Một vở nhạc kịch cực kỳ vui nhộn, rất thích hợp cho các gia đình có con ở lứa tuổi lớp 5 trở lên. Các diễn viên trẻ em đều là những nhạc sĩ và ca sĩ, chơi nhạc sống trên sân khấu. Thật là một trải nghiệm thú vị đáng nhớ.
Andrew Lloyd Webber—tác giả những vở nhạc kịch kinh điển như “Phantom of the Opera”, “Jesus Christ Superstar”, “Cats”… đã soạn nhạc kịch này dựa theo cuốn phim “School of Rock” (2003) với tài tử Jack Black. Câu chuyện xoay quanh một anh chàng nhạc sĩ nghèo bất phùng thời tên Dewey Finn. Thất nghiệp, Dewey phải share phòng với người bạn tên là Ned Schneebly, ngày xưa từng chơi chung trong ban nhạc, và cô bạn gái của Ned là Patty. Trong khi Ned rất thông cảm với tình cảnh khó khăn của thằng bạn nối khố, Patty lại không ưa Dewey tí nào và hăm doạ sẽ tống cổ anh ta ra khỏi nhà nếu không trả tiền phòng nợ từ tháng trước. Đang lúc lâm vào thế kẹt, tình cờ Dewey bắt được cú điện thoại của bà hiệu trưởng một trường tư thục danh giá của thành phố, gọi kiếm Ned mướn dạy thế cho một cô giáo của họ bất ngờ bị bệnh phải nghỉ vài tuần. Như người sắp chìm vớ được cái phao, Dewey liều mạng giả mạo mình là Ned và nhận lời đi dạy mặc dù anh ta hoàn toàn không có kinh nghiệm.
Vào đến trường Horace Green, Dewey phải đóng vai thày giáo Ned Schneebly với mười mấy đứa học trò lớp 5. Nhưng vì không biết dạy học, anh ta bỏ mặc cho chúng muốn làm gì làm. Bỗng một hôm Dewey nghe lóm học trò mình chơi nhạc cổ điển trong lớp nhạc do cô hiệu trưởng điều khiển, anh ta liền nảy ra ý định dạy chúng môn học duy nhất mà anh ta rành: nhạc rock! Dewey bèn lén mang đàn guitar điện, bass, trống và keyboard của mình vào trường để lập một ban nhạc rock. Mỗi học sinh trong lớp được anh giao cho một công việc. Ngoài ba tay đàn và một tay trống chủ lực cộng với ba ca sĩ, số còn lại được Dewey cho làm những việc phụ trợ như âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, gác cửa v.v. Mục tiêu của Dewey là đem ban nhạc nhí của mình, mang tên “School of Rock”, đi dự chương trình Battle of the Bands để mong kiếm số tiền thưởng $20,000 đô!
Khỏi phải nói, một bối cảnh như vậy tất nhiên nảy sinh vô số tình huống khó xử, trớ trêu, cười ra nước mắt. Những ai đã xem phim chắc hẳn biết câu chuyện sẽ kết thúc ra sao, thiết tưởng ta không nên kể hết ra đây kẻo làm mất hứng những người chưa xem. Nhưng cho dù bạn đã coi phim rồi thì cũng nên đi coi nhạc kịch này nếu có cơ hội. Bởi vì “School of Rock, the Musical” còn hay hơn phim “School of Rock” một bậc vì nó là … nhạc kịch! Nghĩa là sao?
Lawrence (Theo Mitchell-Penner), tay keyboard thiện nghệ
Trước hết, vì là kịch nên tất cả mọi chuyện đều xảy ra trên sân khấu ngay trước mắt ta không cắt ráp, không có chuyện ngưng nửa chừng sửa làm lại. Thứ nhì, vì mảng nhạc do Andrew Lloyd Webber biên soạn nên hay hơn. Tuy trong phim cũng có vài bài nhạc được viết riêng cho phim, nhưng số còn lại là những bài nhạc rock thập niên 70-80 được dùng làm nền, lấy từ những ban nhạc heavy metal như Led Zeppelin, The Who, AC/DC v.v. Trong khi đó vở nhạc kịch có đến mười mấy bản nhạc mới (cộng với ba bài nhạc gốc từ phim) để cho các nhân vật hát thay vì chỉ nói chuyện, nên kịch bản sống động hơn hẳn. Nhất là bài “You’re In The Band” và bài “Stick It To The Man”. Thứ ba, và cũng là điểm son của nhạc kịch, là vai các em học sinh quan trọng hơn trong phim. Đặc biệt tất cả đều phải biết chơi nhạc và hát trực tiếp chứ không thể đàn giả bộ hay hát nhép. Dĩ nhiên điều này có nghĩa là đạo diễn đã tốn nhiều thì giờ săn lùng tài năng trên khắp nước Mỹ.
Tương truyền khi Andrew Lloyd Webber làm xong vở nhạc kịch này, ông đã quyết định cho dựng nó ở Broadway thay vì ở West End, London, mặc dù ông là người Anh. Lý do ông đưa ra là vì ông nghĩ ở Mỹ mới dễ tìm các em nhỏ cỡ 9-13 tuổi biết chơi đàn và đánh trống để đóng trong nhạc kịch. Khi “School of Rock” mở màn trên Broadway năm 2015, đó chỉ là lần thứ nhì có một vở diễn của Webber trình làng ở New York trước London (vở thứ nhất là “Jesus Christ Superstar” vào năm 1971). Tuy vậy không lâu sau đó “School of Rock” cũng ra mắt khán giả West End, chứng tỏ trẻ em Anh cũng có khả năng chơi nhạc rock không kém gì trẻ em Mỹ.
“You’re in the band!!!” Dewey (Rob Coletti) nói với Katie (Theodora Silverman)
Đến cuối năm 2017 thì “School of Rock” bắt đầu tour vòng quanh nước Mỹ. Nghĩa là ngoài dàn diễn viên chính trên Broadway, giờ còn có thêm một dàn diễn viên mới để đi tour. Nhân dịp đoàn tour đến diễn tại Dallas-Fort Worth, Trẻ đã có dịp gặp gỡ kịch đoàn trong buổi giao lưu báo chí và nói chuyện với vài diễn viên thiếu nhi. Các em cho biết phải trải qua rất nhiều vòng tuyển lựa khá khó khăn mới được chọn. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất là phải biết đánh đàn, đánh trống hoặc hát. Ngoài ra các em phải có khả năng đóng kịch, hoặc chí ít cũng phải có năng khiếu tự nhiên và dễ uốn nắn. Từ tháng 11/2017 đến nay nhiều em đã đóng trên 300 show, tuy chỉ mới 12 tuổi!
Mặc dù dày dặn kinh nghiệm sân khấu nhưng các em vẫn là những đứa trẻ con thích đùa nghịch. Tuy nhiên, khi trả lời báo chí thì các em ăn nói rất rành rõi, tự tin. Em nào cũng biết cách kể chuyện mạch lạc, có đầu có đuôi, chứng tỏ đã được huấn luyện rất bài bản. Trong đoàn kịch còn có một số giáo viên được mướn đi theo để dạy học cho các em trong lúc đang tour, đúng theo luật lao động. Các em cũng cho biết là luật chỉ cho phép lãnh 15% số tiền lương của mình, phần còn lại phải “bỏ ống” tới khi nào 18 tuổi mới được lấy ra. Có em nói sẽ dùng tiền đó để mua một cây đàn thiệt xịn, em khác thì bảo sẽ sắm cho mình bộ trống. Đa số đều muốn tiếp tục chơi nhạc hoặc đóng kịch sau này nếu có cơ hội, riêng một em thì muốn dùng tiền này để học đại học.
Xem “School of Rock, the Musical” ra, khán giả ai nấy đều mặt mày tươi rói, nói cười vui vẻ. Người Mỹ dẫn con nít đi coi khá đông. Đây là vở nhạc kịch cuối cùng của mùa Hè 2018 do Dallas Summer Musicals mang đến cho cư dân vùng North Texas. Show này đang diễn tại Fair Park Music Hall từ 15-26 tháng 8; vào những ngày thứ Hai-thứ Năm, học sinh với thẻ ID có thể mua vé với giá $25. Sau Dallas thì tour sẽ chuyển sang rạp Bass Hall ở Fort Worth từ 28/8 đến 2/9. Những ai thích coi nhạc kịch nên dẫn con đi xem vở này, chắc chắn sẽ không thất vọng.
-IB
Gilberto Moretti-Hamilton (trống); Vincent Molden (guitar); Theo Mitchell-Penner (keyboards); tác giả.