Trong khi phong trào ăn chậm (Slow Food) hiện ở thập niên thứ ba, xu hướng thời trang chậm (Slow Fashion) đang vượt qua giai đoạn hình thành và bắt đầu tăng tốc. Nó có mặt ở nhiều nơi mà có khi chúng ta chưa hay biết.

Thời trang chậm có nghĩa là gì?
Công ty Alabama Chanin của Natalie Chanin (Mỹ) bán nhiều sản phẩm may bằng tay làm từ áo sơmi cũ đến những thứ tưởng chừng vất đi chỉ có thể mua được ngoài chợ trời hoặc nhặt ở… bãi rác (Chanin cũng thiết kế và bán nhiều sản phẩm gia dụng làm từ đủ loại chất liệu đơn giản từ những vật dụng bỏ đi khác). Ðể sản xuất mặt hàng, nhóm thiết kế và gia công của Natalie Chanin phải bỏ nhiều giờ công hơn và tỉ mỉ hơn so với quy trình sản xuất công nghiệp. Rị mọ như thế hẳn nhiên phải “chậm”. Theo cùng cách, nhà thiết kế Iceland Thorunn Arnadottir làm ra chiếc đồng hồ với sợi chuỗi gắn trên bánh xe răng cưa kim loại mà mỗi hạt khi lăn xuống thể hiện thời gian tương đương 5 phút. Tất nhiên chiếc đồng hồ kỳ lạ này chạy đúng nhưng việc nhìn nó hoạt động thôi cũng đã thấy nhịp sống dường như chậm lại. Katrin Svana Eythorsdottir, một nhà thiết kế Iceland khác, làm chiếc đèn chùm từ những hạt glucose. Sau thời gian sử dụng 5 tháng, ngọn đèn chùm sẽ tự hủy. Ðến với thiết kế của xu hướng thời trang chậm, người ta còn có thể thấy bộ sofa may từ mớ vải cũ; bộ bàn ăn được đóng từ những khúc gỗ nhặt nhạnh nơi này nơi kia; hoặc chùm đèn làm bằng những hũ yaourt… Tóm lại, thời trang chậm là khuynh hướng tái chế và tái sử dụng tất cả những gì có thể. Có nhiều ý nghĩa trong thời trang chậm: chậm để gìn giữ môi trường bằng cách không làm nó bớt “khổ” hơn; chậm để tiết kiệm; chậm để lạ mắt; chậm để thể hiện ý tưởng sáng tạo vô tận; và chậm để thấy đời đáng sống hơn…
Thuật từ “may mặc chậm” (Slow Clothing) xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12-2006 trong bài viết của Sharon Astyk (một tác giả ủng hộ chủ nghĩa “đời chậm”, sống trong một nông trại nhỏ ở tiểu bang New York) đăng trên tạp chí Groovy Green Magazine. Astyk cổ súy trào lưu sống không lệ thuộc công nghiệp may mặc bởi “làn sóng bóc lột sức lao động trẻ em trên toàn cầu”, cùng tình trạng “lạm dụng thuốc trừ sâu cũng như ngược đãi động vật”. Nữ tác giả Astyk kêu gọi người Mỹ tự vá quần áo và sửa dùng lại tất cả những gì có thể thay vì vất nhanh ra bãi rác. Cá nhân Sharon Astyk không hô hào suông. Cô luôn tự đan vớ cho người thân cũng như dạy con kỹ năng may căn bản để chúng có thể tự vá quần áo hỏng. Trong quyển Overdressed: The Shockingly High Cost of Cheap Fashion (2013), Elizabeth Cline cho biết, mỗi năm nước Mỹ thải ra trung bình 13 triệu tấn rác quần áo và chỉ 15% trong số đó là được gửi đến các tổ chức từ thiện rồi trong con số 15% này thì chỉ có 20% là được bán lại.
Như Tim Holt viết trên Christian Science Monitor, phong trào thời trang chậm đang bùng nổ khắp thế giới. Những “thiết kế chậm” hiện có mặt khắp nơi, từ nhiều thành phố Mỹ đến những ngôi làng Bolivia nằm trên ngọn Andes, nơi phụ nữ ở đây móc những chiếc áo len từ lông lạc đà không bướu. Chỉ mới qua ở giai đoạn hình thành, thời trang chậm đang “nổi loạn” với cuộc cách mạng của nó – như nhận định của người theo dõi xu hướng xã hội Martine Leherpeur tại hội chợ thời trang Paris Pret-A-Porter. Trước đó, các sản phẩm làm bằng tay cùng vật liệu tự nhiên đã chiến thắng tại chương trình thời trang Thu/Ðông New York 2018, trong xu hướng mà nhiều người gọi là gu thẩm mỹ để “giữ ấm” trong “mùa lạnh suy thoái”. Nói về chương trình biểu diễn của mình hồi tháng 7 tại Milan, Alessandro Michele, nhà thiết kế của Gucci, cũng ủng hộ khuynh hướng thời trang chậm…
Yếu tố đạo đức kinh doanh là một điều nhấn mạnh nữa của xu hướng thời trang chậm. Với những sản phẩm “chậm” bày bán, người kinh doanh phải luôn cho khách hàng biết chúng được làm thế nào, ở đâu và lương công nhân được trả bao nhiêu. Trong ý nghĩa liên quan lối sống, thời trang chậm là tiết kiệm. Thời trang chậm được cổ súy còn nhằm làm tăng nhận thức về công nghiệp may mặc tại các nước nghèo, đặc biệt từ khi xảy ra sự kiện một xưởng may mặc ở Bangladesh bị sập khiến hơn 1,100 công nhân bị thiệt mạng và 2,400 người bị thương.
Tuy nhiên, khi nó đã thành xu hướng và được khai thác ở góc độ kinh doanh, chậm bắt đầu trở thành công nghiệp kiếm được bộn. Những sản phẩm của nhà thiết kế Miranda Caroligne, người từng tự hào việc mình “có thể biến rác thành thời trang cao cấp”, không rẻ chút nào (dù không cao bằng sản phẩm cao cấp thật sự). Một chiếc váy cotton tự nhiên tại cửa hiệu Atomic Garden ở Oakland (California) có giá đến 200 USD; một áo thun nữ làm bằng vải sơmi nam tái chế có giá đến 345 USD tại cửa hiệu Eco-Citizen ở San Francisco (thành phố đang đi đầu nước Mỹ trong xu hướng thời trang chậm); và một chiếc áo len lông lạc đà tại cửa hàng Kusikuy ở Vermont có giá khoảng 185 USD. Dù vậy, những người thật sự ủng hộ thời trang chậm luôn kêu gọi tinh thần tự làm, thay vì để bớt “chậm” người ta lại lao ra đường mua một “sản phẩm chậm”!
MK