Biết rồi, khổ lắm, nói mãi…
Số Đỏ- VTP
Ngày 31 tháng 1, 2018, Võ Trọng Nam, phó Giám đốc Sở Văn Hóa và Du Lịch Saigon đã xác nhận, sau Tuấn Vũ và Thanh Tuyền, sáu ca sĩ từ hải ngoại gồm Gia Huy, Mạnh Ðình, Quang Minh, Hồng Ðào, Hoàng Anh Thư và Hà Thanh Xuân đã bị đưa vào danh sách đề nghị cấm trình diễn tại Việt Nam. Cái tội cần trừng phạt này không phải là cái tội “tuyên truyền, kích động biểu tình nhằm chống phá, lật đổ chính quyền nhân dân,” thường nhắm vào các thành phần chống đối, mà đã được lên án là “có hành vi chống đối, bêu xấu Việt Nam, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà nước Việt Nam!”
Không lẽ Trung Tâm Asia ở hải ngoại lại có ảnh hưởng lớn lao đến quần chúng đến đỗi CSVN phải lo sợ ngăn ngừa như thế sao? Cũng vì thế mà nhiều ca sĩ chấp nhận ra đi tìm đến trung tâm khác để còn có cơ hội về Việt Nam kiếm ăn.
Ðã trình diễn dưới bảng hiệu Asia thì sẽ không được phép về Việt Nam trình diễn, vậy mà bao nhiêu ca sĩ trong nước đã đứng hát dưới “phông-màn” Hồ Chí Minh trong các lễ hội “mừng đảng quang vinh,” “kỷ niệm chiến thắng 30/4,” “sinh nhật bác Hồ” thì lại được đón nhận trên các sân khấu hải ngoại. Một số ca sĩ trong nước mang danh tỵ nạn hay theo ở lại theo diện hôn nhân, nay đã có quốc tịch, có hai nơi cư ngụ, hai nơi làm ăn, không còn ranh giới, khi “dơi” khi “chuột,” khi đỏ khi vàng, đi đi về về lâu nay thì đã sao? Có ca sĩ ngày xưa mặc áo cờ vàng, ngày nay cũng muối mặt trở về Việt Nam, hát rong từ Nam ra Bắc; có ca sĩ về Việt Nam mặc áo đỏ sao vàng, trở lại Mỹ vẫn hát ca, có sao đâu!
Theo Blog “Thế Giới Nghệ Sĩ” Saigon, thù lao của ca sĩ Việt Nam qua Mỹ khoảng $3,000 nhưng số tiền này không lớn. Ở trong nước, thù lao khoảng $600, nhưng ca sĩ có thể “chạy show” ba nơi một đêm, vào mùa lễ Tết, có khi chạy từ 5 đến 7 shows khác nhau, thậm chí có thể lên đến trên 10 show một đêm, liên tục 7 ngày. Trái lại ở hải ngoại, một tuần chỉ có thể trình diễn được hai xuất.
Trình diễn ở Mỹ chỉ để “lấy tiếng,” đi Mỹ trở về, ca sĩ có lý do để nâng tiền thù lao của mình lên cao hơn chút nữa. “Chỉ cần đi Mỹ một chuyến, về dúi cho mấy anh ký giả các tờ báo văn nghệ mỗi người vài trăm ngàn, họ viết bài lăng xê mình được mời đi Mỹ trình diễn, em có đủ lý do đòi tăng tiền cát xê với bầu show.”
Các ca sĩ ở Mỹ quả thật có nhu cầu về nước trình diễn. Ở Mỹ bây giờ không ai còn muốn nghe Giao Linh, Thái Châu hay Chế Linh…, nhưng ở Việt Nam, qua thời gian bao cấp, bo bo, khoai sắn, đây là thời điểm “ăn nên làm ra” của cán bộ và dân buôn, cả nước khát khao những giọng hát của miền Nam thời xưa, ca tụng tình ái, quê hương thay vì những bài hành quân hay nhạc thời kháng chiến chống Mỹ, khét rẹt máu và lửa.
