Trong bài trước tôi đã viết về những thói quen xấu và suy nghĩ lệch lạc do sống lâu trong xã hội độc tài như Việt Nam. Ngược lại, cũng có những cái tốt.
Có kinh nghiệm trong xã hội độc tài
Và có thể so sánh đối chiếu với nước dân chủ. Người dân ở nước dân chủ có thể biết sơ sơ các nước độc tài không có tự do bầu cử, thậm chí độc đảng, không có tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, người dân chỉ trích nhà nước có thể phải đi tù… nhưng không thực sự biết cảm giác thế nào khi sống trong một xã hội có chính quyền độc tài như ở Việt Nam. Chẳng hạn, nhiều người bạn ở Na Uy hoặc Anh ngạc nhiên khi tôi nói Việt Nam không có quyền im lặng. Có những cái người ta nghĩ là bình thường, hiển nhiên, nghĩ ở đâu cũng có, nhưng lại là thứ xa xỉ, ở nước khác tranh đấu mãi không có.
Tuy nhiên, người Na Uy nhìn chung biết hài lòng xã hội họ đang sống. Họ khá hiểu biết tình hình thế giới và điều kiện các nước độc tài. Họ chấp nhận nhiều dân tỵ nạn. Họ ý thức được mình có tự do, dân chủ, nhân quyền, và bình đẳng. Trong khi đó, dân Anh dân Mỹ thường chỉ trích nhà nước nhiều, và đôi khi tôi có cảm giác họ không thực sự ý thức mình có nhiều quyền lợi đến thế trong khi ở nhiều nước khác người dân phải đi tù để đấu tranh cho những quyền lợi mà họ xem là hiển nhiên.

Ít bị lầm tưởng về nước độc tài khác
Trên báo chí, đôi khi tôi gặp một số bài viết phân tích và chỉ trích chế độ độc tài của Trung Quốc hoặc các chính sách và hành động chà đạp nhân quyền, nhưng chỉ ở cấp độ dân thường nhưng qua mạng hay một số người tôi gặp ở Na Uy và Anh, có vẻ nhiều người vẫn không xem Trung Quốc là mối nguy hại, họ không biết rõ xã hội Tàu, không biết tình hình Tây Tạng và Tân Cương, không biết mâu thuẫn biển Ðông và âm mưu bành trướng lãnh thổ, không biết ảnh hưởng của Tàu ở Úc và Châu Phi, càng không biết cách cư xử của Tàu với các nước láng giềng, đặc biệt Việt Nam. Có người biết vấn đề nhân quyền nhưng không biết âm mưu bành trướng, hoặc không thích chính sách nhà nước nhưng vẫn ngưỡng mộ và thích văn hóa Trung Hoa. Có người biết đó không phải là nước dân chủ, nhưng nghĩ chế độ dân chủ không phù hợp với văn hóa và con người Trung Hoa.
Người Việt hiểu quá rõ.
Ít bị lý tưởng hóa
Một cái lợi khác của bao nhiêu năm sống trong xã hội độc tài là ít trở thành lý tưởng và ngây thơ.
Chẳng hạn như trước đây ở Na Uy, tôi từng thấy rất nhiều người xung quanh thích Marx và chủ nghĩa cộng sản. Có người bạn từng nói muốn bác sĩ cũng như người lau dọn được tiền lương như nhau (hy vọng sau này họ đã thay đổi). Một giáo viên của tôi khi học IB còn nghĩ Na Uy trong tương lai có thể trở thành nước cộng sản thực sự, trong khi những nước cộng sản trong hiện tại và quá khứ chỉ có cái tên nhưng không phải là xã hội cộng sản như Marx nói.
Ở Anh, vài năm gần đây chủ nghĩa Marx cũng đang thành mốt (1). Chỉ mới gần đây, Ash Sarkar, một nhà báo trẻ người Anh gốc Ấn trở thành nổi tiếng vì trong chương trình Good Morning Britain đã hét vào mặt Piers Morgan “I’m literally a communist, you idiot!” (2). Câu nói đi khắp nơi tới mức, nếu muốn, bạn có thể bỏ ra £20 để mua online 1 áo thun với dòng chữ “I’m literally a communist” (3).
Sau đó Ash Sarkar có một buổi phỏng vấn với Owen Jones, với câu hỏi chủ nghĩa cộng sản có phải đang trở lại theo nghĩa đen không (“Is communism “literally” back?”(4). Ash Sarkar và Owen Jones cùng tìm cách tách chủ nghĩa Marx khỏi Liên Xô và Mao và các tội ác cộng sản, và các câu trả lời cho thấy một sự lý tưởng đến ngây thơ và phi lý của Sarkar—mơ màng về một xã hội không giai cấp, máy móc làm hết mọi việc và con người có thì giờ cho chuyện khác nhưng ai cũng có tiền và mọi người bình đẳng.
Hiện giờ ở Anh, Jeremy Corbyn, lãnh đạo đảng Lao động, là một chính trị gia rất được yêu thích, thậm chí được giới trẻ tôn sùng, cũng có nhiều lúc ngây thơ, như ca ngợi Hugo Chavez và nước Venezuela (5), và khi Venezuela có bạo động, ông ta chỉ nói chung chung là phản đối bạo lực từ mọi phe (“violence done by all sides” (6), không dám chỉ trích chế độ.
