Menu Close

Thế là đủ rồi (kỳ 2)

Tập 2

Mẹ ơi con lớn rồi Mẹ cho con đi học một mình như các bạn đi. Mẹ cứ đưa đón con mỗi ngày các bạn cứ cười chọc hoài mắc cỡ quá à.

– Thì con cứ nói là Mẹ đi làm cùng đường nên cho con quá giang.

– Mẹ à từ mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học con chuyển 4 trường ở 4 hướng khác nhau mà sao lúc nào cũng cùng đường với Mẹ vậy? Mẹ cứ dạy con không được nói dối mà cứ làm ngược lại không hè.

– Hề hề con còn nửa năm nữa là học xong, thôi chịu khó cho Mẹ làm tài xế thêm nửa năm nhe. Khi con ra trường Mẹ không chở con nữa mà là con chở Mẹ.

– Ối trời ơi vẫn không thoát hả, vậy thà con không ra trường học hoài cho tới lúc “gâu dài tới gốn” luôn. Mỗi lần con lái Mẹ ngồi bên cạnh điều khiển con sợ còn hơn gặp cảnh sát nữa.

– À Mẹ ơi, trưa nay con ra sân ăn hộp chả giò bà ngoại làm hồi sáng. Có hai ông bà cụ cỡ tuổi như ông bà ngoại ngồi ở ghế đá bên cạnh cứ nhìn con chăm chăm rồi thì thầm to nhỏ. Nghe tiếng được tiếng mất nhưng con biết họ là người VN nên con nói “Con chào ông bà”. Thế là bà cụ nước mắt tuôn như suối, còn ông cụ thì mắt đỏ hoe quay đi chỗ khác. Sau đó hai ông bà sang băng ghế con ngồi hỏi chuyện. Nhìn cái chả giò con đang ăn dở dang bà hỏi “chả giò bà ngoại con làm hả” và cứ nhìn nó hoài. Con tưởng ông bà đói mà trong tay chỉ có hộp cơm đang ăn dở đâu mời được nên con mời ông bà qua tiệm phở bên đường. Con gọi hai tô phở và bảo “con mời ông bà”. Thế là ba người vừa ăn vừa hỏi chuyện nhau. Ngờ đâu lúc anh nhân viên bưng nước trà ra ông cụ dúi vào tay anh ta tờ 50 để trả tiền, con quê muốn độn thổ luôn vì hiểu lầm hai ông bà cụ là người “homeless”.

the-la-du-roi1
Thắm Nguyễn

– Ha ha ha chắc tối nay ông bà cụ cười đến mất ngủ khi nghĩ đến chuyện hiểu lầm này. Mà con nói chuyện gì với ông bà cụ?

– Con có nói được tiếng nào đâu, toàn là bà cụ nói thôi. Bà kể là có người cháu gái cỡ tuổi con nên nhìn thấy con bà nhớ. À bà còn hỏi con ở với ai mà nói tiếng Việt giỏi vậy, con có mấy anh chị em. Nhưng con chưa kịp trả lời thì đến giờ vào lớp.

– Mẹ nghĩ mai mốt con đừng ra sân ăn, vô căng tin nhà trường ăn cho an toàn.

– Ðâu có gì không an toàn Mẹ, hai ông bà cụ trông hiền lắm.

– Ờ nhưng mình đâu biết họ hỏi làm gì, thôi thì tránh vẫn hơn.

– Nhưng con thích ra sân hít thở không khí ngoài trời và ngắm hoa mà Mẹ.

– Ừ tùy con, nhưng ráng chuyên tâm học cho xong niên học cuối này nhe. Ðừng nói chuyện nhà cho người ngoài nghe mắc công họ đồn đãi um sùm.

– A con biết rồi Mẹ sợ họ đồn có bà già xấu hoắc còn đang ế phải không? Muốn hết ế Mẹ phải nghe lời con cố vấn nè. Mua vài cái mini jupe xanh đỏ tím vàng, giày cao tấc hai, tóc uốn quăn và mua keo dán cho chổng ngược lên như con nhím. Và quan trọng nhất là dẹp cái sợi dây chuyền có trái tim to tướng lủng lẳng trên cổ đi trông như các bà già khoe của.

