Có một thời ở Miền Nam những người trẻ học thức lớp lớp lên đường ra vùng chiến trận. Trong số đó có những nhà văn, nhà thơ. Như Y Uyên, Vũ Hữu Định, Lâm Chương, Thảo Trường, Trần Hoài Thư, Lê Văn Nhàn, Luân Hoán, Phan Xuân Sinh, Nguyễn Bắc Sơn, Doãn Dân, Phạm Văn Bình, Nguyễn Kim Phượng… Lê Văn Thiện cũng nằm trong số những người này. Họ phần lớn viết trong những điều kiện khốn kiệt, thường khi đối diện với cái chết. Tác phẩm của họ đã đóng góp rất nhiều cho nền văn học Miền Nam. Bài viết sau đây của Trần Hoài Thư để tưởng niệm Lê Văn Thiện, đồng thời nói lên hiện thực sáng tác của những nhà văn khoác áo trận của một thời đã qua. NGUYỄN & BẠN HỮU
Trần Hoài Thư
Tin buồn đến dồn dập. Chỉ trong tháng 7 có hai người bạn văn chương của tôi qua đời. Phạm Văn Bình ngày 22-7, và Lê Văn Thiện ngày 30-7. Bạn thơ trong nước vừa cho hay là nhà văn Lê Văn Thiện đã mất tại quê nhà thôn Tân Dân, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, sau một cơn đau tim.
Cách đây 8 năm, chúng tôi có gom hai tập truyện của Lê Văn Thiện xuất bản trước năm 1975 để in thành một cuốn, dưới nhan đề “Truyện ngắn Lê Văn Thiện trước 1975″. Ðó là tập truyện Một Cách Buồn Phiền (Văn, 1969) và Sao Không Như Ngày Xưa (Côi Sơn, 1971).
Trong phần mở của “Truyện ngắn Lê Văn Thiện trước 1975” chúng tôi viết:
“Trước 1975, tên tuổi Lê Văn Thiện được biết nhiều như là nhà văn trẻ, qua những sáng tác đăng trên các tạp chí quen thuộc bấy giờ. Là một người viết trẻ mang áo lính, ông đã sáng tác trong hoàn cảnh và điều kiện như thế này:
…Nhiều ngày tôi không tắm giặt. Tới bữa thì ăn, không biết đói. Ðánh nhau, không lạ. Tôi đã thấy tận mắt hàng trăm cái chết, kiểu chết của hai bên, của dân thường. Nhưng đây, trên vùng rừng cháy nám đặc sệt mùi khói bom này, cảnh tượng dữ dội kinh dị vẫn làm tôi choáng. Xong việc, trực thăng bốc chúng tôi ra Kontum, chờ xe đưa về Cheo Reo… Sắp Tết, nhưng thị xã đìu hiu này chẳng có tí chút dấu hiệu xuân nào. Chợ đổ nát từ đầu năm Mậu Thân vẫn đứng đó, còn nguyên đổ nát, tường xám đen, cột chằng chịt dấu đạn, mái tôn cong vênh. Người đi đường vật vờ. Xe nhà binh chạy trong bụi. Tiêu điều như các thị trấn hoang dã trong những phim cao bồi Mỹ… Vào tiệm sách nhỏ gần chợ, tôi mua một tập thơ Phạm Thiên Thư, một cuốn sách dịch Krishnamurti. Lạ, sau những gì đã thấy trên núi, mình vẫn ăn uống, nói cười, đi dạo phố, đọc sách triết! …(trích Một Thời, tháng 2-2010)

Trong hoàn cảnh và điều kiện nghiệt ngã như vậy mà Lê Văn Thiện vẫn viết, tác phẩm Thiện vẫn tiếp tục được ra đời. Bên cạnh Thiện còn có một lực lượng hùng hậu những cây bút trẻ khác. Họ sống xa Sài Gòn, phần lớn gối đất nằm sương, đêm ngày đối diện thường trực với sinh tử. Sáng tác của họ vẫn theo những phong thư đóng dấu khu bưu chính bay về Sài Gòn, để góp phần cho một nền văn học thời chiến hùng vĩ. Bằng chứng là báo Văn cứ vài tháng ra một chủ đề những cây bút trẻ, báo Bách Khoa, Khởi Hành, Ý Thức, Trình Bày, Vấn Ðề, Thời Tập cũng tràn ngập những sáng tác bài vở của những cây bút trẻ. Ðó là chưa kể các tạp chí văn học ở địa phương.
Một nền văn học đồ sộ là vậy, nhưng giờ đây chỉ còn lại một bãi nghĩa trang im lặng. Muốn tìm lại một tác phẩm của thời chiến quả thật khó khăn. Ngay cả tác giả cũng không còn giữ thì biết tìm ở đâu bây giờ? (trích từ Truyện Ngắn Lê Văn Thiện trước 1975, Thư Ấn Quán xb 2010)
Lê Văn Thiện đến với văn chương đầu tiên bằng bút hiệu Văn Lệ Thiên, qua truyện ngắn “Ngoại Lệ” đăng trên Văn số 47 năm 1965. Với bút hiệu này, Văn đăng thêm 3 truyện ngắn của anh nữa. Ðó là Chiếc phao (Văn số 104), Âm Thầm (Văn số 98), Xó chợ (Văn số 53), và Bách Khoa một truyện: Một lần chiến bại (Bách Khoa số 282).
Sau đó, anh đổi bút hiệu từ Văn Lệ Thiên sang Lê Văn Thiện. Và truyện ngắn của anh tràn ngập trên Văn, Bách Khoa, Trình Bày…
Ðến năm 1969, cơ sở Văn xuất bản một tập truyện của Lê Văn Thiện. Ðó là “Một cách buồn phiền”. Trong phần giới thiệu, nhà văn Trần Phong Giao xem việc xuất bản tập truyện này như “một khám phá của cơ-sở VĂN”. Tập truyện ra đời, nói là khám phá, nhưng còn bao hàm một cái gì khác mà chỉ có Trần Phong Giao mới có, đối với những người viết trẻ chiến đấu ngoài vòng đai Sài Gòn. May ra người ta xét khả năng cho LVT trở về phục vụ ở một đơn vị không chiến đấu chăng.
Lê Văn Thiện đã sống và lấy chất liệu từ cuộc sống của anh để viết. Anh không ồn ào, không đeo bảng “nhà văn”, “nhà thơ”, “nhà báo”…. Anh chìm khuất trong hàng ngũ. Bao nhiêu cực khổ, gian nan của đời lính anh nhận như mọi người, và anh thay mặt họ để nói lên những tâm tư của những người lính thấp hèn. Anh không bao giờ đánh bóng họ qua những chiến công, chiến thắng, mà qua sự chịu đựng vô bờ của người lính mà anh là một.
Lê Văn Thiện, vĩnh biệt anh.
THT
*Nguồn: Thư Quán Bản Thảo