Menu Close

Một chút kỷ niệm với Nghiêu Đề

Hoạ sĩ Nghiêu Đề sinh năm 1939 ở Quảng Ngãi, Việt Nam. Được tặng thưởng huy chương bạc Hội Họa Mùa Xuân năm 1961 với tác phẩm ‘Chân dung’ sáng tác năm 1960. Ngoài thì giờ sống với hội họa, Nghiêu Đề cũng viết văn và làm thơ, in thơ rải rác trên các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu. Ông cũng đã cho xuất bản tập truyện ngắn ‘Ngọn Tóc Trăm Năm’ ở Sài Gòn thập niên 70. Năm 1985, ông cùng gia đình định cư ở San Diego, California, Hoa Kỳ. Và tại thành phố này, ông ra đi vào ngày 9 tháng 11, 1998.

Trong đời sống, Nghiêu Đề là một nhân cách đáng quý. Nhiều bạn bè, như Nguyễn Xuân Hoàng lúc sinh thời, rất quý mến anh. Chúng ta đọc tiếp những đoạn viết của tác giả ‘Người Đi Trên Mây’ tưởng niệm Nghiêu Đề. NGUYỄN & BẠN HỮU

Nghiêu Ðề đến với chúng tôi như một người viết những chữ vui đầy âm thanh và màu sắc xuống một trang giấy chi chít những dòng chữ đen buồn bã của đời sống. Anh làm cho cuộc đời những người gần anh có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn. Những câu nói, những suy nghĩ bình thường của mọi người khi đến với anh đều bị anh lật ngược. Và người nghe ngỡ ngàng khi khám phá ra bên kia cái nghĩa bình thường còn có một ý nghĩa “khác thường hơn”, “thích thú hơn” mà trước đó chưa ai nghĩ ra.

Nghiêu Ðề có khuôn mặt, vóc dáng của một kẻ sĩ bất mãn với cuộc đời, nhưng là một kẻ sĩ lạc quan. Anh đặt cho người nghe vào một trạng thái hụt hẫng, mất thăng bằng, và bật cười khi khám phá ra ý nghĩa của điều anh muốn nói.

mot-chut-ky-niem-voi-nghieu-de
Hoạ sĩ Nghiêu Đề

Tôi gọi Nghiêu Ðề là một người bạn thật trong một vài người bạn thật của tôi, bởi có những người bạn tưởng là bạn nhưng là bạn giả, giống như bạc giả vậy. Không nên xài bạc giả, nguy hiểm lắm! Trong những cuộc họp mặt vào cuối tuần ở nhà anh, dưới San Diego, hoặc ở nhà Nguyễn Mộng Giác ở Quận Cam, bao giờ bạn bè cũng bật cười khi nghe anh kể chuyện. Anh nói chậm rãi, giọng miền Trung, phát âm rõ, với một nụ cười kín đáo. Nhưng điều anh nói bao giờ cũng khiến chúng tôi giật mình.

Những chiều thứ Bảy nào hẹn nhau ở Quận Cam, mặc dù con đường từ nhà anh đến nhà bọn tôi dài khoảng hai giờ lái xe, và vào những tháng mùa đông con đường còn bị chìm trong một vùng sương mù dày đặc, thế nhưng Nghiêu Ðề không bao giờ vắng mặt. Có anh, không khí buổi họp bạn vui, ấm và sáng hẳn lên.

