Menu Close

Dinh Thượng thơ

Dinh Thượng Thơ là chuyện cũ mèm nhưng theo dòng thời sự ngày nay nó vẫn mới và nóng ran trên các trang báo trong nước, nhất là đối với người Sài Gòn yêu thích văn hoá và kiến trúc Pháp cổ điển luôn là đề tài bàn luận sôi nổi khi chính quyền thành phố có kế hoạch phá bỏ để xây dựng Uỷ ban quản lý hành chánh mới thật hiện đại. Để hình dung vị trí Dinh Thượng Thơ toạ lạc ở đâu trên đường  Gia Long  nay là Lý Tự Trọng, ta chỉ cần nhớ toà nhà này nằm ngay góc đường Tự Do nay là Đồng Khởi đâu một phần lưng phía sau Toà Đô Chánh Sài Gòn nay là Uỷ ban Nhân dân thành phố tức Dinh Xã Tây thời Pháp.

dinh-thuong-tho3
Dinh Thượng thơ Sài Gòn tức là Trụ sở Bộ Nội vụ thời Pháp Ảnh: Manhhaiflicks

Anh bạn tôi dặn dò khi đến gặp ông chú của người bạn, nói chuyện đừng vặn vẹo. Ổng trên 90 rồi vậy mà khó tính lắm, có lần trong nhà họp mặt ăn uống, trò chuyện gia đình, tôi nói có một chuyện phim người nhà quê lên Sài Gòn sinh sống, họ nói ở Sài Gòn làm gì có người Sài Gòn. Người Sài Gòn là dân tứ xứ từ các nơi đến mưu sinh lập nghiệp. Nói vậy thôi mà ông chú cự nự. “Ông nội, cha mày sinh ra ở Sài Gòn, nguyên quán của dòng họ nhà này là người Sài Gòn. Chúng cháu phải tự hào mình là người Sài Gòn. Dòng họ nhà mình có nhiều người làm quan lớn. Ðừng nghe nói càn”.

Ông chú của bạn tôi, lúc còn trẻ từng là công chức cao cấp trong Bộ Nội vụ trước khi ông Diệm lên nắm chính quyền. Ngày xưa thời Pháp thuộc nơi ông làm việc, người ta gọi là Dinh Thượng Thơ. Việc tôi đến gặp ông chú của người bạn là tìm hiểu về Dinh Thượng Thơ là chính. Tôi muốn biết bên trong toà nhà to lớn đó ra sao, có đẹp không mà mang cái tên rất hay mà từ dân thường đến người làm quan khi nghe đến đều nể sợ tám phần.

dinh-thuong-tho2
Tranh khắc gỗ Dinh Thượng Thơ năm 1881 Ảnh: Manhhaiflicks

Trong lúc trò chuyện, hỏi ra mới biết, ông là Trợ lý cho Ðổng lý Bộ Nội vụ nhưng xem ra ông chú rất hài lòng với chức vụ này cho đến suốt thời ông Diệm rồi kết thúc sau những lần “đấu đá” với các nhóm quan chức thời Ðệ nhị Cộng hoà. Ông từ quan. Ở nhà đọc sách, dạy tiếng Pháp cho các nhóm nhỏ, chẳng màng thế sự nhiều năm trời, cho đến khi con cái bảo lãnh sang đây.

Trụ sở Bộ Nội vụ thời Pháp thuộc người ta còn gọi là Dinh Thượng Thơ. Thượng thơ chẳng qua là chức vụ Bộ trưởng ngày nay. Chẳng lẽ, ngày xưa nơi đó là dinh bộ trưởng mà người làm chính trị thường ví von là Bộ không bộ, tức người nắm quyền không riêng bộ nào mà là tất cả các bộ thuộc cả quân sự lẫn dân sự. Do vậy mới có tên gọi Dinh Thượng Thơ chung chung. Trong khi đó, triều đình Huế vẫn tồn tại Thượng thơ lục bộ (bộ Lại, bộ Lễ, bộ Hộ, bộ Binh, bộ Hình, bộ Công).

