Menu Close

Giữa dòng

Con lộ nhựa chạy từ chợ Mộc Hóa về xã đã nhỏ nay hẹp thêm. Lộ nhựa bị nước tràn đồng “ăn” lở bờ, lớp nhựa bên trên nứt ra rồi sạt xuống. Nhưng mấy ngày nay con lộ trở nên chật chội là do bà con miệt trong chạy lũ ra cất chòi ở tạm. Những cái chòi lợp lá dừa nước nhỏ xíu đủ kê cái giường hay ghế bố một người nằm, ba bên che bằng tấm bạt nhựa sọc đỏ, sọc xanh, cửa trước hướng ra lộ, phần đuôi de ra ruộng gác lên mấy cây cọc tràm tạm bợ.

Bà con trong đồng dạt ra có nhà “cứu” được hơn chục giạ lúa vô bao chất bên mép lộ, phủ bạt nhựa, ràng cứng; có gia đình cất bên cạnh cái chòi bé nhỏ của mình một cái chuồng heo trong đó có đủ heo mẹ, heo con. Bức tranh cuộc sống tạm bợ còn được tô đậm bởi vài con bò nghé được cột dây vào trụ điện, một bầy vịt nhởn nhơ trên đám ruộng xà quần bên trong vòng rào giăng lưới đánh cá. Tất cả tạo nên một khung cảnh xô bồ tuy gọi là màn trời chiếu đất nhưng hết sức chật chội, tù túng và hình thành các xóm nhà trải dài mấy cây số, với số người của từng nhà không đủ so với lúc còn ở trong đồng. Chẳng hạn ở cạnh cống số 1 có ba cái chòi thì đó là nhà chị Tư Ðẹt vắng anh Tư, nhà Ba Dần có hai đứa nhỏ mà thiếu anh Ba. Riêng nhà bà Năm thì có bà Năm, con Tí và con chó Ky, thiếu chị Như má con Tí. Người vắng mặt phải ở lại trong đồng chống chọi với cơn lũ, canh chừng căn nhà xiêu vẹo, đi giăng câu kiếm cá và nhận gạo cứu trợ của các đoàn cứu trợ từ khắp nơi đổ về…

Sáng nay bà Năm cho bầy gà ăn một vóc thóc rồi gút dây lại cho chúng bay lên mái lá. Bà bắc nồi cơm lên bếp mà thở dài, ánh mắt hướng về làng xóm cũ giờ đây là biển nước có màu trắng đục với lùm bụi lờ mờ nổi trên mặt nước và mấy chiếc xuồng câu nhỏ xíu bất động giữa cái mênh mông của trời và nước. Bà biết ở hướng đó là nhà mình, là nơi có con Như má con Tí đang sống cùng cơn lũ, đang phơi mình trong mưa nắng bất thường để giăng câu kiếm cá tép cho hai bà cháu bà Năm. Nhìn cảnh quạnh hiu của cánh đồng, bà Năm chép miệng thở ra:

– Phải chi còn thằng Ðược cho con Như đỡ cực!

giua-dong
Bảo Huân

Ðược là chồng chị Như, tức tía con Tí, con rể bà Năm. Ðược bị nước cuốn trôi từ mùa lũ hai năm trước, trong đêm đi cứu con đê bao bị vỡ. Chị Như cố chống chọi trong cảnh cô đơn, nuôi mẹ, nuôi con vượt qua mùa lũ, cấy lại đám ruộng, cất lại mái nhà tươm tất. Nhưng rồi lũ lại về, lại cuốn phăng tất cả …

– Nấu cơm sớm vậy bà Năm? Có hai con khô sặt ngon lắm nè. Bà Năm lấy ăn đi. Ủa sao buồn hiu vậy? – Người hỏi bà Năm là chị Tư Ðẹt, “chủ” căn chòi bên cạnh. Anh Tư còn lại trong đồng mỗi ngày canh mực nước lên để kê kích đồ đạc trong nhà. Mấy ngày nay nghe nói nước lên hai ba thước nên anh Tư không bơi xuồng ra được. Ðêm lại có gió lốc, dòng chảy mạnh lắm!