Giữa năm 1998, khi Nghiêu Ðề bắt đầu trở bệnh, bọn tôi không còn gặp nhau thường xuyên như trước, nhưng mỗi lần có dịp họp mặt, Nghiêu Ðề vẫn luôn mang đến cho chúng tôi tiếng cười. Có lần anh bảo tôi: “Cậu thân ông Mai Thảo hơn tôi phải không?” Tôi không trả lời ngay, vì chưa biết bạn tôi định gài bẫy gì, thì anh tiếp: “Ông ấy muốn sponsor thì cứ việc sponsor cậu trước đi chứ việc gì sponsor tôi?” Anh chưa muốn đi theo Mai Thảo. Nghiêu Ðề những ngày sau đó thường nói bệnh như là một phần của đời sống anh. “Mà nói đến chuyện hưởng đời thì tại sao không hưởng luôn cái bệnh của đời.” Bệnh tật có làm anh đau đớn nhưng quả tình anh cũng đã nhìn nó bằng một con mắt đùa cợt nhẹ nhàng như không.

mot-chut-ky-niem-voi-nghieu-de1
Bố cục Sen – sơn dầu Nghiêu Đề

Nghiêu Ðề là một trong những họa sĩ đã hình thành nền hội họa đầy tính năng động và sáng tạo Việt Nam trong những năm đầu thập niên 60. Trong một bài viết về Nghiêu Ðề* nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy nhận định “Trong bầu không khí nồng nhiệt đổi mới và khao khát sáng tạo của những thập niên 50 và đầu 60, Nghiêu Ðề xuất hiện như một khuôn mặt trẻ trung, phấn chấn tiến đến với nền nghệ thuật mới.” … “Và chính trong không khí rạo rực đầy hứa hẹn ấy, Nghiêu Ðề đã góp một tay vào việc thiết kế căn nhà mới của nền nghệ thuật mới.

Anh được tặng thưởng huy chương bạc Hội Hoạ Mùa Xuân năm 1961 với tác phẩm Chân dung sáng tác một năm trước đó, vẽ khuôn mặt một thiếu nữ đầy chất cách tân, vì khuôn mặt của thiếu nữ có thể nói là hơi nhỏ, không cân bằng trên một thân hình khá lớn, lại còn cái cổ áo dựng cao lên làm chúng ta nhớ đến kiểu áo dài của phụ nữ thời đó, vậy mà tất cả lại trở nên rất hoà hợp khi tất cả đều như chìm vào trên một nền sơn dầu mạnh mẽ xanh xám như đá tảng.”*

mot-chut-ky-niem-voi-nghieu-de2
Sinh hoạt Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam, từ trái: Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Mai Chửng, Hồ Thành Đức (tư liệu Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam)

Biết anh là tác giả tập truyện Ngọn Tóc Trăm Năm tôi hỏi xin anh một truyện ngắn cho Văn, nhưng anh chỉ cười. Thỉnh thoảng Nghiêu Ðề gửi lên cho Văn một bài thơ và tuyệt nhiên không thấy một truyện ngắn mới nào. Tại sao? Nhiều lần tôi hỏi anh và anh nói “màu sắc đủ rồi, thơ cũng là quá một bước, truyện ngắn là lỡ bước thứ hai. Cậu đừng xúi dại tôi mãi như vậy!”

Tối ngày 9 tháng 11, 1998 đang ngồi ở tòa soạn xem lại phần tin trên trang nhất của số báo cuối cùng trước khi chia tay để nhận việc một tờ báo khác ở miền Bắc Cali thì nhận được điện thoại của nữ ca sĩ Quỳnh Giao báo tin Nghiêu Ðề vừa ra đi lúc 6 giờ 25 [chiều], tại nhà anh ở San Diego. Tôi nhớ nụ cười của Nghiêu Ðề khi hỏi tôi chuyện Mai Thảo sponsor. Tôi không nghĩ là anh ra đi nhanh như vậy. Một tuần sau, ngày các bạn tôi từ Quận Cam kéo nhau xuống phương nam tiễn Nghiêu Ðề ra đi cũng là ngày tôi phải từ Quận Cam lên đường ngược chiều về phương bắc nhận việc làm trong một tờ báo mới ở San Jose. Ðời sống không bao giờ dễ dãi với một ai. Tôi đã không đến thăm Nghiêu Ðề lần cuối. Tôi đã chia tay anh trên một chuyến bay.

NXH – San Jose, 16.11, 1998 -11. 11, 2009

* Huỳnh Hữu Ủy, Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại, VAALA 2008, tr. 183