Mỗi người đều ít nhiều được định hình bởi xã hội họ đang sống, xã hội họ sinh ra và lớn lên. Nhiều người Việt sang nước ngoài đem theo đủ thói xấu, và cả những suy nghĩ kỳ thị, thiếu tự do, dù có thể đã sống rất lâu ở các nước dân chủ.
Từ những thói quen nhỏ và chuyện ăn gian vụn vặt
Người Na Uy tất nhiên không phải ai cũng đàng hoàng lương thiện (khi đi làm nhà hàng ở Oslo, tôi từng viết về chuyện nhiều người da trắng đi ăn không trả tiền (1), nhưng nhìn chung người Na Uy vẫn trung thực và tôn trọng luật pháp. Tôi từng đi với nhiều người bạn, đi một trạm metro vẫn mua vé, dù trạm metro không có cổng chặn và không có người soát vé.
Chỉ vài năm gần đây, vì nhiều người đi lậu, Oslo mới có những nhóm người lên xe buýt, metro hoặc xe lửa soát vé (billettkontroll), dù vẫn không có cổng kiểm soát và tài xế xe buýt vẫn không hỏi vé.
Một bác tôi quen từng được một ông nọ, người Việt sống lâu năm ở Oslo, khuyên đi xe 83 thay vì 81, đi đường vòng để khỏi trả tiền vì billettkontroll không qua đó.
Đến chuyện gian lận, làm ăn chui, trốn thuế
Trong khi ở Nhật, người Việt “nổi tiếng” ăn cắp (2), ở Kristiansand và Oslo, những nơi tôi từng ở, và ở Na Uy nói chung, người Việt chưa có tai tiếng nhiều. Nhưng ở Na Uy, tôi từng thấy nhiều người gian lận và trốn thuế nhiều cách khác nhau.
Có người cho thuê nhà, quanh năm sống nước khác, thậm chí làm ăn ở nước ngoài, nhưng vẫn ăn tiền bệnh. Có người vẫn sống với cha mẹ nhưng để địa chỉ chỗ khác để có grant từ Lånekassen (sinh viên đi học có thể xin 1 phần grant, 1 phần nợ). Có người lợi dụng các quỹ này quỹ nọ của nhà nước để bày trò làm từ thiện, rồi sau đó không ai biết tiền từ thiện đi đâu. Có người cắt tóc chui tại nhà, khách nườm nượp, không đóng 1 đồng thuế.
Chỉ riêng nhà hàng Việt trước đây tôi từng làm (3), đã có rất nhiều cách gian lận để giảm tiền và trốn thuế khác nhau: thuê sinh viên không có kinh nghiệm chạy bàn, trả lương rẻ bèo, lấy tiền tip, không cho nhân viên nghỉ lễ và không tăng lương cho ngày lễ, khai gian giờ giấc trong sổ sách để không phải trả tiền thêm giờ (overtidspenger)…
Sau này khi tôi đã không còn làm ở đó, người bạn kể nhà hàng càng lúc càng tệ hơn: trừ tiền bằng cách cắt nửa tiếng giờ ăn của mỗi người mỗi ngày (nửa tiếng giờ ăn tính là không lương), tiếp tục khai gian trong sổ sách, cho người khác đứng tên nhà hàng để trốn thuế nhưng vẫn tiếp tục quản lý…
Ðó là tôi chưa kể những người sang Na Uy với visa du lịch nhưng không về, sống không giấy tờ và đi làm chui, và tất nhiên, những người nhận họ làm việc giá rẻ.
Nếu không gian lận cũng tiếp tay cho gian lận
Có lẽ sống lâu trong xã hội Việt Nam, người Việt cũng có suy nghĩ, nếu có thể lách được, và tiết kiệm được, tại sao không làm. Chẳng hạn, nếu cần sơn sửa lại nhà, tại sao phải thuê thợ Na Uy trong khi có thể trả tiền ít hơn hẳn với người Việt sống bất hợp pháp?
Bản thân tôi cũng vậy thôi. Tôi có thể đóng thuế đầy đủ, mua thẻ xe buýt, không gian lận… nhưng trước đây đã có giai đoạn đến cắt tóc ở chỗ làm chui tại nhà, vì tại sao phải tốn 600- 700 kroner cho 1 lần cắt tóc, hoặc ít nhất 300- 400 kroner ở tiệm của người nhập cư, khi có thể trả 50 kroner? (Tất nhiên tiền nào của nấy, và sau một thời gian tôi không đến đấy nữa).
Nhân viên của nhà hàng Việt kia cũng vậy – khi chấp nhận đi làm ngày lễ không thêm lương hoặc sửa lại giờ trong sổ sách, họ vừa tiếp tay cho gian lận, vừa mất đi quyền lợi mình lẽ ra phải có.
