Tôi không biết có đất nước nào như đất nước tôi đang sống hay không, khi mỗi tin tức bất kể về lĩnh vực gì, dẫu là xã hội, kinh tế, y học… thực phẩm, sinh vật…. Tất cả đều có khả năng biến thành những đám cháy lan khắp cõi mạng, và kẻ dập lửa chỉ có thể là những đám cháy khác, mạnh mẽ hơn! Sài Gòn tuần này lại mưa, mưa to hơn cả tuần trước. Và tôi, lại ngồi bên cửa sổ vừa tự pha cà phê vừa lướt báo và mạng xã hội vừa suy nghĩ xem nên xách dầu hôi châm vào “đám cháy” nào!

Bên này là đám cháy về sách giáo khoa lớp 1, bên kia là đám cháy về giá của những cô chân dài bán dâm, bên nọ là đám cháy của những kẻ yêu chó tính theo con và tính theo ký, bên kìa lại là đám cháy về những vụ án thiếu công bằng, bên đó thì… Túm lại thì đám cháy nào cũng phừng phực ánh sáng chân lý và lửa giận. Còn các bên thì bên nào cũng… đúng. Tôi cũng không biết chọn đám nào. Cảm giác y như trên tay cầm một chồng thiệp… cưới, của những người bạn thân, lấy nhau vào cùng một ngày, không biết chọn đứa nào để chia… buồn trước. Như thường lệ, mỗi khi đứng trước những sự lựa chọn khó khăn, buộc phải nghiêm chỉnh suy nghĩ, tôi thường hay… đói bụng! Trước khi châm dầu vô lửa, tôi phải dập nhanh đám cháy trong… bụng mình.
Mở tủ lạnh ra, nhìn thấy cái tủ xài lâu năm vẫn trắng trẻo sạch sẽ và rộng rãi, tôi chợt…. đau lòng. Không phải đau lòng vì nó không chịu hư hay nó không chịu dơ mà là đau lòng vì nó “sạch sẽ” quá, tỷ lệ thuận với độ “sạch sẽ” của bao tử tôi lúc này. Hổm rày trời thì mưa, tôi thì bệnh nên không đi chợ, trong tủ lạnh toàn sữa tươi, sữa chua và… rượu, không hiểu mấy bữa trước mình đã sống sót qua như thế nào? Tôi quyết định không suy nghĩ nữa (sợ lại đói thêm) mà bắt đầu hành trình lục lọi trong nhà còn cái gì để ăn hay không. Kết quả là tôi thỏa mãn với gói mì và ly cà phê sữa mình tự pha. Tôi bắt đầu suy nghĩ về việc tôi đã trải qua mấy ngày trước như thế nào. Ngày thứ nhất bệnh, tôi đã ngủ rất nhiều, sau đó dậy uống thuốc rồi lại ngủ. Ngày thứ hai bệnh, tôi đi khám bệnh, mua vài thứ bỏ tủ lạnh rồi về lại ngủ, dậy cũng chỉ ăn một ít rồi lại ngủ… Ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm… tương tự như vậy, mỗi khi tôi bệnh tôi đều ngủ rất nhiều y như lúc tôi…. không bệnh. Chỉ khác là, lúc bệnh tôi sẽ ăn ít hơn, bớt nhiều chuyện hơn và bớt suy nghĩ hơn, dĩ nhiên, bớt nói/viết hơn… (Có người bạn nói với tôi: Lúc tôi bệnh thì tôi trông giống người… bình thường hơn.) Sau một hồi suy tính, tôi chợt nhận ra, nếu tôi bệnh thì tôi sẽ… tiết kiệm được nhiều tiền ăn hơn. Với một người luôn bị phê phán là phung phí như tôi thì đây là một tin vui. Nhưng, vì là người chu đáo, tôi lại tính kỹ lại một chút nữa. Tôi lại thấy mình quên một khoản quan trọng. Ðó là bất kể tôi ăn nhiều bao nhiêu thì tiền thuốc, tiền khám bệnh, tiền xe đi lại giữa phòng khám và nhà có vẻ như “đông vui” hơn tiền ăn của tôi bình thường. Tính ra, bệnh vẫn tốn kém hơn và khi bệnh, tôi càng phung phí hơn cả khi tôi không bệnh. Suy ra, nếu muốn tiết kiệm, tôi phải sống như lúc mình… bệnh nhưng không được bệnh mới đúng. Với kẻ vừa đam mê ăn uống nhưng luôn chú trọng tìm kiếm cách để tiết kiệm như tôi thì đây quả là “tin vui” nhưng là “tin vui” từ miệng bác sĩ nói với một cặp tình nhân vụng trộm nào đó, một tin vui thật đáng… buồn. Thế là, tôi đành quăng tất cả các đám cháy của nhân loài, vùi đầu vào đám cháy của của mình.

