Menu Close

“Khẩu nghiệp” luận

Bạn có bao giờ nghe hoặc đọc hay xem phim về “Hiệu ứng cánh bướm” không? Theo tôi… google thì đó là một lý thuyết hỗn độn được một số nhà khoa học dùng nhiều năm nghiên cứu và tìm mọi cách chứng minh mọi sự vật trên đời này đều có sự tương quan nhất định với nhau, thay đổi nhỏ của một sự vật cũng có thể tạo ra những tác động mạnh mẽ lên sự vật khác. Quả tình, sau nhiều đêm “nghiên cứu” tôi vẫn không đủ thông minh để hiểu hết ý nghĩa của lý thuyết này. Nhưng “thua keo này ta bày keo khác”, với trí tưởng tượng nổi tiếng là phản… khoa học của mình, mỗi khi đọc được câu “Một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn bão lớn ở Texas” tôi lại liên tưởng đến một “hiện tượng” khác nhau. Kẻ gây nên ‘hiện tượng’ đó là mấy người…. hàng xóm của mình.

khau-nghiep-luan

Những vị hàng xóm mà tôi nhớ tới ở trên tất nhiên không phải bước ra từ những thiên tình sử mang tên “Cô láng giềng”, “Anh chàng nhà bên” đầy lãng mạn hoặc những nhân vật chính trong các câu nói nhân gian như “Bán bà con xa mua láng giềng gần”…  tuy tôi vô cùng hâm mộ và mơ ước như vậy. Nhưng đời không như là mơ và những người hàng xóm mà tôi sắp nói tới đây có những khả năng vô cùng đặc biệt, khiến cho rất nhiều người chỉ cần nghĩ đến họ thôi là dâng trào rất nhiều cảm xúc mà không bút mực nào có thể tả, không nốt nhạc nào có thể minh họa được. Theo “hiệu ứng cánh bướm” trên, tôi tin rằng, họ chỉ cần thấy “Một con bướm đập cánh ở Brazil’ là đã có thể tạo nên một… đống “cơn bão ở Texas”…. không chỉ là Texas, mà có thể là 50 tiểu bang của nước Mỹ! Ðể phân biệt với các loại hàng xóm “khả ái” ở trên, tôi tạm gọi đây là nhóm “hàng xóm khẩu nghiệp”.

Họ (những vị “hàng xóm khẩu nghiệp”) là ai? Họ – những nhà điều tra đại tài, những vị trinh sát có nghiệp vụ vô cùng vững vàng, những đại thi hào đầy ý tưởng, những thông tấn xã hàng đầu, những thẩm phán đầy quyền lực, những cái camera không bao giờ hết… pin.

Họ (những vị “hàng xóm khẩu nghiệp”) ở những đâu? Ngày xưa thì họ chỉ ở quanh… ta. Có nghĩa là quanh xóm, quanh khu phố, quanh xã, quanh huyện, quanh tỉnh… túm lại là quanh những mối quan hệ bạn có thể “nắm bắt” được. Tuy nhiên, khi thế giới ngày càng phát triển, Việt Nam đang chạy nhanh đến cuộc chiến công nghệ bốn chấm thì những “hàng xóm khẩu nghiệp” này cũng có nhiều nơi để xuất hiện hơn. Từ những bà mợ, ông chú hết tuổi lao động, buồn buồn xúm lại cắn hột dưa bàn chuyện con cháu người quen, người quen của người quen thì “tập đoàn” này cũng trở nên “hùng mạnh” hơn với những thành viên đủ mọi lứa tuổi, và “nhân vật” họ hướng tới không chỉ nằm trong phạm vi trong xóm, trong phường, trong các mối quan hệ nữa mà chỉ cần nhân vật đó xuất hiện trong… mắt họ là họ có thể “điều tra”, “truy cứu trách nhiệm” xã hội. Vì vậy, vượt qua không gian, thời gian, dù ở bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng sẽ dễ dàng bắt gặp được những vị “hàng xóm” tận tụy, dĩ nhiên nếu họ muốn trốn, “âm thầm” dõi theo bạn thì bạn cũng đừng mong phát giác.  Ðến lúc này phải bổ sung thêm, “khẩu nghiệp’ ở đây không chỉ là “miệng nghiệp” mà còn là… “tay nghiệp’ vì qua thời gian, phương tiện cũng ngày càng hiện đại.

