Trong mục Bông Hoa Cuộc Sống, chúng tôi đã nhiều lần gởi đến bạn đọc những mẩu chuyện về bà và cháu. Bà chính là hương thơm thời thơ ấu và sẽ mãi mãi còn thơm cho dù sau này cháu lớn lên và bước ra ngoài đời. Các cháu, nhất là cháu gái, sẽ luôn luôn nhớ tới bà. Tôi cũng muốn gởi chuyện này đến các cháu Sherry, Angelina, Sophia của tôi để tưởng nhớ bà đã ra đi sau làn mây trắng. NS
Con cháu gái sáu tuổi cứ nhìn tôi như thể cháu mới trông thấy tôi lần đầu. “Bà ơi, bà là một món đồ cổ.” Nó nói. “Bà thì già. Những món đồ cổ cũng tuổi bà. Bà là món đồ cổ của cháu.”
Tôi không thấy mãn ý khi câu chuyện ngưng ở đó. Tôi lấy cuốn từ điển Webster ra và đọc những dòng định nghĩa đồ cổ cho Jenny nghe. Và giải thích: “Ðồ cổ không chỉ già mà thôi, đó là một thứ đã tồn tại từ xưa hoặc thuộc về một thời gian xa xưa… một tác phẩm nghệ thuật… một bộ bàn ghế. Ðồ cổ thường được trân quý, giữ gìn.” Tôi đem cất cuốn từ điển, đoạn nói với Jenny. “Ðồ cổ luôn được lưu giữ cẩn thận vì chúng đôi khi rất giá trị.”
Theo luật định, một vật muốn được đánh giá là đồ cổ phải có ít ra là một trăm tuổi.
“Bà mới có sáu mươi bảy tuổi thôi.” Tôi nhắc để Jenny nhớ.

Chúng tôi nhìn quanh nhà để tìm vài món đồ cổ. Có một cái bàn giấy được trao lại từ bà dì này đến bà dì khác cuối cùng đến gia đình tôi. “Nó rất là cổ,” Tôi nói với Jenny. “Bà lau chùi đánh bóng nó và đem khoe mỗi khi có dịp. Chúng ta đối xử như thế với những món đồ cổ.” Khi Jenny đủ lớn và hiểu những điều như vậy, tôi cũng nói cho cháu biết tôi có những cảm xúc như thế nào mỗi khi tôi nhìn vào cái bàn hay sờ lên nó. Những lúc ấy tôi nhớ đến bà dì rất thương tôi và đã cho tôi cái bàn ấy như một món quà tặng. Tôi lại thấy hiện ra khuôn mặt thân yêu của bà mặc dù bà không còn nữa. Tôi còn như nghe thấy giọng nói của bà và nhớ lại nụ cười của bà nữa. Tôi thấy mình bé lại đứng tựa vào cái bàn cổ xưa này nghe bà kể chuyện. Cái bàn giấy đối với tôi thân thiết như thế.
Có một bức tranh mua ở garage sale đề năm tháng là 1867. “Bây giờ nó đã trở thành món đồ cổ,” tôi khoe với cháu. “Trên một trăm năm rồi còn gì nữa.” Tất nhiên bức tranh có những chỗ trầy xước, không còn như nguyên bản. “Ðôi khi tuổi tác để lại dấu vết như thế.” Tôi nói với Jenny. “Nhưng những dấu tích ấy cho thấy sự sống của bức tranh và những chuyển dịch trong thời gian. Ðó là niềm hãnh diện. Một món đồ đôi khi trông càng cổ càng có giá trị. Tôi tin điều này cũng là vì nghĩ thương thân mình.
Câu chuyện về bốn món đồ cổ trong nhà tiếp tục. Có một cái bình gốm trên sàn nhà. Nó ở đó đã lâu năm rồi. Tôi không biết chắc nó từ đâu tới. Ngoài ra còn có chiếc giường bốn cột, của ông chú gởi tới cho tôi cách nay bốn chục năm và ông đã nằm trên nó cũng đã bốn chục năm.
Một điều tôi nói với cháu Jenny liên quan tới những món đồ cổ, đó là nó có chứa một câu chuyện. Những món đồ ấy ở trong nhà này rồi sang nhà khác, di chuyển khắp nơi. Năm tháng theo đó chồng chất lên. Người ta có thể liệng bỏ, hay quên đi hay đập bỏ. Nhưng những món đồ cổ ấy đã từng có một lịch sử qua nhiều năm.
Cháu Jenny nghĩ ngợi một lúc. “Con chẳng có một món đồ cổ nào hết ngoài bà.” Rồi cả khuôn mặt cháu rạng rỡ hẳn lên. “Con có thể đưa bà tới trường để trưng bày cho mọi người biết không?”
“Ðược chứ khi nào bà có thể nằm gọn trong cái túi đeo lưng của cháu,” tôi trả lời.
Rồi món đồ cổ bồng bé Jenny lên hôn trong vòng tay thật chặt, tưởng chừng kéo dài qua nhiều năm.
NS theo Harriet May Savitz