Kỳ 2
– Người Mỹ đang ngâm mình trong hố nước, các anh cũng phải làm như vậy! Tôi muốn các anh phải ra vị trí ngay bây giờ!
Trước thái độ hống hách xấc xược của ông bạn Ðồng Minh, tôi không thể dằn nổi cơn thịnh nộ. Tôi đưa ngón tay trỏ chỉ ngay mặt anh ta rồi hét lớn:
– Câm mồm! Tôi là người chỉ huy phòng thủ căn cứ hỏa lực này. Còn anh chỉ là người được tôi bảo vệ! Tuyệt đối anh không có quyền hành gì đối với đơn vị tôi cả! Anh muốn báo cáo việc này với ai thì báo! Tôi không bận tâm! Cút khỏi đây ngay!
Sau đó, không thèm nhìn anh ta, tôi quay gót vào lều.
Không biết làm gì hơn, ông sĩ quan an ninh Mỹ đành hậm hực dẫn lính bỏ đi.
Có lẽ do yêu cầu của bên pháo đội Mỹ, nên hai trực thăng vũ trang đã bay vòng vòng, rọi đèn pha quanh căn cứ từ nửa đêm cho tới sáng.
Rồi cũng qua một đêm ồn ào, mất ngủ vì tiếng động cơ máy bay.
Trưa hôm sau Tướng Ân và một đại tá Hoa-Kỳ xuống kiểm tra tình hình tổn thất của pháo binh, đồng thời nghe tường trình chi tiết vụ việc lủng củng giữa tôi và ông đại úy sĩ quan an ninh của pháo đội. Một phái đoàn báo chí Việt Mỹ cũng chiếm một trực thăng tháp tùng ông Tư Lệnh.
Trong căn lều vải, chỉ có hai chiếc ghế dành cho Tư Lệnh và Ðại tá Cố Vấn Sư đoàn. Những người khác kể cả Trung tá liên đoàn trưởng Biệt Ðộng Quân và sĩ quan pháo đội trưởng Mỹ đều phải đứng chen vai nhau. Các phóng viên bấm máy ảnh “tí tách!” liên tục.
Ông pháo đội trưởng tổng kết tình hình cho biết, bốn khẩu đại bác 105 ly bị hư hại cần thay thế, hai binh sĩ bị voi giẫm gãy xương đã được tản thương trong đêm.
Sau đó, viên đại úy an ninh Mỹ lên bục trình bày.
Anh ta khiếu nại rằng, sau khi đàn voi đi qua, Biệt Ðộng Quân Việt-Nam đã không chịu duy trì tình trạng báo động cho tới sáng, pháo đội Mỹ đã không được bộ binh bảo vệ nếu địch theo chân voi, ào lên tấn công…
Rồi tới phiên tôi,
– Thưa Chuẩn tướng, xin Chuẩn tướng cho lệnh, tôi sẽ trình bày sự việc bằng tiếng Anh hay tiếng Việt?
– Trung úy xuất thân từ quân trường nào?
– Thưa Chuẩn tướng tôi tốt nghiệp Khóa 20 Võ Bị.
– Nếu Trung úy không nói được tiếng Anh thì Trung úy nhờ ông Trung sĩ thông dịch viên của sư đoàn giúp đỡ cho.
Tôi nóng mặt,
– Như vậy thì tôi sẽ trình bày sự việc bằng tiếng Anh. Nhờ Trung sĩ thông dịch viên dịch lại bằng tiếng Việt cho các phóng viên báo Việt.
Cái sơ đồ phòng thủ không tỷ lệ được hai Biệt Ðộng Quân cầm giữ để tôi thuyết trình. Tôi sơ lược sự kiện xảy ra đêm qua. Tôi lý giải quyết định không duy trì báo động của tôi vì đàn voi di chuyển đêm qua là voi rừng, không phải voi nhà. Tôi tin chắc địch không đủ khả năng bắt ép một đàn voi rừng làm theo lệnh được. Với tôi, việc bắt binh sĩ ngâm mình trong hố cá nhân đầy nước dưới thời tiết lạnh giá, trong thời gian năm sáu tiếng đồng hồ là một hành động ngu ngốc. Tôi là một cấp chỉ huy không ngu ngốc, nên tôi không nghe theo yêu cầu ngu ngốc của bất cứ ai.
Nghe tôi nhấn mạnh tiếng “stupid” (ngu ngốc) tới hai lần, ông Ðại tá Mỹ hơi cau mặt, liếc nhìn anh sĩ quan an ninh Hoa Kỳ. Anh ta cúi mặt, gí gí hai mũi giày trên đất.
