Menu Close

Những nước nào hạnh phúc nhất thế giới

nhung-nuoc-nao-hanh-phuc-nhat-the-gioi
Preikestolen hay Prekestolen, tiếng Anh dịch là Preacher’s Pulpit hay Pulpit Rock, là một điểm du lịch nổi tiếng ở Rogaland, Na Uy. Trèo lên Preikestolen là một trong những môn thể thao đi bộ việt dã phổ biến ở Na Uy. Nguồn: Bài “Interesting facts about Preikestolen”, hình dconvertini/Flickr

Phần 1

Tại sao các nước Bắc Âu thường nằm trong top những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?

“Báo cáo hạnh phúc Thế giới” (World Happiness Report) những năm gần đây cho thấy các nước Bắc Âu thường đứng ở những vị trí hàng đầu trong các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Chẳng hạn, lấy mốc vài năm trở lại đây, đây là các quốc gia lọt trong top 5 hạnh phúc nhất thế giới:

Năm 2013: Ðan Mạch, Na Uy, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Thụy Ðiển

Năm 2015: Thụy Sĩ, Iceland, Ðan Mạch, Na Uy, Canada

Năm 2016: Ðan Mạch, Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy, Phần Lan.

Năm 2017: Na Uy, Ðan Mạch, Iceland, Thụy Sĩ, Phần Lan.

Năm 2018: Phần Lan, Na Uy, Ðan Mạch, Iceland và Thụy Sĩ.

Nguyên nhân nào khiến cho các nước Bắc Âu thường đạt được điều này?

Bài viết này tập trung nói về Na Uy nơi người viết đã sống một thời gian dài và là một công dân, nhưng vì các quốc gia Bắc Âu (Thụy Ðiển, Ðan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Iceland) khá giống nhau từ mô hình thể chế chính trị-xã hội cho tới văn hóa, những tiêu chuẩn, giá trị về cuộc sống, nên những nhận định này có lẽ cũng đúng với các nước Bắc Âu nói chung.

Na Uy cũng như các nước Bắc Âu khác đi theo mô hình nhà nước phúc lợi xã hội dân chủ (social democratic welfare state), nhấn mạnh sự bình đẳng, người dân được hưởng các phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục và các chính sách an sinh xã hội khác.

Trẻ em khi mới sinh ra được nhà nước hỗ trợ tiền nuôi cho đến năm 18 tuổi. Giáo dục ở bậc tiểu học, trung học miễn phí. Học đại học cũng hầu như miễn phí và có thể mượn tiền nhà nước cho các khoản chi tiêu ăn ở, sau ra đi làm trả. Ốm đau vào bệnh viện miễn phí. Về già có tiền già hoặc lương hưu. Tàn tật hay khuyết tật bẩm sinh thì nhà nước nuôi cả đời…Nhưng thật ra những chính sách an sinh xã hội này nhiều quốc gia khác ở châu Âu cho đến Úc, Canada…đều có, chả riêng gì mấy nước Bắc Âu. Thế thì tại sao các nước Bắc Âu lại thường là những quốc gia hạnh phúc nhất?

nhung-nuoc-nao-hanh-phuc-nhat-the-gioi2
Thư giãn mùa hè, Oslo. Photo: Di Nguyen

Tự do, dân chủ, nam nữ bình đẳng-không có rào cản nào đối với phụ nữ, sự minh bạch của nhà nước, tỷ lệ tham nhũng thấp? Các nước tự do dân chủ văn minh đều như vậy, chỉ có nước này nhỉnh hơn nước khác ở mặt này mặt khác. Vậy thì tại sao?

Sự bình đẳng, không có cách biệt lớn giữa người giàu người nghèo, giữa người có học vấn cao và người ít học là một lý do. (Mặt tiêu cực: việc nhấn mạnh yếu tố bình đẳng hay cào bằng, sẽ không tạo động lực cạnh tranh, thậm chí tạo ra sức ỳ trong xã hội)

Còn gì nữa? Ðời sống không bị căng thẳng, làm việc vừa phải, một tuần trung bình làm việc 5 ngày, mỗi ngày 7 tiếng rưỡi, một năm có 5 tuần nghỉ ăn lương, chả mấy khi thấy người Na Uy hay dân Bắc Âu làm hai job cùng lúc, cho dù có thể kiếm thêm nhiều tiền.

Mặt tiêu cực: nếu như người Nhật khi làm bất cứ việc gì cũng tự đặt ra yêu cầu rất cao cho bản thân, đòi hỏi sự hoàn hảo và luôn đặt 150% sức lực vào công việc, thì người Na Uy nhìn chung chỉ bỏ khoảng 70% sức lực vào công việc mà thôi-họ rất thư giãn (relax). Nhưng chính vì thế mà họ hạnh phúc hơn người Nhật chẳng hạn, thế giới kính trọng người Nhật nhưng có mấy ai nói người Nhật hạnh phúc đâu, toàn thấy người Nhật làm việc rất căng, tận tụy với công việc, thường xuyên ngủ gật trên xe bus, metro…và nếu có sai sót cái gì thì tự dằn vặt bản thân rất nhiều. Dân Hàn Quốc hay Hongkong cũng có tỷ lệ giờ làm việc trong tuần rất cao (Hàn Quốc khoảng 2,069 giờ/năm, tức khoảng 52 tới 68 giờ/tuần; Hong Kong 50.1 giờ/tuần) và những quốc gia này thường nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ tự tử cao. Người Nhật thậm chí còn có cả một từ dùng để gọi những cái chết do những căn bệnh có liên quan đến stress (đau tim, đột quỵ) hay do tự tử vì sức ép trong công việc, đó là Karoshi (theo bài báo “Which country works the longest hour?”, tác giả Fernando Duarte, BBC)

Người Mỹ cũng không hạnh phúc, tại sao, sức ép của công việc, của việc phải chạy theo những cái bill hàng tháng, phải thành đạt, bởi vì trong xã hội Mỹ, không gì khủng khiếp hơn nếu bị xem là một kẻ thất bại-a loser.

Còn trong xã hội Na Uy và Bắc Âu nói chung, có thể gọi là dễ sống, giàu nghèo, học nhiều học ít, xấu đẹp gì cũng sống được, không có gì phải mặc cảm. Có lẽ một xã hội như vậy là hạnh phúc chăng?

Câu trả lời nằm trong phong cách sống, triết lý sống của dân Na Uy nói riêng và dân Bắc Âu nói chung:

Sống chậm

Như vừa nêu trên, cuộc sống ở Na Uy không căng thẳng như nhiều quốc gia phát triển khác. Kể cả ở thủ đô Oslo, nơi có nhịp sống tương đối nhanh hơn nhiều thành phố khác của Na Uy. Có thể cảm nhận được điều này rất rõ khi vừa đi du lịch ở các thành phố có nhịp sống nhanh khác và khi quay trở lại, vừa bước xuống phi trường ở Oslo. Ngay tại những thủ đô của những quốc gia không phải thuộc loại top trên của thế giới như Bangkok của Thái Lan, hay chỉ đang phát triển như Sài Gòn của Việt Nam, nhịp sống cũng nhanh hơn nhiều.

Và tất nhiên, chẳng bao giờ nhìn thấy ở Oslo những hình ảnh người đi hối hả như chạy trên đường, hối hả phóng ào lên hoặc phóng vọt ra khỏi metro như ở New York hay Tokyo chẳng hạn.

nhung-nuoc-nao-hanh-phuc-nhat-the-gioi1
Xem nghệ sĩ đường phố biểu diễn, Oslo. Photo: Di Nguyen

Sống giản dị

Giản dị từ cách ăn mặc-dù giàu dù nghèo, dù đi làm hàng ngày hay trong những bữa tiệc tùng. Dường như chỉ trừ ngày Quốc khánh 17.5 hàng năm là dịp người Na Uy ăn mặc cầu kỳ nhất, với những bộ trang phục truyền thống có màu sắc nổi bật, có những họa tiết rực rỡ được thêu bằng tay, và những phụ kiện đi kèm như giày, mũ, tất, thắt lưng, ví, đồ trang sức…Còn ngày thường, hiếm khi nhìn thấy người Na Uy chi quá nhiều tiền cho trang phục, thậm chí, nếu bảo người Na Uy ăn mặc không theo thời trang lắm có lẽ cũng đúng, khi so sánh với người dân ở những vương quốc thời trang như Pháp, Ý, Anh, Mỹ…

Giản dị từ tác phong, cách ứng xử trong mọi mối quan hệ. Ngay cả vua chúa hoàng tử của họ cũng giản dị, bình dân, so với các nhân vật trong hoàng gia Anh chẳng hạn.