Họ (những vị “hàng xóm khẩu nghiệp”) làm gì? Câu trả lời là bất cứ gì họ có thể làm với “tầm ngắm” của mình. Ðây là những con người tận tụy, dành hết cuộc đời chỉ để làm mỗi việc “bật rada” tìm kiếm thông tin của người khác, tính giúp chuyện nhà người khác, lo giùm sức khỏe của người khác, buồn vì nhân phẩm của người khác, lo lắng vì hạnh kiểm của người khác, sầu muộn vì tương lai của người khác… Khi “may mắn” trở thành “đối tượng” của họ rồi thì bất cứ mọi hành động của bạn đều có thể gây nên “cơn bão” cho họ, không chỉ là cái “đập cánh” mà chỉ cần một vết mụn trên mặt, một cái quầng thâm ở mắt hay một vết muỗi chích ở tay…. Ví dụ với “láng giềng gần” thì ăn chua là có bầu, bụng bự do mỡ là sắp đẻ, ốm là do… ăn chơi sa đọa, chích hút “xì ke” hoặc được nhiều “shipper” khác giới tính giao hàng là… lăng nhăng, quen nhiều người, đi về trễ sẽ là đi chơi đêm/làm chuyện phi pháp, hư hỏng… Còn với “bà con xa” không ở gần, chỉ quan sát bạn qua mạng xã hội thì càng có những “tam sao thất bản” kinh dị hơn nữa, ví dụ như lên mạng bức xúc gì đó nếu không nói rõ thì có thể gây thù chuốc oán với cả thế giới vì không ai chịu nghĩ “chắc nó chừa mình ra”, hoặc chỉ với một, hai tấm hình/con chữ vô tình bạn cũng có thể trở thành kẻ thù của cả dân tộc, mọi hành động của bạn đều có thể trở thành một con dao sắc bén người ta đem đi mài thiệt kỹ rồi đâm vô… tai của người thân/người nhà/người quen của bạn… Sau khi “thảo luận”, phê phán, khen ngợi, mổ xẻ… bằng mọi suy diễn “hợp tình hợp lý”, họ sẽ đưa ra hướng đi “đúng đắn” cho bạn. Chỉ tiếc là những suy diễn, những hướng đi đó chỉ “lưu truyền nội bộ” và khi đến tai “nhân vật chính” (là bạn) cũng là lúc quá muộn. Từ những “hướng đi đúng đắn” nó sẽ “tự diễn biến” thành thuốc độc cho tâm hồn người nghe, biến  đổi đột ngột cảm xúc, hành động có khi nghiêm trọng đến nỗi đảo lộn cuộc sống của người trong cuộc và những người có liên quan trong câu chuyện. Nhẹ thì khiến cho “đương sự” dở khóc dở cười, đổ mồ hôi hột, nổi sùng, tức tối, rợn tóc gáy, sởn da gà…. Nặng thì trực tiếp ăn… đòn từ phụ huynh, nhận những ánh mắt kỳ thị từ “đồng bào”, đôi khi khiến cho “nhân vật chính” uất ức chịu không nổi phải tìm đến con đường nhảy lầu, bỏ xứ hoặc thèm khát cảm giác hộc máu chết tươi tại chỗ, biến mất khỏi thế giới này… Ðã có không ít những vụ tự tử chỉ vì những lời đồn thổi vô căn cứ!

khau-nghiep-luan3
Đôi khi “khẩu nghiệp” mang lại hậu quả không tốt chút nào – Từ Báo Việt Nam

