“Một ngày đẹp trời ở thành phố X. Cán bộ vật tư hỏi người làm biển hiệu:
– Một pa nô có nội dung: “Công đoàn thành phố X kiên quyết chống tham nhũng!” Cỡ chữ to, giá bao nhiêu?
– Thưa anh, trọn gói mỗi cái là 150 ngàn đồng.
– Tốt, làm 100 cái đi, ngày kia tôi lấy, ghi hoá đơn đỏ tròn 500 ngàn một cái nhé!”

Việc làm trên, nếu ở một công ty thì gọi là ăn chặn, ở một công đoàn hay cơ quan nhà nước thì gọi là tham nhũng. Ðây là một căn bệnh rất nặng của xã hội từ xưa đến nay, nhưng rất nhiều người sẵn sàng mắc căn bệnh này nếu có cơ hội. Nếu ở xã hội phong kiến, những vị “hoàng thân quốc thích” có quyền tham nhũng công khai vì quyền lực của họ là tuyệt đối, là duy nhất. Vì nơi đó quyền con người chưa được “phát minh” và chưa được xem là thước đo của một đất nước phát triển và văn minh. Chính vì thế, khi xã hội càng phát triển, con người càng hướng đến văn minh thì cả thế giới bắt đầu tìm mọi cách chống lại, loại bỏ hai chữ tham nhũng. Các nước càng muốn phát triển, càng muốn làm bá chủ thì càng cố hết sức phô bày sự hiệu quả trong việc phòng chống tham nhũng trong bộ máy chính quyền của nước mình.
Ví dụ như ở các nước tự do, việc chống lạm quyền, chống tham nhũng được nhấn mạnh từ mỗi cá nhân. Ngay từ lãnh vực tổ chức bộ máy nhà nước, trong tất cả chính sách về tổ chức bộ máy chính trị và công quyền, họ đã cố gắng sao cho các nhánh quyền lực có thể kiểm tra, giám sát lẫn nhau và thiết lập sự kiểm soát từ phía xã hội, nhân dân. Theo những nguyên tắc như: tam quyền phân lập, cạnh tranh chính trị giữa các đảng đối lập, sự giám sát của xã hội công dân đối với bộ máy chính quyền… Nguyên tắc này luôn chặt chẽ và được bổ sung để bảo đảm nó đủ sức ngăn chặn các hành vi lạm quyền, chuyên quyền, sử dụng quyền lực vì mục đích tối đa hóa lợi ích của bản thân. Sự kiểm soát quyền lực đó làm cho quyền lực của “quan lại” luôn bị giới hạn trong khuôn khổ pháp luật, bị giám sát bởi nhiều chủ thể khác nhau, do đó tránh được tình trạng quyền lực quá tập trung dẫn đến việc độc đoán, chuyên quyền, tham nhũng trong thực thi quyền lực nhà nước. Còn ở các nước một đảng, một thể chế thì luôn miệng chống tham nhũng mỗi ngày nhưng đa phần là “phê và tự phê” sau đó lại… chống tiếp.

Do đó, nhiều người Việt Nam có thể há hốc mồm ngạc nhiên, nhấn “share” liên tục tin tức Thủ tướng Justin Trudeau phải cúi đầu xin lỗi, nhận tội “vi phạm đạo đức” khi chấp nhận kỳ nghỉ trên hòn đảo tư nhân của tỷ phú Aga Khan vào năm 2016 và tiếp tục bị phạt vào tháng 6/2018 số tiền 100 đô la Canada vì không khai báo món quà là hai cặp kính có giá trị khoảng 300 đô la Canada/cặp – số tiền không bằng một giọt rượu trong bình, một cây kim trong cái đồng hồ hay một chén canh trong bữa tiệc mà các quan chức VN nhận được từ cấp dưới hoặc đối tác. Mặc kệ mỗi ngày mở báo, đài, người Việt được đọc, được nghe nhiều nhất là ba từ “chống tham nhũng”… Ðảng và nhà nước cùng truyền thông cũng không tiếc nước miếng lẫn giấy mực mà “phát minh” ra những từ hoa mỹ nói về tham nhũng như “Ðại biểu Quốc hội đề nghị có danh hiệu “dũng sĩ diệt tham nhũng” hay “Phải bắt được con bướm chúa, xã hội mới thật sự trong sạch” ….
Không những vậy, sau hàng loạt phát ngôn mới lạ về việc chống tham nhũng của các vị Ðại biểu quốc hội và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì sáng ngày 2/8/2018, Khoa Luật – Ðại học Quốc gia Hà Nội mở thêm một khoa đào tạo thạc sĩ về ngành học mới, ngành này dạy một nghề lạ. Nghề này có tên là “Quản Lý nhà nước” và “Phòng chống tham nhũng”. Thời gian học là 2 năm, gồm nhiều chứng chỉ, học phần… Tuy mới được “khai trương” nhưng bà con nhân dân đã “chung một niềm tin” rằng khóa đào tạo này sẽ rất… ế hoặc những người học ngành này đa phần là những vị “thánh” tham nhũng trong tương lai, vì mục đích học cùng dạng với những vị học luật để kiếm tiền bằng cách “lách” luật. Cũng có nhiều ý kiến khác, ví dụ như một anh bạn đã thốt lên khi đọc tin này: “Những kẻ tham nhũng toàn là tiến sĩ, bộ trưởng, tướng tá trở lên thì làm sao thạc sĩ chống tham nhũng đấu lại được?” (Học xong thạc sĩ mới được học lên tiến sĩ).