– Mẹ nói con bao nhiêu lần rồi dây này Mẹ có chết cũng sẽ mang theo, không bao giờ xa lìa.

– OK lần thứ 1799. Ờ Mẹ nói thêm lần nữa đi cho chẵn 1800.

– Chi vậy.

– Vì con nhớ Mẹ tậu sợi dây này cách đây 6 tháng. Tính đại khái 6 x 30 là 180 ngày. Như vậy chia ra là mỗi ngày Mẹ nói câu này 10 lần.

– Vậy thì ráng nhớ dùm Mẹ đó, bất cứ tình huống nào cũng không được tách nó ra khỏi Mẹ.

– Mẹ phải nói lý do tại sao thì con mới vâng lời, còn nếu không thì con sẽ giả bộ quên.

– Có bằng tốt nghiệp rồi thì muốn biết gì Mẹ cũng nói, bây giờ thì một chữ cũng không.

– OK, học học học. Mẹ ngủ ngon con vô học tiếp.

Có ngủ ngon được không, mấy tháng nay mọi việc vẫn xảy ra như bình thường nhưng tôi vẫn linh cảm có điều gì bất bình thường sẽ xảy ra. Không lo sợ, không mong ngóng, nhưng tôi không thể nào như tôi ngày xưa nữa ăn không ngon, ngủ không tròn giấc sụt cái vèo gần chục kilo. Ai gặp cũng khen tập thể dục kiểu gì hay quá, dạo này thon gọn như gái 18. Tôi nghĩ thầm chừng nào mấy bà biết tin ông chồng mình đi cưới vợ khác thì tức khắc sẽ thon thả đẹp thôi, tập khỉ khô gì.

oOo

Ðang tưới cây và nhổ cỏ dại ngoài vườn thì con nhỏ bạn cũ đi với con…bà sui đến nhe răng cười nham nhở rủ đi ăn sáng. Tôi hơi không vui khi bị bắt gặp trong bộ dạng chưa trang điểm và xiêm y xốc xếch tay cuốc, tay cày.

– Sao không gọi trước, không đi.

– Không đi cũng không sao, nhưng mai này bà đừng trách tôi “sao không nói” nghe.

– Chuyện gì?

– Ai dại làm người đưa tin không công, phải có cafe cà pháo gì chớ.

– Thèm uống cafe miễn phí thì nói thẳng ra chứ đừng gạt tôi kiểu con nít đó nhe. Chờ 10 phút tôi thay quần áo đã.

– Ha ha ha có con nít sập bẫy của tôi rồi, nhanh lên quá 10 phút tôi đổi ý không nói đó.

Trên đời tôi chưa ghét ai bằng cái con nhỏ bạn ngang ngược này, lúc nào nó cũng có lý do để bắt nạt tôi. Ðáng lẽ ra nó phải xuống nước năn nỉ tôi đằng này ngược lại lên mặt hăm dọa nữa chứ. Thôi kệ nhịn cả ngàn lần rồi thêm lần nữa chẳng là bao nhiêu, vả lại tôi cũng phải ra phố mua chút đồ cần thiết cho ngày bé Kiến đi lãnh bằng tốt nghiệp. Leo lên xe gương mặt hầm hầm tôi cố tình đóng cửa thật mạnh cho bõ ghét con bạn cà cà cà… chớn, nó cười tủm tỉm rồi phóng nhanh ra tiệm cafe trên đỉnh núi. Nó gọi đồ ăn thức uống cho bữa sáng, trưa, chiều, tối và bắt tôi trả tiền.

– Ê bà định đãi cả xóm hay sao mà gọi dữ vậy, tôi quen bà là một sai lầm lớn nhất trong đời.

– Vậy thì về, no eat, no drink, no talk.

– Trời ơi xổ tiếng ngoại quốc hù tôi hả, tha cho bà vì tôi đang vui nên trả nhiều chút cũng không sao.