Nghe tôi nói, ông chú gật gù dường như đồng ý. Ông giải thích, sở dĩ cả hai xứ đều có tổ chức ban bộ riêng là vì khi đó, xứ Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, còn Trung Kỳ và Bắc kỳ thuộc xứ Pháp bảo hộ. Người Pháp chiếm Sài Gòn, sau đó là ba tỉnh miền Ðông, rồi lấy luôn ba tỉnh miền Tây, phân chia Nam kỳ lục tỉnh thành nhiều tỉnh để dễ quản lý bằng chức tham biện (chủ tỉnh). Người Pháp sau khi chiếm thành Gia Ðịnh, cho xây dựng thành phố Sài Gòn, nên mọi việc quản lý hành chánh dân sự, quân sự gom vào một mối để dễ điều hành trực tiếp, thanh tra sự vụ bản xứ, kể cả xử lý hình sự, quản lý tài chánh thuế má.

dinh-thuong-tho1
Bộ Nội vụ Sài Gòn năm 1940, đến năm 1955 là Bộ Kinh Tế

Dinh Thượng Thơ được khởi công xây cất gần như sớm nhất (1864) trong các công trình dinh thự kiên cố tiếp theo của chính phủ thuộc địa như Dinh Thống Ðốc, Dinh Toàn quyền, Toà án… Nhà văn Sơn Nam viết trong Bến Nghé xưa: “Năm 1864, thành lập dinh Thượng Thơ, nắm trọn quyền về nội an, xưng tiếng Việt – “Lại bộ Thượng thơ”, với con dấu chữ nho “Lại bộ quan phòng” (Direction de I’Intérieur – Bộ Nội vụ) có quyền xử tử tội nhân, sau khi được đô đốc đồng ý”. Xét theo chức năng và nhiệm vụ thì Bộ Lại (Bộ Nội vụ) là bộ giữ việc quan tước, phong tước, ân ban thuyên chuyển, lựa chọn, xét công, bãi truất và thăng thưởng, bổ sung quan lại, cung cấp người cho các nha môn. Ðứng đầu Bộ Lại là Thượng thơ Bộ Lại. Nhưng công việc của dinh Thượng Thơ Nam kỳ thời đó đã nắm quá nhiều quyền hạn, dễ sinh lạm quyền.

Thời gian xây dựng dinh Thượng Thơ cũng là lúc Sài Gòn trở thành đại công trường xây dựng thành phố mới. Nhà văn Sơn Nam viết trong Bến Nghé xưa: “Theo báo Tin tức Sài Gòn, ngày 20/11/1865, số thợ xây cất công sở ở Sài Gòn ước chừng 2,000, dĩ nhiên tay nghề không đồng đều, gồm luôn lao công đơn thuần”. Năm 1866, dinh Thượng Thơ xây cất xong cơ sở khá đồ sộ, còn gọi là giám đốc Nội An, dinh Hiệp lý. Toà nhà hãy còn hai chữ D.I (Direction de I’Intérieur) trên cổng. Có câu hát: “Thượng thơ bán giấy, thủ ngữ treo cờ…” hoặc “Ngó ra ngoài biển mù mù, thấy tàu ông Thượng chở tù về Tây”. Ðày về Tây tức là qua đảo Bòn bon (Réunion, trước đây tên là Bourbon, qua Cayenne, hoặc cảng Toulon, Pháp.

Kể từ khi dinh Thượng Thơ được chuyển thành Bộ Kinh Tế (sau năm 1975 là Sở Văn Hoá và Sở Công Thương), thì những chuyện nội bộ các phe nhóm bắt đầu xuất hiện. Ông chú của người bạn cố nhớ nhiều chuyện kể ra đầu đuôi không mạch lạc. Nhưng vấn đề chính là ông vẫn tiếc nuối thuở vàng son của một thanh niên du học bên Pháp về Sài Gòn làm đến chức vụ trợ lý Ðổng lý Văn phòng Nội vụ. Khi dinh thự được dùng làm văn phòng Bộ Kinh tế, thì một phần văn phòng Bộ Nội vụ vẫn chưa di chuyển sang trụ sở mới. Ông trụ lại dinh Thượng Thơ cho đến khi ông Diệm bị ám sát. Ông nói: “Hồi trước quyền lực của Bộ Nội vụ chỉ đứng sau Dinh Tổng Thống, nên khi chính quyền Ðệ nhị Cộng hoà lên thay thế, những “vây cánh” của chính quyền cũ đều bị gạt bỏ”.

