Phần 1
Như những nơi khác trong vùng Judea, Golan cũng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thay tên đổi chủ trong suốt 5-6 ngàn năm lịch sử. Sách vở ghi chép sự hiện diện của hai bộ tộc Israel và vua Solomon đặt nền móng cai trị tại đó tự thủa ấy. Golan qua tay người La Mã, người Assyria … Triều đại vua chúa cuối cùng cai trị Golan là hoàng triều Ottoman, rồi miền đất rơi vào tay người Pháp năm 1918 và từ năm 1946, trở thành lãnh thổ của quốc gia tân lập Syria Republic.
Sau cuộc chiến tranh Arab-Israel, Israel giành được độc lập năm 1948, nhưng giữa quốc gia này và khối Ả Rập chung quanh là một mối thù hận âm ỉ. Năm 1956, Ai Cập áp dụng chính sách “ngăn sông cấm chợ”, cấm thuyền bè qua lại the Straits of Tiran để chặn đường tiếp tế của Israel, và Jordan chặn nguồn nước từ sông Jordan. Bị cắt đứt nguồn nhu yếu phẩm và nguồn nước, phải giành đất sống nên Israel tiến quân đánh chiếm vùng Sinai của Ai Cập. Khối Ả Rập thua trận, Ai Cập đành chịu mở lại cửa biển, và Israel rút quân nhưng từ đó, mối thù trở nên sâu đậm hơn.
Tháng Năm năm 1967, Tổng Thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser công bố sẽ cấm thuyền bè của Israel qua lại cửa biển kể trên và mang quân đội dàn trận dọc biên giới. Ngày 5 tháng Sáu cùng năm, quân đội Israel tấn công, bắt đầu từ những trận đánh trên không phận Ai Cập và cùng lúc, tiến quân qua Gaza Strip và vùng Sinai. Ai Cập mất Sinai dẫn đến việc tham chiến của Syria và Jordan. Tóm tắt là cả ba quốc gia Ả Rập này hè nhau áp đảo Israel. Israel phản công và chiếm luôn East Jerusalem cũng như West Bank của Jordan và Golan Heights của Syria!

Dưới sự lãnh đạo của tướng độc nhãn Moshe Dayan, bộ trưởng bộ Quốc Phòng Israel thủa ấy, và các tướng lãnh lẫy lừng như Yitzhak Rabin, Menahem Begin, Ariel Sharon (cả ba về sau trở thành thủ tướng chính phủ), quân đội Israel đã đánh bại quân đội Ai Cập, Jordan, Syria và Palestine; chiếm giữ Gaza Strip, bán đảo Sinai, West Bank [bờ tây của sông Jordan] và cả vùng đất phía đông Jerusalem chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Thỏa ước ngưng bắn được ký kết ngày 11 tháng Sáu năm 1967. Nói giản dị là cuộc chiến tranh đẫm máu kể trên chỉ kéo dài sáu (6) ngày, ba quốc gia Ả Rập mất một phần lãnh thổ và mất 20,000 quân trong khi Israel chịu tổn thất rất ít, dưới 1,000 quân sĩ tử trận. Israel thắng lớn, chiến thắng lẫy lừng về quân sự nên tiếng nói của quốc gia này từ đó có “trọng lượng” hơn trước thế giới.
Vinh quang như thế nhưng cũng chính chiến thắng ấy dẫn đến sự ỷ y, lơ là việc phòng bị, nôm na là Israel đã ngủ quên trên chiến thắng và mở đầu cho trận Yom Kippur War năm 1973. Lợi dụng sự quá tự tin của Israel, khối Ả Rập tấn công Israel trong dịp Yom Kippur, một dịp lễ quan trọng nhất của tín đồ Do Thái. Quân đội Israel phản công, đẩy lui quân Ả Rập, giữ được lãnh thổ nhưng chịu tổn thất rất nặng nề. Trận chiến tranh này đã dẫn đến một cuộc di dân khá lớn, 300,000 người Palestine bỏ West Bank và khoảng 100,000 người Syria bỏ Golan Heights đi lánh nạn tại các quốc gia Ả Rập chung quanh. Ngược lại tín đồ Do Thái sinh sống trong vùng Ả Rập cũng lìa bỏ nơi sinh sống, về Israel hoặc qua Âu Châu tị nạn. Bà Golda Meir, Thủ tướng Israel năm ấy, bị người dân quy tội thiếu trách nhiệm, và đã đi vào lịch sử của đất nước này như một vị thủ tướng tệ hại nhất từ khi lập quốc.

