Từ Facebook Hoàng Hải Vân
Như trước đây tôi đã từng đề cập, Vũ nhôm không chỉ uy hiếp báo chí chính thống và mạng xã hội để làm mưa làm gió, đã có một thời báo chí đăng cái gì hay không đăng cái gì liên quan đến Vũ nhôm, ý muốn của anh ta có hiệu lực hơn là sự chỉ đạo của Tuyên giáo. Anh ta còn có khả năng uy hiếp nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, một số vị Bộ trưởng và các tướng lãnh công an còn sợ anh ta. Giờ nhìn vào 8 vị tướng, trong đó có 1 thượng tướng và 7 trung tướng đã, đang và sắp biến thành củi đút vào lò đều liên quan đến Vũ nhôm, có thể chứng minh nhận định đó.
Trung tướng Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an đã bị khởi tố và bị bắt.
Thượng tướng cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân và Trung tướng Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành vừa bị Ủy ban kiểm tra trung ương đề nghị Bộ Chính trị xử lý kỷ luật.
Vi phạm của tướng Thành là “rất nghiêm trọng”. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm về những sai phạm tại Tổng cục Hậu cần – kỹ thuật (Tổng cục 4) mà mình phụ trách, cá nhân ông còn “vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và Quy chế làm việc của Bộ Công an; ký văn bản của Bộ Công an đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng quy định pháp luật; ký một số văn bản không đúng thẩm quyền được phân công phụ trách”.
Tướng Tân thì “đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng”
(Update : Ngày 28-7, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng, đồng thời đề nghị Chính phủ thi hành kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc quân hàm đối với ông Bùi Văn Thành và ông Trần Việt Tân, riêng ông Tân không còn giữ chức vụ gì trong Đảng nên cách luôn chức Đảng ủy viên Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016 :P)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng kết luận những sai phạm tại Tổng cục 4, những người lãnh đạo tại đây đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất an ninh và quản lý tài sản công; bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, liên kết kinh doanh, cho thuê đất an ninh không đúng quy định pháp luật”. 5 vị trung tướng lãnh đạo Tổng cục này, gồm trung tướng Lê Văn Minh, trung tướng Bùi Xuân Sơn đã “vi phạm nghiêm trọng”, trung tướng Nguyễn Văn Chuyên, Trung tướng Ksor Nham và trung tướng Vũ Thuật “cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy và chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, cần phải tiến hành kiểm điểm, xem xét trách nhiệm theo quy định”.
Như vậy, cho đến thời điểm này, cơ quan kiểm tra Đảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật đã lôi ra ánh sáng 8 tướng lãnh và 2 cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng sai phạm có liên quan đến đường dây của Vũ nhôm, thực chất những người này bảo kê cho Vũ nhôm thâu tóm một cách bất hợp pháp tài sản quốc gia. Trong những tài sản mà Vũ nhôm thâu tóm, có cả trụ sở của công an địa phương mà người ra văn bản đồng ý có chức vụ cao vượt xa chức vụ của 10 “ông thần” nói trên.
Mỗi một hành vi thâu tóm tài sản, Vũ nhôm đều được sự tiếp tay bằng những văn bản “thần thánh” được ban hành bất hợp pháp của những “ông thần” này.
Cần phải ghi nhận một cách công bằng là không phải ai cũng sợ những văn bản “thần thánh” kia. Theo tôi được biết, thì khi thành phố Đà Nẵng bán chỉ định một khu công sở cho Vũ nhôm, một vị lãnh đạo trong chính quyền thành phố đã phản đối, ông cho rằng bán chỉ định cho Vũ nhôm theo yêu cầu của văn bản do một trong các “ông thần” kia ký là vi phạm pháp luật, cần phải xin ý kiến Thủ tướng, nhưng tập thể lãnh đạo thành phố đã không dám cưỡng lại thế lực của các “ông thần” này. Trong vụ Vũ nhôm, đây là vị lãnh đạo địa phương duy nhất biết tôn trọng pháp luật, tiếc rằng ông là thiểu số nên đã nhanh chóng bị gạt ra khỏi bộ máy chính quyền trước khi đến tuổi về hưu.
Cần nhắc thêm về vụ Ngân hàng Đông Á. Tôi đồ rằng, đã có những văn bản gây sức ép đến cấp rất cao tiếp tay cho Vũ nhôm thâu tóm bất hợp pháp ngân hàng này. Và khi ngân hàng này bị áp dụng chế độ kiểm soát đặc biệt, cho đến khi vụ án được khởi tố, Vũ nhôm với những sai phạm tày đình, đã đứng ngoài vòng tố tụng. Mãi đến sau khi Vũ nhôm bị bắt, anh ta mới bị khởi tố bổ sung. Cần phải làm rõ, có hay không những văn bản mật được ban hành bất hợp pháp gây sức ép cho Vũ nhôm thâu tóm Ngân hàng Đông Á, những cán bộ cấp cao nào nhận được những văn bản đó và tại sao phát hiện nó bất hợp pháp mà không báo cáo với cấp có thẩm quyền để điều tra xử lý ? Và ai đã chỉ đạo đặt Vũ nhôm ra ngoài vòng tố tụng trong vụ án này ?
Đó chỉ là một vài đơn cử. Phải lôi tất cả ra ánh sáng mới thấy được vì sao Vũ nhôm có thể điều khiển được nhiều tướng lãnh đến vậy. Phải lôi tất cả ra ánh sáng mới có thể diệt được những dây mơ rễ má di căn của khối u đang bị cắt bỏ.