Cũng có rất nhiều người cố nhìn bằng một con mắt lạc quan và trong sáng, họ tin rằng đây là một “giải pháp” mới, dùng để “thanh lý” bớt những sinh viên, cử nhân, thạc sĩ bị thất nghiệp ở Việt Nam. Họ có thể dự tuyển vào ngành học này vì nó mới mở, rất cần có học viên và người “đi đầu”. Nhưng có ba điều khiến tôi có thể “an tâm” rằng, những người đã hoặc có ‘nguy cơ” thất nghiệp không nên “mơ mộng” vào ngành học mới và tấm bằng thạc sĩ kia:
– Ðầu tiên, là ở điều kiện ứng tuyển. Theo thông cáo báo chí thì những người được dự tuyển ngành học này phải là những người đã có bằng cử nhân ngành luật về “Quản Lý Nhà Nước” hoặc cử nhân những ngành liên quan đến luật, an ninh như: Quản lý công, Khoa học quản lý, Chính trị học… Nói chung là những ngành dành cho những người xác định sẽ làm việc trong bộ máy chính quyền. Và ai cũng biết, những người muốn học tập/làm việc ở các ngành liên can đến hai chữ “nhà nước” luôn bị xét duyệt lý lịch gắt gao ít nhất là ba đời. Nếu có ông bố/bà mẹ là “người trong ngành” hoặc sanh ra ở một gia đình có “truyền thống cách mạng” thì càng tốt còn không thì phải là người Bắc có “lý luận”, là những người có “tư chất chính trị” vững vàng. Phải hoàn toàn trung thành, phục tùng mệnh lệnh cuả Ðảng, bảo vệ Ðảng, thuộc lòng cơ chế xây dựng xã hội chủ nghĩa… Nhưng những người vậy thì họ đâu có bị thất nghiệp, họ không cần cái bằng thạc sĩ xoàng kia.
– Thứ hai. Sự thất nghiệp ở Việt Nam bắt đầu từ một “quy luật”: Ðể có việc làm tương xứng với tấm bằng trên tay thì ngoài sự may mắn ra người mới ra trường cần phải có tiền (rất nhiều tiền) và mối quan hệ. Nếu chỉ có tiền mà không có mối quan hệ thì người đi xin việc bị đòi hỏi một cái rất “vi diệu” gọi là “kinh nghiệm”. Cái kinh nghiệm này, ngoài mua bằng tiền (để có việc làm) còn phải mua bằng thời gian (để tạo mối quan hệ) và sự chịu đựng bị dồn ép từ cấp trên, thay “người có thẩm quyền” nhận hết mọi cái sai (trong khi “người có thẩm quyền” có thể không biết chữ). Vì những yêu cầu khắt khe đó mà có rất nhiều người phải bỏ cuộc giữa chừng, một số ít thì lập sự nghiệp riêng còn đa số sẽ trở thành người thất nghiệp hoặc làm những công việc không được như mong đợi khác để chờ “cơ hội”. Bởi vậy, ở Việt Nam sẽ rất ít người ngạc nhiên khi biết một anh xe ôm, một bác bảo vệ hay một chị bưng hủ tiếu có khi kiến thức còn cao hơn một anh chủ tịch tỉnh hoặc một bà đại biểu quốc hội.

