Được bố mẹ đưa vào trường dòng với hy vọng trở thành cha đạo, Giovanni Giacomo Casanova đã bị đuổi vì hạnh kiểm kém. Làm nghề thư ký, gia nhập quân đội ở Venice, rồi làm nhà truyền giáo, nhà giả kim, tay cờ bạc bịp, nhạc công violin, giám đốc một công ty xổ số và có hồi làm tình báo, Casanova đã lang thang khắp châu Âu, nổi tiếng đào hoa và chinh phục vô số con tim thiếu nữ. Ông từng là thượng khách trong triều đình vua Pháp Louis XV và cũng là người đánh gục con tim nữ hầu tước Pompadour, tức Antoinette Poisson (ái phi của Louis XV)… Casanova đã tạo ra một huyền thoại cho chính mình, huyền thoại một gã lãng tử đa tình, tay ăn chơi khét tiếng châu Âu thời thế kỷ 18…

Một gã đàn ông xấu trai, vô công rỗi nghề, bẩn như cú…
Thậm chí theo tiêu chuẩn tự do yêu đương ngày nay, những cuộc tình của Casanova đã làm cho những kẻ tôn sùng chủ nghĩa tự do nhất cũng phải ôm mặt xấu hổ. Cuộc đời của ông là chuỗi dài những ngày tháng sa đọa đến độ khi ông viết hồi ký thì chuyện tình và các cuộc ăn chơi đó đã biến thành bộ sách 12 tập. Ông mất năm 1798, ở tuổi 73, nhưng hồi ký Histoire de ma vie (Thiên sử đời tôi), mãi đến năm 1960 mới được xuất bản, đã bất tử hóa Casanova với hình ảnh là người tình vĩ đại nhất mọi thời. Ông là một Don Juan thời Trung cổ sống dậy…
Tuy xấu trai nhưng Casanova được miêu tả là người thông minh, giàu óc tưởng tượng, có sức quyến rũ mê hoặc. Tuy ăn ở bẩn thỉu (Casanova thừa nhận ông chỉ tắm mỗi một lần trong cả đời; đó là một ngày Chủ Nhật sau khi ông ngủ li bì suốt 27 tiếng từ lúc dự một vũ hội hóa trang!) nhưng ông là người sống hạnh phúc và thỏa mãn – như nhà tâm thần học Pháp Lydia Flenn viết trong cuốn tiểu sử về Casanova năm 1998, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất Casanova. Ðiều gì khiến một gã đàn ông xấu trai, vô công rỗi nghề, thất nghiệp triền miên, bẩn thỉu như cú lại có khả năng “giết” hàng loạt phụ nữ quý tộc giàu có xinh đẹp?
Casanova có vóc người cao, thân hình gọn như thể tháo gia, nước da ngăm, mắt to. Tuy nhiên, ông không đẹp trai (điện ảnh đã huyền thoại hóa và làm méo mó hình ảnh thật của Casanova khi chọn toàn nam diễn viên đẹp trai đóng vai ông). Một người bạn – hoàng tử De Ligne – từng nhận xét: “Ông ấy (Casanova) trông rất bình thường, nếu không nói là xấu”. Lực hút Casanova – theo tác giả Lydia Flenn – là sự nhiệt tình, lòng rộng lượng và sự thể hiện luôn khao khát tình yêu. Hơn nữa, Casanova nổi tiếng sành ăn và biết chăm sóc sức khỏe. Ông ít khi quá chén và có lần từ chối qua đêm với một vũ nữ Florentine khi nàng không chịu trải thêm tấm mền lên giường vì Casanova cho rằng như thế sẽ khiến mình cảm lạnh. Dù vậy, sự cẩn thận không bảo vệ được sức khỏe Casanova. Ông từng mắc bệnh đậu mùa với hậu quả vài vết sẹo để lại trên mặt và tay chơi lịch lãm này cũng từng bị giang mai…
Xúc cảm đầu đời
Giovanni Giacomo Casanova (có tài liệu viết là Giacomo Girolamo Casanova) sinh tại Venice (Ý) ngày 2-4-1725. Ông là cậu con trai cả của một cặp vợ chồng nghệ sĩ nhưng thời đó người ta từng đồn đãi rằng bố ruột ông chính là Michele Grimani – giám đốc nhà hát nơi mẹ ông làm việc. Cô em gái Casanova cũng được đồn là con thật sự của người sau này trở thành vua George II. Khi Casanova hai tuổi, bố mẹ rời Venice để sang Luân Ðôn biểu diễn. Casanova được bà nội (ngoại) chăm sóc. Lúc nhỏ, Casanova hay bệnh (thường chảy máu cam) và tỏ ra kém thông minh. Mỗi lần về thăm nhà, bố mẹ ít khi dòm ngó Casanova vì cho rằng thằng bé èo uột và ngu đần sớm muộn cũng chết yểu. Năm Casanova 8 tuổi, bố chết vì bệnh não.
