Phần 2
Cũng như mọi thành phố lớn khác, Tel Aviv có bộ mặt “tân thời”, cũng những tòa nhà chọc trời, khu thương mại, hàng ăn, quán rượu quán cà phê… khắp nơi. Người trẻ trong thành phố cũng quần jeans áo thun và chúi mũi vào chiếc điện thoại di động như mọi người trẻ ở những nơi khác. Nhìn thoáng, Tel Aviv chẳng có chi đặc biệt ngoài những bảng hiệu Hebrew và thỉnh thoảng, đề chữ Ả Rập, nhưng hầu như quán ăn nào cũng có thực đơn Anh ngữ dù chưng bảng hiệu Hebrew hoặc Ả Rập. Có lẽ đây là “dấu hiệu” của một thành phố quốc tế.

Tel Aviv – Jaffa
Ðông cư dân nên Tel Aviv khá đắt đỏ, nhà cửa rất cao giá, một chung cư nhỏ nhỏ, một phòng ngủ rộng cỡ 400 bộ vuông, giá thuê khoảng 2,000 -3,000 Mỹ kim mỗi tháng tùy theo địa điểm. Ðắt giá như phòng ốc trong New York City. Vì thế những người trẻ sinh sống ở đây cũng cần chia “nhà” để có thể cáng đáng được giá sinh hoạt. Và họ hồn nhiên kể chuyện kẻ ngủ trên giường, người nằm dưới đất hầu tiết kiệm tiền bạc…, chọn cách sống giản tiện tối thiểu, dùng tiền kiếm được vào các món giải trí hay du lịch. Tạm hiểu là “ăn”, “ở” không quan trọng như nhu cầu giải trí, hưởng thụ về tinh thần.
Thức ăn ở Tel Aviv hoặc Israel, nói chung, không có chi đặc biệt, tín đồ Do Thái không ăn thịt heo và các loại hải sản có vỏ như tôm, cua và tùy theo mức độ thuần thành, tín đồ có thể ăn uống theo giáo luật Kosher chặt chẽ. Ðại khái là các món thịt không nấu hoặc ăn chung với các món [có] sữa [thú vật như bò/dê…]; thí dụ, cái nồi nấu thịt không dùng để nấu những thứ có sữa; cái chén đựng kem (chế biến từ sữa thú vật) không được dùng để chứa thịt, và thú vật khi đem mổ thịt cũng theo một số các giáo luật riêng. Gia đình Do Thái thuần thành thường có hai cái bếp lò, hai bộ nồi niêu soong chảo, hai bộ chén dĩa… dành riêng cho các món thịt và món sữa. Lúc nào ăn thịt thì không ăn món có sữa. Giản dị hơn, họ chỉ dùng các món sữa xuất phát từ cây cỏ như sữa đậu nành, bơ thực vật, bơ almond, kem almond… để có thể nấu / ăn chung với thịt cá.

Các món địa phương dễ tìm là cá chiên, cá nướng, thịt bò nướng… khó lòng kiếm ra một khúc xúc xích thịt heo. Các món quen thuộc của vùng Ðịa Trung Hải cũng có mặt rầm rộ ở Israel, ô liu đủ loại, humus, falafel… Ăn uống tại Israel trên hai tuần lễ, thành phố nào cũng thế dù theo cổ tục Ả Rập hay Do Thái, món ăn không có chi để kể với bạn, rượu vang địa phương thuộc loại “nhẹ ký”.
Hôm đầu tiên đến đây trong tuần lễ Pass Over, hàng quán phần lớn đóng cửa nghỉ lễ, thức ăn loanh quanh với bánh không men nhạt nhẽo và đồ hộp! Chỉ vài hàng quán do người Ả Rập hoặc dân ngoại quốc làm chủ mới mở cửa đón khách du lịch. Phe ta gặm bánh mì phết mứt nho hai ngày liên tiếp vì không hảo cá xông khói, phó mát… Nói tóm lại là vị nào đi tìm thức ăn cổ truyền lạ lẫm và ngon miệng thì Israel không phải là nơi vừa ý; mấy người trong nhóm du khách càm ràm quá xá chừng, rồi sau đó kéo nhau đi ăn cơm Tây, mì Ý và cá sống Nhật Bản, giá cả đắt ngang ngửa với Thụy Sĩ!
Phi trường chính ở Tel Aviv và trạm xe lửa, xe bus đi khắp nơi cũng tọa lạc ở đây nên không lạ là du khách dùng Tel Aviv là tụ điểm đến và đi. Trừ khi ta đến thành phố này vì công việc làm ăn buôn bán, cần dừng chân lâu ngày, bằng không, chỉ cần 1-2 hôm là quá đủ để nhìn quanh và thăm viếng thành phố mẹ, Jaffa, cách Tel Aviv một đoạn đường ngắn ngủi, 20 phút lái xe.

