Menu Close

Tạp Chí Văn số cuối cùng

Tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng nổi tiếng ở Miền Nam trước 1975. Nó thu hút nhiều cây bút xuất sắc và được giới trẻ, gồm sinh viên, lính tráng ưa chuộng. Để nhận rõ tầm ảnh hưởng của tạp chí này, chúng tôi xin đăng lại sau đây bài phân tích và nhận định của nhà thơ Vũ Trọng Quang về số cuối cùng của tạp chí này trước khi biến cố 30 tháng 4. 1975 đổ ập xuống và xóa sạch mọi điều tốt đẹp. NGUYỄN & BẠN HỮU

Tôi và nhà thơ Trần Hữu Dũng hiện lưu giữ khoảng 200 số tạp chí Văn, nói không phải “khoe”, đó là một số lượng không phải nhỏ. Có người gạ mua với giá cao, nhưng tôi không bán, bạn tôi tiến sỹ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu yêu đồ cổ nói bán làm gì; dĩ nhiên có thể copy lại để lưu giữ, tuy vậy đọc bản chính vẫn sướng hơn.

Với số lượng tạp chí nhiều như thế, sẽ không điểm hết, nên tôi chọn số phát hành 26/3/1975 (tạp chí này không có số thú tự, vì thời điểm ấy chế độ miền Nam, chỉ cho xuất bản Giai Phẩm), trước để ghi dấu ấn về tọa độ thời gian, sau tò mò xem các tác giả bày tỏ gì trong ấy, đây là số cuối cùng mà Văn đã bị làm xong nhiệm vụ lịch sử. Bìa 1 trình bày toàn chữ rất đơn giản rõ ràng, chữ đỏ phần đặc biệt “Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Ở Hải Ngoại” khiêm nhường, không biết cố ý phong cách hay dự báo vội vã.

tap-chi-van-so-cuoi-cung1
Tạp Chí Văn số cuối cùng

Nơi bìa trang 2 ghi: sáng lập: NGUYỄN ÐÌNH VƯỢNG; chủ trương: MAI THẢO; quản lý: NGUYỄN THỊ TUẤN (Lúc này nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thôi làm thư ký tòa soạn). Ở phần mục lục: Phần Ðặc Biệt về Văn Học Nghệ Thuật VN ở Hải Ngoại: Phỏng vấn giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, nữ ký giả Minh Ðúc Hoài Trinh, nữ sỹ Mộng Tuyết, họa sỹ Trần Ðình Thụy; Phần Văn Xuôi có văn của Mai Thảo, Võ Phiến, Trùng Dương, K.T. Mohamed, Lê Huy Oanh, Mường Mán; Phần Thơ có thơ của Nh. Tay Ngàn, Bùi Ðức Long, Trần Hồng Châu, Ngô Cang, Tạ Hiền (tôi chú ý tới tay viết mới này); và các phần Sinh hoạt văn nghệ, Hộp thư, Ấn phẩm mới. Ở phần văn xuôi là Nhật Ký của Mai Thảo ghi mềm mại những sự việc  từ 15.2.75 đến 20.3.75, đọc lại vẫn bùi ngùi, bút pháp đằm thắm đầy lãng mạn, xin trích phần cuối của nhật ký  “…Ðêm vẫn còn là nhiều so với thời kỳ giới nghiêm sau Tết Mậu Thân. Hệ thống kẽm gai cấm đường ném chi chít trên những mặt nhựa Sài Gòn hồi đó từ 6 giờ chiều. Phố xá vắng ngắt lúc chưa tàn nắng…”. còn Võ Phiến tiếp tục loạt bài ‘Chúng ta qua tiếng nói’ với tiêu đề “Tiếng nói, một phương tiện?” Võ Phiến bao giờ cũng vậy, kỹ lưỡng, câu chữ chắc chắn chi tiết rõ ràng; nhà văn Trùng Dương có truyện ngắn Ngoài Bãi, bây giờ nữ văn sỹ đã ở ngoài bãi bên kia Thái Bình Dương; nhà văn Ấn Ðộ K.T. Mohamed với truyện ngắn Ðôi mắt mùa xuân do nhà thơ Hoàng Trúc Ly chuyển ngữ; nhà văn Lê Huy Oanh nhận định Bùi Giáng Nguồn cảm hứng trong thơ Việt (sau khi đã nhận định hai cõi thơ Nguyên Sa và Nhã Ca): “Bùi Giáng đập phá bằng cách đùa cợt những tư tưởng cổ truyền, bằng cách đùa cợt chính ông, bằng cách bôi lem thơ, làm xô lệch ngôn ngữ…”; và truyện ngắn Mùa sẽ còn dài của “nhà văn trẻ” Mường Mán, bây giờ nhà văn không còn trẻ nữa ấy vẫn tiếp tục cầm bút lại cầm thêm cọ vẽ kiêm chủ quán món Huế tại Phú Nhuận. Ở Phần Thơ thì khởi đầu là thơ của Nh. Tay Ngàn trải những bài thơ tự do dài viết ở Paris, vẫn ám ảnh hình bóng Liên Mà thương quá em Liên, năm 1988  Phạm Công Thiện viết cuốn Ði Cho Hết Một Ðêm Hoang Vu nói bạn tôi (tức Nh. Tay Ngàn mất tháng 1/1978 tại Paris), Thi Vũ cũng cho biết Tay Ngàn mất vào tháng năm ấy, có làm bài thơ tiễn: Tay Ngàn/Khua nhịp về đâu/Rừng thiêng vỡ một/ngấn/sầu/rụng/hai/Nay theo bước nhỏ còn ai/Ta hơ tro cũ/tay dài dìu em…, không biết Ngàn có còn đi tìm Nỗi Liên đen tối vô cùng không?, kế đến là mười câu thơ lục bát của Bùi Ðức Long, bài thơ này sau  được tác giả chọn vào tập thơ in riêng; còn Trần Hồng Châu là một bài tự do dài đầy nhịp điệu liên kết với thơ vần, mang dáng dấp cổ phong Em đi đến uyển chuyển mộng vân đài; với Ngô Cang cũng mười câu lục bát; và sau hết là một giọng thơ mới TẠ HIỀN, giới thiệu sáu bài thơ tự do, tôi rất thích và đồng ý với nhận định lời mở rất trân trọng của nhà văn Mai Thảo dành cho người viết mới: Những người trẻ tuổi bắt đầu làm thơ nên bắt đầu ngay bằng thơ tự do, hay là do tôi làm thơ tự do nên đồng cảm, bây giờ không biết Tạ Hiền ở đâu, xuất hiện sau loạt thơ đó thì biến.

