FERNANDO SORRENTINO ra đời vào 1942 ở Buenos Aires, Argentina. Ông là cây bút đương đại, nổi tiếng của văn chương tiếng Tây Ban Nha. Tác phẩm của ông đã được dịch sang nhiều thứ tiếng.
Năm hai mươi ba tuổi, tôi đang học để trở thành giáo viên dạy ngôn ngữ và văn học Tây Ban Nha. Một sáng sớm đầu Xuân tôi học trong phòng trên tầng 5 của cái chung cư duy nhất trên dãy phố.
Hơi lười biếng, thỉnh thoảng tôi dõi mắt qua cửa sổ. Tôi thấy con đường và khu vườn được chăm sóc kỹ lưỡng của ông cụ Cesáreo nằm bên kia đường. Nhà của ông cụ tọa lạc ở góc đường tạo nên một hình ngũ giác không đều cạnh.
Kề bên nhà của ông cụ là một ngôi nhà đẹp của gia đình Bernasconis, một gia đình tuyệt vời luôn làm điều tốt lành. Họ có ba cô con gái, và tôi phải lòng Adriana, cô chị cả. Ðó là lý do mà tôi hay nhìn qua bên kia đường – nhiều phần do một thói quen ủy mị hơn là do tôi mong được thấy nàng vào lúc ban sớm như vầy.
Như thường khi, cụ Cesáreo đang tỉa tót, tưới nước khoảnh vườn xinh xắn, nó được ngăn cách với con đường bằng một hàng rào sắt thấp và bậc tam cấp bằng đá.
Con đường vắng hoe, khiến tôi chú mục vào một bóng người hiện ra ở dãy phố kế bên, gã đang đi về con phố chúng tôi, men theo cùng bên với hai ngôi nhà của Cesáreo và Bernasconis. Vì sao tôi không chú ý đến gã cho được chứ? Gã là một tên ăn mày hay một tên bụi đời, một gã ăn vận rách rưới vá chằng vá đụp.
Râu ria xồm xoàm và gầy khẳng khiu, gã đội một cái mũ rơm vàng hoe tơi tả, và mặc kệ hơi nóng hầm hập, gã vẫn quấn một áo choàng xám dài lết bết. Gã ôm một cái bị to đùng, bẩn thỉu, tôi đoán là nó đựng xu hào và các thứ thức ăn mà gã xin được.

Tôi nhìn gã không rời mắt. Gã ăn mày dừng trước nhà cụ Cesáreo và hỏi cụ điều gì đó qua cái hàng rào. Cụ Cesáreo là người vừa nóng tính vừa lẩm cẩm. Không thèm trả lời, cụ xua tay đuổi gã đi. Nhưng gã cứ nằn nì, bằng cái giọng nhỏ quá tôi không nghe được. Rồi tôi thoáng nghe cụ Cesáreo la to, “Cút ngay đi, đừng quấy rầy tao nữa.”
Tuy nhiên, gã ăn mày cứ tiếp tục nằn nì, thậm chí còn bước lên bậc tam cấp và đẩy cái cửa sắt hé ra một khoảng. Ðến lúc này thì không còn kiên nhẫn nữa, cụ Cesáreo vung tay đẩy mạnh gã. Trượt chân, gã chụp hụt cái hàng rào rồi ngã sõng soài. Trong một thoáng, hai chân gã đá lên trời, và tôi nghe một tiếng vang khô giòn của đầu gã nện vào bậc thềm ướt.
Cụ Cesáreo vội chạy ra, cúi xuống sờ ngực gã ăn mày. Rồi, trong cơn hốt hoảng, cụ nắm hai chân gã lôi xuống lề đường. Sau đó cụ vào nhà và đóng cửa lại, tin rằng không ai chứng kiến cái tội ác tình cờ này.
Chỉ mình tôi thấy hết. Lát sau một người đi đường dừng lại bên cái xác. Thêm nhiều người tụ lại, rồi cảnh sát đến. Họ bỏ gã ăn mày lên xe cứu thương chở đi.
Xong chuyện; không ai nhắc nhở gì về sự việc đó nữa.
