Menu Close

Nga – Trung liên minh khập khiễng

Các nhà phân tích quân sự thế giới trong tuần qua đã mất khá nhiều thì giờ để theo dõi cuộc thao dợt quân sự mùa thu của Nga trong năm nay, và được biết đây là cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất kể từ sau thời chiến tranh lạnh. Cuộc thao dợt này có tên gọi Vostok-2018, diễn ra trong khắp vùng viễn đông của Nga và Thái Bình Dương, bắt đầu từ ngày 11/9 kéo dài cho đến ngày 17/9.

lien-minh-khap-khieng
Binh lính Nga, Trung Quốc và Mông Cổ trong một cuộc tập trận – nguồn Yahoo News

Cuộc thao dợt Vostok là một phần của một loạt những cuộc tập trận ở cấp độ lớn được xoay tua hằng năm, đóng một vai trò quan trọng trong chu trình huấn luyện quân sự hằng năm ở Nga. Những cuộc thao dợt trên được tổ chức xoay vòng qua bốn trung tâm chỉ huy điều hành chiến lược chính của Nga là miền Ðông, miền Caucasus (phía nam nước Nga nằm giữa Hắc Hải và biển Caspian), miền Trung và miền Tây – và do đó người ta lấy tên miền để đặt tên cho những cuộc tập trận này. Vostok có nghĩa là miền Ðông; cũng giống như cuộc thao dợt Zapad-2017 vào mùa Thu năm ngoái được diễn ra dọc theo biên giới phía tây của nước Nga.

Theo nguồn tin chính thức từ bộ quốc phòng Nga cho biết toàn bộ lực lượng Nga tham gia trong cuộc tập trận này là 300,000 binh lính, hơn 1,000 phi cơ đủ loại, và 36,000 quân cụ bao gồm 1,100 xe thiết giáp và 80 tàu chiến – lớn hơn tổng lực lượng quân sự của phần lớn các quốc gia trên thế giới – được xem là cuộc thao dợt quân sự lớn nhất trên lãnh thổ Nga ít nhất là kể từ năm 1981.

Tuy nhiên cấp độ thực sự của cuộc tập trận có lẽ nhỏ hơn là lời quảng bá. Trong những cuộc thao dợt Vostok trước đây, quân đội Nga có thói quen cố tình tính gọn thành lữ đoàn và sư đoàn thay vì trên thực tế, con số lực lượng tham gia tập dợt của các đơn vị chỉ giới hạn ở mức tiểu đoàn và trung đoàn.

lien-minh-khap-khieng3
Vostok-2018 – nguồn Wikipedia

Nhưng cho dù con số chính xác là gì đi chăng nữa, Vostok-2018 được các quốc gia phương Tây đặc biệt chú ý và quan tâm vì có sự tham dự của Trung Quốc, cũng với cấp độ khá lớn, bao gồm 3,200 binh lính cùng với 30 phi cơ.

Ngoài Nga và Trung Quốc, Mông Cổ và một thành viên của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ cũng được mời tham gia.

Thông điệp của sự hợp tác thao dợt quân sự lần này rõ ràng là nhắm trực tiếp tới Washington là vì cả Nga lẫn Trung Quốc hiện đang phải đối đầu với nhiều áp lực kinh tế ít nhiều có liên quan đến Hoa Kỳ – với Nga là những đợt trừng phạt kinh tế liên tiếp đến từ phương Tây, mà Hoa Kỳ nắm vai trò lãnh đạo; với Trung Quốc là cuộc chiến mậu dịch đang ngày càng leo thang và có thể đưa đến một cuộc chiến mậu dịch toàn diện với Mỹ nếu trong nay mai chính quyền Donald Trump quyết định đánh thêm thuế lên số $200 tỷ và sau đó là $267 tỷ hàng hoá nhập cảng từ Trung Quốc. Thêm một thông điệp nữa cũng đã được tính toán kỹ lưỡng là đưa ra lời cảnh báo rằng Hoa Kỳ nên tránh xa khu vực Ðông Á của họ.

Phải chăng đây là dấu hiệu của bước đầu tiên để đưa tới một sự hợp tác quân sự toàn diện giữa hai cường quốc này như một số cơ quan thông tấn phương Tây đã tuyên bố?

Theo nhận định của Alexander Golts, một chuyên gia nghiên cứu quân sự, thì ngay vào lúc này mà nói đến một liên minh quân sự giữa Nga và Trung Quốc là hơi sớm. Trên thực tế, cuộc thao dợt Vostok-2018 chỉ là một cuộc trình diễn không hơn không kém. Hiện nay không ai còn muốn tổ chức và thực hiện những cuộc tập trận lớn như vậy nữa vì vừa tốn kém vô ích mà lại bị xem như thứ tàn tích của thời chiến tranh lạnh cần được xếp xó. Tuy nhiên, sự biểu dương lực lượng này được ví như con bài tẩy duy nhất mà Putin cần đưa ra trong cuộc đối đầu với phương Tây. Các quốc gia liên minh phương Tây có dư khả năng tổ chức một cuộc tập trận với cấp độ lớn như vậy, nhưng họ không làm vì thấy không cần thiết.

lien-minh-khap-khieng2
Bản đồ cuộc thao dợt Vostok-2018 – nguồn AFP

Ðể có thể hình thành một liên minh quân sự toàn diện, giống như tổ chức NATO, phải cần một thời gian rất lâu và thường là phát triển từ từ theo từng giai đoạn. Thế nên một trục liên minh thật sự Nga-Trung Quốc còn lâu mới trở thành hiện thực. Thế giới phương Tây cứ yên tâm theo dõi trong khi hai quốc gia này đang tìm cách sáp lại gần nhau.