Hồi hổm, đi ăn bánh ướt, khi tôi đang cắm cúi “tập trung chuyên môn” vào dĩa bánh ướt, cô chủ quán nhìn tôi hồi lâu, nói:
– Giờ con gái phải đẹp cái đã, đẹp mới dễ làm ra tiền. Giao tiếp, quan hệ gì cũng nhanh hết trơn…
Tôi hỏi cổ:
– Muốn đẹp mà má đẻ ra đã không… chịu đẹp thì làm sao?
Cổ nhìn tôi, thở dài (cũng không biết thở dài vì thương hại cho tôi hay là cho chính cổ nữa) nói:
– Giờ có tiền là đẹp hết, muốn đẹp chỗ nào lấy tiền “đắp” vô chỗ đó, tự nhiên có người làm cho mày đẹp!
Tôi ngồi lẩm bẩm:
– Muốn đẹp phải có tiền mà muốn có tiền phải đẹp, vậy nếu chưa có cái gì thì phải có cái nào trước? Làm sao có?

Cứ như vậy mà từ đó, mỗi lần tôi lại ăn bánh ướt, cô chủ quán lại cười cười rồi… im, ngồi xa xa len lén nhìn tôi rồi… thở dài. Cứ như là lo tôi làm thân rồi… ăn thiếu vậy. Cũng không thèm tâm sự tiếp chuyện đẹp và tiền cái nào nên có trước, tôi vẫn chưa có câu trả lời về chuyện “vi diệu” trên nên lâu lâu vẫn bâng khuâng nghiền ngẫm (cũng không biết có phải lý do này khiến cho tôi… bệnh hay không). Những tưởng đó là đề tài khó nhất trong cuộc đời mình rồi nhưng hôm nay, gặp chuyện này, tôi thấy càng khó khăn hơn. Giữa bâng khuâng chuyện tiền và cái đẹp tôi càng bâng khuâng giữa chuyện tiền và cái… bụng hơn. Nghĩ đi nghĩ lại thì tôi thấy mình càng ít… nghĩ là tốt nhất.
Người ta thường nói “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, đâu phải không muốn nghĩ mà được. Trong khi tôi đang vất vả tìm ra một con đường tiết kiệm trong tương lai thì tiệm bánh ướt hôm nào tăng 2,000 đồng một dĩa, loại gạo tôi ăn hôm nào tăng 500 đồng một ký, giá điện, nước, gas, xăng tôi dùng hàng ngày cũng tăng, rau, thịt, cá, trứng, sữa cũng tăng… Ngay cả tiền mua thuốc, khám bệnh trong năm nay, tuy chỉ mới qua nửa năm thôi mà bằng gấp đôi cả năm rồi! Chẳng hiểu sao, tất cả đều tăng chỉ có tiền là giảm, y như một thế lực vô hình nào đó đã lén lấy mất. Lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa, không còn từ ngữ nào có thể bày tỏ được sự hụt hẫng trong tôi hiện tại. và, như thường lệ, để bù đắp nỗi lòng của mình tôi phải lấy nỗi buồn của người ta thay thế. Tôi quyết định trèo… lên mạng tìm những người “cùng khổ”.

Sau khi đọc những lời than thở của bạn bè, người quen, tôi chỉ an tâm phân nửa, tin tưởng không chỉ mỗi mình tôi (tâm) tình cũng khó theo thời cơm áo khó… Ví dụ như một anh bạn tên Thuấn, cũng là dân viết lách đăng hình một ly cà phê và viết: “Ly cafe cóc Phan Rang đúng nghĩa, trên là lớp cafe kho nấu bằng túi vải lọc, dưới là lớp sữa trắng mỏng. 20 năm trước, ngay nơi này mỗi ly cafe cóc có giá 1,500 đồng, nay giá là 8,000 đồng. Cũng đúng thôi, 20 năm trước mình chưa tới 50kg.”…
Ðôi khi tôi cũng đồng cảm với những mảnh đời vất vả, bị đời phê phán vì phải tự tăng giá theo thời (như chị bán bánh ướt nói, từ lúc tăng 2,000 đồng mỗi dĩa thì khách cũng giảm đi một ít). Ví dụ như những cậu thanh niên, bà lão đáng thương “ngất vì đói” hoặc “mất hết tiền” phải lang thang khắp ngã đường với tấm bảng “Xin 200 ngàn về quê”. Mặc dầu có người đã “ngất vì đói” hoặc “mất hết tiền” cả chục năm nay, ai cũng quen mặt, vì vật giá leo thang buộc phải tăng lên “Xin 250 ngàn về quê” mà bị cư dân mạng chụp hình, đăng lên xỉa xói rần rần… Hành động này thật là vô… đạo đức, không khác gì ông Lê Ðức Hiền – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội lại giật mình thảng thốt trên báo: “Giá mua – bán dâm 600 triệu đồng là… rất cao!” Không biết trước ổng mua giá bao nhiêu, nhưng cũng là phận đàn bà, lại mê gái đẹp, tôi tin mấy cô người mẫu, MC bán dâm cũng đâu dễ dàng gì, bỏ cũng cả tỷ ra sửa sang nhan sắc, mua giải rồi đút lót… Mà cả chục năm nay, giá mấy cổ bán cũng như vậy, chỉ là do tiền đô (Mỹ Kim) lên nên quy ra tiền VN cao hơn chút thôi mà. Trong vụ này thì (theo tôi) mấy cô hoa hậu, MC bán dâm và những người ngất vì đói kinh niên ở trên cũng như nhau thôi, trách họ một thì nên trách những người giúp họ tồn tại trái phép và hiển nhiên nhiều năm nay. Cả người cho tiền/mua dâm và cả những người chịu trách nhiệm “chăm sóc” an ninh, sự sạch sẽ của xã hội này!

