Menu Close

Khó ngủ

Thưa bác sĩ,

Chúng tôi được biết rằng người tuổi cao thường hay bị khó khăn để ngủ. Xin bác sĩ cho biết đó là những khó khăn gì và cách thức tránh rối loạn giấc ngủ. Cảm ơn bác sĩ. Phạm Hợp

Thưa ông Hợp,

Các cụ ta  xếp Ăn và Ngủ vào hạng nhất và nhì của Tứ Khoái,  cho nên có ca dao:

“Ăn được ngủ được là tiên,

Không ăn không ngủ là tiền vứt đi”

Các nhà khoa học coi giấc ngủ là một tình trạng xảy ra đều đặn với loài người và động vật, nhất là về ban đêm. Trong thời gian đó, mắt nhắm lại, các cơ bắp, hệ thần kinh đều thư giãn, tâm trí nghỉ ngơi, không đáp ứng những kích thích của ngoại cảnh. Ðồng thời sức mạnh của toàn thân được phục hồi, sinh lực được tái tạo, tổn thương được hàn gắn để sửa soạn cho những sinh họat mới kế tiếp vào ngày hôm sau. Cho nên người Ấn Ðộ thường nói “Giấc ngủ nuôi dưỡng mọi sinh vật”. 

Sự thay đổi giấc ngủ ở người cao tuổi

Ở người cao tuổi, sự ngủ thay đổi một cách khá rõ rệt:

  1. Số giờ thực sự ngủ giảm. Nhiều cụ nằm trằn trọc, suy nghĩ mông lung suốt đêm.
  2. Phẩm chất của giấc ngủ kém, ngủ không ngon giấc, không ngủ say.
  3. Ngủ bị gián đoạn vì hay thức giấc giữa khuya hoặc thức dậy để đi tiểu, khó dỗ lại giấc ngủ.
  4. Ngủ sãy thức, mẫn cảm với tiếng động, dù rất nhẹ cũng tỉnh dậy.
  5. Ði vào giấc ngủ khó khăn, có khi nằm mắt mở thao láo cả mấy tiếng đồng hồ.
  6. Thời gian nằm trên giường nhiều hơn để cố gắng ngủ bù số giờ thiếu ngủ ban đêm.
  7. Hay dậy sớm.
  8. Thường hay ngủ ngày hoặc ngủ giữa trưa.

Ở tuổi cao, giấc ngủ còn bị thay đổi, xáo trộn vì những lý do khác, như:

  1. Hay có những chứng bệnh như đau nhức phong thấp, tiêu hóa kém hay đầy bụng, hay đái đêm, khó thở do bị bệnh tim, bệnh phổi làm gián đoạn giấc ngủ.
  2. Dễ bị ảnh hưởng bởi những ưu tư, sầu muộn lo sợ trước thực tế là sức khỏe suy yếu dần và nghĩ tới ngày ra đi từ từ đến. Cho nên hay trăn trở, khó ngủ.

Trên đây là những thay đổi bình thường về sự ngủ của tuổi cao, nhất là khi ít vận động. Kinh nghiệm cho thấy, sự vận động nhẹ làm ta ngủ ngon hơn, ngủ say hơn. Cho nên muốn tránh bị xáo trộn giấc ngủ, nên cho cơ thể vận động tùy theo khả năng mỗi người, như đi bộ hay làm vườn chẳng hạn.

Nói đến ngủ ban đêm mà không nhắc tới giấc ngủ trưa, ngủ chợp mắt ban ngày, thì thật là một thiếu sót. Nhớ lại khi xưa, các ông Thông, ông Phán, công tư chức, cũng như bác thợ cầy, cô thợ cấy ở quê ta, trưa trưa sau bữa cơm đều làm một “giấc ngủ trưa hè ”. Rồi chiều làm việc tiếp. Thật là sảng khoái, tỉnh táo. Mà chẳng cứ gì dân ta, nhiều dân tộc khác cũng coi trọng giấc ngủ trưa. Ngay súc vật như con trâu con bò cũng ngủ trưa, nhất là khi trời nóng bức. Chỉ riêng một số quốc gia tân tiến kỹ nghệ, vì nhu cầu sản xuất, lao động mà bỏ ngủ trưa.

Về phương diện khoa học, một giấc ngủ trưa ngắn giúp ta tỉnh táo, cơ thể tăng hiệu năng, tiêu hóa tốt. Bác sĩ Claudio Stampi, Boston, có ý kiến là nếu quý vị thiếu ngủ thì giấc ngủ chợp mắt là cách để bù đắp vào phần thiếu đó, vì liều thuốc công hiệu và giản dị cho buồn ngủ là ngủ. Ngủ ngắn hạn này là một cách để nạp lại bình điện. Cho nên, thay vào việc uống vài ly cà phê cho tỉnh ngủ, ta nên kiếm một chỗ yên tịnh, bỏ giầy, nới cổ áo, gác chân lên bàn nhắm mắt, hít thở vài hơi và thư giãn tâm thần trong mươi mười lăm phút để lấy lại sức thì hợp lý và ích lợi hơn.

NYD