Bất chấp sự phản đối của Liên Hiệp Quốc, từ đó, 2/3 đất phía tây Golan [của Syria] được sát nhập vào lãnh thổ Israel. Một phần ba đất phía đông Golan vẫn thuộc về Syria, đây cũng là vùng đất khói lửa trong cuộc nội chiến của Syria trong mấy năm vừa qua. Hai quốc gia này tiếp tục các trận đụng độ tranh giành đất đai và nguồn nước dù giữa các trận đụng độ ấy là những cuộc thương thảo bất thành. Nghĩa là uýnh nhau chán rồi hòa đàm, hòa đàm không xong lại uýnh nhau tiếp.
Sau khi chiếm giữ Golan, người Israel được chính phủ đưa đến đây sinh sống trong những thôn làng bỏ trống. Trong số những người Syria “trụ lại” sau chiến tranh, chỉ 10% nhập tịch Israel, phần còn lại giữ quốc tịch Syria và giữ tình trạng “cư dân” thay vì công dân. In hệt như dân Việt năm xưa khi đất nước bị chia cắt, cư dân Syria tại Golan cũng có bà con anh em sinh sống hai bên biên giới, người đông kẻ tây. Phần lớn các cư dân này theo đạo Druze, một tôn giáo có nguồn gốc Hồi giáo, xuất phát từ Ai Cập khoảng 1,000 năm trước và có khoảng một triệu tín đồ, sinh sống rải rác tại Syria, Israel, Lebanon và Jordan. Trong những năm gần đây, khi xảy ra cuộc nội chiến tại Syria, số cư dân xin nhập tịch Israel gia tăng nhanh chóng.
Ngày nay, tại Golan, khoảng 30 cộng đồng Israel (với 20 ngàn người) đã an cư, chia đất nhưng sống riêng rẽ [từng nhóm, từng thôn làng] với 20 ngàn cư dân Syria.

Nhóm du khách dừng chân ăn trưa tại một thôn làng nơi tín đồ Druze sinh sống; quán ăn trong nhà riêng và nhà bếp dọn một thực đơn định sẵn cho mọi khách hàng. Cũng cà ri thịt bò, bánh chiên nhồi thịt bò băm trộn hành… không có chi đặc sắc. Hỏi chuyện cà kê cô gái dọn bàn [nói tiếng Anh kha khá] về chuyện học hành sinh sống thì cô bé này cũng như những người trẻ thế giới khác, cũng xài internet nhanh như máy, cũng ưa disco, cinema buổi chiều cuối tuần nhưng trong những ước mơ tương lai kia có cả một chuyến đi chơi Huê Kỳ… Riêng về mục tôn giáo thì cô gái tần ngần thú nhận cô ấy cũng chẳng biết chi nhiều về đạo Druze dù cha mẹ là tín đồ thuần thành… Cô ấy chỉ biết rằng đạo dạy rằng sống cho tử tế để sau khi chết sẽ trở lại làm một phụ nữ theo đạo Druze (tôn giáo này tin vào luân hồi, in như Hindu và Phật giáo; không biết đạo Druze có dính dáng chi với những người Gypsy thủa xa xưa lang thang từ Ấn Ðộ qua Âu Châu không nhỉ?)
“Thôn làng” trong thế kỷ XXI nên ở đây cũng những con đường tráng nhựa, các ngôi nhà lầu mấy tầng xen lẫn giữa các trang trại trồng hoa quả, rau xanh. Trước nhà, cư dân treo các lá cờ nhiều màu. Dù chỉ là một thôn làng chẳng mấy người biết tên tuổi nhưng nơi này vẫn đầy đủ những món như Coca Cola và bảng điện toán (tablet)… thường thấy, bước chân thương mại đã có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm với các sản phẩm đương thời.
TLLs