết. Cho nên cũng không thể trách Croatia khi bị Pháp quất 4 trái trong trận cuối cùng để thua 4-2. Mặc dù đây là lần thứ nhì Croatia bị Pháp hạ gục tại World Cup, nhưng đối với người dân Croatia thì họ vẫn xem đây là chiến thắng vẻ vang, vì so với đàn anh Ðại Pháp thì Croatia chỉ là một nước nhỏ và nghèo. Thành tựu của các chàng trai Croat đã mang lại cho họ niềm tự hào của một dân tộc từng bị chiến tranh tàn phá, từng bị cộng sản cai trị, từng phải phấn đấu để vươn lên từ bao nhiêu nghịch cảnh của lịch sử.

Ðể đi theo ủng hộ đội tuyển quốc gia, nữ Tổng thống Kolinda Grabar Kitarovic đã bỏ tiền túi mua vé máy bay hạng bình dân và trừ tiền lương của mình ra trong những ngày bà bận … coi đá banh. Cảnh bà Kitarovic cổ động tinh thần cho cầu thủ, nhất là trong buổi lễ trao huy chương dưới cơn mưa tầm tã, là những hình ảnh cảm động và đáng nhớ nhất của World Cup 2018. Về phía đội tuyển, HLV Dalic và toàn thể cầu thủ đã quyết định tặng hết số tiền thưởng Á Quân trị giá 30 triệu USD cho trẻ em nghèo. Ông Dalic nói:

“Croatia là nước nghèo nhất Liên minh châu Âu. Hai mươi năm qua không biết bao nhiêu người Croat đã phải bỏ nước ra đi. Người dân nước ta không có được những điều kiện sinh hoạt cơ bản như giáo dục, y tế… Trong khi đó thì tham nhũng vẫn hiện hữu tràn lan. Số tiền này sẽ được dành cho mục đích từ thiện. Cụ thể nó sẽ được dùng để tổ chức một kỳ nghỉ hè cho những em chưa bao giờ được nhìn thấy biển Adriatic. Ít nhất các em sẽ có được 7 ngày vui chơi thỏa thích.”

BB