Bắt nguồn từ suy nghĩ
Tất cả những chuyện này đều do môi trường Việt Nam, quen chạy, quen lách, không tôn trọng pháp luật, thực dụng, hay tìm cách ăn chia… Còn ở các nhà hàng Việt, ngoài thói quen, chủ còn chèn ép nhân viên, trả tiền thấp, không cho quyền lợi, thậm chí có thể phỉ báng, xúc phạm… vì nó bắt nguồn từ cách nghĩ về quan hệ chủ tớ, không tôn trọng con người, không tôn trọng nhân viên… Còn nhân viên thì quen cách nghĩ đó và cần việc, nên không ý thức được mình nên có quyền lợi gì.
Và những giá trị khác
Tôi sang Na Uy khi gần 16 tuổi, đủ lớn để giữ tiếng Việt và hiểu xã hội Việt Nam và cũng đủ trẻ để nhập vào văn hóa nước khác. Thế nhưng đôi khi tôi vẫn thấy mình có một số suy nghĩ lệch lạc vì lớn lên trong một xã hội thiếu tự do.
Chẳng hạn, khi vụ Charlie Hebdo xảy ra, mới đầu như nhiều người Việt tôi đã nghĩ tại sao Charlie Hebdo châm biếm đạo Hồi dù bị dọa giết, tại sao lại đụng chạm Hồi giáo làm gì. Nhưng những người Na Uy nói chuyện với tôi đều có cùng quan điểm – tự do ngôn luận, các nhà báo Charlie Hebdo biết mình đang làm gì và sẵn sàng chết vì lý tưởng, trong xã hội tự do người ta có thể chỉ trích và châm biếm bất kỳ cái gì, tại sao Hồi giáo trở thành ngoại lệ?
Hoặc đầu năm 2016, khi một supporter của Bernie Sanders nhảy lên sân khấu như sắp tấn công Donald Trump (dù sau đó bảo là chỉ định cướp micro (4) và Sanders nói “What our supporters are responding to is a candidate who has in fact in many ways encouraged violence” (5), ngay lúc ấy tôi đã nghĩ ăn nói và hành xử như Trump, có người định tấn công cũng là dễ hiểu. Nhưng không, người bạn Na Uy chỉnh, tự do ngôn luận là tự do ngôn luận cho cả những lời nói mình không ủng hộ, và không bao giờ nên đáp trả bằng bạo lực.
Tôi để ý thấy, rất nhiều người Việt đã sống rất lâu ở Mỹ hoặc Châu Âu nhưng vẫn có nhiều suy nghĩ định kiến hoặc thiếu tự do, thiếu tôn trọng dân chủ.
Vẫn phân biệt chủng tộc – sợ dân da đen, không ưa người Hồi giáo, gọi người Mexico là Mễ, Pakistan là Ba Khía, Hồi giáo là Thổ… với ít nhiều miệt thị. Dù mình là dân da vàng và bị kỳ thị, hoặc bản thân cũng là dân di dân hoặc tỵ nạn nhưng muốn đất nước cưu mang mình đóng cửa, khó khăn với dân nhập cư hoặc tỵ nạn từ nước khác.
Vẫn kỳ thị phụ nữ, nhưng không nhận ra mình kỳ thị vì nó đã ăn sâu vào cách nghĩ. Chẳng hạn có một nhà báo bênh vực câu nói con gái miền Tây ngon, ngoan, và ngu, không hiểu phân biệt nam nữ ở đâu, dù đã sống lâu ở Châu Âu và sau này dọn đến Mỹ. Hoặc gần đây trong một cuộc tranh luận, một người sống ở Mỹ gọi Hillary Clinton là “vợ Bill Clinton”, như thể Hillary Clinton không có sự nghiệp và vị trí của riêng mình, thậm chí còn bảo “Tôi không đàn bà để đi cãi lộn với từng người”, không nhận ra các câu nói của mình kỳ thị thế nào.
Nhưng chính phụ nữ cũng quen miệng, dùng “tính đàn bà” hoặc “thằng đàn bà” để nhục mạ, không nhận ra mình nói thế là nói mọi tính xấu như nhỏ nhen, nhiều chuyện, tủn mủn, vặt vãnh, hay để bụng… đều ở phụ nữ còn đàn ông ai có là “thằng đàn bà” – không nhận ra mình theo nghĩa nào đó đang tự phỉ báng chính mình.
Không chỉ kỳ thị và không biết mình kỳ thị, nhiều người Việt vẫn tôn sùng lãnh đạo và không thực sự tin vào các giá trị tự do dân chủ dù đã thoát khỏi xứ độc tài.
Bởi vậy, nếu không tự ý thức và cố gắng học hỏi và thay đổi, nhiều người có sống lâu đến mấy ở các nước dân chủ vẫn giữ mọi thói xấu và suy nghĩ lệch lạc có từ xã hội Việt Nam.
DN – Anh Quốc
- http://baotreonline.com/di-lam-nha-hang-viet-o-oslo/
- https://baotiengdan.com/2018/07/14/nguoi-viet-an-cap-o-nhat/
https://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-ho-da-lam-bi-mat-nguoi-viet-20171007175942184.htm
Và rất nhiều tin tức khác: