Menu Close

Nội bộ Trung Quốc rối loạn

Theo một thoả thuận giữa Bắc Kinh và Washington, Trung Quốc gửi một phái đoàn thương mại, cầm đầu bởi Phụ tá Bộ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn (Wang Shouwen), đến Washington trong hai ngày 22 và 23 Tháng 8 để mở lại những cuộc đàm phán tìm cách chấm dứt vụ đối đầu quan thuế ngày càng tệ hại hơn giữa hai nước.

noi-bo-trung-quoc-noi-loan3
Hình ảnh lãnh tụ Tập Cận Bình qua bộ máy tuyên truyền của đảng nguồn Getty Images

Ðây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các viên chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc kể từ những cuộc đàm phán đầu Tháng 6 tại Bắc Kinh giữa Bộ trưởng Thương mại Wilber Ross và Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) đã không đạt được thoả thuận nào. Sau đó nổ ra vụ tranh chấp thương mại và hai bên tìm cách tăng quan thuế lẫn nhau, với đợt đầu tiên vào hôm 6 Tháng 7 được Washington phát động bao gồm 25 món thuế lên một số mặt hàng nhập cảng từ Trung Quốc có trị giá $34 tỷ, Trung Quốc đáp trả lại với những món thuế lên một số mặt hàng nhập cảng từ Mỹ cũng với trị giá tương tự.

Tại một cuộc họp nội các hôm Thứ Năm tuần qua, Tổng thống Donald Trump thông báo cho biết: “Ta đang nói chuyện với Trung Quốc, họ rất muốn có một cuộc đối thoại. Chỉ là vì họ không thể cho ta một thoả thuận có thể chấp nhận được, do đó ta cũng không có bất cứ thoả thuận nào cho đến khi đạt được một thoả thuận công bằng cho đất nước chúng ta.”

noi-bo-trung-quoc-noi-loan2
Phụ tá Bộ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn trong phái đoàn đàm phán của Bắc Kinh nguồn Reuters

Chính phủ Trung Quốc đã chính thức thông báo về cuộc gặp gỡ này cũng vào hôm Thứ Năm tuần qua mà trước đây những chuyến ngoại giao ở cấp phụ tá bộ trưởng thường không được nhắc đến. Theo nhận định của giới quan sát phương Tây, có lẽ phía Trung Quốc muốn làm an tâm giới đầu tư, và quan trọng hơn, đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã bắt đầu chịu lùi bước.

Trong bản thông cáo có nói rằng: “Phía Trung Quốc muốn nhắc lại là chính phủ chúng tôi phản đối chính sách đơn phương và chính sách bảo hộ mậu dịch và không chấp nhận bất cứ biện pháp thương mại đơn phương nào.”

Mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục nói mạnh, một loạt sự kiện gần đây cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang thấm đòn và rất muốn đạt được một thoả thuận thương mại mới càng sớm càng tốt.

Một phần là vì kinh tế Trung Quốc đang gặp trục trặc. Thị trường cổ phiếu và hối đoái đã bị bầm giập kể từ khi tranh chấp thương mại bắt đầu tăng cường độ. Chỉ số của thị trường cổ phiếu Thượng Hải sụt giảm hơn 25 phần trăm trong thời gian một năm qua và trị giá đồng nguyên của Trung Quốc rớt hơn 6 phần trăm so với đồng Mỹ kim.

Báo cáo của chính phủ cũng cho biết chi tiêu trên các tài sản cố định rớt xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm qua và mức thất nghiệp cho thấy tăng đáng kể. Hai chỉ số kinh tế này là dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang nguội đi do ảnh hưởng của cuộc tranh chấp thương mại với Mỹ hiện nay.

noi-bo-trung-quoc-noi-loan1
Chỉ số thị trường cổ phiếu Thượng Hải sụt giá nguồn AP

Một vấn đề nghiêm trọng hơn mà Bắc Kinh đang phải đối phó là những tiếng nói chỉ trích chính sách của chính quyền trung ương trong việc sắp xếp và giải quyết cuộc tranh chấp thương mại hiện nay. Một bản tin của hãng thông tấn Reuters đánh đi từ Trung Quốc tường thuật rằng Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), cố vấn thân cận của Tập Cận Bình về tư tưởng ý thức hệ và là người cầm đầu bộ máy tuyên truyền của nhà nước, đã bị công khai chỉ trích vì đã cố tình khiêu khích Hoa Kỳ bằng những lời lẽ mang tính quốc gia cực đoan.

Nhưng có lẽ sự việc nghiêm trọng hơn hết là sự chỉ trích nhắm thẳng vào cá nhân Tập Cận Bình, một điều cấm kỵ trong nội địa Trung Quốc, đã bắt đầu lọt qua được hệ thống kiểm duyệt. Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), một giáo sư luật của Ðại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, đã công khai cho đăng một bài viết lên án các chính sách của họ Tập. Bài viết này được loan truyền rộng rãi trên các trang mạng trong và ngoài nước kêu gọi quốc hội hãy rút lại quyết định xoá bỏ quy định giới hạn chức vụ chủ tịch nước trong hai nhiệm kỳ như đã được áp dụng trước đây. Quyết định này được xem là bước đầu mở đường cho Tập Cận Bình được nắm quyền vĩnh viễn.