Buổi họp chấm dứt, Tướng Ân đứng lên, vỗ vai tôi, ôn tồn,
– Khá lắm! Anh khen chú! Khá lắm!
Ông Ðại tá Mỹ cũng vồn vã,
–You’re excellent! (Anh thật là xuất sắc!)
Ông siết tay tôi thật chặt trước lúc từ giã.

o O o
Hai ngày sau cuộc hành quân chấm dứt.
Hôm đó lại có chuyện bất thường xảy ra!
Ðại bác đã được năm chiếc Chinook bốc đi hết.
Chiếc trực thăng chuyển quân cuối cùng cũng vừa cất cánh sau khi hốt toán đề lô pháo binh của tôi.
Bây giờ trên bãi chỉ còn lại sáu người gồm có tôi, Binh nhứt Trần Ty mang máy PRC 25, cùng hai hộ tống viên là Binh nhứt Phạm Công Cường, và Hạ sĩ Nguyễn Phượng Hoàng. Phía Mỹ có một Ðại úy da đen, nhưng trên bảng tên thì họ của ông ta lại là White (Trắng) cùng một anh binh nhì da trắng mang máy truyền tin cho ông. Hai người Mỹ này là toán liên lạc điều không của ngày hôm đó.
Tôi lấy làm lạ về cách làm việc cứng ngắc của người Mỹ. Người Mỹ đánh giặc bằng sách vở, việc ai nấy làm, nhiều lúc thấy mắc cười.
Hai chiếc tàu cứu cấp và chỉ huy cứ khơi khơi trên trời, cùng hai gunships, bay vào, bay ra, theo đuôi đoàn trực thăng chở quân. Nếu họ sử dụng một trong hai chiếc tàu trống đó mà bốc chúng tôi thì đâu cần điều động hai gunships và một slick quay trở lại đây lần nữa?
Bỗng đâu, sương mù dâng lên cuồn cuộn.
Sương đêm như từ dưới đất phun lên, từ gốc cây tuôn ra, từ tàn lá trên cao tỏa xuống, quánh lại như mây, và trắng như sữa. Phút chốc cả vùng đồng cỏ ngập chìm trong biển sương dày đặc. Ông đại úy da đen đứng cách tôi chưa tới sải tay mà tôi cũng không nhìn rõ mặt ông ta.
Nguy rồi! Cứ cái đà này thì tối nay chúng tôi phải ngủ lại đây mất thôi!
Vài phút sau, chúng tôi được yêu cầu sẵn sàng trên bãi để hai gunships và một slick bay vào đón.
Rõ ràng là chiếc H.U.1D đang bay ngay trên đầu, nhưng tôi không trông thấy đèn pha của tàu. Anh phi công nói, dưới bụng anh ta chỉ là mây trắng, anh ta không dám sà xuống tìm chúng tôi, vì sợ cánh quạt chặt phải tàn cây thì chết!
Trực thăng tiếp tục vòng vòng bao vùng cả giờ, nhưng vô vọng.
Trời tối dần, trực thăng hết xăng, phải về Blao tiếp nhiên liệu.
Rồi trời tối hẳn.
Sau khi liên lạc với ban chỉ huy không vận, Ðại úy White báo cho tôi biết rằng, ngày mai, nếu thời tiết tốt, chúng tôi mới được bốc ra khỏi đây.Ông ta đề nghị tôi nghỉ qua đêm ngay trên bãi đáp. Tôi không đồng ý với White về việc này. Kinh nghiệm cho tôi biết, mỗi khi quân ta rời vị trí một căn cứ hỏa lực, thì không lâu sau đó, du kích địa phương sẽ tới dò la, nhặt nhạnh những vật dụng chúng ta vô tình bỏ lại. Nếu đêm nay ở lại chỗ này, chúng tôi có thể sẽ chạm mặt với du kích, phần bất lợi chắc chắn nghiêng về phía ta.
Thế là hai bên giằng co, người đòi ở lại, kẻ đòi di chuyển. Cuối cùng, khi nghe tôi dọa sẽ kéo nhau đi, bỏ thây kệ thầy trò anh ta ở lại, anh ta mới đành hậm hực vác ba lô lên vai.
Tôi ra lệnh cho chú Cường gài lại hai trái M26 ở hai đầu đường dẫn tới nơi đống lửa cao nghệu mà chúng tôi vừa đốt. Sau đó chúng tôi nối đuôi nhau tụt thẳng xuống dốc núi bên lề Bắc của Tỉnh lộ 8 B.
