Menu Close

Đêm Sài Gòn bây giờ tiếng ca… và máu

Những ngày qua, tin trên lưới rộ lên:

Đêm 15/8/2018 cả Sài Gòn náo loạn vì một buổi ca nhạc. Đó là buổi biểu diễn mini của ca sĩ Nguyễn Tín và những người bạn mang tên Sài Gòn Kỷ Niệm tại quán cafe Casanova ngay trung tâm thành phố.

Facebook Nguyễn Lân Thắng cũng ghi nhận như vậy. Và cũng nhân vụ ca sĩ Nguyễn Tín và nhà báo Phạm Ðoan Trang – thêm một người nữa là kỹ sư Nguyễn Ðại – bị công an và côn đồ hành hung, nhà thơ Vũ Thành Sơn gửi báo chí một bài thơ để góp một tiếng nói.

chúng ta chứng kiến bọn chúng dàn hàng ngang chặn xe anh

chúng ta chứng kiến bọn chúng lôi anh ra khỏi xe

chúng ta chứng kiến bọn chúng vây lấy anh

đánh, đá, đập, đạp anh

chúng ta chứng kiến anh đổ gục

chúng ta chứng kiến máu chảy trên gương mặt anh và thấm vào cát

chúng ta chứng kiến bọn chúng hả hê bỏ đi

chúng ta chứng kiến trong sự im lặng

và bây giờ

chúng ta chứng kiến sự im lặng của mình chảy máu

dem-sai-gon
Ca sĩ Nguyễn Tín đang hát

Về ca sĩ Nguyễn Tín, nhà báo Nguyễn Lân Thắng ghi nhận: Nguyễn Tín, tuổi chưa tới 30, yêu nhạc và đàn ca, gốc ở Cần Thơ vì tham gia hoạt động xã hội, đi biểu tình chống Formosa nên bị lực lượng an ninh khủng bố phải bỏ lên Sài Gòn tìm đường sống. Tín làm đủ thứ, từ bán hàng online đến ca hát ở các phòng trà mini. Anh hát nhạc vàng và nhạc tranh đấu, vừa kiếm sống vừa tìm cách giứp đỡ những người đấu tranh như Mẹ Nấm, Trần Thị Nga…

Mến mộ tinh thần và những công việc Tín đã làm, một nhóm bạn hữu ở Sài Gòn, trong đó có kỹ sư Nguyễn Ðại và nhà báo Phạm Ðoan Trang đã quyết định tổ chức một đêm ca nhạc cho Tín. Ðêm ca nhạc này chỉ mời hạn chế rất ít những người bấy lâu nay vẫn âm thầm tham gia hay gián tiếp ủng hộ phong trào đấu tranh. Ðang giữa chừng, buổi diễn bị cắt ngang do một lũ đầu gấu tràn vào: khách mời bị hạch sách xét hỏi giấy tờ, Nguyễn Tín, Ðoan Trang và Nguyễn Ðại bị đánh đập tơi bời… tất cả sự việc đều được các hãng truyền thông như BBC, RFA… đưa tin.

Sau khi đánh đập, cướp bóc, đám công an và côn đồ đưa cả ba người đi, dồn lên những chiếc taxi, chở tới những địa điểm cách xa thành phố tới vài chục km rồi thả xuống giữa đường đêm quạnh vắng. Theo HRW thì khi khán giả bắt đầu ra về, vài người trong số những ‘khách không mời’ này túm lấy nhà hoạt động Phạm Ðoan Trang, có mặt trong tư cách một khán giả, lôi bà lên một chiếc xe đậu bên ngoài quán café Casanova. Sau khi lấy lời khai, công an đưa Phạm Ðoan Trang rời đồn trên một chiếc taxi, thả bà xuống một “đoạn đường tối”. Khi công an vừa rời đi, sáu người đàn ông đi trên ba chiếc xe máy xông tới tấn công Phạm Ðoan Trang, nhóm người này dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu bà.

Blogger Ðoan Trang thuật lại trên trang Facebook của mình: “có 6 ‘đồng chí’ to cao đi ba xe máy lao đến, bỏ xe xông vào đánh hội đồng. Khi tôi ngồi dậy được để giữ tay vào vết thương trên đầu cho bớt chảy máu, thì thấy chiếc mũ vỡ một mảng to bị vứt lại trên đường, quanh đó chi chít mảnh vụn.”