Bên cạnh đó là những cuộc tranh luận đang diễn ra âm thầm trong nội bộ đảng cho rằng họ Tập đã thiếu khôn ngoan khi công khai đưa ra những mục tiêu tăng trưởng và quyết định tuyên bố cho thế giới biết về những tham vọng của Trung Quốc. Ðây là một chuyển hướng đáng kể trong quan niệm lãnh đạo được đặt ra từ thời lãnh tụ Ðặng Tiểu Bình qua châm ngôn: “Che giấu sức mạnh, chờ đợi thời cơ” (Thao quang dưỡng hối). Những người chỉ trích Tập nói rằng những chính sách như Trung Quốc Chế tạo 2025 (kế hoạch vượt lên để chiếm ưu thế các ngành công nghệ như máy bay, các loại xe sử dụng năng lượng mới và kỹ thuật sinh học) và Dự án Nhất đới Nhất lộ (cơ chế tài trợ cho các đầu tư vào hạ tầng cơ sở toàn cầu) đã gây báo động ở các quốc gia Tây phương và thúc đẩy Hoa Kỳ tìm cách tấn công Trung Quốc trước khi quốc gia này có thể tự mình phát huy được những kỹ thuật cao cần thiết cho sự phát triển tương lai thay vì phải đi vay mượn từ các công ty ngoại quốc như hiện nay.

Nhận định này đã được chứng minh qua sự kiện một mình Donald Trump đã có thể làm sụp đổ một đại công ty như ZTE Corp. dễ dàng ra sao. ZTE là công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ nhì của Trung Quốc. Vào Tháng 4, chính phủ Hoa Kỳ đã cấm ZTE mua những bộ phận kỹ thuật quan trọng từ các công ty cung cấp của Mỹ sau khi công ty này vi phạm luật cấm bán kỹ thuật của Mỹ cho Iran. Quyết định này đã buộc ZTE ngay lập tức ngưng mọi hoạt động sản xuất và chỉ hoạt động trở lại sau khi ông Trump ra tay giải cứu và giúp ZTE đạt được thoả thuận là sẽ phải đóng phạt một số tiền lên đến $1.4 tỷ.

noi-bo-trung-quoc-noi-loan
Các kiện hàng ùn tắc tại cảng Dương San ở Thượng Hải nguồn Reuters

Sự việc này cho thấy Trung Quốc hiện nay vẫn phải lệ thuộc nhiều vào các kiến thức kỹ thuật của Mỹ ra sao. Mới đang tập bò mà đã đòi đứng lên chạy thì sự thể sẽ ra nông nỗi như vậy.

Trong một hội nghị vào đầu Tháng 8 vừa qua tại Bắc Ðới Hà – một khu nghỉ mát thuộc tỉnh Hồ Bắc, nơi hằng năm diễn ra một cuộc họp kín giữa các lãnh đạo đương thời và các lãnh đạo trưởng thượng của đảng cộng sản Trung Quốc đã nghỉ hưu để thảo luận về các chính sách và tình hình đất nước – đã có một số tin đồn cho biết Tập Cận Bình có thể đã gặp phải những chỉ trích gay gắt về các chính sách của ông ta liên quan đến cuộc chiến mậu dịch với Mỹ và về việc Tập đã thâu tóm quá nhiều quyền lực trong tay.

Dựa vào kinh nghiệm trong quá khứ, các nhà quan sát quốc tế nói rằng trong những tháng tới sẽ có một vài điều bí mật sẽ được rò rỉ và người ta có thể biết thêm về cuộc giằng co quyền lực giữa Tập với các bậc trưởng thượng trong đảng đã diễn ra ở Bắc Ðới Hà ra sao.

Tập có còn tiếp tục tập trung được quyền hành trong tay như Mao trước đây hay không? Người ta đang chờ tới kỳ đại hội đảng toàn quốc năm 2022 để có thể biết rõ hơn tương lai chính trị của tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước là Tập Cận Bình sẽ có kết quả ra sao. Tuổi của Tập lúc đó là 69, đặt Tập vào vị thế phải đối diện với một điều lệ lâu nay của đảng là buộc các nhà lãnh đạo khi tới tuổi 68 thì phải về hưu và không được quyền nắm giữ một chức vụ nào.

Nếu Tập cố tình vi phạm điều lệ này và tiếp tục tìm cách ở lại ngôi vị số 1 như hiện nay, những đối thủ trong đảng chắc chắn sẽ không chịu đứng im khoanh tay. Một cuộc tranh giành quyền lực chính trị nguy hiểm và quyết liệt sẽ nổ ra có thể đưa Trung Quốc vào một tình thế đảo điên.

VH