Menu Close

Đêm thắp nến cho Việt Nam của các thầy cô giáo Việt

Ngoài những đêm thắp nến ở Texas, Cali, Hoa Kỳ hay ở Úc vào thời điểm xảy ra biểu tình rầm rộ nhất trong tháng 6 tại VN, các đêm thắp nến ở nhiều nơi khác nhau của nhiều cộng đồng người Việt liên tiếp được tổ chức để chuyển lửa và hỗ trợ cho cuộc đấu tranh của đồng bào trong nước. Người Việt hải ngoại luôn sát cánh và hướng lòng về quê cha đất tổ đã và đang trải qua những giờ phút cùng khốn của nguy cơ mất nước rình rập. 

dem-thap-nen-cua-cac-thay-co-giao-viet4
Lễ thắp nến

Cuối tuần qua nhân ngày lễ khai giảng khoá huấn luyện và tu học cho các thầy cô dạy tiếng Việt được tổ chức ở Little Saigon, Nam Cali, một đêm thắp nến đã diễn ra đầy hào khí và vô cùng xúc động. Hàng mấy trăm người vừa thầy cô vừa quan khách, đã tề tựu tại một đại giảng đường của Coastline Community College của thành phố Santa Ana, CA, một đêm hè, tuần đầu tháng Tám, 2018. Không khí buổi khai mạc được trình bày theo một nghi thức tế lễ rất cổ truyền.

Sau những hồi chiêng, tiếng trống của Lễ Dâng Hương dập dồn, quan khách được đưa về khoảng không gian xưa và cùng sống lại thời điểm của năm 1428, của Lê Lợi, của Nguyễn Trãi và Bình Ngô Ðại Cáo. Qua bài Văn Tế do GS Trần Huy Bích biên soạn, nước Nam ngày nay đang bắt đầu như những gì đã xảy ra của những năm xưa khi quê hương quằn quại dưới gót giày đô hộ của bọn giặc Minh. Lịch sử thường lặp lại. Giọng thầy Nguyễn V Quang xướng văn tế vang lên khiến tôi tưởng tượng ra được tiếng hiệu triệu hùng binh của Lê Lợi vang vang trong gió, trong ánh đuốc một đêm Lam Sơn năm nào.

dem-thap-nen-cua-cac-thay-co-giao-viet2
Thị trưởng Tạ Đức Trí

“….Bọn cường lân mượn gió xâm lăng, vạn dặm dài hải phận biển Ðông, Hoàng Sa Trường Sa thoắt cờ hiệu Hán. Ôm “chữ vàng” giả trá, ác với dân, hèn với giặc, một bọn ngu khoe trí tuệ “đỉnh cao”. Mơ “bốn tốt” gian manh, dại ở chợ, dối ở nhà, toàn đảng Cộng hiện tư duy cát sạn. Bán đất, bán rừng thỏa ý, không màng trông bờ cõi lâm nguy, Hại dân, hại nước chẳng cần, chỉ mong chật túi tham vô hạn. Biển Vũng Áng nước hôi cá chết, cảnh tan hoang trùm sáu tỉnh thê lương. Khói Bình Thuận già ngạt trẻ còi, nỗi nguy khốn ngập ba miền thảm đạm….”

GS Vũ Hoàng đón chào quan khách và các giáo chức từ các tiểu bang của Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới đến với một bài diễn văn chân tình. Ông nói để kỷ niệm 30 năm chương trình huấn luyện và tu học sư phạm, mọi người cùng tụ họp ở đây hôm nay. Tất cả đều có cùng 1 mục đích và lý tưởng là gìn giữ và trao truyền tiếng Việt đến mỗi cộng đồng tương lai của con cháu người Việt hải ngoại. Tiếng Việt chính là tiếng nói, là bản sắc của cộng đồng Việt, do đó ở đâu có người Việt là ở đó có trường dạy tiếng Việt cho thế hệ con em. Trong khi ở hải ngoại chúng ta cố gắng gìn giữ tiếng Việt truyền thống thì ở trong nước lại manh nha âm mưu xoá bỏ lối chữ viết tiếng Việt truyền thống đã có từ bao thế kỷ trước. Ðây là sách lược biến VN thành 1 tỉnh của nước Tàu để chiếm đoạt và đồng hoá dân tộc Việt một cách tinh vi hơn mà không cần vũ lực. Các thế hệ Việt sau sẽ không còn biết đâu là nguồn gốc.

dem-thap-nen-cua-cac-thay-co-giao-viet3
Mọi người cùng cầu nguyện

Sau đó là lời phát biểu của các vị dân cử, các diễn giả và các giáo sư, giáo chức Việt cũng như Hoa Kỳ. Phía dân cử có sự hiện diện của Thị trưởng Westminster Tạ Ðức Trí, đại diện của Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn và các Thượng Nghị Sĩ khác.

Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, ủy viên Hội Ðồng Giáo Dục Garden Grove, cũng lên cảm tạ các thầy cô không quản ngại đường xa từ các nơi về. Ðã thế còn tự nguyện bỏ tiền mua vé máy bay, chi phí khách sạn, ăn uống cũng như di chuyển và thời gian quý báu hằng năm đến đây dự khoá tu nghiệp. Sự hy sinh không chỉ ngắn hạn mà từ năm này qua năm khác, hơn 30 năm qua chăm sóc, dạy dỗ lo lắng cho các em học hành, giỏi giang tiếng Việt. Ðó chính là lý do tại sao con em chúng ta học giỏi và đạt thành công không những ở Cali mà ở khắp nơi có các trung tâm Việt Ngữ trên toàn thế giới. Nhờ vậy mà Chương Trình Song Ngữ Tiếng Việt Toàn Thời Gian được nhìn nhận và ra đời ở học khu Garden Grove. Chương trình Song Ngữ Tiếng Việt Toàn Thời Gian là một phương pháp giảng dạy tiếng Việt áp dụng bắt đầu với các học sinh từ cấp lớp thấp nhất với tỉ lệ giảng dạy bằng tiếng Việt từ 90% đến 50% và tỉ lệ này giảm dần mỗi năm và thay vào với việc gia tăng tỉ lệ giảng dạy bằng Anh Ngữ, các học sinh này sẽ nhuần nhuyễn cả hai ngôn ngữ và lưu giữ được lâu dài mà không bị mai một.

dem-thap-nen-cua-cac-thay-co-giao-viet1
GS Vũ Hoàng và đại diện của TNS Janet Nguyễn

Sau đó danh sách của 48 Trung Tâm Việt Ngữ được đọc lên với các thầy cô đại diện được giới thiệu. Ngoài các trung tâm dạy tiếng Việt ở khắp nước Mỹ, các trung tâm ở quốc gia khác như Canada, Pháp, Ðức, Nhật, Na Uy, Thụy Ðiển, cũng gởi người đến tu nghiệp.

Chương trình thắp nến cầu nguyện cho Việt Nam được bắt đầu. Bài hát “Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây” là tiếng nói của những đứa con da vàng cùng cất lên tha thiết từ những trái tim mang dòng máu đỏ. Ðoàn Du Ca Nam Cali đã hướng dẫn và cùng các thầy cô cầu nguyện rồi tiếp tục hợp ca những bài hát nói lên sự thống khổ của người dân oan đòi nhà, đòi đất, đòi tự do và quyền làm người. Bài “Trả lại cho dân” của Việt Khang được hát lên.  Lịch sử uy hùng của “Hội Nghị Diên Hồng” là một trưng cầu dân ý, là dấu son tiêu biểu của nền dân chủ VN xưa, được mọi người cùng hát trong tiếng hô to đồng lòng “Quyết chiến” bừng bừng hào khí.

Hai cô giáo Thùy Vân và Thùy Trang cũng lên trình bày một bài thơ “Biển Ðông quê tôi” do cô Thùy Vân sáng tác và phổ nhạc.

dem-thap-nen-cua-cac-thay-co-giao-viet
Đoàn Du Ca Nam Cali

Tôi được tiếp xúc với thầy Ðặng Ngọc Sinh và được thầy cho biết lần tu nghiệp này là năm thứ 30, kéo dài 3 ngày. Tuy nhiên chưa phải là lần đông nhất, năm 2000 được tổ chức ở Long Beach là năm đông nhất với trên 400 khoá sinh. Chương trình đưa ra 24 đề tài và tùy theo cần đề tài nào thì giảng về đề tài đó. Trung tâm có 34 giảng viên gồm các vị có trình độ giỏi được mời về dạy.

Nhân tôi có một ưu tư về sách giáo khoa dạy tiếng Việt nên có nêu câu hỏi với thầy về sách giáo khoa tiếng Việt ở Hoa Kỳ và các nơi khác có dùng chung một loại không hay dùng sách được phát hành trong nước. Thật may mắn GS Sinh là trưởng khối Tu Thư tức chuyên môn soạn sách giáo khoa ở Mỹ đã cho tôi biết, thầy là chính và các thầy khác phụ thầy soạn xong đưa sách đến các trung tâm để phát hành và cố gắng làm sao cho nó thống nhất. Sách được dùng cho trên 200 trường ở nước Mỹ với chủ trương “Hãy cùng nhau bảo vệ tiếng Việt truyền thống”. Khi in sách giả dụ, cuốn sách bán được 10 đô, chúng tôi chỉ lấy 5 đô, còn 5 đô dành cho trung tâm. 5 đô chúng tôi lấy dùng để in sách lại, rồi mướn kho để chứa sách. Trong buổi tu học chúng tôi sẽ đưa mẫu sách cho các thầy cô ai muốn đặt sách ghi tên và chúng tôi sẽ gởi sách đến tận nơi.

Lễ khai mạc được chấm dứt với bài hát “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” của Nguyễn Ðức Quang do đoàn Du Ca Nam Cali trình bày và cả giảng đường ai cũng hát theo. Câu hát cuối “Còn Việt Nam triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng”, cứ theo lẩn quẩn trong trí tôi cho đến lúc tôi về tới nhà mãi không dừng.

TTT