Casanova và đám anh chị em được để lại cho bà nuôi, khi mẹ lang thang châu Âu biểu diễn. Tuy cho là bị đần độn, năm lên 9, Casanova cũng được mẹ gửi đến Padua ăn học. Hai năm sau, khi trở về chào tạm biệt mẹ lúc bà sắp lên đường sang St. Petersburg biểu diễn, Casanova đã làm vui lòng mẹ bằng những vần thơ Latin. Lần đầu tiên, người mẹ cảm thấy tự hào về cậu con trai vụng về. Trở lại Padua, Casanova trải qua nhiều kinh nghiệm mới và sức hấp dẫn nam tính bắt đầu ló dạng. Năm 12 tuổi, một lần, Casanova được cô Bettina 14 tuổi (em gái một bác sĩ ở chung nhà trọ với Casanova) tỏ tình bằng cái cớ “chải tóc” cho cậu. Ðó là lần đầu tiên Casanova được một thiếu nữ vuốt ve. “Chính Bettina là người đốt những ngọn lửa đầu tiên mà sau này đã trở thành cảm xúc chế ngự suốt cuộc đời tôi. Sự tò mò của nàng đã làm trỗi dậy cảm giác khoái lạc trong tôi” – Casanova viết trong hồi ký.
Năm 13 tuổi, Casanova được đưa vào Học viện Padua. Mẹ và giám đốc nhà hát Michele Grimani (lúc này trở thành người bảo dưỡng) đều muốn Casanova trở thành cha đạo, trong khi ông thích theo nghề bác sĩ. Năm 16 tuổi, thầy dòng trẻ Casanova đã tính trăng hoa với Angela – con gái một mục sư ở Venice. Bị Angela khước từ, Casanova tấn công hai cô em của Angela – Nanetta 15 tuổi và Marta 16 tuổi. Ðêm đó, sau khi ba người hôn nhau chúc ngủ ngon và cùng hứa xem nhau “mãi mãi như anh em”, Casanova trở về phòng ngủ với lời hẹn của hai cô gái nhỏ rằng họ sẽ đến khi thuận tiện. Ðó là đêm đầu tiên Casanova hưởng mùi ái ân.
Quan hệ ong bướm giữa Casanova và hai cô này tiếp tục kéo dài bốn năm, cho đến khi Casanova được mẹ yêu cầu đến Calabria. Gã lãng tử 18 tuổi vượt quãng đường 640 km về phía Nam, dùng hết tiền để mua vui với gái giang hồ và thức thâu đêm đánh bài. Ðến Calabria, Casanova chán nản trước sự nghèo khổ của vùng đất này và lại đón xe thẳng tới Naples. Tại nơi trú chân mới, Casanova làm nghề gia sư. Tưởng yên thân, chỉ một năm sau, Casanova bị triệu về Rome vì thái độ từ bỏ chức trách chỉ định ở Calabria. Trên đường về Rome, Casanova 19 tuổi gặp Donna Lucrezia – một phụ nữ 29 tuổi xinh đẹp đang du lịch cùng chồng và em gái, khi họ ở cùng một nhà trọ. Một đêm, lúc có tiếng súng nổ bất thường và chồng Lucrezia ra ngoài xem xét, Casanova lập tức lẻn vào phòng và “dường như nhận được thái độ ngầm đồng tình nào đó”, Casanova đánh liều ôm chầm Lucrezia và chỉ chịu buông khi chiếc giường bị gãy! Ðến trước khi về tới Rome, Casanova đã là bạn thân của gia đình Lucrezia. Rồi, lúc ở Rome, trong khu vườn đầy hoa nhà mình, Lucrezia đã gần như công khai bày tỏ tình cảm với Casanova, trước mặt chồng, mẹ và em gái. Tình sử Casanova thêm một trang mới…
Tình nhân và con gái