– Thằng Tư ở trỏng có tin gì hông? Tao lo con Như quá. Hai bữa nay không thấy nó ra! – Vẫn nhìn ra biển nước lù mù cuối chân trời, bà Năm hỏi. Chị Tư Ðẹt lắc đầu:

– Nghe đài nói xã mình mực nước “ba mét mấy” rồi á! Chà, cơn lũ nầy… phải chịu đựng hai tháng nữa bà Năm ơi!

– Hai tháng nữa… – Bà Năm sững sờ lo cho con gái mình liệu nó có chịu đựng nổi với cơn lũ kéo dài không?

Tâm trạng bà Năm, chị Tư Ðẹt và bà con chạy lũ ra đây đều đã trải qua báo biến đổi dữ dội. Mùa màng đang tốt, lúa đang trổ, phải gặt lẹ tay đặng chạy cơn lũ đầu. Lúa non, lúc chắc, lúa lép gì cũng gặt. Ghe xuồng đưa lúa về vừa sắp đặt trong nhà xong thì mực nước bắt đầu dâng cao ngoài đồng, mấp mé bờ đất trước nhà. Lại kê ván lên cao cho lúa. Vừa phải lo bầy gà, bầy heo.

Rồi thì chạy! Người già, trẻ con lên xuồng chạy lũ ra lộ cao. Nhà cửa để người ở lại trông coi, gìn giữ cho được cái mái nhà để “làm dấu” trở về. Nếu như lũ lớn tràn về thì mái nhà rách nát, gia súc, cây cối, lúa má và mồ hôi nước mắt người dân cũng theo dòng mà trôi mất. Năm nay tuy lũ lớn chưa về nhưng nước chảy xiết đã phá bờ đê, nước lớn đã ngập cánh đồng, từng con đường biến mất, từng xóm nhà biến mất.

Người dạt ra lộ thì cứ ngóng về vùng lũ lo cho người thân, lo cho mái nhà của mình. Người ở lại với lũ từng giờ chống chọi với cái khắc nghiệt của thiên nhiên, trông mong hy vọng và hướng lòng mình về người thân đang sống tạm ngoài kia…

o O o

Chiều, nước có phần lên lẹ hơn con nước sáng. Mới thấy cái ngấn nước ngay nhành cây tràm, bây giờ nó đã vượt tới đám lá lòa xòa.

Trong căn nhà lá của anh Tư Ðẹt, mực nước mấp mé cái vạt giường dùng để kê lúa vốn được anh gác lên cao từ đầu cơn lũ.

Bên nhà chị Như, nước vô sát mái lá. Ðồ đạc bên trong chẳng có gì ngoài chiếc xuồng lúc nào cũng có chị Như loay hoay với chiều nước cuốn. Chiếc xuồng cột dây vô thân cây tràm, chịu trận được nên chị Như cứ ngồi bơi qua bơi lại vòng quanh nhà mình, giăng lưới. Trên xuồng của chị có hai túm gạo, một ông lò và vài món lỉnh kỉnh đủ để lo cái ăn. Hai ba ngày một lần, chị Như bơi xuồng ra lộ. Gặp lúc cá nhiều, chị bán cá ở chợ rồi mua thêm dầu hôi, thuốc men, nước mắm… tiếp tế cho hai bà cháu con Tí. Hai ngày nay nước xiết, lại mưa nhiều nên chị chưa ra lộ. Chắc phải mai!

Bên ngoài con kinh 48 có tiếng máy tàu vọng vô, lớn dần. Con kinh 48 nước tràn bờ không thấy hình dáng đâu cả, người ta đánh dấu nó bằng hàng tràm bông trắng hai bên. Nghe tiếng máy tàu, anh Tư Ðẹt mừng rỡ hô lớn:

– Có tàu đò cứu trợ bà con ơi!

– Người ta cho gạo kia cà! – tiếng anh Ba Dần.

Chỉ trong chốc lát, từ cái “xóm nhà” xơ xác sau đám tràm đâm ra mấy chiếc xuồng con trên đó có chị Như, anh Ba, anh Tư và vài bà con khác, mỗi người một chiếc xuồng câu, bơi mạnh tay ngược chiều nước chảy hướng về chiếc tàu đò.