(Update: Hôm nay 30-7, Tòa án ND TP.Hà Nội trong một phiên xử kín, đã tuyên phạt Vũ nhôm 9 năm tù, phạt cựu trung tướng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an Phan Hữu Tuấn 7 năm tù và phạt ông Nguyễn Hữu Bách, nguyên cán bộ Bộ Công an 5 năm tù về tội làm lộ bí mật Nhà nước, theo quy định tại điều 337, bộ luật Hình sự. Nghe nói chỉ có tội danh làm lộ bí mật nhà nước được xử kín, còn các tội danh khác của Vũ nhôm và đồng phạm sẽ được xử công khai).
Trong số các tướng lãnh công an bảo kê cho Vũ nhôm đã và đang chuẩn bị vào lò, có 2 tướng từng là Tổng cục trưởng và Tổng cục phó Tổng cục Tình báo và 1 tướng là đương kim Thứ trưởng Bộ Công an. Còn Vũ nhôm được phong là thượng tá thuộc Tổng cục này.
Cơ quan tình báo Bộ Công an đương nhiên phải hoạt động theo luật pháp, nhưng do chức năng đặc biệt của nó, nó là cơ quan hoạt động bí mật. Các báo cáo về điệp báo, về phản gián, về xây dựng lực lượng của cơ quan này đều là những tài liệu an ninh quốc gia tuyệt mật, chỉ một số rất ít người lãnh đạo Bộ Công an được biết. Ngay cả trong Chính phủ và Bộ Chính trị, những người được biết cũng không nhiều.
Nếu như cơ quan này tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của luật pháp và quy chế hoạt động, thì chẳng có vấn đề gì đáng nói và chẳng có người lương thiện nào sợ nó. Người ta chỉ sợ nó khi phát hiện ra các dấu hiệu vô pháp lộ ra từ cơ quan này. Và Vũ nhôm chính là kẻ chủ động để lộ các hoạt động vô pháp đó. Vì sao vậy ?
Các sĩ quan nghiệp vụ chân chính của Tổng cục này đều hoạt động thầm lặng. Còn Vũ nhôm chui vào đây không phải để làm việc vì nước vì dân mà để trục lợi. Việc anh ta thâu tóm công sản đều do các vị tướng này hậu thuẫn, nhưng như vậy đối với anh ta vẫn chưa đủ. Anh ta muốn thâu tóm tất cả những gì anh ta muốn. Tại Đà Nẵng, sau khi ông Nguyễn Bá Thanh không còn làm Bí thư, vị Bí thư mới của Thành ủy không ủng hộ anh ta thâu tóm một số dự án, anh ta đã đưa thẻ ngành ra đe dọa, đồng thời sử dụng báo chí công bố những tài liệu bất lợi cho vị này nhằm mục đích răn đe. Và để hù dọa những nơi khác, anh ta chủ động công bố một số “tài liệu mật” trên mạng xã hội. Đó là những tài liệu không ai có thể xác minh là có thật hay không, nhưng có tác dụng gây sợ hãi. Tôi nói những tài liệu này do Vũ nhôm chủ động công bố vì nếu đó là những tài liệu có thật thì trừ anh ta ra không ai dám để lộ ra ngoài. Anh ta công bố vì anh ta tin không ai có thể làm được gì được các tướng lãnh siêu quyền lực kia.
Không chỉ các quan chức địa phương sợ anh ta mà ngay cả nhiều vị bộ trưởng và cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước cũng sợ anh ta. Họ không thể biết các “tài liệu mật” trôi nổi trên mạng là có thật hay không, nhưng nếu như có thật thì đều là những văn bản được ban hành phi pháp. Họ sợ anh ta là vì nếu không làm hài lòng anh ta thì rất có khả năng những kẻ bảo kê cho anh ta nhân danh cơ quan tình báo, sẽ làm báo cáo vu khống họ là “địch”. Những báo cáo kiểu này là tuyệt mật, không thể xác minh, sẽ nằm ở đâu đó đe dọa sinh mệnh chính trị của họ. Họ mặc nhiên nghĩ rằng, những kẻ tạo ra các văn bản mật một cách phi pháp để bảo kê cho Vũ nhôm đều có khả năng tạo ra các báo cáo vu khống.
Trong bài trước tôi có nhắc đến việc dời một cơ quan công an địa phương để giao đất cho Vũ nhôm. Đó là việc tôi có nghe nói. Cần biết rằng, bán các công sản như trụ sở của sở, ban, ngành của địa phương là thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, chỉ cần có các văn bản mật “thần thánh” hù dọa, nhưng bán trụ sở của cơ quan công an cho Vũ nhôm, dù là công an phường, cũng phải có sự đồng ý của Chính phủ, cho nên không thể không có một văn bản đồng ý của Chính phủ nhiệm kỳ trước do một Phó Thủ tướng phụ trách các lĩnh vực liên quan đến đất đai tài sản ký theo đề nghị của Bộ Công an và Bộ Tài chính. Vị Phó Thủ tướng này hoặc là tin vào đề nghị của Bộ Công an hoặc là không dám động đến cơ quan tình báo. Điều này là suy đoán của tôi, sự suy đoán đó là có cơ sở, bởi vì UBND thành phố Đà Nẵng không thể tự mình làm việc này nếu không có sự đồng ý của Chính phủ.