Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ loan báo khởi sự hạn chế chiếu khán (visa) với hai quốc gia Miến Ðiện và Lào vì hai nước này không cộng tác trong việc nhận các công dân của họ đang đợi bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ.
Hai chính phủ Miến Ðiện và Lào đã từ chối hoặc trì hoãn không có lý do chính đáng việc thâu nhận các công dân của họ được lệnh phải rời khỏi Hoa Kỳ. Vì lý do này, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã ra lệnh cho các nhân viên lãnh sự Hoa Kỳ ở Miến Ðiện và Lào bắt đầu giới hạn cấp chiếu khán một số hạng mục cấp cho các đương đơn xin chiếu khán.
Kể từ ngày 10 tháng Bảy, các Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ ở Miến Ðiện và Lào ngưng cấp chiếu khán phi di dân lọai B-1 (du lịch) và B-2 (công việc) cho các viên chức cao cấp của hai chính phủ Miến Ðiện và Lào.
Vì quyết định của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, những ngoại kiều đang chờ đợi để bị trục xuất không thể bị giữ trong tù trên 6 tháng nếu không có chỉ dấu cho thấy việc trục xuất họ có thể thực hiện trong thời gian gần. Ðiều này có nghĩa là những ngoại kiều này đang là mối đe dọa cho cộng đồng hoặc có nguy cơ bỏ trốn.
Khi những quốc gia như Miến Ðiện và Lào trì hoãn hoặc từ chối cấp giấy thông hành cho các công dân của họ hoặc từ chối cho những công dân này được trở về quê hương sau khi bị trục xuất, thì cơ quan Thi Hành Luật Di Trú và Thuế Quan (tức cơ quan Immigration and Custom Enforcement – ICE) phải tuân theo quyết định của Tối Cao Pháp Viện và phóng thích những người phạm tội – có thể là thành phần nguy hiểm – trở về cộng đồng. Nếu không được sự cộng tác của những nước quê nhà của người ngoại kiều, ICE không thể hoàn thành việc trục xuất.
ICE nói gì về vấn đề di trú?
Cơ quan ICE được thành lập năm 2003, hiện có khoảng 20,000 nhân viên và có ngân sách chi tiêu hàng năm là 7 tỷ 600 triệu Mỹ kim.
ICE muốn có thêm ngân sách để bắt giữ nhiều người hơn, và họ muốn chấm dứt chính sách phóng thích di dân bất hợp pháp trong thời gian họ chờ ngày ra tòa di trú.
Trong khi tiến hành những vụ bắt bớ tội phạm và những người trốn tránh, nhân viên ICE cũng truy tìm những di dân khác đang ở Hoa Kỳ bất hợp pháp. Cơ quan ICE cho rằng bổn phận của họ là bắt những người này.
Ðể sửa chữa vấn đề di trú toàn bộ của Hoa Kỳ, cần phải áp lực các doanh gia Hoa Kỳ không thuê mướn nhân công bất hợp pháp. Nhưng điều này sẽ khó xảy ra vì doanh nghiệp cần những người di dân bất hợp pháp nhận lương thấp.
Quân đội Hoa Kỳ bắt đầu từ chối di dân
Hành pháp hiện nay chấm dứt chương trình tưởng thưởng sự phục vụ quân đội bằng cách cấp chứng chỉ công dân Hoa Kỳ cho quân nhân có thẻ xanh. Hàng chục người ghi danh gia nhập quân đội nhưng đã cho giải ngũ. Họ ở trong một chương trình có tên gọi là “Sự lựa chọn quân đội quan trọng đối với lợi ích quốc gia” (tức chương trình Military Accessions Vital to the National Interest – gọi tắt là MAVNI). Tương tự, hợp đồng tuyển mộ nhập ngũ của hàng trăm di dân khác cũng bị hủy bỏ bất ngờ.
MAVNI là một chương trình được khởi sự từ năm 2008, mở cánh cửa cho người di dân đang ở Hoa Kỳ hợp pháp được ghi danh nhập ngũ (bao gồm các đương đơn của chương trình DACA, là chương trình được Tổng thống Obama lập ra nhằm tạm thời không trục xuất những người đến Hoa Kỳ bất hợp pháp khi họ còn thơ ấu). Ðể tưởng thưởng cho sự phục vụ này, họ được cứu xét nhanh chóng để trở thành công dân Hoa Kỳ.
Ngũ Giác Ðài không cho biết có bao nhiêu di dân trong quân đội bị cho giải ngũ sớm. Những người ghi danh nhập ngũ nói rằng họ được cho giải ngũ nhưng không hề được biết chính xác lý do tại sao. Sự giới hạn người di dân trong quân đội rất phù hợp với chính sách chống người di dân của hành pháp Trump.