Chiếc tàu đò của đoàn cứu trợ neo lại sát bờ kinh, quăng dây cột vào đám tre um tùm nhưng vẫn nổ máy xình xịch. Trên mũi chiếc tàu đò có mấy bà, mấy cậu thanh niên đang chuyển từng bao gạo ra phân phát cho bà con trong vùng đang bu lại khá đông quanh chiếc tàu đò. Bà con mình mấy ngày nay thiếu gạo nên cũng liều. Sóng gợn nhồi các chiếc xuồng liên tục mà chẳng ai sợ, dù trên xuồng chỉ có một đứa con nít và một bà già.

Tàu đò dừng lại không lâu thì tháo dây đi tiếp. Trong ngày thường có những chuyến phân phát gạo như vậy. Các đoàn vô phát gạo trong sâu, lúc trở ra, phát tiếp cho hết số gạo của mình để bà con vùng lũ vắng vẻ nầy không phải thiệt thòi.

– Tui bơi ra lộ, anh Ba, cô Như có gởi gì không? – Tư Ðẹt bơi liền tay xoay mũi chiếc xuồng hướng ra đồng nước.

– Cho tui gởi gạo nghen anh Tư. Mấy bữa nay tui không ra được chắc hai bà cháu con Tí trông lắm – chuyển bao gạo qua xuồng anh Tư, chị Như nói tiếp – Anh nói dùm chiều mai tui ra…

Chiều buông mau.

Anh Ba Dần bơi xuồng trở về cạnh chị Như. Anh nói:

– Tui coi mòi lũ còn ngâm cả tháng nữa. Hay là cô… cô chạy ra ngoải với bà Năm. Nhà cô để tui coi cho!

– Tui muốn ở lại – Như lắc đầu.

– Trong nầy cực khổ, thiếu thốn lại nguy hiểm lắm.

Như lại lắc đầu. Chị nghĩ tới anh Ðược. Mùa lũ năm ngoái cũng đâu thua kém con lũ bây giờ. Hồi đó hai vợ chồng cô trụ lại vùng lũ, chịu trận để hai bà cháu chạy lũ ra lộ như bây giờ. Căn nhà họ ngập dần trong nước và họ sống trên chiếc xuồng con, trải qua những ngày gian nan mà hạnh phúc. Rồi lũ phá bờ đê. Anh Ðược cùng bà con đi cứu đê. Ðêm giông gió, nước chảy xiết. Anh Ðược đã không về nữa… Chính vì vậy mà chị Như không muốn rời xa xóm nhà vắng vẻ lạnh tanh trong biển nước để dạt ra lộ. Ở đây, chị thấy lòng đỡ quạnh hiu…

Anh Ba Dần bơi xuồng về trước. Còn lại chị Như thong thả bơi xuồng len qua đám tràm về nhà mình hiện chỉ còn cái nóc nhô lên khỏi mặt nước. Chị cột xuồng sát vô một cây tràm, chuẩn bị bữa ăn chiều một mình trong cảnh vắng vẻ đến vô cùng.

Ðêm đó mưa như trút nước. Và nước từ hướng trên của cánh đồng cũng tràn xuống mãnh liệt. Chị Như trốn mưa dưới mái lá nhà mình. Chị choàng tấm bạt nhựa, ngồi thu mình trên chiếc xuồng con. Nước chảy tràn qua dưới mái nhà đẩy chiếc xuồng giựt ngược.

Có tiếng anh Dần vọng qua, trong mưa lúc rõ lúc không:

– Cô Như… ui… Cô… Như… ui!

– Gì á anh Ba… ui? – chị Như bụm hai bàn tay lạnh cóng làm loa nói lớn.

– Mưa còn lớn lắm á! Nhà bển chịu nổi không?

