Menu Close

Chiếc đèn Trung thu

Suốt cả mùa hè sân nhà tôi không lúc nào vắng bóng người.  Anh tôi thì tụ họp đám bạn trai đàn ca ong ỏng, còn các chị thì rủ bạn qua làm bánh, làm mứt, chơi ô quan, nhảy dây. Ôi thôi hầm bà lằng. Riết cũng chán, các anh bàn nhau kiếm chuyện gì mới lạ để làm cho vui. Vì thấy gần đến rằm tháng 8 nên tôi buột miệng:

-Làm đèn Trung thu đi.

Bao nhiêu cái miệng cùng đồng thanh:

– Ý kiến hay.

Thế là đàn sáo vứt qua một xó, các anh chụm đầu bàn tán lên kế hoạch. Trước tiên phải có tre để làm khung, và giấy kính đủ màu, keo. Anh Tú nói:

– Tre thì nghĩa địa cuối xóm thiếu gì, ai không sợ ma thì theo tôi đi chặt.

Khu nghĩa địa thật ra là bãi đất trống cuối xóm,  chỉ lác đác vài ngôi mộ của dân quanh vùng. Mùa mưa cỏ dại mọc cao ngang đầu gối, nhưng bắt đầu hè học trò ra đá banh và đi tuần mỗi ngày nên cỏ biến mất. Ði tuần ở nghĩa địa là tiếng lóng bọn trẻ dùng mỗi khi rủ nhau đi kiếm đồ cúng rằm tháng 7 hoặc đi chặt chuối, hái ổi, khế, tầm ruột. Trước khi vào khu nghĩa địa là cái giếng cả xóm ra gánh nước về dùng nên lúc nào cũng có người qua lại. Nói chung người nhiều hơn ma.

Nói là làm, các anh vào nhà lấy dao. Lần đầu không có kinh nghiệm, các anh vác theo con dao chặt dừa; lưỡi dao cong queo và mẻ vài chỗ nên cả buổi chiều chẳng ngã cây nào. Trưa hôm sau đổi chiến thuật, các anh vác cưa, cưa được cả chục cây tre cao nhất, dùng dao tỉa sạch lá rồi cứ thế mà kéo. Ra khỏi khuôn viên nghĩa địa thì người nâng gốc kẻ nâng ngọn khiêng về. Tôi lon ton chạy theo sau tay trái cầm cái cưa, tay phải cầm con dao quấn kỹ trong tờ giấy báo. Tre đã có các anh tập vẽ mẫu, đo, cưa, chẻ lạt. Làm từ trưa đến tận chiều tối mà chỉ có nước lạnh khao quân thật nhạt nhẽo, bao tử bắt đầu vùng lên đòi quyền sống. Sẵn còn ngọn tre ốm tong anh tôi làm cái lồng hái trái, thế là bao nhiêu cây trái trong sân lần lượt chui vào bao tử chúng tôi. Khi sân nhà hết trái thì cây mận nhà ông giáo đầu ngõ được nhiệt liệt chiếu cố. Cây mận chắc là rất già, cao qua khỏi mái nhà, thân to tàn lá xum xuê trái nhiều vô kể nên đứng xa nhìn thấy màu đỏ nhiều hơn màu lá. Các anh bàn nhau:

– Cây sai trái như thế hái trộm một ít chắc thầy không biết.

– Nhưng nhà ngay đầu ngõ xe ra vào cả ngày, chưa kể thầy dạy thêm đến 10 giờ đêm lúc nào cũng đèn đuốc sáng trưng làm sao trộm.

– Chờ 12 giờ hãy ra quân.