Jaffa theo tiếng Ả Rập hoặc Yafo theo Hebrew, là một thành phố bờ biển cổ xưa, nặng hơi hướng Trung Ðông và những tòa nhà cũ mới xen lẫn nhau. Ðây là một hải cảng “già” nhất của thế giới, đã có thời được xem là “Bride of the Sea”, tên tuổi thành phố nhỏ xíu này gắn liền với những bài thánh kinh về Jonah, Solomon và cả Thánh Peter. Giữa mấy con đường chính, Jaffa vẫn còn giữ được những con hẻm ngoằn ngoèo uốn lượn lên dốc, xuống đồi. Ðể mời gọi nghệ sĩ, chính quyền thành phố đã tặng không một số nhà cửa nên một số lớn nghệ sĩ trình diễn cũng như nghệ sĩ sáng tạo của Israel sinh sống ở đây, tạo ra khá nhiều phòng triển lãm, hí viện lớn nhỏ.
Dân số Jaffa khoảng 45 ngàn người, 2/3 là tín đồ Do Thái, phần còn lại là những người Ả Rập theo đạo Thiên Chúa hoặc đạo Hồi.
Chỉ mới chục năm trước đây, Jaffa là vùng “tội lỗi”, chốn tụ họp của thế giới ma túy và cờ bạc, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, thành phố được “dọn dẹp” nên ngày nay xem ra an toàn hơn, nhất là khi du khách rủ nhau đến thăm viếng vài di tích cổ. Nổi tiếng nhất có lẽ là nhà thờ St Peter do nhà dòng Francisco của hội thánh La Mã trông nom. Ngôi nhà thờ này xây cất trên nền đồn trại của quân Thập Tự từ năm 1654, để tôn vinh Thánh Peter người đã khiến vị môn đệ, Thánh Tabitha, sống lại. Sách vở ghi chép rằng Vua Napoleon cũng đã có lần dừng chân tại ngôi nhà thờ ấy (bên cạnh nhà thờ là công trường chính của thành phố, có hàng quán chưng hình tượng quân sĩ Pháp đứng ôm tấm thực đơn).
Giữa thành phố là Clock Square với tòa tháp đồng hồ, do Sultan Abdul Hamid II xây dựng, tuổi thọ chỉ chừng trăm năm. Và gần đó là khu chợ trời bán đủ thứ thượng vàng hạ cám, đồ cổ cũng như các món trang sức bằng vàng / bạc thật và giả.

Phòng triển lãm nghệ thuật đương đại lớn nhất tại Jaffa là của bà Ilana Goor, trưng bày nhiều tác phẩm lạ mắt chế tạo từ những vòng thép, những vật phế thải bằng kim loại, bằng gỗ… Phe ta nghe nói rằng bà Goor là một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, tác phẩm được mua với giá cả mấy trăm ngàn Mỹ kim! Dế Mèn nhìn ngắm đã đời mà vẫn chưa thấy cái đẹp của các tác phẩm ấy kể cả tác phẩm Poseidon (vị thần trong cổ tích Hy Lạp) bị đám con nít [rắn mắt] dùng đinh ba đâm xỉa…?!
Phòng triển lãm khá đồ sộ lại nằm giữa công trường chính nên từ sân thượng ta có thể nhìn ra bờ biển Ðịa Trung Hải.
Jaffa nhỏ xíu nên chỉ vài tiếng là ta có thể xem hết các thắng tích ở đây.

TLL