Tôi hứa, tôi thề, tôi bảo đảm những lời ở trên không hề là nói quá một chút nào. Vì chính bản thân tôi đã-đang làm “nhân vật chính” rất, rất nhiều lần trong những “cơn bão” từ miệng những vị mang chức danh “hàng xóm khẩu nghiệp”. Tôi có thể tự tin vỗ ngực mình là một người có “bề dày kinh nghiệm” với “hiệu ứng cánh bướm” này…  Từ chuyện ăn mặc: Khi tôi mặc quần Jeans bị trách là “Mặc bó bụng vậy sao thở?” Mặc đồ bộ bị hỏi “Mập quá hay sao mặc đồ rộng thùng thình?” Mặc quần tây bỏ thùng nhận được ý kiến “Mặc vậy mông to, mày gói bánh tét hay gì?” Mặc váy thì được thắc mắc “Mày muốn khêu gợi ai?” Ðến ngoại hình: Khi thấy bạn tôi qua chơi hoặc gặp bất kỳ ai có thể so sánh. Gặp đứa ốm thì họ hỏi “Sao mày ốm vậy con? Ăn nhiều dzô, để mập như con Duyên cho khỏe!” Nếu đứa đó mập “Sao mày mập vậy con? Bớt ăn lại đi, mày thấy con Duyên không? Tao rầy nó hoài mới được dzậy đó” (???) Rồi tiết hạnh, cử chỉ, ngôn ngữ, nghề nghiệp, tánh nết… Dĩ nhiên, đôi khi cũng có thể đổ thừa là do… ăn ở. Tôi không dám chắc người khác ra sao chứ riêng với những mối quan hệ mà tôi có, bất kể là gái hay trai, là người già hay người còn trẻ, hầu hết đều có những “kỷ niệm” chất chứa nỗi khổ mang tên “tai bay vạ gió” từ “hàng xóm”. Những “nỗi niềm” vô cùng… đa dạng, cầu kỳ, đầy cảm xúc, màu sắc. Sau đây tôi xin kể một vài câu chuyện có thật để minh họa cho mọi “lập luận” trên một cách thực tế, sống động nhất có thể. Là chuyện của một bạn tên Quý:

+ “Một ngày đẹp trời, má tao đi chợ về bả khóc nức nở, đập xuống nền nhà thùm thụp, biết sao bả khóc không? Dĩ nhiên là tao không biết cho đến khi má tao hỏi:

“Con chích rồi hả Quý ”

Tao: “Chích gì mẹ ???”

Má: “Chích ma tuý, hàng xóm người ta thấy mày chích” – Má tao gào lên:  “Mày có chích không?”

Tao: “Trời ơi có chích đâu à, ai nói khơi khơi dzậy?”

Má: “Người ta thấy mày chích sáng nay, rồi họ nói tao nghe!” (Má vẫn còn khóc)

Tao: “Rồi 2 con mẹ sáng nay…”

khau-nghiep-luan2
Một tờ báo VN đã cắt ghép status của Will Nguyễn sau khi anh ta trở về Mỹ. Họ điền thêm một dòng rằng anh ta muốn lật đổ chế độ (tô đỏ) và đăng lên với tựa đề “Trở về Mỹ, Will Nguyễn lại bội tín với sự nhân đạo của Việt Nam, quay ngoắt chửi Đảng, Bác Hồ” – Hình chụp từ Facebook Will Nguyễn

Chuyện là sáng tao ra thú y mua thuốc bổ chích cho con gái Rượu tao (con bạn này là một bạn da vàng, mắt xếch, có bốn… chân). Cầm cây kim chích nó xong thì mới vứt ra sọt rác trước nhà ở ngoài lộ đường. Lúc đó tao gặp 2 bà hàng xóm ngồi tán gẫu nhìn tao với hai cặp mắt tròn xoe, tao tưởng do tao ở trần, mặc quần cụt và có mấy hình xăm trên người nên bị kỳ thị, tao đành gật đầu chào thì hai bả không cười, mặt có vẻ sợ, tao không nghĩ gì vô nhà nằm chơi game chờ má tao về thì có chuyện… Sau khi tao kể, má tao vẫn còn nghi ngờ, hỏi:

– Ủa dzậy hả, thuốc đâu tao coi?