– Thứ ba, rất quan trọng. Sự “ế” của ngành học này còn liên quan đến niềm tự hào của những người tạo ra nó “Ðây là chương trình đào tạo thạc sĩ đầu tiên về lĩnh vực quan trọng này”. Vì nó là đầu tiên, vì nó là duy nhất nên nó hoàn toàn vô… dụng với những người có giấc mơ du học. Vì không có nước tự do nào có nghề tên là “Quản Lý Nhà Nước” hoặc “Phòng Chống Tham Nhũng” cả. Trong khi “cây cột điện có chân cũng muốn đi khỏi Việt Nam” thì những người có điều kiện hoặc có mong muốn đi du học, họ đâu dại gì bỏ ra thêm 2 năm để “rước” thêm tấm bằng vô dụng này sau hơn 12 năm mài mông trên ghế nhà trường và hơn 4 năm lăn lộn ở Ðại Học Luật.
Ðó là về số lượng, còn về phẩm chất thì tôi càng không dám nghĩ đến. Vì những ai đọc nhiều tin tức về Việt Nam, về bộ máy chính trị ở Việt Nam đều sẽ hiểu, bây chừ tham nhũng không còn là chuyện “Một con sâu làm rầu nồi canh” hay “Vạch lá tìm sâu” nữa mà là chuyện phải vạch ra từng… đống sâu để tìm dấu hiệu của lá hoặc hình dáng của nồi canh. Những “con sâu” cũng chẳng thèm lén lút, ăn bớt ăn xén nữa mà cứ vô tư mà ăn, vô tư mà khoe một cách công khai. Bản tin về việc bắt một con sâu sẽ luôn song song với nhiều bản tin giới thiệu những con sâu mới, ngày càng mập mạp, béo ú và ăn bạo hơn. Sau đó họ lên báo hùng hồn tuyên bố: “Thu thuế là để chống tham nhũng”. Việc này càng khiến cho nhiều người tin việc chống tham nhũng giống như là một cách để… tham nhũng khác. Quan trọng hơn, muốn chống tham nhũng ở Việt Nam, bạn phải chống lại cả… thế giới của cả bộ máy. Xin được giải thích bằng một câu chuyện khác, cũng tại thành phố X. Còn việc vì sao là thành phố X mà không phải là một thành phố cụ thể nào trên bản đồ VN? Không phải tác giả ngại ngùng gì mà vì thành phố nào ở VN cũng như vậy thôi, nói ra một nơi thì các nơi khác lại phân bì!
“Một ngày đẹp trời khác ở thành phố X, cô lao công làm gãy chiếc chổi của mình, cô đến gặp quản lý và nói:

– Cây chổi của em gãy rồi anh ạ, anh cho em xin tiền mua cây mới.
– Hết bao nhiêu tiền?
– 20,000 ạ!
– Cô ký tên vào đây, về đợi tôi.
Anh ta lên phòng tài vụ và nói:
– Anh cấp cho tôi 100,000 mua dụng cụ chuyên dụng vệ sinh môi trường.
– Ừ để tôi gọi cho cấp trên đã.
Cô tài vụ gọi điện cho trưởng phòng:
– Anh cấp cho em 1 triệu để em mua dụng cụ thiết yếu vệ sinh môi trường.
Ngay sau đó, trưởng phòng đem đơn đến cho ông thủ trưởng ký vào tờ đơn phê duyệt cấp 100 triệu mua dụng cụ đặc dụng chuyên nghiệp Vệ Sinh Môi Trường. Ngay lập tức, ông thủ trưởng lên gặp Bộ trưởng và xin phê duyệt cấp 1 tỷ đồng mua “Phương tiện chuyên dụng bảo vệ môi trường”. Và sau cùng bộ trưởng xin thủ tướng đóng dấu nghị quyết đầu tư 100 tỷ đồng cho đề án bảo vệ môi trường. Một tuần sau, 800 tờ báo đưa tin:
“Nhà nước đầu tư 1,000 tỷ cho thành phố X dùng để cải thiện môi trường sống cho nhân dân”.
DU