Menu Close

Mama Mia! Here We Go Again!

Năm 2008 phim “Mama Mia!” ra đời và đã thành công vang dội. Phim được dựng theo vở nhạc kịch Broadway cùng tên, với phần âm nhạc là các ca khúc của ban nhạc ABBA. Những tưởng một bộ phim với nhạc của ABBA là quá đủ, ai dè mười năm sau ta lại có thêm một phim nữa để xem.

mama-mia
Tài tử chính trong phim “Mama Mia! Here We Go Again” 2018

Những ai từng sống ở VN đầu thập niên 1980 có lẽ đều biết ban nhạc super-pop đến từ Thuỵ Ðiển này. Thuở còn ngăn sông cấm chợ ấy nhạc ngoại quốc được nghe công khai rất ít. Ngoài ABBA ra chẳng có mấy ai, phần vì Thuỵ Ðiển là một trong những quốc gia Tây Phương hiếm hoi không những có bang giao với CSVN mà còn trợ giúp VN trong nhiều lãnh vực như giáo dục, kỹ thuật, xã hội v.v… Nhờ thế nên giới trẻ thời bấy giờ được nghe nhạc ABBA khá nhiều, đến độ có những bài hầu như ai cũng biết như “Happy New Year”, “The Winner Takes It All”…

mama-mia6
ABBA thời cực thịnh của disco

Còn những ai sang Mỹ từ năm 75 và trải qua thời kỳ cực thịnh của nhạc disco (1975-1980) cũng đều được nghe ABBA với những ca khúc bất hủ như “Dancing Queen”, “Knowing Me, Knowing You” v.v… Nói tóm lại, ABBA là một trong những ban nhạc ngoại quốc hiếm hoi mà cả hai thế hệ người Việt trong và ngoài nước đều quen thuộc, vào thời điểm sự đi lại giữa hai bên vẫn còn khó khăn. Có thể nói, trên bình diện nào đó âm nhạc của ABBA là mẫu số chung cho rất nhiều người Việt cả hai miền Nam Bắc cũng như tại hải ngoại.

Ngày nay, tuy ban nhạc này đã rã đám từ lâu, nhưng nhờ có ca nhạc kịch và sau đó là phim “Mama Mia!”nên nhạc ABBA vẫn được những thế hệ trẻ sau này, cả Mỹ lẫn Việt, tiếp tục nghe và yêu chuộng. Bằng chứng là khi phim “Mama Mia 2” vừa ra là bà con đi coi đông nghẹt, trong đó ngoài những người thuộc lứa tuổi trung niên còn có rất nhiều người trẻ.

mama-mia4
Diễn viên Meryl Streep (giữa) cùng ca sĩ Agnetha Faltskog (trái) và Anni-Frid Lyngstad

Truyện phim của “Mama Mia 2” không chỉ là tiếp nối (sequel) của phim trước, mà còn có thêm phần quá khứ (prequel) của “Mama Mia 1”. Mặc dù người xem không nhất thiết phải biết cốt truyện phim 1 mới hiểu được phim 2, nhưng nếu đã xem phim 1 rồi thì xem phim 2 sẽ thích thú hơn vì lồng trong cốt truyện và những nhân vật của phim 2 là những tình tiết dẫn dắt đến tương lai đã được thể hiện trong phim 1. Nói ra thì nghe có vẻ lộn xộn, nhưng trên thực tế thì mọi chuyện đều được giãi bày một cách rõ ràng và mạch lạc.

Nhân vật chính trong phim 1 là một người phụ nữ trung niên độc thân tên Donna (Meryl Streep thủ diễn) chủ một khách sạn nằm trên một ốc đảo ở vùng biển Hy Lạp. Bà ta có một cô con gái tên là Sophie (Lily James) sắp sửa lấy chồng. Tình cờ Sophie tìm được cuốn nhật ký của Mẹ mình và đọc được về ba chàng thanh niên mà Mẹ mình đã từng yêu khi còn là con gái và gặp gỡ trên hòn đảo này vào một mùa hè năm xưa. Sophie tò mò muốn biết xem trong ba người đó ai là Cha của mình. Cô bèn quyết định gởi thư mời cả ba đến dự đám cưới của mình, với hy vọng sẽ tìm ra câu trả lời. Kẹt một nỗi, cô không nói cho ai biết việc làm này, kể cả vị-hôn-phu và Mẹ của mình. Khi ba người đàn ông đó cùng xuất hiện trên đảo vài ngày trước hôm đám cưới, ai cũng bị bất ngờ và không biết phải xử trí ra sao, tạo nên nhiều tình huống hài hước cười ra nước mắt. Ráp với những bản nhạc của ABBA khi thì tươi vui, lúc thì ủ rũ, khi thì nhộn nhịp, lúc thì trầm tư, “Mama Mia 1” đã được chấm là một trong những cuốn phim rom-com (romantic comedy) hay nhất của thập niên 2000.