Ðồ ăn thức uống bưng ra đầy bàn hai bà sui từ từ khoan thai trút từng gói đường, từng thìa sữa vào và quấy nhè nhẹ họ làm như quấy nhanh một chút mùi cafe bay mất hay sao í. Tôi sốt ruột nhập đề:

– Bây giờ nói được chưa?

Hai bà sui nhìn nhau rồi ngó ngang ngó dọc như sắp tuyên bố một chuyện gì long trời lở đất sợ điệp viên nghe lén:

– Khắp thành phố đồn bà đang cặp bồ phải không?

– Hai bà rảnh quá hoá khùng rồi hả, nghe vậy mà cũng tin. Hồi trẻ không bồ bây giờ háp háp rồi mới bồ.

– Không có bồ tại sao dạo này thon thả đẹp vậy?

– Sắc đẹp trời cho từ khi lọt lòng Mẹ bây giờ mới phát hiện hơi trễ đó hai bà ơi.

Cứ thế cả nửa ngày hôm đó hai đứa cứ ép cung bắt tôi nhận tội có người yêu chỉ vì một chữ “đẹp”. Chưa bao giờ tôi thấy đẹp lại tốn kém như vậy, tốn tiền đãi tụi nó ăn, tốn thời gian ngồi đây cãi văng nước bọt để giải thích phân trần, tốn thêm 3 cái vé cho ngày lễ phát bằng tốt nghiệp của bé Kiến. Vì hai đứa nó nói ông bồ kia khoe là được tôi mời đi tham dự lễ tốt nghiệp rồi, nên nếu muốn thanh minh thanh nga thì mua thêm ba vé cho hai vợ chồng nó và con… bà sui đi thanh tra. Nếu không có gì tụi nó hoàn tiền cộng thêm tiền vé của tôi và ông bà ngoại bé Kiến. Tưởng gì khó chứ chuyện này lời chắc trong tay tôi đâu dại bỏ qua cơ hội, thế là hợp đồng ký nhanh tôi ra về lòng vui như Tết và hẹn sẽ scan vé gửi qua email.

Bao nhiêu năm mong đợi ngày vui nhất trong đời của cả gia đình tôi cũng đã đến. Ông ngoại vặn cả chục cái đồng hồ báo thức vì sợ lỡ nó không reo thì trễ giờ, bà ngoại thì cứ ủi đi ủi lại quần áo cho cả nhà suốt đêm, tôi phải chạy xuống phòng điện gạt cầu chì cho cúp điện tối om thì mọi người mới chịu lên giường.

Ba người chúng tôi đến lúc hội trường chưa mở cửa, ông ngoại sốt ruột đứng xếp hàng sát rịt thiếu điều cái mũi đụng vào cánh cửa. Bà ngoại lo lắng bồn chồn quá đâm ra chột bụng cứ 5 phút, 10 phút là đòi đi nhà vệ sinh, y hệt tâm trạng người sắp leo lên ghế há mồm cho nha sĩ kiểm tra và người đang ngồi chờ phỏng vấn xin việc làm. Ðúng 10 giờ cửa hội trường mở, tôi mừng húm chỉ sợ trễ thêm tí nữa phòng vệ sinh không còn giấy cho những người khác dùng. Chúng tôi ngồi 3 ghế hàng đầu và để áo dành 3 ghế bên cạnh cho người sẽ phải chi trả 6 cái vé hôm nay. Nhưng… tiền mà dễ kiếm như thế thì trên đời làm gì có người nghèo, ba người đến ngồi cạnh tôi không phải là người hứa chi trả tiền vé mà là anh Heo con và bố mẹ. Tôi mất tự chủ người run lên bần bật, 6 người không nói với nhau nửa lời nước mắt thay lời muốn nói.

