Menu Close

Từ Hanoi Hilton đến Omni Hotel

Suốt 5 ngày trong tuần lễ thứ ba của tháng 8/2028, 125 cựu chiến binh Mỹ từng là tù binh của CS Bắc Việt đã tề tựu tại thành phố Frisco, phía Bắc của Dallas, để tham dự cuộc họp mặt kỷ niệm 45 năm chiến dịch Operation Homecoming, đưa họ từ các nhà tù CS trở về quê quán. Nhân cơ hội hy hữu này anh Tanner Đỗ, một người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ trẻ hiện đang sống tại huyện Collin County và cũng là một cựu quân nhân Hoa Kỳ từng phục vụ tại Iraq, đã nảy ra ý kiến tổ chức một bữa ăn trưa để tri ân các vị cựu tù và gia đình của họ. 

tu-hanoi-hilton-den-omni-hotel5
Đại Sảnh Omni Hotel chào mừng quan khách ảnh: IB

Sau gần hai tháng chuẩn bị, với sự ủng hộ tài chánh của quý đồng hương, hội đoàn, giới truyền thông báo chí và các cơ sở kinh doanh trong vùng và các cộng đồng Á châu bạn, buổi tiệc tri ân đã diễn ra tốt đẹp. Số người tham dự lên đến khoảng 800-900 người. Nhiều cựu tù nay đã già yếu, phải ngồi xe lăn có gắn thêm bình dưỡng khí. Nhiều người cựu tù dẫn con cái theo, có những đứa bé chưa tới 10 tuổi, có lẽ là cháu chắt. Nhiều bà vợ quen biết nhau từ lâu, gặp lại nhau vui mừng tíu tít. Tất cả mọi người, già trẻ bé lớn, đều được chào đón và khoản đãi một cách chân tình.

tu-hanoi-hilton-den-omni-hotel2
Tanner Đỗ và Ý My

Nếu tạm tính trung bình mỗi POW ngồi tù khoảng 5 năm thì nội trong căn phòng hôm ấy đã có hơn 600 năm tù CS. Ðó là chưa kể thời gian ngồi tù của những cựu quân nhân VNCH có mặt tại Omni Hotel. Cộng tất cả lại, dễ chừng cả ngàn năm lao tù đã được gom vào một nơi. Nhưng hôm nay họ đến đây để chia sẻ và tri ân. Chia sẻ những câu chuyện tù giờ đây được kể lại với những nụ cười đồng cảm. Chia sẻ nỗi âu lo một thời của các bà mẹ, bà vợ không biết chồng mình còn hay mất, con mình sẽ ra sao… Chia sẻ những ánh mắt bao dung, những lời thăm hỏi chân tình về sức khoẻ của nhau, về gia đình con cái, về bạn bè ai đã ra đi ai ở lại… Sau bữa ăn, một vị cựu tù tên Eddy Estes, người từng bị giam cách John McCain chỉ vài căn, kể tôi nghe chuyện ông bị tra tấn, với giọng nửa nghiêm chỉnh nửa hài hước:

tu-hanoi-hilton-den-omni-hotel4
Tanner Đỗ và TNS John McCain (Sedona, AZ – 2016) nguồn: TD

