Menu Close

Đám tang của tôi

Khi Thượng Nghị Sĩ John McCain phát hiện mình bị ung thư não và không còn lâu để sống, ông bắt đầu hoạch định chương trình cho đám tang của chính mình. Mỗi thứ Sáu ông có một buổi họp với một số nhân viên thân cận tại văn phòng trong Thượng Viện. Nơi đây họ đã bàn thảo mọi chi tiết liên quan đến tang lễ, từ phần âm nhạc cho tới ai sẽ được chọn làm đạo tỳ khiêng quan tài.

dam-tang-cua-toi6
Quan tài TNS McCain được đặt trong sảnh đường Quốc Hội cho mọi người thăm viếng.

Theo lời kể của nhân viên, John McCain muốn dùng cái chết của mình để gởi một thông điệp đến nhân dân Hoa Kỳ. Nội dung của thông điệp ấy là mong muốn nuôi dưỡng sự dung hoà giữa các đảng phái chính trị và bảo vệ tới cùng các giá trị truyền thống của nền dân chủ cộng hoà lâu đời nhất trên trái đất. Khi còn là Thượng Nghị Sĩ, dù thuộc đảng Cộng Hoà nhưng John McCain nổi tiếng là một người luôn sẵn sàng đối thoại và làm việc với thành viên của đảng đối lập để thúc đẩy những đạo luật mà theo ông có lợi cho nước Mỹ và dân Mỹ nói chung. Việc ông và TNS John Kerry của đảng Dân Chủ đã hợp tác để tái lập bang giao với Việt Nam trong thập niên 1990 chỉ là một trong nhiều thí dụ.

dam-tang-cua-toi5
Bà quả phụ Cindy McCain đặt vòng hoa cho chồng tại đài tưởng niệm Chiến Tranh Việt Nam, với 7 người con của John McCain đứng nhìn từ xa.

Ðến khi gần chết John McCain vẫn hành xử y như vậy. Ông đã trực tiếp gặp cựu phó Tổng Thống Joe Biden (Dân Chủ) để nhờ ông này đọc điếu văn cho mình tại tang lễ đầu tiên ở Phoenix, Arizona. Còn trong tang lễ chính thức ở National Cathedral thì ông mời hai cựu Tổng thống George W. Bush (Cộng Hoà) và Barack Obama (Dân Chủ) đọc điếu văn, tuy cả hai từng là đối thủ chính trị khi McCain ra tranh cử Tổng thống năm 2000 và 2008.

dam-tang-cua-toi4
Cựu Phó Tổng Thống Joe Biden đọc điếu văn trong buổi lễ tại Phoenix, Arizona

Trong bài điếu văn cho McCain, ông Bush nhấn mạnh: “John cực kỳ ghét sự lạm dụng quyền lực. Anh không chấp nhận những kẻ kỳ thị chủng tộc hay những tên độc tài phách lối.” Ông Obama thì nói: “John hiểu rất rõ, như JFK hiểu, như Ronald Reagan hiểu, rằng điều làm cho đất nước này vĩ đại nằm ở chỗ ai cũng có thể trở thành công dân, bất kể họ thuộc dòng máu nào, mặt mũi họ ra sao, họ tên là gì, ông bà cha mẹ họ từ đâu đến hay họ đã định cư nơi đây từ bao giờ. Họ chia sẻ một niềm tin rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng và có những quyền căn bản.”

Cô Meghan McCain, trong bài điếu văn cho cha mình, đã làm nhiều người xúc động với những câu chuyện về một người Bố rất mực lo lắng và quan tâm đến con cái mặc dù tất bật chuyện đại sự. John McCain có cả thảy 7 người con, trong đó 3 người là con nuôi. Gia đình McCain đã có mặt đầy đủ, kể cả Mẹ ông năm nay đã 106 tuổi. Như để nhấn mạnh thông điệp Cha mình muốn truyền gởi đến nhân dân Hoa Kỳ trong thời điểm chính trị không mấy thân thiện hiện nay, Meghan McCain nói:

dam-tang-cua-toi3
Meghan McCain với bài điếu văn nảy lửa tiễn đưa Cha mình tại National Cathedral

“Chúng ta hiện diện nơi đây để tiếc thương cho sự vĩ đại của nước Mỹ-vĩ đại thật sự chứ không phải thứ xảo ngôn rẻ tiền của những người không bao giờ hiểu nổi sự hy sinh là gì, những kẻ chỉ biết lo ăn chơi phè phỡn trong lúc Cha tôi đang phục vụ cho đất nước và nếm trải bao nhục hình đau đớn.

…Nước Mỹ của John McCain không cần được làm cho nó ‘vĩ đại trở lại’, vì từ nào giờ nó vẫn vĩ đại!”

dam-tang-cua-toi1
Ba cựu Tổng Thống và phu nhân: Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton

Một tràng pháo tay vang dội đã cất lên trong thánh đường khi Meghan McCain nói lên câu đó. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong một đám tang tôn nghiêm cấp quốc gia việc này đã xảy ra. Bản thân ông McCain khi phác hoạ chương trình có lẽ cũng không nghĩ khách mời sẽ phản ứng đến độ đó. Nhưng một điều chắc chắn là những người ông mời làm đạo tỳ đều là những nhân vật được ông chọn lựa kỹ lưỡng. Ngoài chuyện họ là bạn bè thân quyến, họ còn mang theo những thông điệp ngầm mà McCain muốn gửi gắm. Chẳng hạn như: diễn viên Warren Beatty, một người bạn trong giới Hollywood nổi tiếng là phóng khoáng; chính trị gia Vladimir Kara-Murza của Nga, thuộc đảng đối lập với Vladimir Putin và từng bị ám sát hụt hai lần bởi thuốc độc; tướng Jim Mattis, Bộ trưởng Quốc Phòng của chính quyền Trump. Ðặc biệt trong số khách mời ở Washington không có mặt vị Tổng thống đương nhiệm. Và ngược lại Toà Bạch Ốc cũng chỉ để cờ rũ hai ngày để đánh dấu sự kiện McCain qua đời, thay vì một tuần lễ như khắp nơi khác trên nước Mỹ.

dam-tang-cua-toi
Bà Khúc Minh Thơ và đại diện người Việt – photo luonguong

Gác chuyện chính trị qua một bên, phải công nhận John McCain đã dàn dựng cho mình một tang lễ vô cùng độc đáo, không khác gì con người của ông khi còn sống. Ngoài ra ông còn tự tay chọn những bài nhạc cho buổi lễ của mình, trong đó có hai bài đặc biệt nổi trội. “Battle Hymn of the Republic”, do ca đoàn của Học Viện Hải Quân trình diễn, là một bài nhạc thời Nội Chiến với thông điệp đoàn kết. Và bài dân ca “Danny Boy”, do ca sĩ Opera Fleming trình bày vô cùng xúc động. Ngày hôm sau, thi hài của John McCain đã được chôn cất tại nghĩa trang Học Viện Hải Quân, nơi ông bắt đầu cuộc đời binh nghiệp của mình, kết thúc một kiếp nhân sinh xứng đáng cho người đời sau ngưỡng mộ.

dam-tang-cua-toi2
Quan tài John McCain được đưa về Học Viện Hải Quân tại Annapolis

PA