mama-mia5
ABBA xưa và nay: Bjorn Ulvaeus, Agnetha Faltskog, Anni-Frid Lyngstad, Benny Andersson

Sang đến phim “Mama Mia 2” (2018) hầu hết các tài tử lớn trong phim 1 đều tái xuất hiện, kể cả Meryl Streep. Nhưng vì phim 2 kể về chuyện “đời xưa” của các nhân vật chính trong phim 1, xen kẽ với chuyện “đời nay” của họ, nên thành phần diễn viên chính được nhân lên gấp đôi. Thành thử ra những tình huống éo le “cười ra nước mắt” cũng được tăng theo. Thêm vào đó là sự có mặt của nữ ca sĩ danh tiếng Cher trong vai bà ngoại của Sophie đã làm cho vở nhạc kịch hay lên bội phần. Và không thua gì phim 1, những màn múa hát cũng được dàn dựng hết sức công phu và khéo léo.

mama-mia3
Lily James trong vai Donna thời còn trẻ

Mặc dù “Mama Mia” chỉ là một cuốn phim rom-com thuần tuý, không có tham vọng đoạt giải Oscar hay gì cả, nhưng điều đó không có nghĩa phim không được làm một cách nghiêm chỉnh. Ngược lại, xem kỹ ta có thể thấy đạo diễn Ol Parker đã để ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Từ cách ăn mặc cho đến những tiếng lóng của thập niên 70, đối chiếu với y phục và lối nói chuyện của cùng một nhân vật ấy mấy chục năm sau. Và tuy các diễn viên chính không ai là ca sĩ chuyên nghiệp cả (ngoại trừ Cher) nhưng tất cả đều phải hát phần của mình. Thật là thú vị khi thấy những tài tử như Pierce Brosnan (từng thủ vai James Bond) hay Colin Firth (Kingsman) múa hát trên màn ảnh. Nhưng người gây ấn tượng nhất có lẽ là Meryl Streep, vì trước khi có phim “Mama Mia 1” ít ai biết nữ diễn viên gạo cội từng đoạt vô số giải Oscar này lại có thể hát giỏi đến như vậy. Tuy rằng trong phim 2 nhân vật Donna của Meryl Streep đã chết, nhưng bà ta đã hiện hồn về để hát một bản song ca với cô con gái Sophie trong một màn cuối hết sức cảm động. Meryl Streep nói rằng sau khi phải hát 9 bài trong phim 1, bà muốn nhường sân khấu lại cho Lily James, người đóng vai Donna thời trẻ, cho cô ta mặc sức tung hoành. Và James đã không làm cho công chúng thất vọng với phần diễn xuất cực kỳ xuất sắc của mình.

mama-mia2
Cher và nam tài tử Andy Garcia với bản “Fernando” bất hủ

“Mama Mia! Here We Go Again” là một cuốn phim nhẹ nhàng, vừa phải. Nó không vượt ra ngoài định nghĩa của thể loại phim giải trí và nó cũng chẳng cần phải lên gân với ai. Mọi tình tiết đều dựa theo những nhạc phẩm một cách tự nhiên và khéo léo, do hai thành viên Nam của ABBA (Bjorn Ulvaeus và Benny Anderson) soạn lại để phù hợp với truyện phim. Chính các nhạc phẩm này là linh hồn của cuốn phim. Ngoài những bản nhạc quen thuộc như “Super Trouper”, “Waterloo”, “Fernando”, “Mama Mia” … phim 2 còn có một số bài nhạc tuy không nổi tiếng bằng nhưng cũng rất hay, như “My Love, My Life”, “Kisses Of Fire”, “One Of Us”. Ấn tượng nhất có lẽ là bài “Andante, Andante”, trước giờ chỉ được phát hành ở El Salvador và Argentina nên ít được biết đến.

Trong lúc thế giới bên ngoài đang xảy ra vô số chuyện đảo điên nhức đầu, được bỏ ra vài tiếng đồng hồ trong một rạp xi nê để giải khuây, thả hồn theo những dòng nhạc tươi mát cũng là một cái thú. Ðây là một cuốn phim mà những người yêu nhạc ABBA không thể bỏ qua, thậm chí nên coi vài ba lần cho nó đã!

mama-mia1
Tài tử chính trong phim “Mama Mia!” 2008

PA