Những tiếng hát đã cất lên. Ở một phòng trà của Sài Gòn bây giờ. Khiến ta nhớ tới những tiếng hát đã cất lên năm xưa nào. Ở Tuyệt Tình Cốc. Ở Quán Bạn. Ở những sân trường đại học. Ở Quán Văn trong sân trường Văn Khoa. Ở Quán T2 của sinh viên Ðà Lạt. Ở những ưu ngôn cốc. Và nhiều nơi khác… Những ngày ấy người ta hát nhạc phản chiến, chống chiến tranh, chống chính quyền Sài Gòn. Có ai bị đánh đổ máu không? Dường như là không. Những khuôn mặt phản chiến và chống chính phủ VNCH thời ấy như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Ðắc Xuân, Hoàng Văn Giàu, Trịnh Công Sơn, Miên Ðức Thắng, Tôn Thất Lập, Lê Nhược Thủy, Lê Văn Ngăn, Trần Ðình Sơn Cước, Chu Sơn … không ai bị đánh đập phải mang thương tích…rồi mang bỏ giữa rừng. Chỉ trừ trường hợp Ngô Kha cho đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn. Không như bây giờ -máu chảy, con người bị lôi đi như con vật, mẹ bị tách rời khỏi con thơ. Chính phủ VNCH thời ấy không chủ trương dùng bạo lực sắt máu và bọn côn đồ xã hội đen để dập tắt những câu ca tiếng hát, bài thơ phản đối chiến tranh. Cho nên nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, thơ Lê Văn Ngăn… vẫn được hát, vẫn được đọc lên đây đó ở những tuyệt tình cốc, ưu ngôn cốc.

Nhà văn Nguyễn Ước, trong bài ‘Họ đã sống và được đối xử ra sao?’ đã viết về những tụ điểm này.

“Tại sân sau của trụ sở Tổng Hội Sinh Viên (THSV) Huế, thường có những đêm vài ba chục anh em sinh viên (gần như đủ mặt thành phần đấu tranh, các đảng phái quốc gia, theo Chúa theo Phật, văn nghệ văn gừng…) ngồi xây vòng tròn nghe độc tấu tây ban cầm, ca hát hay thổi sáo cho tới khuya rồi tan hàng, về nhà. Việc ai nấy làm, hình như cũng chẳng ai xích mích ai hoặc rình mò tố giác ai. Trong những buối tối “hoà hợp hoà giải” kiểu Huế đó, tôi không để ý có ai là “cảnh sinh” không, và hình như chẳng có thám tử “thiên nga phượng hoàng” nào như các “bài ký hồi hộp” ở trong nước sau này thích vẽ vời.

“Tại trụ sở THSV Huế, “các gương mặt nổi bật” tha hồ quay ronéo báo và truyền đơn tài liệu, tổ chức hội thảo, kỷ niệm lễ này lễ nọ, dưới danh nghĩa đủ thứ tổ chức đòi quyền sống, quyền tự quyết, tranh thủ hoà bình… cũng chẳng người quen nào đi báo cáo và chẳng ai vào bắt. Có thiếu nhân sự thì ra nhờ anh em đang uống cà phê vào tiếp cho một tay.”

Và Nguyễn Ước cho biết: Ðám thanh niên SVHS tranh đấu ấy (cả Huế lẫn Sài Gòn) chỉ khoảng hai ba chục người, cộng thêm vài giáo chức, trí thức và phụ nữ, kéo nhau đi tổ chức hội thảo, biểu tình, ra tuyên ngôn tuyên cáo và chia nhau đứng tên trong danh sách ban chấp hành của các lực lượng, phong trào, mặt trận, uỷ ban… đấu tranh cho quyền sống, quyền tự quyết và tranh thủ hoà bình. Họ lợi dụng tình trạng rã rời, phân hóa sau biến cố Mậu Thân, tìm đủ mọi cách để đưa người vào hai Ban Ðại diện THSV Sài Gòn và Huế. Sau khi nắm được các tổ chức đó, thỉnh thoảng họ dùng danh nghĩa đại diện SVHS đi công tác từ Sài Gòn ra Huế bằng máy bay. Và họ sống và sinh hoạt được như thế là nhờ pháp luật của VNCH.