Theo ý kiến của Anja Manuel, nhà nghiên cứu về các chính sách quốc tế, trong một bài viết đăng trên tờ báo mạng The Atlantic, thì trên phương diện quân sự, Nga và Trung Quốc thường hay rêu rao về tình hữu nghị lâu bền của họ, nhưng trên thực tế thì trong nhiều thập niên qua vẫn luôn có sự nghi ngờ lẫn nhau. Sau những vụ đụng độ nghiêm trọng ở vùng biên giới dọc theo dòng sông Amur (Hắc Long Giang) trong hai năm 1968-69 (gần khu vực tập trận tuần qua), phía biên giới thuộc Trung Quốc bị đánh bom nặng tới nỗi nhìn lồi lõm giống như trên mặt trăng vậy. Hai nước hàng xóm này đã không thể giải quyết vụ tranh chấp lãnh thổ của nhau cho mãi tới năm 2008. Nga còn hăm dọa dùng vũ khí nguyên tử tấn công Trung Quốc và chỉ chịu im lặng sau khi Hoa Kỳ mạnh mẽ lên tiếng sẽ phản đòn cũng bằng vũ khí nguyên tử nếu điều hăm dọa đó xảy ra.

Ðúng 50 năm sau, cả Tập Cận Bình và Vladimir Putin cùng cố gắng biểu dương sự đoàn kết bằng cách tham dự những cuộc diễn binh của nhau, gắn huy chương cho nhau, và cùng ngồi chung bàn trong những cuộc họp thượng đỉnh của cái gọi là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Vượt lên trên những ồn ào có phần được thổi phồng quá độ, cho đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy một sự hợp tác chặt chẽ như sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và các đồng minh quân sự ở Âu châu và Nhật Bản.

lien-minh-khap-khieng1
Putin và các tư lệnh Nga trước một cuộc thao diễn – nguồn The Times

Cả Nga lẫn Trung Quốc đều cùng muốn hiện đại hoá quân đội của họ, đặc biệt là ở khu vực Thái Bình Dương. Trung Quốc rất muốn có đủ khả năng để ngăn chặn tàu chiến của Mỹ trong khu vực, và huấn luyện quân đội của họ để có thể tác chiến ở xa. Quân đội Trung Quốc có thể nói hầu như không có chút kinh nghiệm tác chiến ở ngoại quốc kể từ thời chiến tranh Trung Việt cách đây 40 năm. Hải quân Nga và Trung Quốc ngày càng có những cuộc tập trận nho nhỏ với nhau là vì cả hai đều muốn ngăn cản ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại châu Á.

Một điều quan trọng không kém là cho đến nay vẫn chưa có một hiệp ước an ninh chính thức nào – không giống như tổ chức NATO ở châu Âu – ràng buộc Nga và Trung Quốc phải bảo vệ lẫn nhau và từ đó đưa mối quan hệ này vào một khế ước có lợi cho cả đôi bên.

Về quan hệ kinh tế cũng thế, cũng là sự nghi ngờ và không tin tưởng nhau, và cũng đã được thổi phồng quá xa sự thật về sự hợp tác hiện nay giữa hai nước. Một ví dụ điển hình là vụ khua chiêng gõ trống về một hợp đồng ký năm 2015 cho phép Trung Quốc mua khí đốt của Nga, nhưng nay vụ làm ăn này đang gặp rất nhiều trục trặc vì những tranh chấp về giá cả, đường ống dẫn, và Trung Quốc tỏ ra bực tức về những chiến thuật đàm phán của Nga. Thương mại giữa hai nước trong năm ngoái quả thật có tăng 20 phần trăm lên đến $84 tỷ, nhưng so ra vẫn là con số rất nhỏ so với mức thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là $635 tỷ. Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho Ngân hàng quốc doanh của Nga vay $9 tỷ để xây dựng hạ tầng cơ sở nối thông giữa hai quốc gia. Con số tiền quá lớn có thể làm nhiều người phải trầm trồ, tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tinh mắt thì nghĩ rằng thoả thuận này khó có thể thành hình vì nhiều lý do nội bộ.

Ðó là chưa kể những quyền lợi riêng giữa hai nước đưa đến những xung khắc nghiêm trọng liên quan đến vấn đề địa chính trị. Kế hoạch Nhất đới Nhất lộ của Tập Cận Bình có nguy cơ làm giảm ảnh hưởng của Nga ở khu vực Trung Á. Trong khi Trung Quốc cực lực chống lại việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau khi chiếm được từ Ukraine, và việc Trung Quốc ủng hộ nhóm Taliban ở Afghanistan, kẻ thù không đội trời chung của Nga.

Nói tóm lại, nếu không vượt qua được những trở ngại và khác biệt trên thì trục liên minh Nga-Trung Quốc, nếu xảy ra, cũng khó lòng bền chặt.

VH