Phải đem hết “tang chứng vật chứng ra” bả mới chịu tin, rồi cười hớ hớ. Lúc đó tao mà không có ở nhà, “giải quyết” liền thì không biết chuyện ra sao nữa…”

Tuy nhiên, những “cơn bão” mà các loại “hàng xóm khẩu nghiệp” tôi kể trên gây ra chúng ta còn có thể vãn hồi được nếu nắm bắt được sự việc/lời đồn hay những hiểu lầm đúng lúc. Khi đó chúng ta có thể giải thích, chứng minh cho họ thấy việc mình làm khác xa với những gì họ suy nghĩ và suy diễn. Nhưng hãy tưởng tượng xem, bạn có bao giờ ở trong một cái xóm mà nhân số thua chó… số chưa? Bạn có bao giờ bị một… đống cặp mắt đầy thù hận đồng lòng rình rập, chuẩn bị sẵn bốn chân mà chờ đợi bất cứ lúc nào bạn xuất hiện để vừa ví vừa sủa bạn hoặc táp bạn. Bạn có hiểu cảm giác, ở ngay trong xóm thậm chí trong chính ngôi nhà bạn mà vẫn phải khéo léo đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên bởi chỉ một phút bất giác làm mích lòng một “hàng xóm” bốn chân thì nguyên bọn “bốn chân” cả xóm sẽ vây quanh bạn trong vòng một nốt nhạc, bạn sẽ như cá trong bể, như chim trong lồng. Ðược cái, tuy bọn này không thể giao tiếp bằng miệng nhưng có thể dùng thời gian và tình cảm tiếp xúc với chúng, chúng vẫn có những nguyên tắc riêng để tiếp nhận bạn. Chúng vẫn chưa phải là loại “hàng xóm khẩu nghiệp” đáng sợ nhất. Những kẻ đáng sợ nhất là những kẻ chỉ răm rắp làm theo “nhiệm vụ”. Sẵn sàng tấn công bạn bất cứ lúc nào chúng nhận được ‘mệnh lệnh” bất kể điều đó đúng hay sai. Ðừng nghĩ đó là những bộ máy, vì khi chế tạo người máy, người ta vẫn có quy định: Không được tấn công con người. Ðó cũng không phải là con người khi chúng ta không thể giao tiếp được, dẫu mang bao nhiêu là xúc xích, xí quách, tình cảm, thời gian, lý tưởng ra giải thích chúng vẫn không chịu giải tỏa “hiểu lầm” cũng không thèm “nói” cho bạn biết “vì đâu nên nỗi”. Tuy tôi không biết chúng thuộc “chủng tộc” gì nhưng cách nhận biết chúng vô cùng đơn giản, chỉ cần bạn có một bài viết đúng sự thật nhưng lại mang những ý kiến khác với “đường lối chính sách của Ðảng” chúng sẽ ùn ùn chạy vô “nhà” bạn buông lời thóa  mạ, đem hình ảnh, tên tuổi của bạn về nhà tha hồ bôi nhọ, xào nấu, gắn tội danh lên người bạn.

Bạn không thể thưa chúng vì bạn không thể biết mặt mũi thật của chúng, đây là những vị “hàng xóm” đông đảo và khẩu nghiệp thượng thừa nhất nhưng luôn ẩn nấp đằng sau màn hình.

Chúng có chung một cái tên là  ‘Lực lượng 47’ hay còn gọi là “Dư luận viên”. Chúng không chỉ “Khẩu Nghiệp”, “Tay Nghiệp” mà còn mang “Não.. Nghiệp” nữa…

khau-nghiep-luan1
Và cứ ai “phản động” chúng quy chung là “người của Việt Tân” sau đó đem hình về mắng và “kéo quân” qua “xâm lược” bằng cách chửi bới/ Du Uyên không chụp những lời chửi bới tục tĩu nhưng nếu bạn có dùng mạng xã hội sẽ nhìn thấy bất cứ ở đâu có hơi hướng “phản động”- Hình từ Facebook MẶT TRẬN THANH NIÊN CHỐNG PHẢN ĐỘNG

DU