Phần mình, tôi không hé môi với ai. Có lẽ tôi sai, nhưng tại sao tôi phải chỉ điểm cái ông cụ chưa từng làm điều gì phật lòng mình chứ? Vả lại, ông cụ không cố ý giết gã ăn mày, và tôi thấy dường như không nên để cái án mạng này làm tan nát những năm tháng cuối đời của ông cụ. Tốt hơn hết là để mặc ông cụ một mình đối diện với lương tâm, tôi nghĩ vậy.
Dần dà tôi quên cái hồi kịch ấy đi, nhưng mỗi khi thấy cụ Cesáreo thì lại thấy lạ rằng cụ không biết tôi là kẻ duy nhất trên trần gian biết cái bí mật ghê gớm của mình. Từ dạo ấy, vì lý do nào đó mà tôi tránh mặt và chẳng bao giờ dám chào hỏi cụ nữa.
Năm hai mươi sáu tuổi, tôi trở thành giáo viên ngôn ngữ và văn học Tây Ban Nha. Adriana Bernasconi đã lấy chồng, nàng không lấy tôi mà lấy một kẻ hẳn không yêu và xứng với nàng như tôi.
Thời gian đó, Adriana có thai và sắp đến ngày sanh. Nàng vẫn ở ngôi nhà cũ, và ngày càng yêu kiều. Trong một sáng mùa hè trĩu buồn, tôi đang dạy một lớp đặc biệt môn văn phạm cho đám trẻ trung học sắp thi, và, như thường khi, thỉnh thoảng tôi lại dõi ánh mắt âu sầu dọc theo con đường.
Ðột nhiên tim tôi đập loạn, tôi đang nhìn thấy điều quái lạ.
Từ đúng y cái hướng mà bốn năm trước gã ăn mày bị ông cụ Cesáreo giết đã đi tới – gã lại hiện ra áo xống rách rưới, cái áo choàng xám, cái mũ rơm tả tơi, cái bị bẩn thỉu.
Bỏ mặc bọn học trò, tôi chạy vội tới cửa sổ. Gã ăn mày bước chậm lại, như thể gã đã đến cái điểm cần đến.
Gã đã sống lại, tôi nghĩ vậy, và gã sẽ trả thù cụ Cesáreo.
Nhưng gã ăn mày đi quá cổng nhà ông cụ và đi tiếp. Ngừng lại trước cửa nhà của Adriana Bernasconi, gã vặn nắm cửa rồi bước vào.
“Thầy sẽ quay lại liền nhé.” Tôi bảo bọn học trò, gần như phát rồ vì lo sợ, tôi xuống thang máy, phóng qua đường, và lao vào nhà của Adriana.
“Chào anh,” mẹ nàng nói, bà đứng bên cửa như thể sắp đi ra. “Thật là bất ngờ thấy anh qua chơi!”
Bà luôn thân thiện với tôi. Bà ôm hôn tôi, và tôi hoàn toàn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Rồi tôi hiểu ra rằng Adriana vừa làm mẹ và mọi người đang quây quần náo nức chung vui. Tôi có thể làm gì khác hơn là bắt tay chúc mừng tay tình địch đang say men chiến thắng cơ chứ?
Tôi không biết phải kể đầu đuôi câu chuyện với hắn ta như thế nào đây, và tôi băn khoăn không chừng mình đừng nói gì thì tốt hơn chăng. Rồi tôi đành nhân nhượng. Tôi dè dặt lựa lời, “Chuyện là thế này, tôi vào nhà đột ngột mà không bấm chuông là vì tôi thấy một gã bụi đời vác một cái bị to và bẩn thỉu đi vào nhà này, và tôi lo là gã sẽ giở trò chôm chỉa.”
Mọi người há hốc nhìn tôi. Bụi đời nào? Cái bị gì? Chôm chỉa à? Họ đang trong phòng khách suốt buổi đây mà và chẳng hiểu tôi nói mô tê gì cả.
“Chắc là tôi đã nhầm.” Tôi nói.
Rồi họ mời tôi vào phòng của Adriana và em bé mới sanh. Tôi chẳng hề biết phải nói gì trong những dịp như thế này, tôi chúc mừng nàng, hôn nàng, khen em bé xinh đẹp, và hỏi họ sẽ đặt tên bé là gì. Gustavo, họ bảo vậy, đặt theo tên của bố nó; hẳn là tôi muốn cái tên Fernando của tôi hơn nhưng đành im lặng.
Trở về nhà, tôi nghĩ, đúng là gã ăn mày mà cụ Cesáreo đã giết, tôi tin chắc mình không nhầm. Không phải gã trở lại để báo thù nhưng để đầu thai làm con trai của Adriana.
Tuy nhiên, hai hay ba ngày sau, tôi thấy cái giả thuyết này kỳ cục quá, và tôi cố quên nó đi. Và lẽ ra sẽ quên nó mãi mãi nếu vào mười năm sau không có câu chuyện xảy ra sau đây, và mang nó trở lại.
Ngày càng lớn tuổi, tôi cảm thấy mình càng khó kiểm soát được mọi chuyện. Ngồi bên cửa sổ, tôi cố tập trung vào cuốn sách đang đọc, trong lúc mắt thì lơ đãng nhìn mông lung đây đó.
Gustavo, con của Adriana, đang chơi đùa trên hàng hiên bên nhà họ. Cái trò mà nó đang chơi là hơi trẻ con so với tuổi của nó, và tôi cho rằng thằng bé đã thừa hưởng cái trí thông minh kém cỏi của bố nó, và nó mà là con của tôi thì chắc hẳn nó sẽ tìm được một trò ít đần hơn để giải buồn.
Ở một khoảng cách chừng ba, bốn mét, thằng bé đặt một dãy những cái lon rỗng trên đầu tường hàng hiên và ném ngã lon bằng những hòn đá cuội. Tất nhiên, phần lớn những hòn đá rớt xuống khoảng vườn của cụ Cesáreo kế nhà. Tôi có thể hình dung ông cụ, lúc đó chưa có mặt ở đó, sẽ nổi điên khi thấy các khóm hoa của mình bị tan tác.
Ngay lúc đó, Cụ Cesáreo đi vào vườn. Cụ đã quá già, thận trọng dò dẫm từng bước, đặt chân này trước rồi tới chân kia. Từ từ, rụt rè, cụ bước tới cái cổng vườn và chuẩn bị bước xuống bậc tam cấp dẫn ra vỉa hè.
Cùng lúc đó, Gustavo – không thấy ông cụ – sau cùng cũng ném trúng một cái lon, nó tưng lên hai ba lần, rồi rơi vào trong vườn kêu cái keng. Cụ Cesáreo đã bước xuống được nửa chừng bậc tam cấp, giật bắn người, khựng lại đột ngột, trượt ngã chổng vó lên trời, đầu nện vào bậc đá dưới cùng.
Tôi thấy hết mọi chuyện, nhưng thằng bé thì không thấy ông cụ mà ông cụ cũng không thấy thằng bé. Chẳng do đâu, ngay lúc đó Gustavo bỏ đi khỏi hàng hiên. Vài giây sau, một đám đông tụ lại quanh thi thể của ông cụ; rõ ràng cú ngã tình cờ là nguyên nhân của cái chết.
Ngày hôm sau tôi thức dậy sớm và ngay lập tức đến đứng bên cửa sổ. Trong ngôi nhà ngũ giác, cuộc thức canh thi hài cụ Cesáreo đến hồi náo nhiệt nhất. Trên vỉa hè trước mặt nhà, một nhóm người đứng hút thuốc và trò chuyện.
Một lát sau, vừa gớm vừa sợ, họ dạt qua một bên tránh đường cho một gã ăn mày đi ra từ nhà của Adriana Bernasconi, cũng lại áo quần rách rưới, áo choàng lệt bệt, mũ rơm, và tay ôm cái bị. Gã len qua đám người bên đường, từ từ biến mất ngoài xa đúng với cái cách mà gã đã đến trong hai lần trước.
Trưa đó, lòng buồn nhưng không chút ngạc nhiên, tôi nghe rằng sáng đó người ta phát hiện cái giường của Gustavo trống không. Cả nhà Bernasconi đổ xô tìm kiếm mà không có kết quả, họ tiếp tục cuộc tìm kiếm với niềm hy vọng dai dẳng cho tới tận ngày nay. Tôi không đủ can đảm để bảo họ thôi đi, đừng phí công vô ích.
FS
Thận Nhiên dịch lại từ bản dịch tiếng Anh, THE VISITATION, của Norman Thomas diGiovani và Susan Ashe (trước đó họ đã dịch từ nguyên tác tiếng Tây Ban Nha) trong Sudden Fiction (Continued), W.W Norton & Company.