Ðối với người di dân và những sắc dân thiểu số ở Hoa Kỳ, được phục vụ trong quân đội là con đường chắc chắn sẽ được nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Và đây cũng là lý do chính xác mà Tòa Bạch Ốc quyết định để chấm dứt chương trình MAVNI
Trở ngược lại năm 1870, Ðạo Luật Quốc Tịch cho phép người da trắng và người Mỹ gốc Phi châu được trở thành công dân Mỹ, nhưng tình trạng này trước đây vẫn còn mập mờ đối với người Á Châu, người Mễ Tây Cơ và một số người di dân gốc Trung Ðông. Họ không có gốc Phi châu, nhưng họ có phải da trắng không? Chính phủ bấy giờ đã quyết định rằng người Á Châu không phải là da trắng. Chính vì thế, di dân Á Châu không thể nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Trong năm 1882, di dân Trung quốc bị ngưng lại. Di dân Nhật cũng bị ngưng lại năm 1907, và những nước khác ở Á Châu cũng bị ngưng lại năm 1917.
Tuy nhiên, từ năm 1862, chính phủ Hoa Kỳ tăng nhanh việc quốc tịch hóa cho bất cứ ngoại kiều nào, kể cả người Á Châu, nếu những người này đã sống ở Hoa Kỳ ít nhất 1 năm và đã từng chiến đấu trong quân đội Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ tham gia Thế Chiến Thứ Nhất đã mang theo hàng trăm ngàn di dân không có quốc tịch Mỹ tham gia quân đội. Trong tháng 12 năm 1918, một chánh án quận liên bang nói rằng ông sẽ cho phép nhập tịch những binh lính gốc Trung quốc, Ðại Hàn và Nhật vì họ đã sẵn sàng hy sinh tính mạng để phục vụ đất nước Hoa Kỳ. Vị chánh án này tiếp tục cấp chứng chỉ công dân Hoa Kỳ cho binh lính gốc Á Châu. Giữa năm 1918 và 1920, gần 250 ngàn binh lính được nhập tịch Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, trong năm 1925, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phán quyết rằng các cựu chiến binh không hợp lệ để trở thành công dân Mỹ nếu họ không phải là người da trắng hoặc không phải là người Mỹ gốc Phi châu. Ðiều này có nghĩa là cựu chiến binh gốc Á Châu cần một tu chính của quốc hội Hoa Kỳ cho phép họ được nhập tịch Hoa Kỳ.
Trong năm 1935, Hoa Kỳ sau cùng đã thay đổi luật và tán thành việc cấp quốc tịch Mỹ cho các cựu chiến binh, và chỉ có cựu chiến binh mà thôi. Những di dân gốc Á Châu khác chỉ được hợp lệ xin nhập tịch sau Thế Chiến Thứ Hai.
Kể từ năm 2001, hơn 100,000 di dân đã được nhập tịch vì đã phục vụ trong quân đội, bao gồm 10,400 người thuộc chương trình MAVNI.
Hỏi Đáp Di Trú
Hỏi: Tôi có nghe cơ quan Thi Hành Luật Di Trú và Thuế Quan (ICE) có một “chỉ tiêu nền tảng” (bed quota). Chữ này có nghĩa gì?
Đáp: “Chỉ tiêu nền tảng” là một điều luật đòi hỏi cơ quan ICE phải giữ trung bình 34,000 di dân trong nhà giam mỗi ngày. Nếu cơ quan ICE không tìm đủ số di dân Mễ Tây Cơ bất hợp pháp và nhốt họ trong nhà giam thì họ cần truy lục hồ sơ của sở cảnh sát để truy tìm các thường trú nhân hợp lệ nhưng bị phạm tội hình sự có thể đưa đến việc trục xuất họ. Cơ quan ICE cũng gia tăng bắt giữ rất nhiều di dân bất hợp pháp và đưa vào tù sau khi bị cảnh sát địa phương chặn lại vì lỗi giao thông.
Hỏi: Nhà nước cộng sản Việt Nam có cộng tác không khi chính phủ Hoa Kỳ muốn đưa những di dân phạm tội trở về Việt Nam?
Đáp: Sau một vài cuộc thảo luận trao đổi giữa chính phủ Hoa Kỳ và nhà nước cộng sản Việt Nam, Hà Nội đồng ý cộng tác với Hoa Kỳ. Trước đó, nhà nước Việt Nam rất do dự việc thâu nhận những người bị Hoa Kỳ trục xuất. Ðây cũng không phải là điều ngạc nhiên. Chẳng có nước nào muốn chào đón người phạm tội trở về với xã hội của họ.
Hỏi: Di dân bất hợp pháp có thể gia nhập quân đội Hoa Kỳ để có Thẻ Xanh không?
Đáp: Ðòi hỏi căn bản cho những người muốn xin gia nhập quân đội là họ phải là thường trú nhân. Không có Thẻ Xanh, họ không thể gia nhập quân đội. Họ không có cơ hội xin Thẻ Xanh qua việc phục vụ trong quân đội.
LMH