Cha mẹ Tân mất vì bị trúng đạn trên đường chạy loạn năm bảy lăm, bấy giờ Tân mới vài tháng tuổi. Ngay lúc đó bà ôm Tân lăn vào bụi rậm, thoát chết.
Bà bế cháu lần mò về quê, rồi phải đi kinh tế mới, chân cứng đá mềm, bà một mình cày xới nuôi Tân khôn lớn.
Năm tháng qua đi, hai bà cháu được người dì của Tân bảo lãnh sang Mỹ. Ðất khách quê người, một bà một cháu vẫn sớm hôm hủ hỉ, nương tựa nhau.
Mỗi chiều, khi từ chỗ làm về nhà, Tân đến bên bà, ôm ngang lưng bà, giọng giả vờ nhõng nhẽo:
– Bà ơi, hôm nay bà có gì kể cháu nghe không? Sao mà cháu cứ thích những câu chuyện của bà thế nhỉ. Bà kể chuyện cứ hay hay là.
Bà cười, nét cười tỏa sáng yêu thương:
– Ơ thằng nầy khéo nịnh bà nhỉ. À, sáng nay chị Liễu tới thăm bà. Bà pha trà mời chị. Chị cứ tấm tắc khen trà sao mà thơm thế. Trà sao mà ngọt thế. Vị ngọt hậu sao mà cứ đọng ở cổ họng thế. Chị ấy chu đáo lắm cháu à, vừa giúp bà nấu ăn, vừa nói chuyện với bà. Chị nói chuyện rất có duyên. Chị ấy cũng bảo thích nghe bà kể chuyện. Ðến xế trưa thì chị ấy về, bảo để cho bà nghỉ. Tiếc thật! Phải chi chị ấy còn trẻ.
Thật ra việc chị Liễu đến nhà vài lần trong tuần là do Tân sắp xếp, để giúp bà việc vặt, và việc chính là trò chuyện, bầu bạn với bà.
Biết bà rất thích nói và hiểu đó là nhu cầu của bà nên Tân hay gợi chuyện ngày xưa của bà. Thế là như bắt trúng đài, bà say sưa kể. Chuyện ngày xưa của bà thì Tân đã thuộc lòng từ lâu, thuộc cả cách bà đằng hắng, cách bắt đầu trước một sự việc nào đó. Chuyện bà cùng đại gia đình trên chuyến tàu di cư từ Bắc vào Nam. Chuyện gia đình bị tịch thu hết tài sản vì là địa chủ. Chuyện bà gặp ông trên chuyến tàu di cư đó. Bà kể vanh vách, như thuộc lòng, và dĩ nhiên Tân cũng thuộc lòng luôn. Nhưng Tân cứ giả vờ như mới nghe lần đầu, giả vờ hỏi bà vài câu cho bà hứng thú tiếp tục câu chuyện.
Rồi lần nào cũng vậy, khi kể xong, bà hỏi:
– Thế mầy tính bao giờ mới lấy vợ hả thằng nhãi ranh kia?
“Thằng nhãi ranh” Tân luôn cười giòn tan:
– Dạ cháu tính sang năm. Cô ấy đang học năm cuối, khi cô ấy ra trường, kiếm được việc, bà sẽ cưới cô ấy cho cháu bà nhé.
– Ừ! Tính lè lẹ đi cháu. Ðể bà yên lòng.
Mỗi lần nhắc chuyện “cho bà mượn lỗ tai” Tân vẫn nói lời cám ơn tôi, vì có lần, cách đây chừng mười năm, tôi kể Tân nghe chuyện xảy ra ở chỗ làm của tôi. Rằng hôm đó có một cô đến gởi tiền về Việt Nam, kèm lời nhắn: “Chị gởi em hai trăm đô. Một trăm cho em, một trăm em mua thẻ điện thoại để gọi qua nói chuyện với mẹ. Chị đi làm suốt, mẹ ở nhà một mình buồn lắm”.
KC