tap-chi-van-so-cuoi-cung
Trang 2 Tạp Chí Văn số cuối cùng

Phần Sinh hoạt văn nghệ: Thông tin Trùng Dương viết truyện phim; triển lãm tranh Ðinh Cường tại Viện Văn Hóa Pháp Sài Gòn; đề cập đến cuốn Quần Ðảo Gulag của nhà văn Nga Solzenitsyn; tường thuật việc Duyên Anh, Hoài Bắc, Mai Thảo ra Ðà Nẵng; giới thiệu đêm nhạc và thơ tại Cần Thơ. Phần Hộp thư, chú ý thấy dòng trả lời bạn mình “Trần Hữu Dũng: sẽ đăng một phần”, nhưng cái gọi một phần ấy không bao giờ xuất hiện, vì sau cái ngày cuối tháng 4/75 tạp chí Văn không hiện hữu, hỏi Trần Hữu Dũng có giữ bài thơ làm kỷ niệm chăng? Dũng nói mất rồi; ngược lên trên thấy câu trả lời “Trần Hoài Thư: Nhận được báo và nhuận bút rồi chứ? Mùa Luân Lạc đã tới”, nhưng luân lạc tới đâu rồi hở Trần Hoài Thư? Trong Phần giới thiệu Ấn Phẩm Mới thấy có giới thiệu Tập san văn nghệ Vỡ Ðất do hai nhà thơ Nguyễn Thái Dương và Ban Bội Bỗng chủ trương, số 2 và đương nhiên là số cuối cùng, với sự góp mặt của nhiều tên tuổi: Trần Hoài Thư, Lương Thái Sỹ, Mang Viên Long, Ðặng Tấn Tới…Giới thiệu Vỡ Ðất chợt nhớ ở mục Ấn Phẩm Mới số tháng 3/1973 có giới thiệu: “THƠ VŨ TRỌNG, thơ của Vũ Trọng Quang, sách in roneo dày 50 trang, không ghi giá”, ủa lạ vậy? Tại sao chỉ có Thơ Vũ Trọng mà thiếu chữ Quang, không biết do người phụ trách sơ sót viết thiếu hay do thợ sắp chữ sắp đặt lơ đễnh lơ là; đến bây giờ có người bạn văn nghệ gặp tôi vẫn kêu này Vũ Trọng, có lẽ đọc từ đây nên nói vậy cho gọn?

tap-chi-van-so-cuoi-cung2
Phần Sinh Hoạt Văn Nghệ Tạp Chí Văn số cuối cùng

VTQ

*Nguồn: Văn chương Việt