Thế là buổi tối chương trình lúc 0 giờ của tivi vừa kết thúc ai nấy tắt đèn lên giường ngủ thì anh tôi “xuống giường”. Vì đã nghe lén chương trình hành động nên tôi cũng nhẹ nhàng bén gót theo các anh. Một tiểu đội ma lò mò trong bóng đêm với 2 cái lồng và cả đống bao nilon. Các anh hái những trái trên cao vì như thế thầy không biết, chẳng lẽ ngày nào thầy cũng ngỏng cổ lên trời đếm trái? Mận hái được đổ vào thùng phuy chứa nước mưa ngay máng xối trước sân nhà rồi lấy miếng ván lớn đậy lại, tan hàng nhà ai nấy ngủ. Trưa hôm sau chỉ cần chén muối ớt là chúng tôi có bữa tiệc ngon lành và hấp dẫn. Mận phải giấu trong phuy nước mưa vì nếu đem vô nhà Ba Má thấy được thì sưng đít. Lợi điểm thứ hai là khi vớt lên ăn trái mận mát lạnh rất ngon. Về phần giấy kính các anh bàn nhau trở lại nghĩa địa cắt măng tre đem bán lấy tiền mua giấy bóng kính và keo dán. Chiều hôm sau trời hơi sập tối các anh lại lò mò trở về nghĩa địa trộm măng. Cắt được hai cần xé măng, từ mụt mới nhú đến mụt già cứng như gỗ. Sáng sớm anh Tú chở tôi và măng ra chợ, kiếm chỗ trống đặt hai giỏ măng xuống và bảo tôi ở đấy bán, tí anh quay lại đón. Tôi ú ớ chưa kịp phản ứng anh đã phóng lên xe tẩu thoát. Khách đến mua hỏi:

– Mụt này bao nhiêu vậy con?

– Con không biết.

– Vậy mụt này.

– Con cũng không biết.

– Tại sao bán hàng mà không biết giá?

– Anh con không có dặn giá, chỉ chở con ra đây rồi bỏ đi mất tiêu rồi.

Mọi người nhao nhao hỏi hết câu này đến câu kia, lần đầu tiên trong đời bị đem con bỏ chợ và bị nhiều người lạ bao vây tôi sợ quá nước mắt tuôn thành dòng. Khách thấy tội nghiệp tự ý ước lượng giá và nhét tiền vào tay tôi. Cứ đưa là cầm tôi không biết thối lại, có bà bác cầm tờ 100 hỏi:

– Con có tiền lẻ thối lại cho bác không, bác chỉ có 100 này thôi.

Tay nắm 1 cọc tiền tôi lúng túng banh tờ này thì rớt tờ kia, nhặt được tờ kia lên thì rơi tờ nọ. Thấy thế các bác khác bảo:

– Con lấy cái nón trên đầu xuống đựng tiền vào đó rồi từ từ đếm.

Ai thấy con nít bán hàng cũng thương nên trong nháy mắt hai cần-xé đã gần hết. Khoảng 8 giờ bác bảo vệ mặc đồng phục như anh cảnh sát nhưng không đeo súng, đi thu tiền sạp. Tôi đang cúi xuống vuốt các tờ tiền cho thẳng nghe hỏi:

– Bạn hàng mới hả? Cha, măng ở đâu mà tươi vậy?

Ngửng lên nhìn, hồn vía lên mây tưởng cảnh sát đến bắt tội trộm măng (ngoài nghĩa địa) tôi quăng cái nón và tiền chạy thụt mạng vào con hẻm nhỏ. Bạn hàng bên cạnh và khách hàng xúm lại nhặt tiền bỏ lại vào cái nón và la bác bảo vệ tơi bời. Bác chả biết mình tội gì, tròn mắt ngơ ngác nhìn.

– Con nhỏ mới ngày đầu buôn bán mà nỡ lòng nào làm nó sợ bỏ chạy mất mạng, ác nhơn hết biết.

Giải thích ai tin? Bác bảo vệ đành để nón tiền vô cần xé và cẩn thận lấy mụt măng đè lên rồi tiếp tục công việc. Phần tôi chạy một hồi chẳng thấy ai rượt theo yên tâm ngồi thở dốc dưới gốc cây bên đường. Nắng lên cao chắc là cũng gần trưa, tôi hoảng sợ vì không biết đường về nhà. Chợt nhớ anh Tú dặn trưa sẽ quay lại đón, không cách nào khác tôi vừa khóc vừa quay lại con đường cũ. Chợ lúc này gần tàn vài gian hàng bán hết đã dọn về, lác đác vài người đi chợ trễ. Chị lao công đang quét chợ, hai cần-xé măng của tôi nằm nguyên vị trí ban sáng. Thấy tôi bước đến các bác bán hàng xúm lại hỏi bác bảo vệ hù gì đến nỗi tôi sợ mà bỏ chạy.