“Tụi nó bắt tôi nằm úp xuống đất, dùng chân đè lên lưng, trói ngược hai tay xong lấy dây thừng cột hai cùi chỏ tôi lại kéo ngược lên. Ðau không thể tả nổi. Chúng muốn tôi khai kế hoạch dội bom, địa điểm, ngày giờ v.v… Kẹt một nỗi tôi chỉ là người phụ tá chẳng biết gì. Vậy mà hễ tôi thú thật là tôi không biết thì tụi nó càng siết mạnh hơn. Sau vài ngày, chịu hết nổi tôi bèn bịa ra một câu chuyện chi tiết, với đầy đủ các toạ độ và địa danh xung quanh Hà Nội mà tình cờ tôi đã đọc được trên một tấm bản đồ. Nghe xong tụi nó mừng ghê lắm, báo cho cấp trên liền ngay lập tức. Xong tụi nó hỏi tiếp vậy chớ khi nào sẽ dội bom. Ðã lỡ xạo rồi nên tôi xạo luôn: ‘Ngày mai!’ Tụi nó càng phấn khích, gọi nhau í ới biểu phải gấp rút mang súng phòng không đến đặt ở những chỗ này chỗ nọ để chuẩn bị. Nhưng câu trả lời đó của tôi đã là một sự sai lầm lớn. Ngày hôm sau thật quang đãng, trời xanh mây trắng—tức thời tiết tốt để thả bom, nhưng chẳng có máy bay Mỹ nào xuất hiện. Tối hôm đó tôi bị gọi lên khảo cung tiếp. Tôi đinh ninh phen này chỉ có nước chết. Người làm việc với tôi là một sĩ quan lạ hoắc tôi chưa gặp bao giờ nhưng nói tiếng Anh cực kỳ giỏi. Tôi đoán có thể anh ta từng được đi du học ở Mỹ. Anh ta hỏi tại sao không thấy máy bay Mỹ dội bom. Tôi đành thú thật rằng vì bị tra tấn đau quá nên tôi phải bịa chuyện. Nghe xong anh ta không nói gì và bỏ ra ngoài. Sau một hồi tôi được trả về phòng giam, không bị đánh đập gì thêm nữa…”

Kể tới đây thì vợ của ông, Bette Estes, chen vào: “Mình nói thật là không biết gì thì bị nó đánh tơi bời, còn mình nói dóc thì nó lại tin. Cộng sản nghĩ cũng ngộ!” Thấy vậy tôi hỏi tiếp bà, “Lúc chồng bà bị bắt làm tù binh bà có hay biết gì không?”

tu-hanoi-hilton-den-omni-hotel3
Jim Hickerson (trái) và Eddy Estes (phải) từng ở chung một phòng giam ảnh: IB

Bà Bette nói, “Không. Hoàn toàn không. Tôi chỉ nhận được một tờ giấy thông báo anh ấy bị mất tích (MIA), có vậy thôi. Quá sốt ruột, tôi và vài người vợ lính đồng cảnh ngộ cùng bay qua Pháp, tới tận toà đại sứ Bắc Việt ở Paris để dò tìm tin tức. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã liên lạc trước với đại sứ quán để thông báo và lấy cho chúng tôi một cái hẹn. Nhưng khi chúng tôi đến nơi thì họ không tiếp. Chúng tôi đành trở về Mỹ tay không. Hai năm sau tôi mới nhận được một bức thư tay do chồng tôi viết trong tù gởi ra. Lúc đó tôi mới thực sự biết là ổng còn sống. Chứ hai năm đầu tôi thật khổ sở, vừa phải lo cho hai con nhỏ, mới 4 tuổi và 6 tuổi, vừa phải cố gắng giữ niềm tin. Tôi luôn có linh cảm Eddy chưa chết, nhưng đôi khi mình cũng không dám tin vào trực giác của mình.”

“Ðến khi nào bà mới biết chồng bà sẽ được thả về?”

“Khoảng hai tháng trước đó”.

tu-hanoi-hilton-den-omni-hotel
Dù cao tuổi nhưng vẫn dự họp mặt POW

Ông Estes tiếp lời: “Một hôm họ gọi hết tù nhân ra đứng sắp hàng ngoài sân. Ðó là lần đầu tiên tất cả chúng tôi được cho ra ngoài phòng giam cùng một lúc. Tên trại trưởng thông báo hiệp định Paris vừa được ký kết và chúng tôi sẽ được thả theo thứ tự bị bắt. Ai vào trước sẽ được ra trước. Tôi phải chờ ba tuần lễ mới tới phiên mình. Ba tuần lễ đó đối với tôi, thú thật, nó dài vô tận!” Nói tới đây hai ông bà cùng cười.