Theo Nguyễn Ước sở dĩ họ được an toàn và mạnh tay hoạt động trước hết là nhờ quy chế tự trị đại học không cho phép cảnh sát xâm phạm khuôn viên viện đại học và các phân khoa, trụ sở THSV, các cư xá sinh viên, các câu lạc bộ sinh viên – đây là nơi an toàn cho anh chị em tranh đấu chống chính quyền. Nguyễn Ước viết: Tôi nhớ các anh Võ Quê, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, v.v. ăn ở thường trực tại trụ sở THSV Huế. Ngay trong trụ sở, treo lồ lộ bức tranh cổ động thật lớn của Bửu Chỉ về vụ Mỹ Lai với một câu viết bằng sơn đỏ lòm: Máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu! Có những đêm, anh em cầm bom xăng (coctail molotov) chạy tới khu vực gần Khách sạn Thuận Hóa, nơi đóng trụ sở của Phái bộ Quân sự Hoa Kỳ (Military Assistance Command-Vietnam — MACV), nhắm hướng có xe jeep của Mỹ liệng đại, rồi chạy về trụ sở, đi ngủ. Cảnh sát có thấy cũng biết loại người nào ném, và chỉ rượt tới sát khuôn viên của trụ sở THSV. (Tôi từng kể chuyện này cho Vũ Thư Hiên và Bùi Tín nghe; cả hai vị ấy lắc đầu không dám tin!)

Một số những người chủ xướng các hoạt động phản chiến chống chính quyền, bài Mỹ là công chức, giáo chức chánh ngạch được cấp Bộ ở Sài Gòn bổ dụng bằng một nghị định, do đó các cấp địa phương (tỉnh trưởng, hiệu trưởng) không có quyền sa thải mà phải do trung ương quyết định. Cho nên những Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Tiêu Dao Bảo Cự, Tôn Thất Lập, Ðông Trình, Lý Chánh Trung… vẫn tiếp tục đứng lớp, không bị cho về vườn. Trừ sau Mậu Thân và sau này họ nhảy núi theo hẳn bên kia. Tất nhiên cũng có người bị bắt đưa ra Phú Quốc. Nói chung Chính quyền VNCH không dùng bạo lực hoặc xã hội đen đàn áp, đánh đập những người phản chiến. Nguyễn Ước trong bài viết trên Talawas cũng nhắc đến một trường hợp đặc biệt, hy hữu không bao giờ có dưới thời đại Cộng Sản: Ðó là trường hợp của Lê Nhược Thủy tốt nghiệp ban Việt Hán Ðại học Sư phạm Huế năm 1972 và đã có nghị định bổ dụng thì bị bắt vì hoạt động cho “phía bên kia”. Trong thời gian bị giam ở Nhà lao Thừa phủ Huế, anh được cho “đi phép” 48 tiếng đồng hồ để làm lễ thành hôn với chị Ph.H. tại Trung tâm Sinh viên Phanxicô Xaviê. Lúc ấy tôi là Chủ tịch Sinh viên Công giáo nên được hân hạnh đứng chủ hôn đám cưới có tên là Từ Ân đó. Sau khi anh Lê Nhược Thuỷ vào tù lại, chị Ph.H. lên Pleiku, tới nhiệm sở chỉ định của chồng, xin cho chồng được hoãn trình diện vì đang bận ở tù. Chị được Hiệu trưởng mời ở lại dạy Triết. Còn anh Lê Nhược Thuỷ, sau khi ra tù, lên nhận nhiệm sở, an toàn dạy Văn cho tới năm 1975. Hiện nay LNThủy làm cho báo Thanh niên ở Sài Gòn.

Bây giờ thì hẳn mọi người đã thấy rõ ở đâu có tự do, ở đâu quyền sống của con người được bảo vệ. Ở đâu tiếng hát, lời ca, câu thơ, tiếng nói (cho dù phản chiến, chống chính quyền) được cất lên. Còn ở đâu, ở đâu tình cảm của con người bị vùi dập, hòa trong máu và bụi đường. Lẽ nào chúng ta nhắm mắt, lặng im để cho bạo lực thống trị và người dân trở thành chó ngựa.

Xin kết thúc với Nguyễn Lân Thắng: Vết thương trên mặt Tín, Trang, Ðại rồi sẽ lành. Vết đau trong tâm hồn những người tham dự đêm ca nhạc vỡ nát ấy rồi sẽ lại trở thành kỷ niệm. Nhưng tất cả những trải nghiệm kinh hoàng trong cái đêm hôm đó đã không giết được chúng ta, và chúng ta, những người yêu tự do, khát khao dân chủ, mong mỏi nhân quyền… chúng ta sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn, bản lĩnh hơn, để có ngày nhất tề đứng lên giành lấy những giá trị mà dân tộc này, đất nước này xứng đáng được hưởng.

TN Tổng hợp