Cũng chính vì lý tưởng, trước đây có lắm vị trí thức đi theo chủ nghĩa cộng sản, đứng xa ca ngợi Liên Xô, chống chiến tranh Việt Nam và đứng về phía cộng sản Việt, phản đối Việt Nam Cộng Hòa, dù không thực sự biết gì về chiến tranh Việt Nam.
Ít bị dở hơi
Tôi đang sống ở Anh, và một trong những nhóm tôi thấy đặc biệt dở hơi là vegans. Trong tiếng Anh, pescetarian là ăn rau củ và ăn cá, không ăn thịt; vegetarian là ăn chay, không thịt, nhưng vẫn ăn trứng, uống sữa, v.v…; vegan là thuần chay, là không ăn và không sử dụng bất kỳ sản phẩm gì từ động vật, dù khá nhiều người tự nhận vegan thực ra chỉ có vegan diet (ăn uống vegan, còn không chú ý những sản phẩm khác).
Theo tôi thấy, vegans ở Anh ầm ĩ hơn ở Na Uy. Chẳng hạn trên BBC Three, một vegan bảo ăn thịt là kỳ thị loài (speciesism), tương tự kỳ thị chủng tộc (racism), và uống sữa bò là tiếp tay cưỡng hiếp con bò (7). Trong lớp tôi hiện giờ có rất nhiều vegans, hay giảng đạo đức, và bảo vegetarianism (ăn chay thường) là không đủ, phải hoàn toàn thuần chay. Một người bạn của tôi ở Anh, du học sinh từ Mỹ, cũng so sánh nông trại là trại tập trung cho động vật. Một bạn học nói không hiểu sao người ta có thể xem videos về chuyện ngược đãi thú vật (animal cruelty) mà sau đó vẫn có thể tiếp tục ăn thịt.
Với người Việt, từ một quốc gia con người còn không có nhân quyền căn bản, người bị xem như thú, thì khó có thể bắt họ quan tâm và kêu gọi động vật có quyền như con người.
Tương tự là nhóm nữ quyền (feminists). Tôi ủng hộ bình đẳng nam nữ, và thường hay nói nhiều về sự gia trưởng, về bất bình đẳng, và kỳ thị phụ nữ ở Việt Nam, cũng như nhiều nơi khác. Nhưng ở phương Tây, nữ quyền càng lúc càng bị tai tiếng vì trở thành extreme. Khảo sát cho thấy chỉ 7% người Anh tự nhận mình là feminist, dù ủng hộ bình đẳng giới (8).
Trong khi ở những nước chưa phát triển, trẻ em gái bị giết hoặc đem cho vì gia đình muốn có con trai, bị cắt âm vật, không được đi học, ép tảo hôn, phụ nữ không được làm nhiều nghề, bị ép mang hijab hoặc mặc niqab và bị bỏ tù nếu không tuân theo, bị ném đá tới chết nếu mất trinh hoặc ngoại tình…, còn ở Việt Nam, với ảnh hưởng Khổng giáo nên xã hội vẫn kỳ thị nam nữ. Các nước phương Tây, khi phụ nữ không còn nhiều vấn đề, thì các nhà nữ quyền tưởng tượng ra nhiều thứ để than phiền. Chẳng hạn như nhiều người cảm thấy bị xúc phạm khi đàn ông mở cửa cho, bảo đó là sexist (9). Hoặc đám feminists ghép chữ man (đàn ông) để nói về những căn bệnh của nam giới: manspreading (ngồi dạng chân, chiếm ghế, trên giao thông công cộng), manterrupting (cắt ngang phụ nữ), mansplaining (ra vẻ kẻ cả, dạy đời cho phụ nữ, dù bản thân không biết mình nói gì)… Gần đây trên BoredPanda, có trường hợp một phụ nữ trả thù thói manspreading của đàn ông bằng cách lên giao thông công cộng ngồi dạng chân ra cho đàn ông khó chịu chơi, và post lên mạng, không hiểu để làm gì (10).
Trong khi đó, các nhà nữ quyền phương Tây im lặng khi một phụ nữ bị tù ở Iran vì cởi hijab (11).
Từng sống qua một nước độc tài, tự do không có, nhân quyền bị chà đạp, ít nhất bây giờ tôi, cũng như nhiều người Việt khác, biết mình có quyền lợi gì, và không bị dở hơi như nhiều người ở các nước dân chủ phương Tây.
DN
(1). https://www.theguardian.com/world/2012/jul/04/the-return-of-marxism
(3). https://shop.novaramedia.com/products/literally
(4). https://www.youtube.com/watch?v=-H4J7nNazO0
(5). https://twitter.com/jeremycorbyn/status/309065744954580992?lang=en
(7). https://twitter.com/bbcthree/status/968125615974076419?lang=en
(8). https://www.telegraph.co.uk/women/life/only-7-per-cent-of-britons-consider-themselves-feminists/