Sau khi bị Rome khiển trách và từ bỏ, Casanova lên đường đến cảng Ancona, gặp một castrato (nam ca sĩ chịu thiến để có giọng nữ cao) tên Bellino. Ngay từ lần gặp đầu tiên, Casanova đã hồ nghi Bellino không phải là nam giới, bởi khuôn mặt thanh tú của người này. Tuy nhiên, Bellino không nhận mình là đàn ông. Cuối cùng, chính Bellino đã không cưỡng lại sức hấp dẫn của Casanova, chấp nhận du hành cùng ông, và tiết lộ sự thật về bản thân – một cô gái thật sự. Casanova xúc động trước câu chuyện Teresa (tên thật cô gái) trở thành castrato Bellino và ngỏ lời cầu hôn nhưng nàng từ chối. Năm 21 tuổi, Casanova làm nghề nhạc công violin trong một rạp hát ở Venice. Cũng trong thời gian này, ông được một thượng nghị sĩ giàu có nhưng cô độc nhận làm con nuôi. Casanova suốt ngày chỉ biết ăn chơi. Trong 30 năm kế tiếp, Casanova sống như một triệu phú, một phần nhờ những khoản tiền kiếm được khi điều hành một dây chuyền xổ số. Ông du lịch nhiều nơi, từ Anh, Nga, Phổ, Áo cho đến gần hết các nước châu Âu còn lại…

Năm 1755, khi 30 tuổi, Casanova bị bắt vì tàng trữ sách cấm, hầu hết là sách trụy lạc. Một năm sau, ông đào thoát từ một xà lim trong nhà giam Doge’s Palace – “kỳ tích” mà trước đó chưa ai làm được. Vài năm sau, Casanova lại bị bắt vì dính vào một đường dây phá thai bất hợp pháp. Lần này, Casanova nhanh chóng được thả nhờ sự can thiệp của một nữ bá tước già trước kia từng ăn nằm với ông. Năm 1760, 16 năm sau khi ngủ với nhau, Casanova gặp lại người tình xưa Teresa (tức Bellino). Nàng đã lập gia đình và lúc đó là ngôi sao sáng của Nhà hát Opera Florence. Trong lần tái ngộ này, Terasa cũng dắt cậu bé mà nàng nói với chồng là em trai mình đến gặp Casanova. Ðó chính là đứa con trai của nàng và Casanova.
Năm sau, bước chân lãng tử đưa Casanova đến Naples thuở nào. Tại đó, ông phải lòng cô tình nhân tên Leonilda của ông bạn công tước, đến độ năn nỉ ngài công tước “nhượng lại” cho mình. Cuối cùng, ngài công tước đồng ý rút lui và đám cưới giữa Casanova-Leonilda chuẩn bị tiến hành. Khi mẹ Leonilda đến gặp con rể tương lai thì chuyện trở thành bi kịch. Bà chính là Donna Lucrezia, người tình thành Rome năm xưa của Casanova. Leonilda cũng không ai khác hơn là con ruột của ông!
oOo
Sau khi sức hấp dẫn tuổi trẻ cạn kiệt, ông già Casanova sống trong túng bấn. Năm 1774, ông định cư ở Venice, kiếm cơm bằng nghề viết lách. Ông viết một cuốn lịch sử về Ba Lan, dịch quyển Illiad và viết vài tiểu thuyết bán không ai mua. Ðến trước năm 1782, Casanova bị tống lưu đày sau khi viết bài bình luận chỉ trích một viên chức địa phương. Trước khi chết, Casanova viết bức thư trong đó có đoạn: “Hỡi Thượng đế, Ngài minh chứng cho cái chết của con. Con đã sống như một triết gia và chết như một tín đồ Công giáo”. Sau đám tang Casanova, một thập tự nhỏ được dựng trên nấm mộ của ông trong nghĩa trang nhà thờ San Barbara ở Dux. Có chuyện kể rằng ít lâu sau, cây thánh giá đã bị rút bỏ, sau những lời than phiền rằng những cái cạnh sắc của nó đã khiến váy các thiếu nữ đi ngang bị quấn vào. Ðến lúc chết rồi, Casanova vẫn còn muốn làm gã lãng tử đa tình!
MK Theo Marie Claire