Menu Close

Đêm nhạc Thanh Trang

Có bao giờ bạn nhìn đàn chim Hải Âu mà nhớ về quê hương xa tắp bên kia đại dương không? Vậy mà nhạc sĩ Thanh Trang lại dấy lên nỗi bồi hồi khi nhìn đàn Hải Âu bay lượn trên nóc một siêu thị trong thành phố mà tự hỏi không biết vì lẽ gì? Vì mùi tôm cá của biển khơi bên trong bay ra chăng? Ông đã thầm nghĩ tới thân phận tị nạn của mình như những cánh Hải Âu sao cứ mãi quanh quẩn chốn hải ngoại này, trong khi quê mình ở rất xa. Ông tự nhủ, bầy chim còn có tự do bay lượn từ nơi này qua nơi khác, còn những con người VN yêu tự do trong nước bị cầm tù dưới chế độ cộng sản, có được tự do bay lượn như chim đâu?.  Ca khúc “Cánh chim ngày gió lộng” vì thế mà ra đời, ủ kín tâm tư của tác giả. 

dem-nhac-thanh-giang1
Thúy An, Vương Hậu và Phương Thảo

Khán thính giả của Little Sài Gòn, Nam Cali, cuối tuần qua trong một chiều cuối tháng 7 đã đến Viện Việt Học để nghe các nhạc phẩm của nhạc sĩ Thanh Trang và được gặp gỡ ông. Ông là một trong các nhạc sĩ lão thành có những ca khúc nổi tiếng vào thập niên 1960 cùng thời với các nhạc sĩ Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương v.v… Những nhạc phẩm đã làm sáng danh ông như Duyên Thề, Tình khúc mùa Ðông, Huyền v.v…

Ca sĩ Hồng Tước, người đã chủ trương và là thành viên của Câu Lạc Bộ Viện Việt Học (CLB VVH) cho biết lý do tại sao lại có chương trình này: “Tình cờ vào tháng 5 năm nay, CLB VVH họp và đề nghị ra 3 chương trình nhạc lớn cho các nhạc sĩ Thanh Trang, Lam Phương và Nguyễn Ðình Toàn”. Tôi đã liên lạc mời ông nhưng ông từ chối vì ông muốn đợi đến lúc ông hoàn tất cuốn hồi ký đã. Tuy nhiên sau khi tôi trình bày mục đích là để giới thiệu và phổ biến những nhạc phẩm mới sáng tác rất hay của ông đến khán thính giả, thì ông bằng lòng. Chính vì ông không thích cứ nhắc đến ông, người ta chỉ nhớ có Duyên Thề hay Tình Khúc Mùa Ðông, và ông hứa sẽ hát cho chúng ta nghe nữa”.

dem-nhac-thanh-giang4
Nhạc Sĩ Thanh Trang

Chưa đến giờ khai mạc, khán giả đã đến ngồi chật kín phòng. Tôi được biết ông bệnh bất thình lình phải vào phòng cấp cứu và gọi Viện Việt Học (VVH) nói không thể đến dự vì quá mệt. Tôi gặp cô Kim Ngân là giám đốc của VVH và được cô cho biết những cơ duyên để có buổi ca nhạc chiều hôm nay: “Gần đây, nhận thấy những nhạc sĩ có nhạc phẩm trước năm 1975 đã lớn tuổi và sức khoẻ không còn nhiều. Cho nên, CLBVVH, bên cạnh việc giới thiệu những dòng nhạc mới, chúng tôi cũng muốn nhắc đến những dòng nhạc mà các nhạc sĩ đã đóng góp cho chúng ta bao lâu nay. Hôm nay VVH có cơ hội để mời NS Thanh Trang trở lại với chúng ta dù trước đây ông đã có nhiều buổi nhạc như thế này với các ca sĩ danh tiếng. Chính những dòng nhạc này đã nói lên tính nhân bản, tình tự dân tộc quê hương của chúng ta. Nhạc ca ngợi tình người, nỗi đau trong chiến tranh, có khi còn xây dựng nên con người nữa. Tuy nó rất buồn, nhưng lại thấm đẫm tinh túy nền văn hoá VN. Người ta không muốn nhắc đến nhưng đó là những bài học lịch sử chúng ta cần nhìn lại và vươn tới như đóa sen vươn lên từ bùn, từ hoàn cảnh không đẹp đẽ để chúng ta tiếp tục ước vọng cho tương lai.”

Chương trình được mở đầu với ban tứ ca Hương Xưa gồm Hồng Tước, Mai Phương, Vũ Khiêm, Vương Lan trong nhạc phẩm “Yêu Là Yêu”. Những tác phẩm mới của ông như “Chiều muộn, Màu hoa kỷ niệm, Bài Tango cho mùa thu, Tiếng buồn đêm mưa, Thiên Lý bên đời vẫn ngát hương  v.v…” liên tục được các ca sĩ của CLB VVH thay phiên nhau trình diễn.

dem-nhac-thanh-giang3
Nhạc Sĩ Thanh Trang và toàn ban CLB VVH

Bất ngờ NS Thanh Trang xuất hiện trên sân khấu VVH như một phép lạ. Người nghệ sĩ phong cách nho nhã, thanh tao, mái tóc muối tiêu, sau một ngày vật lộn với thủ tục tìm bệnh của phòng cấp cứu ER, đứng đó như sau một cơn mơ. Ông tóm tắt diễn tiến sự việc đã xảy ra với một giọng kể chuyện đầy vẻ trào lộng (ông vốn là một cựu giảng sư Ðại Học trước 75):

