ỞViệt Nam, mỗi cơ quan nhà nước phải “nhận nuôi” vài “Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng” gọi là “đền ơn đáp nghĩa”, tùy số lượng công chức cơ quan đó nhiều hay ít, và cơ quan của tôi cũng không ngoại lệ. Sếp đi họp về, thông báo với cán bộ rằng cơ quan ta “nhận nuôi” bà A, bà B, bà C…. gì gì đó, mỗi tháng kế toán trích một ngày lương cán bộ góp vô. Vậy là xong, bọn tôi chẳng ai biết các bà A, bà B, bà C…. đó là ai, ở đâu, mồm ngang mũi dọc ra sao. Số lương còm hàng tháng của cán bộ bị cấu xé đủ thứ: đoàn (thanh niên) phí, đảng phí, công đoàn phí, phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thăm viếng, giỗ quảy, lễ lạt…
Cái gì cũng lấy tổng lương để trừ, nên số tiền mỗi lần trừ thì co lại mà những lần trừ sau không hề giảm theo hệ số co. Kế toán cơ quan mới chơi “ăn gian”, thay vì lấy tổng lương chia cho 22 ngày thì chia cho 30 ngày để “nuôi Bà Mẹ”. Nhiều người bực tức nói: “Má tôi ở nhà tôi nuôi còn chưa xong, tự dưng phải gánh nuôi má người khác. Ai nhận ơn người đó mang ơn, chớ tôi có nhận ơn đâu cũng bắt tôi mang ơn. Bà Mẹ có tiêu chuẩn nhà nước quy định cho Bà Mẹ hàng tháng rồi, còn bày vẽ cạo gọt thêm nữa”. Tôi công nhận là họ nói đúng, vì cái sự “nuôi Bà Mẹ” này do các “bố”, các “mẹ” lãnh đạo nghĩ ra để “gây phong trào”, cuối năm thành tích ghi công cho các sếp, tiền thì móc trong túi cấp dưới, chớ có lãnh đạo nào sống bằng lương của mình đâu mà lo thiếu tiền. Tháng nào cũng vậy, tiền lương cứ trừ, “nuôi” ra làm sao, sống chết thế nào, bọn tôi không ai biết, cũng không quan tâm, bởi lẽ bọn tôi đều biết rõ nếu có “Bà Mẹ”nào đó “vĩnh du tiên cảnh” thì ngay lập tức cái danh sách “nuôi” sẽ có cái tên khác lấp đầy vô, dàn lính thấp cổ bé miệng đừng hòng “trốn thoát”.
Ở các phường, xã thì có “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”. Hàng tháng, cấp phường, xã có trách nhiệm đi từng nhà gom tiền. Hồi trước thì dân đen phải oằn lưng cõng hàng trăm loại thuế, phí như vậy. Thời gian gần đây, khi mà “bọn phản động” mọc ra đầy nghẹt, thì “bọn phản động” đã “cong cớn trả treo” rằng “Nhà tôi không mang ơn ai nên không “đền ơn đáp nghĩa” ai hết!” Chẳng những không chịu nộp tiền, “bọn phản động” còn khoe chuyện đó lên mạng để cho nhiều kẻ “phản động” khác bắt chước làm theo, thiệt thất thu cho “đảng ta” quá.
Thực tế, các “Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng” ngày xưa hiến tài sản, hy sinh chồng con, “nuôi giấu cán bộ cách mạng” để rồi sau này những đồng tiền “mồ hôi nước mắt” của lớp cán bộ cấp thấp, của dân chúng có tới được cho họ hay không, tới được bao nhiêu thì những người góp tiền không ai kiểm soát được. Nhưng rõ ràng, ngày 27 Tháng Bảy (Ngày thương binh liệt sĩ) hàng năm các quan chức cộng sản mặt tươi roi rói tổ chức diễn tuồng “thăm viếng” rồi chụp hình, quay phim đưa lên báo, đài. Tuy nhiên, “gậy ông đập lưng ông”, người xem nhìn thấy phần lớn “Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng” sống đơn độc trong những căn nhà nhỏ xập xệ, bệ rạc. Lên mạng Google càng thấy rõ rất nhiều “Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng”, “Người Cha Việt Nam Anh Hùng” (danh hiệu này do tôi “tự phong”) ôm bằng Liệt sĩ kêu khóc vạ vật ở các cơ quan công quyền vì bị cướp đoạt đất đai, nhà cửa, thứ tài sản mà họ luôn nghĩ rằng là của họ một khi “cách mạng thành công”.
Khi còn học ở trường phổ thông, đứa học trò nào mà không biết câu “Liên minh công nông là giai cấp nòng cốt của đảng” khi muốn dân nghèo theo “đảng ta” cướp chánh quyền. Khi “đảng ta” có chánh quyền rồi, “đảng ta” dùng ngay cái gọi là “chuyên chính vô sản”, “bạo lực cách mạng cướp lại đất đai, nhà cửa của nông dân.