Chúng tôi vuợt qua con suối nhỏ dưới dốc, rồi leo lên lưng chừng vách đá, ngừng lại nhóm lửa, ngả lưng. Cây cối rậm rạp, sương mù dày đặc, rừng tối thui, cho dù ai đó có đứng cách chúng tôi năm ba mét chưa chắc đã nhìn thấy bếp lửa của chúng tôi. Chỉ cần một người ngồi canh và tiếp củi cho đống lửa cháy đều, năm người còn lại yên chí ngủ.
Chừng một giờ sau, bên hướng căn cứ hỏa lực có tiếng lựu đạn nổ “Ùm!”
Ðại Úy White ghé tai tôi hỏi nhỏ,
– Cái gì thế?
Tôi trả lời bừa,
– Không biết, có thể là du kích, có thể là một con nai…
Anh đại úy Mỹ móc túi lấy ra gói thuốc lá,
– Ông hút một điếu đi! Lạnh quá!
Tôi ngăn tay anh ta lại,
– Ðừng làm điều này! Nguy hiểm lắm! Tai và mắt của du kích không biết chúng ta đang ở đâu. Nhưng mũi của chúng có thể tìm được chúng ta đó! Bây giờ đang gió Bắc. Người nào đứng bên Tỉnh lộ 8B chắc chắn sẽ ngửi được khói thuốc của chúng ta ngay. Gắng đợi tới sáng mai, lên tàu rồi, thì tha hồ mà hút.
White gật đầu tỏ ý hiểu chuyện. Vừa lúc đó bên kia bờ nổ thêm một tiếng “Ùm!” thứ hai, theo sau là một tràng AK bắn bâng quơ.
White giựt tay tôi, lắc mấy cái thật mạnh, rồi bất ngờ dang hai tay ôm tôi vào ngực anh, siết tôi một cái thật chặt, rồi buông ra,
– My commander! You’re a great commander! (Người chỉ huy của tôi! Ông là một cấp chỉ huy tuyệt vời!”
Ðêm ấy anh chàng da đen này còn ôm máy nói chuyện với thượng cấp của anh ta khá lâu. Trước khi thiếp đi, tôi còn loáng thoáng nghe anh ta nhắc đi, nhắc lại vài lần tiếng “Vietnamese Ranger…” gì đó.
Hừng đông, sương mù tan nhanh dưới nắng.
Chưa tới mười giờ sáng, một slick với hai gunships hộ tống đã có mặt trên vùng. Không lâu sau, chúng tôi đạp chân trên Sân Vận Ðộng Di-Linh.
Tại đây, Thiếu úy Duyên và Tướng Ân đang đứng chờ.
Tướng Ân bắt tay tôi và Ðại úy White,
–Mission completed! You’re the best! (Nhiệm vụ hoàn tất! Các anh giỏi lắm!)
Khi White và người mang máy truyền tin của anh ta đã quay lại trực thăng để trở về đơn vị của họ, Tướng Ân mới vỗ vai tôi, ôn tồn,
– Anh rất hài lòng! Tuần tới anh sẽ giao cho chú một nhiệm vụ.
Tôi đứng nghiêm,
– Vâng, bất cứ nhiệm vụ gì Chuẩn tướng giao phó, tôi sẽ cố gắng hoàn thành.

Thiếu úy Duyên cũng xen vào:
– Tối qua, khi nghe nói trực thăng không vào đón anh nữa, tôi bực quá, gọi máy lên sư đoàn cự nự lung tung. Ai đời, dư máy bay lại dùng để hộ tống, trong khi người thì bỏ lại. Nếu ảnh (Duyên giơ tay chỉ vào ngực ông Tướng) mà không vào máy “stop” tôi lại, tôi còn làm tùm lum. Muốn phạt thì cứ phạt, cóc có ngán!
Quay qua Tướng Ân, Duyên nói,
– Anh thấy chưa? Họ dùng một slick trống, bay theo đoàn tầu chuyển quân để làm gì? Trong khi đại đội trưởng của em bị bỏ lại giữa rừng. Làm ăn gì mà bê bối quá vậy?
Tướng Ân xua tay,
– Thôi chuyện qua rồi! Anh sẽ bàn lại với họ về sự việc này để rút kinh nghiệm.
Thiếu úy Duyên là một Cựu Thiếu Sinh Quân, Chuẩn tướng Ân cũng là một Cựu Thiếu Sinh Quân lớp đàn anh của Duyên. Họ là anh em, nên cách cư xử, xưng hô, có khác so với người ngoài.
