Cuộc đua xe đạp Tour de France vừa kết thúc với kết quả bất ngờ, lần đầu tiên một tay cua-rơ người Wales – Geraint Thomas của đội Sky (Anh Quốc), đã về nhất trong lịch sử hơn một trăm năm của giải xe đạp lâu đời nhất này.

Tour de France ra đời năm 1903, do một tờ báo thể thao mang tên L’Auto tổ chức, đơn thuần với mục đích bán báo. Thuở ấy Le Vélo là nhật báo thể thao lớn và xưa nhất nước Pháp, với số lượng 80,000 bản một ngày. Tờ L’Auto, ra lò năm 1899 với sự tài trợ của một số doanh nhân và bá tước, không cạnh tranh nổi và sắp phải đóng cửa. Năm 1902, trong một buổi họp cuối cùng để quyết định tương lai tờ báo, một ký giả trẻ chuyên viết về đua xe đạp đề nghị tổ chức một cuộc đua dài 6 ngày để gây tiếng vang ngõ hầu cứu vãn tình hình. Tổng Biên Tập của tờ L’Auto, một cựu cua-rơ tên Henri Desgrange, lúc đầu tỏ vẻ hoài nghi vì thấy quá khó. Nhưng sau buổi họp, giám đốc tài chánh của toà soạn đến gặp Desgrange, trao cho ông ta chìa khoá két sắt của công ty và nói “Anh cần bao nhiêu cứ dùng lấy.” Và thế là ngày 19 tháng Giêng năm 1903 L’Auto loan tin sẽ tổ chức một cuộc đua xe đạp vô tiền khoáng hậu vòng quanh nước Pháp.

Ðể khuyến khích nhiều người tham gia, Desgrange giảm lệ phí ghi danh từ 20 francs xuống 10 francs. Và tiền thưởng cho nhà vô địch sẽ là 12,000Fr – một số tiền cực lớn thời bấy giờ, gấp mấy lần lương lao động cả năm của nhiều người. Ngoài ra, người về nhất tại mỗi chặng đường còn được thưởng 3,000Fr. Nhờ vậy giải đã thu hút gần 80 cua-rơ. Cuộc đua đầu tiên trải dài từ ngày 1 đến 19 tháng 7, gồm sáu chặng đường: Paris – Lyon – Marseille – Toulouse – Bordeaux – Nantes – Paris.
Nhiều tay đua đã bỏ cuộc sau mấy chặng đầu vì không đủ thể lực. Ðến chặng thứ tư chỉ còn lại 24 cua-rơ. Maurice Garin thắng chặng thứ nhất cũng như hai chặng chót một cách nhẹ nhàng để đoạt giải Tour de France đầu tiên với vận tốc trung bình 25.68km/h. Người về chót cán mức Fini sau Garin hơn 64 tiếng đồng hồ! Nhưng quan trọng hơn hết là trong 19 ngày ấy số báo L’Auto bán ra đã tăng gấp đôi.

Nhưng dù cuộc đua thành công ngoài sức tưởng tượng và được công chúng hưởng ứng nhiệt liệt, sau giải thứ nhì năm 1904 L’Auto thông báo sẽ chấm dứt cuộc đua. Lý do là vì quá nhiều chuyện tiêu cực xảy ra. Một số fan cuồng của các đội đua đã nhào ra đường để cản trở, thậm chí đánh đập đối thủ. Một số không ít lực sĩ đã gian lận trong khi đua. Thời đó cua-rơ phải đạp qua đêm và nghỉ ban ngày. Lợi dụng bóng tối nhiều người đã ăn gian bằng nhiều cách. Ðến độ đương kim vô địch Maurice Garin cũng bị loại vì tội gian lận. Nhưng vì cuộc đua được quá nhiều người yêu thích và theo dõi nên Desgrange phải tiếp tục. Không những vậy, lộ trình còn được chia làm 11 chặng thay vì 6 (tức nhiều tiền thưởng hơn), nhưng để giảm thiểu gian lận họ chỉ được đua vào ban ngày.
Năm 1905 L’Auto thắng lớn, lượng phát hành tăng từ 25,000 lên 65,000/ngày. Ðến năm 1908 con số này đã lên đến ¼ triệu. Sau khi tạm ngưng vài năm vì Ðệ Nhất Thế Chiến, Tour de France tái xuất giang hồ và tiếp tục gặt hái thành công. Năm 1923 lượng báo của L’Auto lên đến 500,000/ngày và tăng đều đặn. Trước khi Ðệ Nhị Thế Chiến bùng nổ nó lên đến gần 1 triệu bản. Trong khi đó thì tờ Le Vélo lại thua to và phải đình bản từ năm 1904. Thế mới biết sức mạnh kinh tế của thể thao ra sao, nhất là của môn đua xe đạp vào thời đó.