Ở Mỹ không có phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, nước Mỹ chỉ có Lễ Tạ ơn (Thanksgiving), Lễ tưởng niệm Chiến sĩ Trận Vong (Memorial Day) mà trong đó, người Mỹ tỏ lòng biết ơn một cách tự giác, chân thành. Chính phủ Mỹ cũng không bắt buộc công chức, quân nhân Mỹ phải “nuôi Bà Mẹ Mỹ Anh Hùng”, mà luật pháp nước Mỹ thể hiện lòng biết ơn những người đã xây dựng nên nước Mỹ hùng cường như ngày hôm nay bằng vào việc bảo vệ, tôn trọng tuyệt đối quyền sở hữu tư nhân, quyền con người.

Ðiển hình qua hai câu chuyện sau:
Chuyện thứ nhất:
Hồi nhỏ, tôi mê mẩn phim hoạt họa “Nàng Pocahontas”. Bà Nancy Kerlin Barnett chính là cô gái da đỏ trong phim hoạt họa nổi tiếng “Pocahontas and John Rolfe” của hãng Disney. Mộ của bà ở tiểu bang Florida. Sau khi kết hôn với ông William Barnett, bà mới đổi thành tên tiếng Anh lấy theo họ chồng là Nancy Kerlin Barnett. Cháu nội bà là ông Daniel G. Doty đã không đồng ý di dời ngôi mộ khi người ta làm đường highway và đe dọa bắn chết tất cả những ai chạm đến ngôi mộ. Người ta phải làm đường rẽ ra 2 bên, chừa lại ngôi mộ chính giữa. Ông Daniel G. Doty mất năm 1934, nhưng ngôi mộ đến nay vẫn nằm nguyên tại chỗ.
Chuyện thứ hai
“Tại 1438 NW 46th St một góc giữa con phố ở Seattle, Mỹ, người ta thấy một ngôi nhà nhỏ được bao bọc giữa các toà nhà cao tầng.
Ðược biết đây là ngôi nhà thuộc về bà Edith Macefield – người phụ nữ đã từ chối một triệu USD vào năm 2006 để không bán ngôi nhà cho dự án thương mại. Ðiều này khiến các nhà thầu xây dựng buộc phải xây cao ốc bao quanh và không được đụng tới ngôi nhà. Bà Edith Macefield tiếp tục sống tại đây tới năm qua đời (2008). Ðiều thú vị, hãng Disney đã lấy ý tưởng ngôi nhà này để dựng nên phim hoạt hình nổi tiếng “Up.” (Theo Facebooker Nguyễn Thụyvi).

Mấy ngày nay, mạng xã hội xôn xao lẫn phẫn nộ vụ án anh Ðặng Văn Hiến – nông dân ở tỉnh Ðắk Nông, chỉ vì muốn bảo vệ mảnh đất anh ta đã dày công khai phá, vun trồng trở nên mảnh đất màu mỡ trước sự cướp đoạt, phá hoại hoa màu, đánh đập nông dân của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (thông qua bàn tay sắt của công ty Long Sơn). Anh Hiến đã tự vệ khi có 30 người mang vũ khí xâm nhập vào nhà anh ta, và anh ta phạm vào tội giết người. Vì trót dại nghe lời dỗ ngon, ngọt của ba kẻ nhà báo (quốc doanh) mà anh Hiến từ Lào trở về Việt Nam “đầu thú”. Kết quả là trong hai phiên tòa sơ, phúc thẩm, anh Hiến đều bị tuyên án tử, không như những gì kẻ dụ dỗ nói với anh.
Dân mạng lại so sánh vụ án này với vụ án Nọc Nạng ở Bạc Liêu thời Pháp thuộc (trừ những người trong gia đình ông nông dân Biện Toại đã chết trong cuộc ẩu đả, số người tham gia ẩu đả còn sống đều được Tòa đại hình Cần Thơ tha bổng) và kết luận Tòa án cộng sản Việt Nam ác với dân hơn Tòa án thuộc địa của Pháp.
Bức ảnh anh Hiến ôm ghì đứa con nhỏ vào lòng và khóc. Không ít người đã khóc khi nhìn thấy bức ảnh này và nguyền rủa kẻ đã dụ dỗ anh ta trở về nộp mình trước nanh vuốt cộng sản. Riêng tôi, tôi nhớ lại vụ án Nguyễn Bá Thanh cướp đất Giáo xứ Cồn Dầu năm 2011, giáo dân đã chống cự. Sau đó họ cũng trốn qua Thái, rồi từ đó đã tỵ nạn cộng sản hơn một trăm người. Họ đã từng ra trước Quốc Hội Mỹ điều trần về vụ án này (Quý vị có thể dùng Google để biết thêm chi tiết). Tôi đã gặp vài người trong số họ đang sống tại Mỹ. Nếu những người này nghe lời dụ dỗ ngon ngọt tin vào pháp luật của nhà cầm quyền cộng sản quay về “đầu thú” thì bây giờ số phận họ ra sao? Có phải cũng giống trường hợp Ðặng Văn Hiến hay không?
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã “trả ơn” cho giai cấp nông dân Việt Nam bằng cách làm cho suốt 63 tỉnh thành, nơi nào cũng có dân oan. Chỉ tiếc rằng người dân Việt Nam vẫn còn ngây thơ, lương thiện trước sự độc ác của nhà cầm quyền cứ mỗi ngày một hiện ra lồ lộ.
TPT