Gần đây Nguyễn viết bài Hư Ngôn:
làm sao bưng được bát cơm ăn
làm sao yên giấc
chiều nay
đọc câu thơ siêu thực. mà lòng nghẹn
cành hoa lys đã úa tàn
trên bức tranh tĩnh vật
không còn nghe tiếng kèn trumpet
thổi từ giấc mơ xưa
tháng sáu về
tai bỗng đầy
những tiếng dội từ xa
từ gạch đá thiên an môn
đến budapest
từ mọi nẻo đường quê hương tôi
xác bướm khô
tôi khóc
bằng những chiếc mắt lá
trong mưa
tháng sáu
chúng âm mưu bán đất
thắt cổ người dân
đánh. đập
kéo
quăng lên xe
máu chảy
những cánh diều nằm. im. trên ngọn cây khô
từ đây không còn tiếng nói người
tháng sáu ơi
NXT
Nghe tưởng chừng như hư tưởng, vu vơ, kỳ thật những câu thơ trực tiếp đụng đến các vết thương hiện thời: luật đặc khu bán đất cho ngoại bang, bắt bớ đánh đập bóp cổ người dân, bịt miệng không cho người dân lên tiếng nói…
Cũng gần đây, cuốn phim ngắn Mẹ Vắng Nhà đã làm dấy lên những nỗi xót xa, đớn đau căm hận trong lòng người xem khiến nhà cầm quyền Cộng Sản trong nước phải sợ hãi
Nhà văn Huy Phương viết như sau về cuốn phim:
“Ðó là cuốn phim tài liệu về blogger Mẹ Nấm không có nhân vật chính, vì nhân vật chính đang ở trong nhà tù. Cuốn phim chỉ kể lại chuyện hai đứa trẻ vắng mẹ, sống với bà ngoại mà bà ngoại lại còn một bà mẹ già phải săn sóc. Cuốn phim không hề xúc phạm đến Quốc Vương và Hoàng Hậu Thái Lan, cuốn phim cũng không nêu đích danh đồ tể Hồ Chí Minh, nhưng vì sao nó lại bị cấm chiếu ở Bangkok?
Thân mẫu của Mẹ Nấm cho rằng chế độ Cộng Sản sợ con bà: “Bản án 10 năm dành cho con gái tôi, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cho thấy ‘họ sợ hãi con tôi, sợ cái cộng hưởng lan rộng, được nhiều người hưởng ứng, nên họ phải bóp cổ, bóp miệng con tôi!’”

Thanh Nguyễn viết về nỗi xúc động khi xem phim ‘Mẹ Vắng Nhà’
“Phim làm nhẹ nhàng, có nhiều cảnh quay xúc động lấy nước mắt người xem.
Những cảnh quay lén lút của Clay dường như đã chạm được vào tư duy của những người dự khán. Rất nhiều người cũng lén lút khóc theo khi bắt gặp ánh mắt trong veo của Nấm quỳ cầu nguyện xin bình an cho Mẹ Nấm… Khi mẹ vắng nhà. Ừ, thì Quỳnh bị bắt, nhưng sẽ không ai để cho hai cháu Nấm và Gấu rơi vào hoàn cảnh bất hạnh vì vắng mẹ mà mờ mịt cả tương lai.
Khi mẹ vắng nhà. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị đi tù với cái án 10 năm, nhưng tiếng nói đòi hỏi xã hội có được công bằng, ngọn lửa đấu tranh vì lẽ phải trong tận lòng của Quỳnh đã được đốt lên, sẽ sưởi ấm lương tri của biết bao người. Và ngọn lửa đó không bao giờ bị dập tắt.
Tôi tin là thế!” (Thanh Nguyễn)
Cũng về cuốn phim Mẹ Vắng Nhà, nhà báo Trương Duy Nhất nói lên nỗi đau hận trong lòng mình:
“Nhưng có lẽ, ám ảnh chúng ta hơn, xót đau hơn là những cặp mắt con trẻ bắt đầu xa mẹ. Những Nấm, Gấu, Phú, Tài…
Và đến giờ, là một đứa trẻ vừa 22 tháng tuổi. Bé Katie.
Họ tội tình gì? Những đứa trẻ miệng còn mớm sữa mẹ kia tội tình gì?
Không gì man rợ và độc ác hơn.
Trước Huỳnh Thục Vy, là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga…
Những phụ nữ quả cảm, can trường. Các chị lên tiếng thay chúng ta, hy sinh thay chúng ta.
Còn chúng ta câm nín?”
Về trường hợp Huỳnh Thục Vy gần đây, báo chí truyền thông ghi nhận:
“7 giờ sáng ngày 9/8, một lực lượng vũ trang gồm khoảng 30 người, gồm công an phường, xã, tỉnh và cả công an của bộ đã ập vào nhà áp giải cô Huỳnh Thục Vy (địa chỉ tại phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Ðắk Lắk). Những người này đã đọc lệnh khám xét khẩn cấp, tịch thu các thiết bị điện tử, như: điện thoại, laptop, máy ảnh, băng đĩa nhạc, sách… Ðiều đáng nói hơn, tất cả việc bắt bớ, trấn áp đó đều diễn ra trước mắt của bé Katie (mới 22 tháng tuổi), con gái của cô Huỳnh Thục Vy.”
Ðến đây, ta không thể nào không ghi nhận mối đồng cảm của nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn về trường hợp Huỳnh Thục Vy:
“Bài thơ này tôi viết cho Vy ngày đầu tiên khi gặp cô ấy, cũng là lúc tôi chứng kiến cô bị lôi kéo lên xe bus bởi một bầy đàn ông mặc thường phục lẫn sắc phục, bị đánh đập, bị nắm tóc lôi đi.
Ðến hôm nay tôi vẫn còn nhớ như in cảnh tượng ấy .
“Ánh mắt em
ám ảnh tôi
Mái tóc em
ám ảnh tôi
Giọng nói khản đặc em
Ám ảnh tôi…
Ðọc tin em bị khóa tay bóp cổ lôi đi
Em rong kinh
Em tiều tụy
Người con gái Quảng Nam”
Chiêu Anh Nguyễn
Riêng Nguyễn, lâu nay, mỗi khi xem hình các con của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga lòng dấy lên nỗi thương cảm, xót xa. Ôi, các bé Nấm, Gấu, Tài, Phú ngây thơ, dễ thương quá, đâu có tội tình gì mà phải sống xa mẹ. Bây giờ tới Katie, con của Huỳnh Thục Vy…
Hôm nay, tôi muốn có một vài lời nói với các bé và các bà mẹ phải xa con.
Bé ơi,
Bé cần bàn tay chăm sóc và tình thương yêu của mẹ. Bé cần có mẹ bên cạnh, nhìn khuôn mặt mẹ mỗi phút giây.
Vậy mà người ta bẻ tay nắm tóc mẹ, lôi mẹ đi, quẳng lên xe bít bùng. Bé muốn khóc, không biết mẹ có nghe được tiếng bé không.
Ôi các cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Huỳnh Thục Vy… Các cô đúng là những anh thư của nước Việt ngày hôm nay. Hành động và sự hy sinh dũng cảm của Quỳnh, Nga, Vy… khiến nhiều người ngưỡng phục và phải tự nhìn lại mình. Mãi mãi những trang văn sử còn ghi.
TN – Tổng Hợp