Buổi lễ kết thúc bé Kiến ở lại liên hoan cùng các bạn, 6 người chúng tôi về nhà ăn cơm trưa. Bữa cơm 6 người làm tôi nhớ những bữa cơm mấy chục năm về trước, lúng túng tôi chẳng biết xưng hô làm sao. Chợt nhớ những ngày còn bé mỗi lần bị bắt nạt tôi cứ nhảy bổ vào lòng mẹ anh mà khóc và mắng vốn nên tôi gọi bằng bác như ngày ấy. Sau bữa cơm chan nước mắt bố anh mở đầu câu chuyện:

– Mùa hè năm trước Heo con đi ăn cưới con của đồng đội bên này, tình cờ gặp lại vợ nó. Thấy có người đàn ông bên cạnh nó tưởng là mẹ bé Kiến có gia đình mới nên khi hẹn nhau ra nhà hàng nó phịa ra là đã lập gia đình và có con gái 2 tuổi. Cốt là cho vợ nó yên vui bên hạnh phúc mới, không áy náy vướng bận chuyện xưa. Khi trở về chúng tôi thấy nó cứ buồn hoài nên theo gặng hỏi, phải 6 tháng sau nó mới chịu nói ra câu chuyện. Lúc đó bà nhà tôi mới thú thật chuyện nhận được thư và hình mỗi tháng nhưng bà xé bỏ và giấu hai cha con chúng tôi. Bả chẳng ghét bỏ gì mẹ bé Kiến nhưng vì cứ tin lời ông thầy bói nên làm vậy hy vọng Heo con chịu lấy vợ khác kiếm cháu trai nối dõi tông đường. Biết được sự thật chúng tôi hối hận và tự trách mình quá, nóng lòng muốn đến chỉ để nhìn mặt đứa cháu nhưng nó không cho vì đã hứa với mẹ bé Kiến là để yên cho nó học đến khi lấy được bằng tốt nghiệp. Nó còn hăm nếu chúng tôi quậy thêm chuyện gì nữa là nó bỏ nhà đi biệt tăm luôn. Do đó mấy lần lên đây chỉ dám đứng xa xa nhìn cháu. Trời thương vợ chồng già, một lần cháu nhìn thấy chào và còn mời chúng tôi ăn phở. Sau đó lâu lâu chúng tôi giả vờ vô tình gặp lại, chuyện trò lân la tôi biết mẹ Kiến không bước thêm bước nữa. Bao nhiêu năm vẫn một mình nuôi con. Tháng trước Heo con về đây nhờ vợ chồng người bạn hỏi khẳng định xem vợ nó có ai khác không và lập mưu để nhờ mua vé dự lễ tốt nghiệp. Hôm nay đến đây vợ chồng tôi dập đầu xin lỗi anh chị và mẹ con bé Kiến. Trước tiên chỉ mong được thú tội và xin lỗi, còn chuyện sau này thì không dám ý kiến gì nữa để gia đình ba người họ quyết định.

Bố Mẹ tôi thở dài:

– Thôi chuyện xưa quên đi, chỉ vì tin lời thầy bói mà mấy chục năm vợ xa chồng, con xa cha, bây giờ mình chờ bé Kiến về hỏi ý nó xem sao.

– Ông bà ngoại , Mẹ ơi con về rồi nè.

– Ðấy công chúa của chúng tôi về đấy, lúc nào cũng nghe tiếng từ đầu ngõ.

Bước vào nhà bé Kiến ngạc nhiên reo lên:

– Mẹ ơi ông bà … homeless hôm trước con quen ở trường nè.

Tôi mắc cỡ bụm miệng con bé không kịp:

– Con hỗn Mẹ đánh đòn bây giờ chào ông bà nội đi.

Con bé ngơ ngác lặp lại như cái máy rồi ngửng cổ lên dàn tủ bếp có ông thợ đang lúi húi sửa lại cái máy hút mùi:

– Con chào chú thợ điện.

Cả nhà cười ầm đồng thanh la lên:

– Chú thợ điện xuống nhìn con đi.

– Bé Kiến chú thợ điện là người tặng Mẹ sợi dây chuyền quê mùa này đấy. Còn đây là ông bà nội của con chứ không phải hai ông bà cụ homeless đâu. Quà cho bằng tốt nghiệp hôm nay con có thích không?

LK