– Con tưởng cảnh sát đến bắt nên tự ý chạy, chứ bác đó hổng có hù con.

– Mèn ơi, vậy mà hồi nãy tụi mình chửi ổng hổng nói một lời. Thôi mơi sáng xin lỗi là huề cả làng.

Từ đầu chợ anh Tú đạp xe đến đón, tôi cúi đầu cảm ơn các bác rồi lên xe về nhà. Các anh chị ở nhà trông đứng trông ngồi chờ xem thành tích, số tiền bán được ngoài sức tưởng tượng ai cũng trầm trồ khen ngợi:

– Út giỏi quá, không ngờ nhe.

Dĩ nhiên tôi ngu gì khai chuyện sáng nay. Những ngày kế tiếp các anh chị bắt tay vào việc lên khung, tôi lớ xớ chạy quanh phục vụ nước nôi tận tình. Khung lồng đèn làm ra cũng được mấy trăm cái. Anh Tú bảo tôi cầm tờ giấy đi từng nhà thông báo rằm tháng này mời các em bé đến lãnh đèn và dự tiệc Trung thu. Nhà nào đi bao nhiêu người thì ghi tên vào tờ giấy để chuẩn bị số đèn cho đầy đủ. Năm nay niên học mới khai giảng trước Trung thu 2 tuần nên buổi sáng đến trường, trưa về các anh chị gấp rút làm cho hết việc nên không có thời gian thực hiện công tác sau 0 giờ lần nữa, nhưng không hiểu sao phuy nước nhà tôi lúc nào cũng đầy mận. Mọi người thắc mắc “Chắc ma thấy tụi mình đói nên đi hái uỷ lạo”. Thứ Sáu, tan học về tôi lại thấy 2 cần xé măng ở góc sân nhà. Anh Tú chạy ra cười hớn hở:

– Cả tuần nay mưa nhiều, tụi anh hái thêm được nhiêu đây măng. Mai nghỉ học anh chở Út đi bán nha.

Lời nói thật êm dịu nhưng sao nghe như sét ngang tai, tôi lắc đầu nguầy nguậy từ chối. Mọi người xúm vào năn nỉ, tán dương thành tích kỳ trước. Từ chối thì phải kể ra lý do, ngặt nỗi kể ra thì mặt mũi để đâu cho hết quê? Vì có kinh nghiệm lần trước nên kỳ này tôi không còn sợ, mặt mũi tươi vui bán buôn lanh lẹ hết hàng. Tiền bán được các anh chị mua đèn cầy, bánh trung thu, nước ngọt xá xị con cọp.

Sau bữa cơm trưa chúng tôi bắt đầu kê bàn giữa sân để chiều đến bày bánh trái và nước ngọt/ Ðèn thì treo lủng lẳng đầy sân. Gần 7 giờ thầy giáo bưng rổ mận to tướng và mâm bánh in vào để trên bàn. Các phụ huynh khác dắt con đến cũng mỗi người mỗi món phụ thêm. Chúng tôi chỉ mời các em nhỏ, nhưng phụ huynh đến thấy vui chẳng ai muốn về tất cả ở lại chung vui. Ai cũng nói lần đầu tiên xóm mình có buổi tối Trung thu vui như vậy. Tan tiệc thầy giáo đến vuốt tóc từng người và khen:

– Giỏi lắm việc làm thật ý nghĩa, muốn ăn mận cứ vào hái không cần chờ sau 0 giờ nhé.

Tôi chợt hiểu ra, tại sao công tác sau 0 giờ chỉ thực hiện một lần duy nhất mà trong thùng phuy có mận ăn cả tháng.

LK