Phong trào Bolero phải chăng là một thắng lợi văn hoá lớn, và đã đến lúc Bắc Việt phải công nhận những giá trị của văn hoá miền Nam. Ðứng trên quan điểm này một cách tích cực, thì nhiều ý kiến, cho chuyện Khánh Ly về hát nhạc Trịnh Công Sơn, hay Chế Linh, Giao Linh thành công với những buổi chuyên trị “bolero” cũng là một thắng lợi của văn hoá miền Nam trước năm 1975.
Hải ngoại này không có chính phủ, không có đường lối chính trị, các tổ chức cộng đồng qua bầu cử không còn đủ uy tín để lãnh đạo hay hướng dẫn quần chúng, mà quần chúng thì dễ dãi hời hợt. Cứ nhìn đám khán giả đi gội đầu, chải tóc, son phấn để được ngồi hàng ghế đầu mỗi khi có Ðàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên từ trong nước sang, trong khi bên ngoài, giữa trời lạnh, hằng trăm người biểu tình phản đối, hò hét…
Nhưng liệu chúng ta, người tị nạn, có chấp nhận cho một Mỹ Huyền đã trình diễn trong chương trình “mừng chiến thắng Mậu Thân” do đài truyền hình Vĩnh Long tổ chức, trong lúc cộng đồng hải ngoại đang có những buổi lễ tưởng niệm nạn nhân của vụ thảm sát Mậu Thân, hay thậm chí có người đưa chuyện bố Mỹ Huyền là dân xứ Huế, nơi đã xảy ra tang tóc năm 1968.
Nhiều người nêu ra trường hợp con các sĩ quan VNCH, sang Mỹ theo diện H.O., mà cha đã trải qua những ngày gian khổ trong lao tù như trường hợp ca sĩ Nguyên Khang, nhất là ca sĩ Diễm Liên đã từng tham gia các chương trình hướng về quê hương, với những ca khúc bốc lửa, đánh động lòng người, đều đáng ca ngợi. Nhưng cũng có trường hợp của Như Quỳnh sang Mỹ theo diện H.O., con của một Ðại Uý ANQÐ từng là tù “cải tạo” hay như NC Kỳ Duyên, con của một Thiếu Tướng KQ thì sao? Ðể giữ lời nói và tấm lòng trước sau như một rất khó. Cộng đồng hải ngoại dùng chữ “quay lưng” là còn nhẹ, có ca sĩ thề thốt không lẽ “nhổ nước bọt vào cộng đồng” để muối mặt về nước ca hát, nhưng cuối cùng cũng trở về. Có ca sĩ lại lên án những ai không trở về, hay phản đối chuyện về, đều không phải là… người! Quả thật, “làm người” như quý cô khó thật!
Những chuyện này chẳng đánh thức được lương tâm hay ý thức của ai, nếu đồng đô la mới muôn đời vẫn còn thơm mùi mực in.
Chúng ta có khẩu hiệu, có biểu tình, nhưng không có “sức mạnh cộng đồng!” Mỗi lần Ðàm Vĩnh Hưng từ Việt Nam sang trình diễn ở đâu đó, chúng ta hội họp, giăng biểu ngữ, hô khẩu hiệu…, nhưng cũng là người tị nạn, dù là đi thuyền hay đi máy bay, thì một lớp ngoài chịu lạnh phất cờ biểu tình, trong khi có một lớp trong mua vé ngồi trong rạp sưởi ấm, để vỗ tay cổ vũ hoan hô! Tình hình trao đổi “của lạ” lâu nay hình như vẫn chưa chấm dứt! Hiện tượng này đã diễn ra ở Sydney (Úc,) Toronto (Canada,) Nam Bắc Cali… đã hơn một lần, và cuối cùng đâu cũng vào đó!
Trở lại câu chuyện ở đầu bài, trong nước có chính phủ, có chính quyền, chúng có quyền cấm, thậm chí là răn đe, bắt bớ. Ngoài nước chúng ta không tẩy chay, không cấm là chịu nhục. Những tổ chức cộng đồng nói không ai nghe, vì thậm chí một chủ tịch mới đắc cử ở Nam Cali, thường mang cà vạt cờ vàng trong các buổi sinh hoạt kiếm phiếu, đã có lần cởi bỏ cà vạt để ngồi chung bàn với Lãnh Sự VC tại San Francisco trong một buổi tiếp tân.
Vậy thì câu chuyện ca sĩ “bên nớ, bên ni” còn dài, không có hồi kết cuộc!
HP