Nhưng sau khi tôi đọc những tin về người tôi không quen (không quen nhưng tôi có thể đọc được về họ thì chắc chắn là do họ nổi tiếng). Tôi chợt nhận ra nỗi lo của tôi rất đỗi tầm thường vì nhìn đâu cũng thấy tiền rơi, mà tiền của người ta rơi mỗi lần cũng đủ cho tôi phung phí cả một đời… Ví dụ như, mỗi lần phẩy tay vào hai chữ “cải cách” thì bộ Giáo Dục thành công biến 100 triệu cuốn sách giáo khoa thành giấy vụn, lãng phí nghìn tỷ đồng (của nhân dân). Hay, trong khi tôi dành dụm lắm nhưng bữa ăn sang trọng nhất cũng chừng một/hai triệu đồng còn tiếp khách sang trọng lắm cũng chỉ khoảng 20 ngàn đồng (ừ thì tôi keo kiệt) nhưng… “Trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương khai để được cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an) tạo điều kiện tổ chức đánh bạc trực tuyến, bị can này đã biếu ông Vĩnh 27 tỷ đồng, hơn 1.7 triệu USD… và nhiều lần tặng quà, chi tiền ăn, nhậu tiếp khách cho ông Vĩnh, hơn 10 tỷ đồng.” Ôi, mỗi tỷ là bao nhiêu ngàn lần cái triệu và cả triệu lần cái hai mươi ngàn đồng? Mà cái này là cả chục tỷ… Phải chi tôi có nhiều tiền như vậy, tôi đã là bạn tốt trong mắt rất nhiều người rồi (tôi sẽ đãi họ ít nhất là 21 ngàn).
Sau khi đọc những “tấm gương” phung phí để an ủi tâm hồn, tôi tìm cho mình những con người tiết kiệm để học tập và rút kinh nghiệm cho mai sau. Sau một hồi “rà soát”, tôi tìm ra người tiết kiệm nhất… Việt Nam trong tháng qua là anh Trần Huỳnh Duy Thức, khi tôi viết bài viết này ảnh đã tuyệt thực 32 ngày tại trại giam số 6 Nghệ An. Anh là một tù nhân chính trị rất nổi tiếng tôi rất kính trọng ở VN, lý do tuyệt thực là phía an ninh đang muốn gây áp lực buộc anh Thức nhận tội để được đặc xá. Cũng có rất nhiều người cùng tuyệt thực với anh Thức để đồng hành. Tuy không biết họ có tuyệt thực cùng anh Thức thiệt hay không, tôi vẫn rất kính trọng họ. Nhưng kính trọng cách mấy tôi vẫn… chu đáo ngồi tính toán. (Bỏ qua ý nghĩa tinh thần và chính trị để tránh lạc đề), tính riêng giá trị vật chất (tóm tắt là tiền ăn), tất cả 90 triệu dân VN cùng tuyệt thực một năm thì cộng lại vẫn không thể tiết kiệm bằng các vị “cán bộ nhà nước” “tuyệt thực” một ngày được. Tại vì dân chỉ ăn cơm, uống nước, ăn những gì bao tử có thể tiêu hóa được, lâu lâu thì ăn… gian chút thôi! Còn các cán bộ ăn tất cả những gì dân ăn và không ăn. Ngay cả sắt, thép, đất, cát… túi tiền, tính mạng, tương lai người dân. Sau khi suy xét kỹ, tôi rút ra được một chân lý: muốn tiết kiệm thì dân VN phải thay đổi, ai có… gan, tài năng thì đứng lên đấu tranh đổi cán bộ hoặc chế độ, ai có tiền thì đổi… quốc tịch, ai không có tiền không gan như tôi thì đổi… suy nghĩ. Tình nguyện để người ta phung phí cuộc đời của mình thôi! Vì dẫu có tiết kiệm tới đâu thì nợ công trên đầu vẫn tăng. Chừ nghĩ mà thấy may cho gia đình Âu Cơ – Lạc Long Quân, họ mà sống ở thời này với bầy con trăm đứa nheo nhóc thì tính ra cả nhà thiếu nợ công mấy tỷ luôn rồi! (Tuy nhiên, nếu họ có vài đứa con trai làm cán bộ hoặc vài đứa con gái làm hoa hậu, MC thì… ).
DU