dinh-thuong-tho
Mô hình công trình nới rộng trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố bị vấp phải làn sóng phản đối vì phải phá bỏ công trình thời thuộc Pháp (Dinh Thượng Thơ) Ảnh: Sở Kiến trúc

Tôi hỏi ông về ấn tượng kiến trúc của một dinh thự to lớn và quyền uy trong suốt thời gian gần mười năm ông làm việc nơi đó, ông trả lời: “Tôi không chú ý lắm, chỉ biết đó là một công trình kiến trúc Pháp, đường nét ngang dọc mạnh mẽ, không có trang trí hoa văn hay phù điêu tường vách như Toà đô chánh, Bưu điện hay Toà án. Tường ngoài rất dày có đến 60 phân, tường trong mỏng hơn một chút, nhưng các phòng làm việc bên trong đều mát mẻ. Chỉ có những chiếc cầu thang gỗ song sắt làm thật cầu kỳ, chắc chắn, sàn đúc bê tông giả lát gạch hoa. Nói chung, đó là một toà kiến trúc thời thuộc địa, xây chắc chắn bền vững cả trăm năm”.

Nhắc đến các kiến trúc thời Pháp do các công ty xây dựng tư nhân của người Pháp xây ở các xứ thuộc địa đều có văn bản từ công ty yêu cầu trùng tu sau trăm năm sử dụng. Có lần tôi về Gò Công, ghé thăm dinh Tỉnh trưởng, một viên chức ngành văn hoá dẫn tôi đến nơi thì mới biết dinh thự đẹp đẽ đó trở thành ngôi nhà nuôi chim yến. Cửa đóng kín mít chỉ nghe tiếng chim ríu rít bên trong. Tôi hỏi sao một dinh thự đẹp như thế này lại không sử dụng. Anh ta nói: “Tình trạng xuống cấp, không có kinh phí trùng tu, mặc dù dinh thự này có nhận được thư của một công ty xây dựng từ bên Pháp đề nghị sửa chữa”.

Không chỉ có các dinh thự lớn ngay cả nhà ở dân dụng do công ty Pháp thiết kế cũng đều nhận những bức thư tương tự như vậy. Tôi nhớ, chủ nhà của một ngôi nhà cổ kiểu Pháp ở Cù lao Giêng (An Giang), đưa cho tôi xem lá thư nói về việc trùng tu ngôi nhà của ông từ bên Pháp gởi sang. Nội dung lá thư yêu cầu trùng tu vì đã đến tuổi trăm năm. Nói chung, những lá thư yêu cầu trùng tu đó chẳng khác nào là một lời nhắc nhở người đang sử dụng công trình có trách nhiệm bảo vệ tinh hoa kiến trúc dù lớn hay nhỏ.

Bảo vệ tinh hoa kiến trúc là một việc nên làm, nhất là các công trình dinh thự lớn. Ðừng để nó xuống cấp trầm trọng rồi cứ nghĩ đến việc phá bỏ xây mới cho xong. Nhiều ý kiến của người làm ngành kiến trúc tại Sài Gòn cho rằng, dinh Thượng Thơ xuống cấp trầm trọng nhưng không phải là không thể trùng tu bảo tồn sao lại đưa ra kế hoạch phá bỏ xây mới để nới rộng Uỷ ban thành toà nhà hiện đại. Muốn xây mới một công trình không khó, gìn giữ một công trình kiến trúc lịch sử mới là khó. Ðó là chiếc cầu nối văn hoá giữa quá khứ và hiện tại.

TN