Ngồi cùng bàn với vợ chồng Estes là cặp vợ chồng Jim và Carole Hickerson. Ông Hickerson nói ông ta bị giam cùng phòng với Eddy gần ba năm. Với giọng nửa đùa nửa thật, ông chỉ vào vợ mình và nói: “Tôi hiểu thằng chả còn hơn tôi hiểu bà này!” Bà Carole gật đầu đồng ý, tủm tỉm cười. Nhìn hai cặp vợ chồng già tươi cười bên nhau, khó có thể tưởng tượng họ từng trải qua bao nhiêu tháng năm u ám, đầy đau khổ và bất an.

tu-hanoi-hilton-den-omni-hotel1
Một màn văn nghệ giúp vui

45 năm sau khi bước chân ra khỏi Hanoi Hilton, những người cựu tù POW tại Omni Hotel hôm ấy đã được nghe trực tiếp những lời cảm tạ và tri ân từ cộng đồng người Việt quốc gia, không chỉ từ những người từng chiến đấu bên cạnh họ mà còn từ thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt, như Ý My của đài VAE Live, LS Anh Thư của Trẻ Magazine, Tanner Ðỗ Hội trưởng Hội Cựu Chiến Binh Người Mỹ Gốc Việt. Thời sinh viên Tanner đã từng làm việc cho Thượng Nghị Sĩ John McCain, một cựu tù POW vừa qua đời tại Arizona. Có lẽ cũng do nhân duyên mà Tanner đã đứng ra tổ chức bữa tiệc tri ân này và đã được các vị cựu tù vô cùng cảm kích. Ðại tá Ken Cordier, một người tù CS 7 năm, đã gởi Tanner Ðỗ một bức thư như sau:

“Cảm ơn anh đã tổ chức một buổi ăn trưa thật tuyệt vời nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày chúng tôi được trả tự do. Sự tiếp đãi ân cần của các bạn không thể nào tốt hơn. Bữa tiệc thật đẹp ấy là một điểm son trong tuần lễ hội ngộ của chúng tôi. Cho tôi gởi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả các hội đoàn và cá nhân đã đóng góp cho chương trình hôm đó. -Ken và Barbie Cordier”

tu-hanoi-hilton-den-omni-hotel6
Cựu tù Bill Arcuri và phóng viên báo Trẻ

IB

Danh sách Mạnh Thường Quân ủng hộ Tiệc Tri Ân

Mr.Jeff Tillotson $2,500

Mr. Thach Phan $1,500

Mr. Vang Nguyen $1,000

Iron Horse Investment $1,000

Hoi    Hai    Quan Trung   Duong $700

Ms. Arthurine H. Kamphaus (Anh Thu) $600

Giao Xu Thanh Phero $500

Dallas Metal Fabricators $500

Mr. Duc Dang (Ben Thanh Plaza) $500

Mr. Alexander Tuan Pham $500

Ms. Amy Witherite $500

Dr. Tam Pham $400

Chi Hoi Gia Dinh Mu Do DFW $300

VAE Live $300

Mr and Mrs. Kim and Kinh Tran $300

North Texas Asian Democrats  $250

The Republic of Vietnam Veterans Association, DFW $200

Judge Stacy Williams $200

Mrs. Jan McDowell $200

Thanh Pham Thieu Sinh Quan $200

Truong Son Entertainment $200

Arlington Injury Clinic $200

Hoang Nguyen $200

Hung Dinh $100

Mr. Thai Tran $100

Han Nguyen $100

H Đ.Nam $100

Mr. Truong Si Luong $100

Mrs. Angie Ho  $100

Mr. Dwight Brigg  $100

Hoi Hai Quan Trung Duong  $100

Hoi Thuy Quan Luc Chien  $100

Mr. Hau Q Pham  $100

Tổng cộng tiền đã nhận:  $13,750