Hồi mới qua Na Uy được hơn một năm và sống ở thành phố Kristiansand, con gái tôi kể, có lần vị thái tử của Na Uy, Ngài Haakon Magnus, con trai của Ðức Vua đang trị vì Harald V đến ngôi trường nơi con tôi đang học, Kristiansand katedralskole Gimle. Cũng là ngôi trường mà trước kia vợ Ngài, công nương Mette-Marit, vốn sinh trưởng tại thành phố Kristiansand, đã theo học. Thái tử đến nói chuyện với học sinh của trường. Ông xuất hiện với nụ cười cởi mở, tay vẫy vẫy chào “Hei hei” và suốt cả buổi, là một tác phong rất gần gũi, bình dân.

Học sinh Na Uy thì không có vẻ gì ngạc nhiên nhưng những học sinh đến từ những quốc gia khác, như một cô gái người Philippines trong lớp con gái tôi cứ xuýt xoa mãi về sự giản dị không có khoảng cách này giữa vị vua tương lai của Na Uy với các học sinh. Hay khi thỉnh thoảng mở TV có những cuộc phỏng vấn, các chương trình hoạt động của các nhân vật trong hoàng gia Na Uy, thấy họ rất bình thường, không có vẻ gì là vua chúa cả.

Giản dị cả trong cách sống, trong quan điểm về cuộc sống. Tôi không biết người thật giàu thuộc loại đại gia, tỷ phú ở Na Uy thì họ sống thế nào, nhà cửa trang hoàng ra sao, vì những người tôi gặp chỉ thuộc tầng lớp trung lưu hoặc trên trung lưu một chút. Nhưng trong số những người tôi đã biết, hoặc theo quan sát trên đường phố, người Na Uy có vẻ không thuộc loại tiêu xài phung phí cho hình thức bên ngoài, từ nhà cửa, xe cộ, ăn mặc…Về mặt này thì chắc người Na Uy thua xa một bộ phận người giàu ở VN trong khi đất nước họ được xếp vào một trong những quốc gia thịnh vượng nhất, với khối lượng dự trữ vốn trên đầu người cao nhất thế giới.

Triết lý sống giản dị, không xa hoa lãng phí đó được thể hiện từ chính phủ, quan chức cho tới người dân.

Một ví dụ nhỏ về sự tiết kiệm của chính phủ Na Uy: tôi sống ở Oslo đã 6 mùa Giáng Sinh, năm nào cũng thấy đường phố được trang hoàng đơn sơ y như cũ, cứ cái cây thông y hệt trong nhà ga trung tâm của Oslo (Oslo S), cứ những cái chuông màu trắng đem ra sử dụng lại trên các đường phố chính, chả bù cho Paris, London, Vienna…và bao nhiêu thành phố lớn khác trên thế giới mỗi năm một thay đổi, lộng lẫy bắt mắt.

Có phải họ không có tiền không? Không. Hay họ keo kiệt? Cũng không hẳn. Na Uy là một trong những nước rất rộng tay chi cho những hoạt động nhân đạo, chia sẻ trách nhiệm cứu trợ với thế giới. Chỉ là cái cách nghĩ của họ thế. Cái gì không đáng thì không chi.

Họ yêu thích một cuộc sống đơn giản-simple life. Cái nhìn của họ về một cuộc sống hạnh phúc có vẻ khá giống nhau. Có một công việc ổn định, có một ngôi nhà, cái xe, một nhà nghỉ trên núi mùa đông hoặc nhà mát trên biển mùa hè, thêm một cái tàu nữa càng tốt, là đủ đối với đa số. Làm việc vừa phải, dành thời gian cho gia đình và đi du lịch-người Na Uy nói chung đi du lịch nhiều, mùa đông đi trốn lạnh cũng có mà mùa hè đi chơi cũng có.

Biết đủ, biết hài lòng, không hay than vãn

Hầu hết những người Na Uy mà tôi quen biết hay gặp gỡ tiếp xúc đều tỏ ra hài lòng với đất nước, chính phủ và cuộc sống của họ. Họ không hay than vãn, chỉ trích và cũng không thích những ai có những suy nghĩ tiêu cực.

Hạnh phúc với người Na Uy, đôi khi chỉ là một buổi trưa, buổi chiều mùa hè được ngồi sưởi nắng ngoài trời, hay phơi mình trên bãi biển sau một mùa đông dài băng giá, là một buổi đi dạo trong rừng hòa mình giữa thiên nhiên, là một ngày cùng nghỉ ngơi dành thời gian cho gia đình, không cần gì phải cầu kỳ tốn kém…

Tóm lại, người Na Uy không đòi hỏi quá nhiều, hay nói cách khác, họ biết cách bằng lòng. Biết bằng lòng đã là một yếu tố cần thiết để cảm thấy hạnh phúc.

(kỳ tới Phần 2)