“Một nghệ sĩ mà lớn tuổi như tôi thật là phiền! Sáng nay thức dậy tôi thấy mình chao đi như ngồi thuyền, đo mới thấy áp huyết lên tới 170. Lòng tự nhủ, tại sao 365 ngày không sao, tự dưng đến cái ngày quan trọng thế này lại xảy ra chuyện. Hay lại có ai không ưa, ếm mình chăng? Tôi phải vào bệnh viện, đến phòng khám khẩn cấp ER. Thế là tôi phải trải qua các thủ tục tìm bệnh, kể cả CAT Scan để xem có xuất huyết não không. Ngày trước NS Nguyễn Ðức Quang mất vì bị kiểu này. Rồi họ lấy máu. Một cô người Tàu có khuôn mặt hầm hầm tiến tới đặt 4 ống không trước mặt tôi. Hãi quá, tôi liền bảo: Người Mỹ to lớn nặng ba bốn trăm pounds, cô muốn lấy bao nhiêu thì lấy, nhưng người Á Ðông gầy ốm như tôi mà cô lấy 4 ống máu làm sao tôi sống cho nổi? Tôi lại đang chóng mặt, nhỡ tôi xỉu ngay tại chỗ thì sao? Cô đáp ngay: Ðừng có lo, cơ thể ông nó sẽ tự tạo tác lại, ông không ốm đâu mà sợ. Mặt cô ta vẫn hầm hầm, đút kim vào và rút ra 4 ống máu tỉnh queo, dù sáng đến giờ tôi chỉ uống mỗi ly cà phê nhỏ xíu. Xong cô hỏi tôi có thấy sao không? Tôi trả lời: không sao, nhưng mặt cô hầm hầm thế kia, huyết áp của tôi nó còn tiếp tục lên nữa. (cử toạ cười to). Nghe vậy cô mới cười. Tôi gọi cho VVH nói không đến được. May thay có cô cháu Thiên Nga là y tá về cấp cứu đến thăm và tình nguyện đi theo đến VVH để chăm sóc cho tôi. Tôi an tâm và giờ mới có mặt ở đây”.

dem-nhac-thanh-giang2
Tứ ca Hương Xưa

Giọng ông tuy yếu vì mệt nhưng vẫn còn sang sảng. Cử chỉ và cung cách điềm đạm, khôi hài tế nhị và duyên dáng của ông đã chinh phục khán giả. Không ai biết ông vừa trải qua một ngày dài mệt lả vì đói, vì chờ đợi và trải qua những thủ tục tìm bệnh, nếu ông không nói ra.

Ca sĩ Vương Lan lên sân khấu trình diễn ca khúc “Cánh chim ngày gió lộng” nói lên tâm sự của người tị nạn. Tôi nghe ông gật gù khen với tôi “Cô ấy hát khá quá nhỉ, lột tả được hết ý của bài hát”. Nam ca sĩ Nguyễn Ngọc Phúc tiếp tục đưa người nghe trở lại với khung trời quê hương VN cũ với lời hứa của NS Thanh Trang “Hẹn mai về lại Sài Gòn”.

Ông nói: “Tôi được nghe ca sĩ Nguyễn Ngọc Phúc hát bài “Hẹn mai về lại Sài Gòn” và nói một câu mà tôi thật thích. Anh cảm ơn tôi đã sáng tác một bài hát mà anh có cảm tưởng như tôi sáng tác cho anh ấy. Có người nghệ sĩ làm thơ, văn, nhạc nào mà không ước vọng khi mình sáng tác hay viết ra một cái gì mà người ta thích. Nhất là khi tôi ngồi nghe anh hát với cung cách anh hát và diễn tả bài hát đúng là dân Sài Gòn cũ như tôi. Có đau lòng lắm mới diễn tả được thiết tha như thế.

dem-nhac-thanh-giang
Khán thính giả

Người ta cảm ơn người nhạc sĩ sáng tác, trong khi tôi cảm ơn người hát. Bởi vì một người sáng tác mà không có người nghe hay người thích, không có người giới thiệu nhạc của mình hay chơi đàn thì còn gì là bài hát? Tựa biết bao nhạc sĩ ngày trước sáng tác trong bóng tối rồi bài hát không được ai hát hay phổ biến đã chịu một thiệt thòi lớn. Thành ra, khi được tổ chức cho những buổi như thế này, tôi thấy thú vị và rất thích vì người nghe đến đây họ thích những bài hát của tôi họ mới tới. Các ca sĩ đã tự chọn bài trong mấy trăm bài hát của tôi mà trình diễn chứ tôi không yêu cầu ai hát gì cả. Sự tổ chức đạm bạc trong tình thân với nhau lại là một điểm son. So với những lần tôi đi dự những cái show có Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên và các nhạc sĩ khác, có ca sĩ chuyên nghiệp, mình không biết người ta hát những bài gì của mình, người ta có thích hay không? Người ta nghe các ông bầu show đề nghị. Tỷ như ông nhạc sĩ này có bài này nổi tiếng nên hát bài này, đừng hát bài kia. Tôi nghe vậy rất buồn, vì tôi có rất nhiều bài hát chứ đâu chỉ có bài “Duyên Thề” rồi suốt ngày chỉ hát “Duyên Thề”. Như NS Lê Trọng Nguyễn than thở với tôi ngày còn sống “Cứ nhắc đến tôi họ chỉ biết có “Nắng Chiều”. Ông ấy còn những bài như “Sao Ðêm” hay “Chiều bên giáo đường” nữa!”

Tiếng nhạc, tiếng đàn, cứ thế mà trải dài trên 20 ca khúc của NS Thanh Trang. Tôi ra về mà trong trí vẫn vang vọng giọng nói cứng cỏi, hoạt bát, đầy cảm xúc của người nhạc sĩ lão thành từng phụ trách mục phê bình âm nhạc của đài VOA một thời.

TTT