Ở Việt Nam, những năm sau Ðệ Nhị Thế Chiến cũng có những đội đua xe đạp, như đội URAGO do hãng xe đạp URAGO đài thọ. Trước khi đất nước bị chia đôi, chính quyền của Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm đã gởi một phái đoàn tham dự Thế Vận Hội 1952 tại Helsinki (Finland). Phái đoàn năm đó gồm có 8 lực sĩ: 1 Bơi Lội, 1 Quyền Thuật, 1 Kiếm Thuật, 1 Ðiền Kinh, và 4 Ðua Xe Ðạp (Ðường Trường 190km Ðồng Ðội/Cá Nhân). Mặc dù cả bốn tay đua đều không về đến đích, nhưng năm đó là lần đầu tiên lá cờ vàng của Quốc Gia Việt Nam tung bay trong buổi diễn hành khai mạc tại Olympic, và đã được khán giả thế giới chào đón nồng nhiệt. Tại TVH Melbourne năm 1956, phái đoàn đầu tiên của nước Việt Nam Cộng Hoà vừa mới thành hình cũng tham dự, gồm có 6 người – tất cả đều là đua xe đạp. Những kỳ Thế Vận Hội tiếp theo lần nào cũng có mặt phái đoàn VNCH, và gần như lần nào cũng có các tay cua-rơ – trừ năm 1960 tại Ý và năm 1972 tại Munich (năm đó VNCH chỉ đưa được 2 lực sĩ tham dự vì chiến tranh đang đến hồi khốc liệt.) Cũng nên nói thêm là trong suốt thời gian 1954-1975, miền Bắc (tức VNDCCH) đã không gởi phái đoàn lực sĩ nào tham dự Olympic cả.

Về mặt thành tích, tuy các tay đua miền Nam không đoạt được huy chương Olympic nào, nhưng vài người đã thi đấu rất tốt. Chẳng hạn như tại Tokyo 1964, Phạm Văn Sáu dù về hạng 76 môn Road Race nhưng chỉ thua Hạng 1 có 20 giây. Hay Trần Văn Nên, cũng tại Tokyo, về hạng 90 môn Ðường Trường (190km) chỉ sau Huy Chương Vàng đúng 20 giây. Tại các giải trong vùng như Ðông Nam Á hay Á Châu thì các tay đua VN khá thành công. Năm 1961 Nguyễn Văn Châu đã làm khán giả Nhật phải rơi lệ khi anh thắng sát nút cua-rơ Nhật để đoạt giải “Vô Ðịch Nước Rút Á Châu” tại Ðông Kinh. Ít lâu sau tại giải Ðông Nam Á ở Ngưỡng Quang, Miến Ðiện, Nguyễn Văn Châu lại một lần nữa đoạt giải quán quân môn Nước Rút. Ngoài ra anh còn là vô địch quốc gia nhiều lần. Nghe nói sau 75 anh Châu thỉnh thoảng vẫn đua xe, nhưng cuối cùng phải bán xe để kiếm sống. Về sau anh đứng chân giữ xe cho thực khách tại quán “Bánh Tằm Bì 370” do con trai anh làm chủ, trên đường Hai Bà Trưng gần chợ Tân Ðịnh.
Xem Tour de France, nhìn các đội cua-rơ của người ta mà thầm nghĩ, biết đến bao giờ người Việt mới có thể thi đấu ở tầm mức này. Nhìn phong cảnh nước non, làng ruộng tươi mát của nước Pháp, nhất là những chặng leo núi qua dãy Pyrenees hùng vĩ, lại nghĩ đến dãy Trường Sơn, đến những đoạn đèo cũng ngoạn mục không kém của nước nhà. Và trộm nghĩ ước gì sau cơn mê “sản” có tờ báo tư nhân nào đó đứng ra tổ chức một giải đua xe đạp tầm quốc tế, chí ít là cho Ðông Nam Á hoặc Á Châu. Thử tưởng tượng, những đoàn cua-rơ thiện nghệ từ khắp nơi tựu về, đạp xe rầm rộ từ Nam ra Bắc, qua Nha Trang, Ðà Lạt, Ðèo Hải Vân, Ðèo Ngang, Ðèo Cả, Hạ Long, Móng Cái, Sơn La… Một “Tour de Vietnam” vô cùng đẹp mắt và táo bạo, tại sao không hả các bạn?

BB