– Chịu được… – chị Như trả lời xong thì im bặt. Chị biết tấm lòng của anh Ba Dần rất lo lắng cho chị và biết cả tình cảm của anh Ba dành cho mình. Chị Như mến anh Ba Dần là người hàng xóm tốt bụng và anh Ba là bạn thuở nhỏ với anh Ðược chồng chị. Có vậy thôi. Không thể khác. Còn với Ba Dần, vợ mất lâu rồi, anh cô đơn cũng lâu rồi… Anh cần một người đàn bà, hai con anh cần một người mẹ… Nhưng mà …

Mưa tạnh dần. Trời êm không một chút gió. Cánh đồng tối đen.

Chị Như ngủ vùi trên chiếc xuồng con.

Anh Ba Dần thao thức mãi.

Một làn gió mạnh rít qua mái nhà. Tiếng cây cối cựa mình. Ðám lá tràm lào xào khua mạnh. Rồi gió nhiều hơn, mỗi lúc mỗi mạnh. Mạnh đến nỗi anh Ba Dần hốt hoảng kêu lên một mình:

– Chết mẹ! Lốc! …

Nhiều tiếng động chung quanh, có tiếng răng rắc gãy đổ gì đó anh Ba nghe nhưng không nhận ra điều gì cả. Gió giựt mạnh. Gió giựt chiều bên nầy, lại giựt chiều ngược lại. Tiếng gió rít, tiếng lá khua hay tiếng gào thét của hung thần. Trời lại mưa. Cơn mưa nhỏ với những hạt mưa sắc nhọn, bay theo gió tạt vào mái nhà rào rào, dữ dội.

Cơn lốc đi qua cánh đồng thật chậm, trên đường đi, cánh tay của nó xô ngã tất cả mọi vật cản yếu đuối, nhỏ nhoi. Trong căn nhà tương đối vững chãi của Ba Dần, anh Ba dang tay ghị hai cái đòn tay tre chịu đựng một cách vất vả. Căn nhà anh có thể sập xuống nếu như hai cái đòn tay kia không chịu nổi.

Nhưng anh Ba chỉ làm chuyện vô ích.

Cơn lốc thứ hai kế tiếp, mạnh hơn, tàn bạo hơn đã hốt mái lá nhà anh tung lên cao, ném vào khoảng không tăm tối. Anh Ba mọp người trên chiếc xuồng bị nước cuốn phăng theo dòng chảy khắc nghiệt. Anh chống chọi trong tuyệt vọng, sức bơi của anh không vượt qua được sức đẩy của dòng nước lũ từ trên kia xô xuống. Xuồng anh trôi đi, trôi đi như mũi tên nhọn …

Mưa tạnh lúc gần sáng.

Trên bầu trời có chút ánh sáng lờ mờ, nhạt nhòa hình như từ các ngôi sao xa tít. Anh Ba định hướng xóm nhà của mình từ vầng đông đang nhô lên. Nhìn về hướng làng quê, anh Ba chỉ thấy màn nước trắng xóa. Anh bơi xuồng ngược con nước tìm về và biết trước nhà cửa mình đã chẳng còn gì. Trong tâm tư anh chỉ lo lắng một điều. Cô Như chống chọi ra sao trong cơn lốc đêm qua?

Cho tới lúc trời sáng hẳn anh Ba mới về tới hàng tràm bông trắng bên hông nhà. Ðiều anh nhận ra đầu tiên là cơn lốc và dòng chảy dữ dội của sóng lũ đêm qua đã cuốn phăng tất cả. Mấy căn nhà lá vốn xiêu vẹo, mục rã chân cột vì ngâm nước lâu ngày đã bị cuốn trôi. Nhà anh không còn, nhà cô Như không còn và chính người đàn bà mà anh muốn gá nghĩa cũng không còn. Cạnh đám tràm xơ xác lá là chiếc xuồng của cô Như. Chiếc xuồng vô chủ rướn mình lên từng cơn sóng nhỏ, sợi dây cột với thân tràm đã đứt nhưng nhờ nó kẹt trong đám lá tràm ngã trên mặt nước nên không trôi được. Còn tất cả, tất cả và cả chủ chiếc xuồng kia đều trôi mất bởi những cơn lốc và dòng chảy khốc liệt đêm qua.

DHP Mộc Hóa, mùa lũ năm 20..