Tướng Ân nắm tay tôi tản bộ quanh sân vận động. Vừa đi, ông vừa nói,
– Trong quân đội, hôm nay anh là chuẩn tướng, chú là trung úy, cấp bậc tuy có cách biệt nhau đấy, nhưng biết đâu? Có một ngày nào đó chú đuổi kịp anh, không chừng chú còn qua mặt anh nữa! Duy chỉ có cấp bậc “Niên Trưởng” là suốt đời, chú đuổi anh không kịp. Có một điều anh muốn nhắc nhở chú là, phải sống sao cho không hổ danh Võ-Bị. Ðối với anh em cùng trường, phải thương yêu, nâng đỡ, che chở, đùm bọc lẫn nhau. Phải sống thế nào cho anh ra anh, em ra em. Từ nay, anh cho phép chú, nếu gặp anh, không phải là giữa hàng quân, chú cứ gọi anh là niên trưởng.
– Vâng! Tôi tuân lệnh của niên trưởng!
Trong thời gian tăng phái cho Task Force South, tôi còn nhiều dịp giáp mặt Anh Ðào. Tôi không biết vì lý do riêng tư nào mà vị niên trưởng này lại đặc biệt lưu ý tới tôi. Mỗi khi đơn vị tôi về đóng quân tại Cam-Ly hay Liên-Khương, ông đều tạt xuống thăm tôi vài phút.
Ông thường nhắc nhở tôi rằng:
“Sự tồn vong của một đơn vị bộ binh không nằm ở trang bị tối tân, hỏa lực hùng hậu, mà nằm ở sự gắn bó giữa thượng cấp và thuộc cấp. Cấp chỉ huy phải lưu ý chăm sóc tới cuộc sống của từng người lính. Vì họ là lớp người được hưởng ít quyền lợi nhất. Nhưng nhiệm vụ của họ lại nặng nề nhất. Mạng sống của họ thật là mong manh. Hãy thương yêu thuộc cấp như thương yêu em út trong gia đình. Có như thế, thuộc cấp mới hết lòng với mình. Khi hữu sự, họ sẽ không bỏ mình.”
Tôi rất cảm kích trước những lời chỉ dạy chân tình và quý báu của người đàn anh đáng kính này.
Vài ngày sau, tôi nhận một công điện trao tay, từ Văn Phòng Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 gởi theo trực thăng xuống Di-Linh. Tư Lệnh chỉ thị cho tôi phải giám sát một đại úy thuộc Sư Ðoàn 23 được gửi tới, theo chân Ðại Ðội 1 Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân hành quân trong thời gian một tháng. Ông đại úy sẽ tháp tùng tôi để quan sát, học hỏi kỹ thuật chỉ huy tác chiến của tôi trong suốt thời gian quy định.
Chiều hôm đó trực thăng Hoa-Kỳ thả ông đại úy xuống chỗ đóng quân của tôi. Ông đại úy đi một mình, không tùy tùng. Ông đội nón đi rừng, mặc áo “Sô Dù” và trang bị một Colt 45. Trong ba lô của ông có mười ca gạo, và một cái võng, chẳng có poncho, chăn mền, nồi niêu, xoong chảo, chén bát, muỗng nĩa gì cả.
Tôi không hỏi ông đại úy lý do tại sao ông ta bị đưa tới đây, nhưng ông ta tự ý tâm sự với tôi rằng, ông ta đang bị phạt.
Ðúng lý ra, tôi không bận tâm về việc ăn uống của ông đại úy, nhưng thấy hoàn cảnh của một sĩ quan gặp lúc khó khăn, tôi ra lệnh cho Chuẩn úy Ðinh Quang Biện, trung đội trưởng Trung Ðội 3 cấp cho ông ta một người lính lo việc cơm nước. Binh nhì Triệu Cheng, anh lính nấu cơm của ông Biện được giao nhiệm vụ này.
Trong thời gian một tháng, chúng tôi liên tục nhảy diều hâu vào vùng Ða-Dung, La-Ngà, Ma – Nôi… không có vụ đụng độ nào đáng kể.
Rồi ông đại úy đáo hạn thọ phạt, từ giã, ra đi. Triệu Cheng cũng bị trả lại Trung Ðội 3, tiếp tục nấu cơm cho Chuẩn úy Biện. Chuyện tưởng chừng như đã quên.
Cho tới một chiều nắng phai…
Bốn sĩ quan Ðại Ðội 1/11 ngồi trên xe Jeep lượn quanh hồ Bảo-Lộc.
Một bóng hồng giơ tay chận xe tôi. Người đẹp nhoẻn miệng cười tươi, hàm răng tuyệt đẹp,
– Xin lỗi Trung úy, em muốn hỏi thăm Thiếu úy Chân ở Ðại Ðội 1 Tiểu đoàn 11.
Bốn chàng sĩ quan nhìn nhau,
– Cô có lầm không? Tất cả bốn đứa sĩ quan Ðại Ðội 1 đều ngồi trên xe này. Không có đứa nào tên là Chân cả.
còn tiếp 2 kỳ